Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, S.J.
Vui lòng chấp nhận sử dụng dịch vụ của Youtube để xem Video này.
Youtube là dịch vụ phát video trực tuyến được cung cấp bởi Google
Trước khi trút hơi thở cuối cùng, trên Thánh Giá Chúa Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Chúa hoàn tất điều gì vậy? Chúa hoàn tất sứ mạng cứu độ nhân loại của Chúa, Đấng có tên là Emmaunuen – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đấng còn được gọi là Giêsu – Thiên Chúa cứu thoát.
Qua việc thực thi ý Cha, và nhờ việc Chúa uống cạn chén đắng và đón nhận cái chết trên Thánh Giá, Chúa Giêsu trở nên Đấng Cứu Thế cho mọi người. Giờ đây, phần việc và sứ vụ của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã hoàn tất. Cuộc đời trần thế của Con Thiên Chúa đã kết thúc, và từ hạt giống được gieo vào lòng đất này sẽ sinh biết bao con người mới, trong đó có bạn và tôi.
Ơn cứu độ của Thiên Chúa được Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta, qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Đó là công trình đã hoàn tất của Chúa.
Chúa nói lời hoàn tất cho bạn và tôi.
Lời Chúa nói “thế là đã hoàn tất” cũng được Chúa tiếp tục nói với chúng ta những người đang sống. Chúa nói lời đó ngay khi chúng ta đang đối diện với những nỗi sợ hãi của chính chúng ta, sợ hãi trước một cuộc sống bị gãy đổ, một cuộc đời nửa đường gãy cánh. Có nhiều người luôn cảm thấy rằng, cuộc sống của họ không có nền tảng, như ngôi nhà không có móng, để họ có thể xây dựng đời mình. Nếu họ nhìn lại cuộc sống thời thơ ấu, họ thấy nhiều “vết nứt” trên đường đời của họ. Vì thế, nơi họ đã thiếu một sự tin tưởng căn bản. Thay vào đó, sự bất an chiếm ngự cuộc đời và họ thường cảm thấy rằng, cuộc đời của họ đã đánh mất nền móng vững chắc.
Rồi có những người sống trong tình trạng âu lo, cuộc đời của họ có thể sẽ nứt rạn vào bất cứ lúc nào, nếu họ bị thất nghiệp, nếu họ thất bại trong sự nghiệp đời họ, nếu cơn bạo bệnh không hẹn và mà đến và nghiễm nhiên ngồi vào căn nhà đời họ, nếu đời sống hôn nhân của họ rơi vào khủng hoảng và thử thách, nếu con cái của họ vì lý do này lý do khác đánh mất khả năng học hành và xây dựng sự nghiệp, hay nếu một người thân yêu của họ bỗng chợt phải ra đi vì một tai nạn hay vì một cơn bệnh hiểm nghèo. Ai sống trong tình trạng đó đều cảm thấy cuộc đời mình như bị chẻ ra làm nhiều mảnh.
Thật vậy, đời sống gia đình tan vỡ, vợ chồng phải chia tay, con cái tuần này ở với mẹ, tuần khác ở với cha. Đó là cảnh chia ly của một gia đình bị chẻ ra nhiều mảnh. Có nhiều em bé mới có năm sáu tuổi đã trở thành nạn nhân của thất bại gia đình, thất bại hôn nhân, đời em thay vì được sống trên nền tảng vững chắc của một gia đình, được “chèo và đu đưa” vui vẻ trên một “cây gia đình” tươi tốt, thì ngược lại em phải trở thành người “chạy sô” để bám “cành của má” ở đàng xa kia một thời gian, rồi chạy về bám “cành của ba” ở nhà cũ một thời gian khác. Đời em như khúc củi bị chẻ ra cùng gia đình em bị chia năm sẻ bảy. Thật buồn và đau lòng biết bao. Chiếc bình sành thật quý của ngày hôn nhân với những cành hoa đẹp và thơm phức đã bị bể tan nát. Trước những mảnh vỡ đó con người tiếp tục sống kiếp người đầy buồn bã và lo âu.
Rồi còn nỗi sợ hãi bị cho ra rìa, trở thành nạn nhân của mobbing, không còn được tôn trọng, không còn là điểm trung tâm để nhiều điều, nhiều người và nhiều vật bám vào, đang làm giao động nhiều người.
Kể cả những người bị trầm cảm, một căn bệnh tinh thần, làm cho cuộc sống bị xáo trộn hoàn toàn, và bị đẩy từ cuộc sống với nhiều ánh sáng vào cuộc sống đầy bóng tối nặng nề.
Cũng như những người sống trong sợ hãi bởi tự ti mặc cảm, bởi mình không đẹp như mình mong muốn, bởi mình mang một cái tên cha mẹ đặt cho nhưng mình chẳng hài lòng và vui với cái tên “dán” trên cả đời mình, bởi mình không thông minh hiểu biết như người bên cạnh, bởi mình không được chọn lựa cho một show diễn mình thích hay cho bất cứ một chương trình văn hoá hay tôn giáo nào, bởi mình không giàu sang sung sướng như người đối diện, bởi mình không thành đạt như người thương gia được ca ngợi trên trang bìa của tờ nhật báo.
Hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói với tất cả những anh em đang sống trong mọi thứ sợ hãi, lo âu, buồn bã, đau khổ và thất vọng lời mà Ngài đã nói trên Thánh Giá: “Thế là đã hoàn tất”.
Lời hoàn tất Chúa nói hoàn tất cuộc đời nhiều mảnh vỡ của bạn và tôi.
Nếu đời ta có quá nhiều mảnh vỡ và tự ta không thể hoàn tất đời mình, thì ai có thể giúp ta hoàn tất? Bạn ơi, Chúa Giêsu sẽ hoàn tất đời chúng ta, nơi Chúa ta chắc chắn tìm thấy sự trọn vẹn, sự hoàn tất của cuộc sống trong tình yêu và lòng thương xót. Chính Chúa sẽ nhặt tất cả mọi cây củi bị chẻ ra để ghép lại thành một cây thật đẹp. Chính Chúa giàu lòng thương xót sẽ lượm mọi mảnh vỡ của chiếc bình cuộc đời bị nát tan, và Ngài sẽ hàn gắn lại, và như người thợ gốm lành nghề Ngài làm mới lại chiếc bình mang vẻ đẹp hơn cả vẻ đẹp của ngày xưa. Chúng ta nhớ lại việc Chúa cho người thanh niên là con trai duy nhất của bà goá thành Nain sống lại và trao anh lại cho mẹ mình, hay hình ảnh của Dakêu thu thuế tội lỗi bị mọi người khinh khi xa lánh đã được Chúa dừng lại bên cây Sung nhìn lên và gọi xuống, để rồi tại nhà ông Chúa ban ơn cứu độ cho ông, đặc biệt hình ảnh người trộm lành với nhiều mảnh vỡ đã được Chúa thương và thưởng cho anh thiên đàng ngay hôm nay chứ không đợi ngày mai. Còn nhiều và nhiều phận người với nhiều mảnh vỡ trong đời đã được Chúa làm cho cuộc đời được hoàn tất trọn vẹn trong lòng thương xót và quyền năng của Chúa.
Hôm nay, chiêm ngắm Chúa trên Thánh Giá, bạn ơi, nơi đó Chúa dang tay ôm trọn tất cả mọi người đang sống trong đổ vỡ, trong chia ly, trong rạn nứt vào tâm lòng của Ngài, có thể trong đôi tay Chúa có bạn và tôi nữa đó.
Chúa tiếp tục nói với chúng ta, những người đang sống, và không ít thì nhiều con đường đời đã và đang bị rạn nứt, lời mạnh mẽ “Thế là đã hoàn tất”, “thế lại đã trọn vẹn”, “thế là đã trở nên hoàn toàn rồi”.
Thánh Giá của Chúa, Thánh Giá “ôm trọn” mọi “mảnh vỡ” của cuộc đời, là bảo chứng cho lời của sự hoàn tất, lời của sự trọn vẹn, lời của sự thành toàn. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã hoàn tất công trình tình yêu của Ngài cách mỹ mãn. Tình yêu của Chúa làm cho mọi sự đang rạn nứt và đang đổ vỡ trong chúng ta được tìm lại sự gắn kết và trọn vẹn hoàn toàn. Tình yêu của Chúa giữ chặt lại mọi sự ở trong chúng ta như đang chuẩn bị đỗ vỡ, đang ở trong tình trạng có thể bị “chẻ đôi”. Chúa gìn giữ tất cả trong tình yêu hiệp nhất và thành toàn của Chúa. Chúa đã trải qua ngày thứ sáu tuần thánh, nhưng không dừng lại ở thời điểm “đổ vỡ” đó, mà Chúa đã bước vào hoàng hôn của ngày Phục Sinh, thời điểm sự hoàn tất được nở hoa kết trái (Grün A., Vater, vergib ihnen, die sieben letzten Worte Jesu am Kreuz, s.99-101).
Vì thế, thật đẹp biết bao, khi chúng ta cùng dâng Chúa mọi sự của đời mình, đặc biệt dâng Chúa các mảnh vỡ trong cuộc đời của mình mà chúng ta còn lượm lại được. Tất cả những mảnh vỡ đó như là năm chiếc bánh và hai con cá đơn sơ. Khi ta dâng lên Chúa, Chúa sẽ thánh hoá của lễ đơn sơ và bất toàn này thành lương thực dồi dào và phong phú nuôi sống cuộc đời chúng ta.
Trong tâm tình này, mời bạn cùng tôi làm bài tập đơn sơ.
Đến trước Thánh Giá Chúa, nhắm mắt lại ta đứng thẳng và từ từ dang tay rộng ra hai bên, như tư thế của Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Giờ đây, ta mường tượng: với Chúa Giêsu ta cũng đang bị đóng đinh trên Thánh Giá. Và cũng có thể ta tự mình đóng đinh mình vào Thánh Giá, và tự mình ta không thể trốn chạy khỏi Thánh Giá. Ở lại trong tư thế này và trạng thái này. Ta ý thức rằng, mọi sự đều được giữ lại trên cây Thánh Giá. Tất cả mọi mảnh vỡ của cuộc đời ta Chúa muốn giữ lại trên Thánh Giá và hàn gắn tất cả.
Vẫn đứng trong tư thế trên, giờ đây ta mường tượng, Chúa Giêsu đang ôm ấp tất cả mọi sự trong đời ta vào lòng, cả những thành công lẫn thất bại, nỗi vui mừng và sợ hãi, hạnh phúc và buồn đau, hiện tại và tương lai, trách nhiệm và sứ mạng. Ta cầu xin Chúa giúp ta biết nói lời “xin vâng” với tất cả những điều đó, như Chúa đã đón nhận tất cả và thánh hoá tất cả.
“Thế là đã hoàn tất”. Đứng trước Thánh Giá Chúa, ta có thể chắp tay lại hoặc có thể dang đôi tay ra và hướng về Thánh Giá Chúa, và ta nhẩm đi nhắc lại lời của Chúa. Bạn và tôi có muốn dâng Chúa đời ta, những dự định và kế hoạch trong đời, và cả trách nhiệm cùng sứ mạng mà ta nhận được không? Ta âm thầm tâm tình với Chúa và xin Chúa giúp ta thực hiện những điều đó cách trọn vẹn.
Ta đứng thẳng và hướng mắt nhìn Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Chúa Giêsu dang tay và ôm ấp những người nghèo hèn, bất hạnh và bị bỏ rơi vào lòng, để chở che nâng đỡ, để ấp ủ và yêu thương, để an ủi và thêm sức. Trong những người đó có thể có bạn và tôi nữa.
Sau đó, từ từ ta dang tay ra, và giờ đây bạn và tôi tự hỏi xem, ta muốn ôm ấp ai đang đau khổ, đang buồn đau vào lòng. Ta mường tượng khuôn mặt của người đó cách sống động, và nhẹ nhàng ôm ấp họ vào lòng. Hãy ở lại trong tư thế và trạng thái này một lúc. Cuối cùng bạn và tôi hướng về Chúa Giêsu đang chịu đóng đinh trên Thánh Giá với đôi tay dang rộng, ta tín thác người đang đau khổ cho Chúa Giêsu, và cầu nguyện cho người đó.
Bài tập và bài chia sẻ này xin được kết thúc với lời cầu nguyện.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trong giờ đối diện với cái chết, cũng có thể nói như Chúa: “Thế là đã hoàn tất”. Hoàn tất sứ mạng Chúa trao ban, hoàn tất trách nhiệm của đời người, đời làm chồng, đời làm vợ, đời làm cha, đời làm mẹ, đời làm con, đời của người tu sĩ, đời của người giáo dân.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trong giờ đối diện với cái chết, cũng có thể nói như Chúa: “thế là đã hoàn tất”, dù cho đời chúng con ở tại giây phút cuối cùng vẫn có nhiều mảnh vỡ vương vãi mọi nơi. Cậy vào lòng thương xót của Chúa và tin tưởng vào tình yêu vô bờ của Chúa, xin Chúa lượm lại tất cả các mảnh vỡ đó, gắn kết và làm mới lại thành một tạo vật đúng như lòng Chúa ước mong, tạo vật với rượu ngon hảo hạng và đầy tràn ở tiệc Cưới Cana, tạo vật chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá nhưng lại được hưởng một bữa no nê chung với hàng ngàn người đang đói.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trước cánh cửa của cái chết trên trần gian này, có thể nói lời cầu nguyện của Chúa: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17,1), và “trong tay Ngài, lạy Chúa con xin phó thác hồn con” (Lc 23,46).
“Lạy Chúa Giêsu là Đấng cứu độ chúng con.
Biết bao người đang âu sầu phiền muộn,
xin nhớ lại giờ Chúa hấp hối.
Biết bao người còn phải mang thương tích,
xin nhớ lại những cực hình Chúa chịu.
Biết bao người bị nhạo báng chê bai,
xin nhớ lại vòng gai Chúa đội đầu.
Biết bao người đang chán ngán cuộc đời,
xin nhớ lại tiếng kêu than của Chúa.
Biết bao người ngày hôm nay lìa thế,
xin nhớ lại cái chết nhục nhằn của Chúa trên thập tự.
Biết bao người gặp thử thách mà vẫn cậy trông,
xin cho họ được ánh sáng Phục sinh soi chiếu”.
(Lời cầu Kinh Chiều Thứ Sáu tuần III thường niên).