Một hành trình hiến dâng

Ba lời khấn và đời sống cộng đoàn được xem là những đặc nét làm nên đời tu, trong hành trình dâng hiến. Gọi là một hành trình vì nó không bao giờ dừng lại. Khoảnh khắc người ta bước chân vô khuôn viên nhà dòng hay khi tuyên khấn lần đầu, thậm chí lúc khấn cuối và bất cứ lúc nào trong đời sống vẫn mãi là một bước khởi sự. Người tu sĩ được mời gọi để bước theo Chúa, để dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa, trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời, chứ không phải chỉ là một chốc một lát, hay chỉ ở một thời điểm nào đó mà thôi. Hành trình hiến dâng chẳng bao giờ có điểm dừng, chẳng bao giờ được ngừng nghỉ. Như một người đang yêu đi kiếm người mình yêu, đã tìm thấy rồi, nhưng như thể vẫn chưa đủ. Người tu sĩ đã kết ước cuộc đời mình với Giêsu, Giêsu đã vui lòng nhận lấy của lễ này, nhưng cả hai bên vẫn không ngừng tìm kiếm nhau, tìm hiểu về nhau, đi vào trong nhau, hoà quyện lấy nhau mỗi ngày một hơn nữa. Dù có tu đến bốn mươi hay năm mươi năm, mối tình huyền nhiệm này vẫn cứ còn nồng cháy như thể mới bắt đầu. Mỗi một ngày, người tu sĩ lại bắt đầu hành trình yêu của mình theo một cách thức mới, qua những dấn thân của ba lời khấn nơi môi trường cộng đoàn.

Hành trình hiến dâng xuất phát từ một lời mời gọi riêng tư. Ta vẫn hay nghe nhắc đến hình ảnh “tiếng gọi trong đêm tối” là vậy. “Đêm tối” ở đây là muốn diễn tả chốn thâm cung bí ẩn của cõi lòng, nơi cô tịch, yên ắng, chỉ có ta và Chúa đối diện. Tiếng gọi ấy là một lời tỏ tình thật dễ thương, nhưng cũng mang đầy thách đố. Tiếng gọi ấy làm đảo lộn tất cả mọi dự tính, kế hoạch. Nó buộc ta phải đánh đổi, phải từ bỏ. Đức Giêsu kêu gọi ai đó theo mình không chỉ bằng những lời lẽ, nhưng còn bằng sự cuốn hút đến mức không thể cưỡng lại được. Người được kêu gọi có thể sẽ có những bỡ ngỡ, lắng lo, sợ hãi. Nhưng rồi, họ chợt nhận ra mình không thể nào từ chối. Họ đã yêu, yêu một người mà mình chưa từng thấy bằng mắt, sờ bằng tay. Họ yêu bằng niềm tin, bởi một sự cuốn hút lạ thường nào đó. Khoảnh khắc đầu tiên khi họ nhận ra tiếng gọi này sẽ mãi mãi ghi sâu trong tim họ như một kỷ niệm nào đó mà mỗi khi sóng gió của đời tu ập đến, họ nghĩ về nó để múc lấy sức mạnh cho mình.

Người tu sĩ được gọi để trở thành người môn đệ của Chúa, người sống kề cận bên cạnh Chúa. Họ sống những điều tưởng chừng như nghịch lý của thế gian, và đôi khi là với những xu hướng bản thân mình. Cái nghịch lý đó nói lên nét đẹp của Tin Mừng, của Nước Thiên Chúa đang đến. Họ không tự biến mình trở thành khác biệt với người khác, họ không chống lại tự nhiên. Chỉ đơn giản là họ muốn minh chứng cho những giá trị Thiên Đường, nơi người ta không còn bám víu vào của cải vật chất, có thể sống trinh khiết như các Thiên Thần và dám từ bỏ ý riêng để hoàn thành sứ mạng. Họ tuyên những lời khấn không phải để ràng buộc mình, khiến mình trở nên ngột ngạt, nhưng là để có được sự tự do lớn hơn, phổ quát hơn để chuyên tâm lo việc nhà Chúa. Họ trở thành của lễ sống động dâng lên Chúa. Hành trình dâng hiến ấy, vốn dĩ chẳng có gì đảm bảo, đích thật là một cuộc liều mình. Hành trang duy nhất là một niềm tin yêu vững chắc, một niềm hy vọng vào Đấng đang âm thầm dẫn dắt mình đi.

Họ sẽ sống một cuộc đời chẳng biết đâu là bến đỗ, cứ mãi mãi tiến ra chỗ nước sâu. Nghe có vẻ bi ai nhưng thật sự là một cuộc thanh thoát. Họ soãi cánh tung bay trên bầu trời sứ mạng, ngang qua những cánh đồng lúa mênh mông, biển cả sóng lớn, núi non chập chùng, chẳng quản ngại đường xa gian khó. Họ tự do với tất cả mọi sự chung quanh và cũng tự do luôn với chính mình. Họ buông lỏng bản thân, giang đôi cánh để ngọn gió Thần Khí muốn thổi họ đến đâu thì thổi. Niềm tin vững mạnh như sắt đá nhưng tinh thần thì nhẹ tựa như bông. Đâu cũng được, gì cũng được, sao cũng được… miễn là có Chúa kề bên. Nhưng điều này không có nghĩa là họ chỉ biết sống phó thác cho số phận, sống phiêu bạc như chiếc lá bị gió cuốn trôi. Họ không phải là những người bị mất trí hay chỉ đơn giản là sống tiêu diêu không màn đến sự đời. Hai chữ sứ mạng luôn đặt ra trước mắt họ. Thao thức trước cánh cồng lúa mênh mông mà thiếu thợ gặt luôn trăn trở họ. Họ liều mình bước đi, đặt mình vào chỗ nước sâu, sống một cuộc sống không chỗ tựa đầu chính là để tan biến ra, làm bước đệm cho Nước Cha trị đến.

Dù là khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục hay sống cộng đoàn, tất cả cũng chỉ quy về một nguyên lý là mỗi ngày từ bỏ mình nhiều hơn như Đức Giêsu đã làm. Bỏ của cải vật chất, bỏ sự sở hữu một gia đình riêng, bỏ ý muốn phán đoán cá nhân, bỏ danh lợi, bỏ sự tiếng tăm, bỏ thói hư tật xấu… Càng từ bỏ nhiều, người tu sĩ càng trở nên nghèo, một cái nghèo thực sự, trở thành đối tượng được Chúa yêu thương, bao bọc và gọi là “có phúc”. Nhờ mỗi ngày từ bỏ, họ được Thiên Chúa đong đầy nhiều hơn bằng biết bao điều tuyệt vời khác. Họ hạnh phúc vì được cảm nghiệm sự quan tâm của Thiên Chúa dành cho mình một cách thật rõ nét. Họ nhận ra rằng mình càng lo cho mình thì mình càng mệt mỏi, còn nếu mình dám buông ra, Chúa sẽ an bài mọi sự cho ta thật tốt đẹp. Càng khoét rỗng, họ lại thấy mình càng đầy. Một đời buông bỏ đẹp tựa như ánh nến lung linh, như cánh hoa vươn mình đón nắng mai mỗi sáng sớm.

Bất cứ người tu sĩ nào ắt hẳn cũng được đánh động bởi một mẫu gương người môn đệ tuyệt hảo là Mẹ Maria. Tất cả những gì chúng ta đã cùng tìm hiểu về hình ảnh một tu sĩ chân chính được tìm thấy nơi Mẹ. Mẹ đã sống sự khó nghèo, khiết trinh và vâng phục đến trọn vẹn, đưa những giá trị của ba lời khấn này đến đỉnh cao của nó. Mẹ chẳng bao giờ rời xa Giêsu, ngay từ lúc con thụ thai cho đến khi chịu chết trên thập giá. Mẹ hiện diện trong cộng đoàn các tín hữu đầu tiên, nâng đỡ họ bằng chính niềm tin của mình. Bằng một lời xin vâng trước ý Chúa và muôn vạn lời xin vâng khác trong suốt hành trình dương gian, Mẹ đã thật sự trở thành của lễ tinh tuyền nhất dâng lên Chúa. Của lễ cuộc đời Mẹ hoà quyện với hy tế cứu độ của con năm xưa. Những đặc tính của người môn đệ: nào là bỏ mình, vác thập giá, bước theo Chúa, phục vụ mọi người, sống ứng trực, thanh thoát… tất cả đều được tìm thấy nơi Mẹ. Mẹ chính là dấu chỉ báo trước của đời tu, là hình ảnh của Thiên Đàng, là mẫu mực để mọi linh đạo phôi thai.

Nguyện xin Mẹ luôn đồng hành cùng các tu sĩ, nâng đỡ họ trên mọi bước đường chông gai, để nhờ luôn theo sát gót Chúa, họ cũng được ở với Chúa trong vinh quang như hai người yêu nhau được nên một với nhau cách hoàn toàn, giống như Mẹ với Chúa vậy.

Lạy Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con!

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Kiểm tra tương tự

Danh Thánh Chúa Giêsu và Ơn Hoán Cải của Thánh Phaolô

  Hãy suy nghĩ về vai trò quan trọng nhất của Thánh Danh Chúa Giêsu …

“Tết Con Kể Mẹ Nghe” – Trở về với Tình Thương

Tết này, bạn đã có một nơi để trở về, nơi mà có người vẫn …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *