Lửa 38 – Hai cách cầu nguyện!

(mp3) Nghe bài Hai Cách Cầu Nguyện

Bạn trẻ thân mến,

Cầu nguyện là lớn lên trong tình thân mật với Chúa; càng cầu nguyện, thì chúng ta càng trở nên đồng hình đồng dạng với người anh cả Giê-su. Thế mà, trong thực tế, có người càng cầu nguyện, càng xa Chúa, xa anh em. Chuyện này không phải bây giờ mới có, nhưng đã có từ bao thuở rồi. Trong đoạn Tin Mừng Lc 18, 9-14, Chúa Giê-su đưa ra hai mẫu cầu nguyện: một của người pha-ri-sêu và một của người thu thuế. Bạn trẻ chúng ta cùng suy gẫm về lời đánh giá của Chúa Giê-su trước hai cách cầu nguyện: một của người Phariseu, một của người thu thuế, qua đó, chúng ta xin Chúa đồng hành và soi sáng cho người trẻ chúng ta trong chặng đường làm môn đệ biết cách cầu nguyện theo ý Chúa muốn.

Đối với người Pha-ri-sêu trong dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế, để cầu nguyện, ông chọn cách “đứng riêng ra một mình” Đứng riêng ra vì ông nghĩ chỉ mình ông là công chính. Ông nói “vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Ông đứng riêng một mình vì ông sợ sự ô uế của người bên cạnh lây nhiễm vào ông. Lời cầu nguyện của ông đầy những công trạng. Ông “tạ ơn Chúa” vì những việc ông đã làm. Lời ông nói hoàn toàn sự thật, nhưng nguy hại ở chỗ, càng cầu nguyện, ông càng thấy càng thấy mình “không như bao kẻ khác”. Ông tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Ông mang hình ảnh của Adam xưa kia trong vườn địa đàng đã tách mình ra khỏi Eva khi đổ lỗi cho bà. Ngược lại, chính Chúa Giê-su đã lội xuống dòng sông, ôm lấy tội lỗi của thế nhân vào mình. Ngài đã không tách mình ra khỏi đám dân “tham lam, bất chính, ngoại tình”, nên chính Chúa Cha đã tuyên xưng Ngài trước mặt muôn dân “Con là con yêu dấu của ta”. Trong cầu nguyện, thay vì thấy tội lỗi của mình và xin Thiên Chúa đoái thương, ông lại thấy tội lỗi của người anh em, và còn khinh chê người anh em nữa. Ông thật khác xa với bản chất ban đầu khi ông được dựng nên – bản chất nên một với mọi người.

Dường như cầu nguyện đối với ông chỉ là phương tiện, một phương tiện để ông kể công với Thiên Chúa. Càng cầu nguyện, cái “tôi” của ông càng lớn; và càng cầu nguyện, ông càng thấy tội của người khác. Trong cầu nguyện, thay vì tìm Chúa, ông lại tìm những công trạng của ông. Ông đâu có biết, dù công trạng của ông có lớn lao đến đâu, thì ông cũng chỉ là thụ tạo, một thụ tạo cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa để được cứu rỗi. Với cách cầu nguyện như thế, lòng của ông không có chỗ cho tình thương của Chúa ngự vào. Vì thế, chính Chúa tuyên bố, người này, sau khi về nhà, sẽ không được nên công chính, nghĩa là không được biến đổi để nên con cái của Thiên Chúa.

Ngược lại, người thu thuế đến đền thờ, nhưng chỉ dám “đứng đằng xa”. Ông ý thức được thân phận tội lỗi của mình, ý thức được sự bất xứng của ông trước nhan Đấng Cực Thánh. Ông không dám ngước mắt lên trời vì trời là nơi Đấng Cực Thánh ngự. Ông sợ phải đối diện với sự cực thánh ấy vì ông là người tội lỗi. Ông đứng riêng ra vì ông sợ sự ô uế của ông lây nhiễm vào cộng đoàn và làm cộng đoàn trở nên ô uế như ông. Với tâm tình ấy, ông “vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’”.

Dù biết mình không xứng đáng, ông vẫn tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa; và khi ông nài xin,ông tin Thiên Chúađã thương ông và vẫn thương ông. Trong lời cầu nguyện, không thấy ông nhắc đến tội lỗi đã phạm, vì ông tin rằng Thiên Chúa thấu suốt mọi sự. Đến với Chúa, ông vừa thấy sự bất xứng của mình, nhưng ông cũng thấy tình thương của Chúa dành cho ông. Ông không có nhiều công trạng để dựa vào; điểm dựa duy nhất của ông là chính tình thương của Chúa. Chúa nói “người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi”. Được nên công chính, được làm con cái Chúa là món quà cho những ai khiêm nhu tín thác vào tình thương vô biên của Ngài.

Sự háo thắng, cậy dựa vào sức mạnh, khả năng của bản thân là điều thường thấy nơi bạn trẻ chúng ta. Nhưng chính những tài năng ấy lại là quà tặng mà Thiên Chúa vì yêu đã ban tặng cho chúng ta đấy. Dù chúng ta có làm được những chuyện lớn lao, dù chúng con thực hiện nhiều công đức, nhưng, “sự gì sinh ra bởi xác thịt, là xác thịt, sự gì sinh ra bởi Thần Khí, là Thần Khí”, những việc tốt đẹp chúng con làm, chỉ có thể làm chúng ta tốt đẹp hơn thôi, không làm cho chúng con trở nên con của Chúa được. Chỉ có Chúa mới có thể thánh hóa con người chúng ta, làm cho chúng ta trở nên con cái của Ngài. Hãy siêng năng cầu nguyện với Chúa để ngọn Lửa của Ngài trong ta luôn cháy mãi bạn nhé!

RADIO VATICANA

CHUYÊN MỤC: LỬA

PHỤ TRÁCH: Nguyễn Hiền Nhu

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Hành trình Đức tin của ngôi sao bóng rổ Gordon Hayward

Ngôi sao NBA* gia nhập đạo Công giáo vài tháng sau khi giải nghệ. Để …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *