11/07/2011
Lễ thánh Biển Đức
Mt 19, 27-29
1. “Chúng con đã bỏ lại mọi sự…”
– Với một vài khác biệt, cả ba Tin Mừng nhất lãm đều thuật lại câu nói của thánh Phêrô: “Chúng con đây (nghĩa là không như anh thanh niên có nhiều của cải), chúng con đã bỏ lại tất cả và chúng con đi theo Thầy”. Câu nói này của Phêrô, nói nhân danh các môn đệ, và nhân danh cả chúng ta nữa, là những người đang sống đời dâng hiến.
– Khi tường thuật, TM Mc dừng lại đây (Mc 10); TM Lc thêm một chi tiết: “tất cả những gì thuộc về chúng con” (Lc 18), còn TM Mt mà chúng ta vừa nghe, thì thánh Phêrô nói thêm: “vậy chúng con sẽ được gì?” Ba cách tường thuật hơi khác nhau, diễn tả những tâm tình và những kinh nghiệm khác nhau của từng người chúng ta, dù tất cả chúng ta đều thực hiện cùng một quyết định: “bỏ lại tất cả” để “sang bờ bên kia” theo tiếng gọi của Đức Giêsu.
– Câu trả lời của Đức Giêsu có hai phần, phần dành cho 12 tông đồ và phần dành cho tất cả mọi người. Trong phần dành cho tất cả mọi người, Đức Giêsu đều kể ra những gì mà Phêrô và tất cả những ai đi theo Ngài đã từ bỏ: nhà cửa, anh em, chị em, người cha, người mẹ, con cái, ruộng đất. Tất cả tạo nên một hình ảnh hoàn chỉnh và rất đỗi thân thương: căn nhà, tất cả những người ở trong nhà và đất đai chung quanh nhà.
2. Gấp trăm
– Về câu hỏi: “vậy chúng con sẽ được gì?”, câu hỏi này có vẻ hàm chứa sự tính toán, nhưng Đức Giêsu cũng trả lời. Theo TM Mt mà chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu trả lời chung chung và ở thì tương lai: “thì sẽ được gấp bội”. Nhưng theo TM Mc, câu trả lời của Đức Giêsu rất cụ thể và ở thì hiện tại: “Bây giờ, trong thời này, anh em sẽ nhận được gấp trăm; và Ngài kể lại chính xác những gì người môn đệ đã từ bỏ: nhà cửa, anh em, chị em, người mẹ, con cái, ruộng đất.
– Và quả thật, các môn đệ và đến lượt chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, trong hành trình bỏ mọi sự để đi theo Đức Giêsu, mình đã thực sự nhận lại nhà, đất, anh em, chị em, mẹ, con cái gấp trăm. Bởi lẽ, quả thật chúng ta có nhiều nhà, nếu không muốn nói ở đâu cũng là nhà; và ai cũng là người thân của chúng ta, khởi đi từ những chị em hay anh em cùng chia sẻ một ơn gọi. Gấp trăm xảy ra được, bởi vì chúng ta vượt qua tương quan huyết thống và sở hữu, để đi vào tương quan Nước Trời: hiệp thông và chia sẻ.
- Hiệp thông trong tình yêu của Thiên Chúa là Cha, và như thế, mọi người là anh chị em.
- Chia sẻ những gì mình có, và đón nhận những gì mình được chia sẻ.
3. Tái sinh
– Nhưng không thể không có những khó khăn, như mọi người chúng ta, dù lớn hay bé trong ơn gọi, đều có kinh nghiệm. Có khó khăn, và nhất là những hi sinh và nhiều sự chịu đựng, bởi vì đó là kinh nghiệm tái sinh: để đi vào một gia đình mới, vào những tương quan mới, chúng ta phải được sinh ra lại trong Hội Dòng và trong Nước Trời.
– Thế mà cuộc sinh ra nào mà lại không có khó khăn, hi sinh, chịu đựng và nhất là cho đi. Chúng ta không có kinh nghiệm làm mẹ, nhưng tất cả chúng ta đều có mẹ! Và điều đó đủ để chúng ta nhận ra thế nào là sinh ra và thế nào là được sinh ra. Hơn nữa, đó là cuộc tái sinh trong mầu nhiệm Chịu Chết và Sống Lại của Đức Kitô, mầu nhiệm hạt lúa mì và tấm bánh, bị ghiền nát để trở thành sự sống cho nhiều người.
Giuse Nguyễn Văn Lộc