Kiên nhẫn không có nghĩa là lùi bước, nhưng là đối thoại với những giới hạn

Chúng ta xin Chúa ban cho ơn kiên nhẫn, nhất là cho những ai đang chịu khó khăn thử thách trên bước đường đời, với những gánh nặng chồng chất trên vai. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Kiên nhẫn không phải là lùi bước, cũng không phải là thất bại

Thánh Giacobe Tông đồ nói rằng: đức tin của chúng ta khi được thử thách, sẽ rèn luyện đức kiên nhẫn. Nhưng làm thế nào để kiên nhẫn trong cuộc sống với biết bao thử thách? Chắc chắn là không dễ hiểu chút nào. Thái độ dễ nhất khi đối diện với thử thách chính là bỏ cuộc, là dừng lại. Nhưng không, kiên nhẫn là nhân đức của những người đang tiếp tục hành trình, của những người không dừng lại, không khép kín.

Khi tiến bước trên hành trình, con đường không phải lúc nào cũng thuận tiện. Đối với tôi, đức kiên nhẫn dạy tôi rất nhiều trong bước đường đời. Nào là sự kiên nhẫn của cha mẹ khi con cái ốm đau bệnh tật, khi sinh ra những người con ốm đau. Các bậc cha mẹ ấy đã thốt lên: Tạ ơn Chúa vì đứa con của chúng con vẫn còn sống! Và như thế, người cha người mẹ ấy nuôi dưỡng bảo bọc đứa con với tình yêu mến, cho đến tận cùng. Không hề dễ dàng chút nào khi cưu mang người con khuyết tật, người con đau ốm từ năm này qua năm khác. Thế nhưng, niềm vui có một người con, đã mang lại cho người cha người mẹ sức mạnh để dưỡng nuôi con cái. Và kiên nhẫn là như thế, là không bỏ cuộc. Kiên nhẫn là nhân đức của những người không ngừng tiến bước.

Thiếu kiên nhẫn là do không biết đón nhận giới hạn bản thân

Kiên nhẫn có nghĩa là gì? Kiên nhẫn có nghĩa là mang lấy trách nhiệm, không có nghĩa là gạt đi những khổ đau, nhưng có nghĩa là mang lấy những cơ cực ấy cùng với niềm vui như Thánh Giacobe nói.

Kiên nhẫn có nghĩa là mang lấy trách nhiệm, không có nghĩa là đẩy trách nhiệm cho người khác, không có nghĩa là đổ lỗi cho người khác. Không, không phải thế. Kiên nhẫn là mang lấy trách nhiệm. Đây là khó khăn của tôi. Đây là vấn đề của tôi. Chúng có làm cho tôi đau khổ không? Có chứ, chắc chắn là có! Nhưng tôi sẵn sàng lãnh lấy điều ấy. Kiên nhẫn cũng có nghĩa là khôn ngoan đối thoại với chính những giới hạn của bản thân. Có rất nhiều giới hạn trong cuộc sống, nhưng người thiếu kiên nhẫn thì không muốn chấp nhận những điều ấy. Họ muốn gạt chúng sang một bên, vì họ không biết cách đối thoại với những giới hạn. Có người thì tưởng tượng về sự toàn năng hoặc về sự lười biếng…

Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa có nghĩa là đồng hành và đợi chờ

Sự kiên nhẫn mà thánh Giacobe nói, không phải chỉ là lời khuyên dành cho các Kitô hữu. Vì nếu chúng ta nhìn vào lịch sử cứu độ, chúng ta sẽ thấy sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, Cha chúng ta. Ngài đã phải kiên nhẫn đến mức nào, mỗi khi dân chúng đi thờ thần tượng này nọ hoặc mỗi khi lòng tin của dân chúng ngả nghiêng. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa Cha dành cho từng người chúng ta, đồng hành với chúng ta, đợi chờ chúng ta. Thiên Chúa cũng mời gọi Con Một của Ngài đi vào sự kiên nhẫn, để có thể thực thi sứ mạng, để có thể tự hiến chính Mình trong cuộc Thương Khó.

Giờ đây chúng ta nghĩ tới các anh chị em Kitô hữu đang bị bách hại tại Trung Đông. Họ phải sống sự kiên nhẫn giống như Chúa đã sống. Với ý chỉ ấy, hôm nay chúng ta có thể cầu nguyện rằng: Lạy Chúa, xin ban cho dân Chúa ơn kiên nhẫn, để có thể mang lấy những thử thách. Hãy cầu nguyện cho chính bản thân mình. Biết bao lần chúng ta thiếu kiên nhẫn: khi có điều gì đó sai sai, chúng ta tức giận la mắng… Nhưng, hãy dừng lại một chút, hãy nghĩ đến sự kiên nhẫn của Thiên Chúa Cha, hãy đi vào sự kiên nhẫn cùng với Chúa Giêsu. Kiên nhẫn là một nhân đức thật là đẹp. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho ơn kiên nhẫn!  

Tứ Quyết SJ
Truyền Thông Vatican 12.02.2018

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Niềm hy vọng cũng dành cho bạn!

  Thứ Ba ngày 24/12/2024, sau khi mở Cửa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *