Ngày 04/10/2023 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông Huấn Laudate Deum (Hãy Ngợi Khen Thiên Chúa). Đây là một Tông Huấn tiếp theo về hệ sinh thái, triển khai những gì ngài đã đề cập trong Thông điệp Laudato Si’ (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung Của Chúng Ta), được ban hành tám năm trước. Việc ban hành Tông Thư Laudate Deum vào ngày lễ thánh Phanxicô Assisi không chỉ tương ứng với việc kết thúc Mùa Sáng Tạo, mà còn là thời điểm thích hợp để bắt đầu Thượng Hội Đồng kéo dài một tháng về Hiệp Hành.
Những phản ứng với lời kêu gọi chăm sóc ngôi nhà chung là chưa đủ
Trong tài liệu mới này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng: tám năm sau thông điệp Laudato Si’, “những phản ứng của chúng ta là chưa đủ”. Theo đó, ngài cho thấy những lo lắng thực sự đối với việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta; và tất nhiên, thế giới vẫn tiếp tục phải gánh chịu hậu quả.
Suy tư về vấn đề khí hậu toàn cầu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan không ngừng gia tăng (nắng nóng, hạn hán) là bằng chứng rõ ràng của “căn bệnh làm thinh đang ảnh hưởng đến mọi người” và ngài kêu gọi mọi người đừng chối bỏ và thờ ơ với điều này. Ngài nhận định rằng người ta không còn có thể chối bỏ những nguyên do thuần “nhân loại” của biến đổi khí hậu nữa; rõ ràng là hiện tượng “hiệu ứng nhà kính trong khí quyển”, vốn ổn định cho đến thế kỷ XIX, đã tăng lên cùng với sự phát triển công nghiệp trong suốt 50 năm qua. Hơn nữa, nửa thế kỷ gần đây, nhân loại đã chứng kiến sự gia tăng nhiệt độ ở mức bất thường nhất, cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong 2000 năm qua.
Tái suy xét về mô hình kỹ trị và sự phát triển đích thực
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng chúng ta không nên thờ ơ trước khả thể của việc chúng ta đang tiến đến “điểm tới hạn”. Ngài cũng khuyến khích chúng ta xem xét một viễn tượng rộng hơn, cho phép chúng ta đánh giá tích cực những điều kỳ diệu của sự phát triển; đồng thời, chú ý đến những tác động có hại đôi khi chưa thể hình dung được trong một thế kỷ qua.
Đức Thánh Cha Phanxicô trở lại vấn đề “mô hình kỹ trị” đằng sau sự suy thoái môi trường hiện tại, mà trước đây ngài đã thảo luận trong Laudato Sì. Ngài cảnh báo rằng “không phải mọi sự gia tăng năng suất đều đại diện cho sự tiến bộ của nhân loại”, nhất là khi người ta dựa vào sự gia tăng năng suất do công nghệ mang lại. Ngài nhấn mạnh “một hệ sinh thái lành mạnh là kết quả của sự tương tác giữa con người và môi trường”. Dưới ánh sáng này, chúng ta phải tái suy xét “vấn đề về sức mạnh và năng suất nhân loại, ý nghĩa và giới hạn của nó”.
Nền chính trị quốc tế yếu kém cần một phương thức hợp tác mới
Một vấn đề khác được Đức Thánh Cha nêu lên trong Tông huấn này là sự yếu kém của nền chính trị quốc tế. Ngài ủng hộ “chủ nghĩa đa phương” như một chiến lược xây dựng các tổ chức thế giới hùng mạnh hơn trong việc cung cấp lợi ích chung toàn cầu, xóa đói nghèo và bảo vệ nhân quyền. Ngài ủng hộ việc tái thiết và tái tạo chủ nghĩa đa phương cũ và nhu cầu suy xét tình hình quốc tế mới. Ngài nhấn mạnh rằng thế giới của chúng ta đã phát triển đa cực và phức tạp đến mức cần phải có một phương thức hợp tác mới.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khảo sát lại các hội nghị về khí hậu trước đây, và nêu bật những thành công cũng như thiếu sót của các hội nghị ấy. Ngài nhận xét rằng một số thỏa thuận của các hội nghị này “chưa được thực hiện tốt” vì thiếu hệ thống giám sát phù hợp, thiếu đánh giá định kỳ và các biện pháp xử phạt. Bên cạnh đó, các hiệp định vẫn đòi hỏi những phương tiện hiệu quả để thực hiện một cách thực tế. Nhìn về tương lai, Đức Thánh Cha hy vọng rằng cuộc họp COP28 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất sẽ giúp gia tăng đáng kể quá trình chuyển đổi năng lượng, với những cam kết hiệu quả và không ngừng giám sát. Ngài muốn COP28 bắt đầu một quá trình mới cách mạnh mẽ, quyết liệt và dựa vào sự cống hiến của mọi người.
Cùng bước trong cuộc hoà giải với ngôi nhà chung của chúng ta
Đức Giáo Hoàng cũng nhắc nhở các tín hữu về những động lực thiêng liêng qua đời sống đức tin. Ngài nhấn mạnh rằng “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra đều rất tốt đẹp” (St 1,31), và vì thế, trách nhiệm đối với “trái đất của Thiên Chúa” nghĩa là tôn trọng quy luật tự nhiên và sự cân bằng mong manh giữa các thụ tạo trên thế giới. Ngài mời gọi mọi người tham gia cùng với ngài trong cuộc hành hương hòa giải với ngôi nhà chung của chúng ta để làm cho ngôi nhà này trở nên tốt đẹp hơn, bởi vì sự dấn thân này “liên quan đến phẩm giá cá nhân và những giá trị cao nhất của nhân loại”. (Jesuits Global 04/10/23)
Chuyển ngữ: Pr. Nguyễn Văn Đương, SJ.