Hỏi: Xin cho con hỏi, tại sao lại có nhiều tôn giáo cùng tồn tại đến như vậy, và giữa rất nhiều tôn giáo (Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ gì đó cũng tự xưng là tôn giáo), làm sao chúng ta biết đâu là tôn giáo thật? Trước hàng loạt những vấn đề nhức nhối liên quan đến tôn giáo hiện nay, cha/thầy có suy nghĩ gì không? Con xin cảm ơn.
Chào bạn,
Những nghiên cứu của lịch sử cho chúng ta biết rằng từ rất lâu, khi con người vừa xuất hiện, thì tôn giáo cũng đã ra đời. Ban đầu, có thể do hoàn cảnh tác động. Người xưa thấy mình quá nhỏ bé trước các sức mạnh của tự nhiên nên tự phong thần cho chúng (thần mây, thần mưa…). Nhưng khi trình độ hiểu biết của con người đã đạt đến những đỉnh cao vượt bậc, tôn giáo vẫn cứ tồn tại, và thể hiện ở một mức độ cao sâu hơn. Có không ít những nhà bác học, nghiên cứu khoa học đại tài là những người theo tôn giáo. Điều đó cho thấy, sự hiện diện của tôn giáo phản ánh một trực giác thiêng liêng của con người. Nó là cái ở bên trong con người bộc phát ra, chứ không phải bị áp đặt từ bên ngoài. Con người và niềm tin luôn đi đôi với nhau. Chẳng ai sống mà có thể không tin cái gì đó, kể cả những người tự xưng là vô thần.
Các nhà tâm lý học cũng đồng ý với nhau rằng nhu cầu tâm linh là một trong những nhu cầu của con người, và chính nó cũng là một trong những yếu tố làm cho con người khác với các giống loài khác. Trong tất cả các sinh linh hiện diện trên đời này, chỉ có con người là có tôn giáo. Hay nói cách khác, chỉ con người là có trực giác về một thế giới khác, vô hình, cao hơn mình, huyền nhiệm hơn mình, cái mà mình không thể chạm sờ trực tiếp bằng vật chất đơn thuần. Con người là loài duy nhất có thể tương tác với sự huyền bí thâm sâu vượt ra ngoài thế giới hữu hình. Bởi tôn giáo vốn dĩ gắn liền với những điều ta không thấy, nên ta vẫn thấy đâu đó những nhóm người giả danh tôn giáo, truyền dạy những điều sai lạc, làm ảnh hưởng đến thanh danh của những tôn giáo chân chính, đến cuộc sống của người khác và cũng đồng thời huỷ hoại cuộc sống của chính họ.
Vậy căn cứ vào đâu mà chúng ta có thể phân biệt giữa tôn giáo chân chính và tôn giáo giả tạo? Sẽ có nhiều tiêu chí, nhưng chắc là nhiều người sẽ đồng ý với ba điểm này. Trước hết, một tôn giáo chân chính sẽ có một nền tảng giáo lý vững chắc, có căn cứ, được lý trí kiểm chứng, chứ không bao giờ chủ trương một kiểu giáo lý mơ hồ, sai lạc. Một tôn giáo chân chính không tự mình bịa ra giáo lý, nhưng lãnh nhận nó từ Thần của mình và chia sẻ nó với người khác trên cơ sở tôn trọng tự do của người đó, chứ không ép buộc họ phải tin giống mình. Thứ đến, giáo lý đó, dù có thể có nhiều điểm huyền nhiệm khiến mình chưa thể hiểu hết, nhưng chắc chắn nó không bao giờ huỷ hoại cuộc sống hiện tại của tín hữu. Nó dạy người ta yêu thương nhau, phục vụ nhau, nối kết người ta với nhau trong tình thân ái, chứ không bao giờ gây chia rẽ hay thúc đẩy người ta đến chỗ đi ngược lại với luân thường đạo lý hay truyền thống tốt đẹp. Cuối cùng, tôn giáo chân chính sẽ sinh ra những chứng tá sống động và tốt đẹp cho đời. Từ tôn giáo ấy, sẽ xuất hiện những con người với lối sống khiến người đời phải cảm phục vì những nhân đức anh hùng của họ. Đó là những con người đã sống giới luật yêu thương đến mức độ trỗi vượt, họ làm được những điều cao cả, phi thường qua cung cách hành xử và cuộc sống của họ luôn toát lên một niềm vui tự tâm, đồng thời cũng lan truyền nó đến cho người khác.
Trong thời gian gần đây, Giáo Hội và xã hội Việt Nam đối diện với nhiều cuộc tấn công, từ sức lan tràn gây biết bao thương tổn của cái gọi là Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, đến những tranh chấp đất đai tôn giáo, rồi cả những hoạt động nghệ thuật bị cho là xúc phạm đến tín ngưỡng của tín hữu Kitô giáo. Đây là điều chẳng ai mong muốn. Nhưng nếu nhìn một cách tích cực, ta có thể nói rằng cứ mỗi lần có biến động gì đó liên quan đến tôn giáo của mình, chúng ta lại được mời gọi để đọc lại đức tin của bản thân, xem mình đã sống đúng như những gì mình tin chưa. Lên tiếng (trong tinh thần đối thoại và tôn trọng nhau, chứ không phải chửi bới) để giúp người không hiểu biết chấn chỉnh lại hành vi không đúng của mình là điều cần thiết, nhưng ở một phương diện nào đó, chính nó cũng giúp ta soi lại mình. Chúng ta không thích người khác xúc phạm đến Thiên Chúa, còn mình, mình đã có thái độ đúng dành cho Thiên Chúa của mình chưa? Người ta đem biểu tượng Thánh Giá của mình ra bỡn cợt, còn mình, mình có hiểu và sống ý nghĩa của Thánh Giá Chúa trong cuộc đời mình chưa? …
Những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải giúp người Kitô hữu nhận ra rằng mình cần sống đức tin của mình một cách sâu sắc hơn, chứ không chỉ ở bề mặt. Đi lễ, đọc kinh, lần chuỗi… là cần thiết nhưng nó phải giúp mình đi vào tương quan gắn kết với Chúa, đưa mình đến gần Chúa, từ đó mình được biến đổi để mỗi ngày nên giống Chúa hơn. Việc giữ đạo phải giúp chúng ta có con tim mềm mại hơn, biết yêu nhiều hơn, đối đãi tốt với người khác hơn. Nếu không, nó chỉ là những điều vô ích. Vì tôn giáo là một nhu cầu thiết yếu và không thể xoá bỏ, nên dù nó có bị đàn áp thế nào, nó vẫn sẽ tiếp tục tồn tại như lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy. Những tôn giáo không chân chính ắt sẽ sớm bị diệt vong, vì nó không tìm thấy đất sống cho mình. Còn nếu mỗi người Kitô hữu có thể hiểu và sống được giáo lý tốt đẹp mà Đức Giêsu đã truyền lại thì tính chân chính là của tôn giáo mình sẽ được củng cố và thừa nhận nhiều hơn. Người khác nhìn vào sẽ được thu hút và muốn noi theo. Thiết tưởng rằng đây là một hành vi truyền giáo hữu hiệu và tuyệt vời nhất, và cũng là điều mà Đức Giêsu đã truyền dạy chúng ta phải làm trước khi Ngài về trời.
Thân ái,
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ