Làm sao biết chắc là Đức Giêsu đã sống lại?

12899999_1128783133798476_1288651803_nNiềm tin Kitô giáo xuất phát từ một con người tên là Giêsu. Kinh Thánh thuật lại rằng Ngài đã bị quân Rôma hành hình bằng cách đóng đinh vào thập giá. Ngài đã chết. Cái chết của Ngài đã mang đến nỗi đau buồn cũng như thất vọng cho nhiều người vì họ không thể tin rằng một con người vừa tốt lành, vừa quyền năng như Ngài lại phải chết theo một cách thức nhục nhã như thế. Tuy nhiên, chính Kinh Thánh cũng cho biết là Ngài đã phục sinh từ cõi chết. Sự phục sinh của Ngài đã làm dấy lên không biết bao nhiêu điều lạ lẫm, mà cho đến nay, đã hơn hai ngàn năm trôi qua, người ta vẫn còn đặt câu hỏi về nó.

Phục sinh là gì? Chẳng ai trong chúng ta có kinh nghiệm phục sinh giống như Đức Giêsu cả. Có thể có nhiều người chết lâm sàng, rồi sống lại. Cũng có những người đã chết thật rồi sống lại (như Ladaro hay con trai bà goá thành Nain mà Tin Mừng nói đến). Nhưng việc sống lại này không phải là phục sinh, vì chính những người này sẽ phải chết thật một lần nữa, thân xác họ sẽ bị chôn vùi và mục rửa, khi tuổi đời chấm dứt. Còn với Đức Giêsu, Ngài đã đi vào một sự sống mới, không bao giờ phải chết nữa, thân xác Ngài cũng không bị huỷ hoại. Ngài vẫn là Ngài nhưng Ngài không còn giống như Ngài trước kia. Chính sự phục sinh này của Ngài đã là niềm hy vọng lớn lao của con người, và niềm hy vọng này đã giúp khai sinh Ki-tô giáo.

Tạm thời không bàn đến chuyện đức tin, nhiều người đã đặt vấn đề là liệu Đức Giêsu có phục sinh theo kiểu mà chúng ta vừa nói thật không. Một bằng chứng rõ ràng và thuyết phục nhất (dù chưa đầy đủ) chứng minh cho chuyện Ngài đã sống lại là việc người ta không thể tìm thấy được xác của Ngài. Tất cả mọi vĩ nhân trên thế giới này đều đã chết và thân xác của họ vẫn còn được xác định. Còn Đức Giêsu thì không. Các môn đệ sẽ không thể bịa chuyện rằng Đức Giêsu đã phục sinh và hiện ra với mình vì chỉ cần lính Rôma trưng dẫn cái xác là mọi chuyện sẽ được giải quyết.

Nhưng biết đâu các môn đệ đã đánh cắp cái xác thì sao? Điều này càng khó có thể xảy ra hơn nữa. Khi Đức Giêsu bị bắt và hành hình, ai trong các ông cũng sợ đến nỗi bỏ chạy. Phêrô còn không dám thừa nhận rằng mình có quan hệ với ông Giêsu. Ngay cả sau đó, các ông vẫn còn nhốt mình trong phòng vì sợ thì làm sao dám cả gan đi đánh cắp xác Thầy tại một ngôi mộ có lính La Mã được trang bị vũ khí canh giữ. Ngoài ra, chúng ta cũng không tìm thấy lý do gì để các ông phải liều mạng làm chuyện này. Các ông không thể tự dưng đi đánh cắp cái xác, giấu một nơi không ai biết, rồi bịa chuyện Thầy Giêsu sống lại, sau đó chịu chết vì câu chuyện tưởng tượng ấy: người thì bị chặt đầu, người thì bị đóng đi, người thì bị tùng xẻo… Hơn nữa, nếu đây là một âm mưu tập thể thì chỉ cần một người trong số họ khai ra sự thật thì kế hoạch sẽ vỡ tan tành. Các ông lại là những ngư phủ thất học, làm sao có thể nghĩ đến và bịa ra một câu chuyện về sự phục sinh mà đến nay chúng ta còn không biết nó là cái gì. Vả lại, nếu các ông bịa chuyện thì không nên đưa phụ nữ vào vì thời đó chẳng ai tin lời một phụ nữ. Ngoài ra, các ông cũng không thể bịa chuyện Đức Giêsu hiện ra với mình vì Đức Giêsu không chỉ hiện ra với các ông mà còn với nhiều người khác, trong đó có một người rất thù ghét Kitô giáo là Phaolo. Chính Phaolo đã dành trọn cuộc đời còn lại của mình để làm chứng về sự phục sinh của Đức Giêsu. Thậm chí, ông đã chết vì sự thật ấy. Những bằng chứng này cho thấy, các môn đệ không thể đánh cắp xác chết của Đức Giêsu rồi bịa chuyện được.

Có thể có trường hợp Đức Giêsu đã không chết, ngài chỉ ngất đi, hoặc chết lâm sàng thôi, rồi sau khi được đưa xuống thập giá vào đem vào mộ, Ngài đã tỉnh lại và bỏ trốn? Nghĩ như vậy có được không? Giả thuyết này cũng không vững, vì có nhiều bằng chứng cho thấy Đức Giêsu đã chết thật. Theo luật, lính La Mã phải kiểm tra rất kỹ rằng tử tù phải chết rồi thì mới cho tháo xuống khỏi thập giá, còn không thì phải đập dập ống chân tử tù để hắn ta không thể bỏ trốn. Việc Đức Giêsu không bị đập dập ống chân (Ga 19,31-33) cho thấy lính La Mã xác nhận rằng Ngài đã chết. Lính La Mã sẽ phải lãnh cái chết nếu không kiểm tra cẩn thận. Như thế, hẳn là anh lính này phải rất cẩn trọng. Gioan cũng thấy máu và nước chảy ra từ cạnh sườn (Ga 19,34-35), điều này cho thấy phổi của Ngài đã bị ép và không thể hoạt động được nữa. Giả như đến đây Ngài vẫn chưa chết thì Ngài cũng không thể thở được khi bị những tấm vải liệm quấn lấy từ đầu đến chân và bị đặt trong một khe đá kín (Ga 19,38-42). Hơn nữa, một thân xác tàn tạ sau khi bị đánh đập và đóng đinh như thế thì sao có thể đẩy nỗi tảng đá lớn lấp mộ mà không bị lính La Mã đứng canh phát hiện. Giả như Ngài có làm được thì Ngài đã đi đâu, làm gì? Tại sao không ai thấy? Và quan trọng hơn nữa, một con người sống dở chết dở, thân bại danh liệt như thế, vốn dĩ đã làm cho các môn đệ thất vọng tràn trề, làm sao có thể khiến bao nhiêu người sẵn sàng bịa chuyện rồi chết vì mình với một sự can đảm và khảng khái như vậy. Bởi vậy, giả thuyết cho rằng Đức Giêsu không chết hoặc chỉ chết lâm sàng không đáng tin.

Một chứng cứ rất hùng hồn để chứng minh cho sự phục sinh của Đức Giêsu chính là những lần Ngài hiện ra, cùng ăn uống, trò chuyện, chia sẻ, giảng dạy và ban thêm sức mạnh cho các ông. Chỉ có thể là Đấng Phục Sinh mới khiến cho các ông mở toang cánh cửa sợ sệt để hiên ngang ra ngoài trước đám đông mà giảng dạy. Chỉ có thể là sức mạnh của Đấng Phục Sinh mới có thể giúp các ông được biến đổi từ trong ra ngoài: các ông có thể nói được nhiều ngôn ngữ, có thể làm các phép lạ, có thể mạnh dạn đối chất với các nhà cầm quyền, có thể có những lời nói làm say mê lòng người, cuốn hút họ và trao ban cho họ niềm tin. Trải qua hơn hai ngàn năm, đức tin này ngày càng được chứng thực bởi nhiều vị thánh, những người được ơn đụng chạm và cảm nghiệm nó trong một tương quan sâu sắc với Chúa. Và nhờ đó, nó vẫn trường tồn và thêm vững mạnh. Tất cả những điều tuyệt vời này không thể đến từ một câu chuyện huyền hoặc do một số người thất học bịa ra hay từ một cái xác không còn hình thù nằm trong nấm mồ hay một người giả vờ chết rồi sau đó trốn chui trốn nhũi. Nó chỉ có thể đến từ một Đấng đã phục sinh thật sự, đã đi vào trong sự sống vĩnh cữu của Thiên Chúa.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Đổi mới giáo dục Công giáo tại Học viện Thánh Augustinô

  Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài trong Tin …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *