Trong hai sách tin Mừng Mat-thêu và Mac-cô, sau khi Phục Sinh, Chúa Giê-su cũng chẳng dành thời giờ chữa “bệnh ngu” cho các môn đệ.
Tin mừng Mat-thêu kể rằng sau khi phục sinh, Chúa Giê-su đón gặp các phụ nữ đã ra mộ tìm Chúa và nhờ các bà: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ được thấy Thầy ở đó” (28,10).
Sau đó Mt kể tiếp: “Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Chúa Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông…” Mt chẳng kể một lời Chúa quở trách hay một lời để chữa cái “bệnh ngu”, cái yếu kém lòng tin của các ông. Chúa chỉ tuyên bố “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”, rồi lập tức dùng quyền ấy sai các ông đi “làm cho muôn dân thành môn đệ”. Chúa cam đoan : “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Thế là còn hơncả chữa. Từ nay Chúa không rời các ông ra nữa.
Hình ảnh thánh Phê-rô đi trên mặt nước với Chúa Giê-su thật tuyệt vời để diễn tả tình trạng này. Sau khi làm cho bánh hóa nhiều để nuôi đám đông, Chúa truyền các môn đệ chèo thuyền qua bờ bên kia, còn Chúa ở lại trên núi ban đêm. Sóng gió làm các ông hoảng sợ. Gần sáng Chúa đi trên mặt nước đến với các ông. Các ông hốt hoảng tưởng là thấy ma. Chúa lên tiếng trấn an. Ông Phê-rô liền xin: “Nếu quả là Thầy thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Thầy”! Đức Giê-su bảo: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống đi về phía Chúa Giê-su. Nhưng thấy sóng gió, ông hoảng sợ và bắt đầu chìm. Ông kêu cứu, Chúa liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy người và nói: “Qủa thật Ngài là Con Thiên Chúa” (Mt 14,22-33). Chúa đã làm như lời thánh vịnh 18,17: “Từ chốn cao vời, Chúa đưa tay nắm lấy, vớt tôi lên khỏi nước lũ mênh mông”. Cảnh sau này tuyệt vời hơn lúc Phê-rô bước về phía Chúa Giê-su: Chúa Giê-su và Phê-rô, tay trong tay bước đi mặt trên nước…
So với cảnh trên núi: Khi thấy Chúa, các môn đệ bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Chúa chẳng thèm quở trách các ông như đã quở trách thánh Phê-rô và cũng chẳng đợi các ông tuyên xưng. Chính Chúa tự tuyên bố : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”; Chúa cũng chẳng cần cầm tay vị nào mà dắt đi. Chúa sai tất cả ra đi đến với mọi dân tộc và cam kết: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Thế là từ nay các ông hiểu bằng lòng của Chúa, thấy bằng mắt của Chúa, nghe bằng tai của Chúa.
Tin Mừng Mac-cô thì kể một sự đảo lộn rất hài hước. Các phụ nữ ra mồ, được thiên thần nhờ: “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô… Nhưng vừa ra khỏi mồ thì các bà liền chạy trốn… chẳng nói gì với ai!”. Tuy vậy Chúa cũng tìm được một bà chịu đi báo tin: Bà Maria Mac-đa-la. Bà gặp thấy gì? “Các ông đang buồn bã khóc lóc”. Thật là bi hài: các bà thì im lặng, các ông thì buồn bã khóc lóc. “Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.”
Nhờ các bà đi báo tin, mà cũng không xong thì chỉ còn một cách là Chúa phải đích thân đi tìm các môn đệ. “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa.” Mac-cô kể thêm: “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy”.
Lần này lý do quở trách vẫn là “các ông không tin và cứng lòng”, không phải đối với Chúa như hôm ở trên thuyền, nhưng “bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy”. Tình huống này giống như Thiên Chúa quở trách dân It-ra-en vì không chịu nghe lời ngôn sứ Ê-dê-ki-en (x. Ed 3,7): “Quả thật cả nhà It-ra-en mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá”.
Liền sau lời quở trách là lệnh ra đi: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.
Nhưng các ông không đi một mình: “Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”
Chúng ta mỉm cười vì thấy Chúa quở trách các ông lần chót. Nhưng giật mình nghĩ lại thì nhóm Mười Một đã thuộc vào hàng “những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy” và nhờ thế được chữa lành bệnh “cứng lòng”, lại “có Chúa cùng hoạt động với các ông”.