Một tu sĩ Dòng Tên người Burundi chuẩn bị để phục vụ ở Trung Quốc

LadislasNsengiyumva

Thầy Ladislas Nsengiyumva, SJ được Đức Tổng Giám mục Đài Bắc truyền chức phó tế tại nhà thờ Thánh Gia – Tỉnh Dòng Tên Trung Hoa năm 2015

Nói chuyện với thầy Ladislas Nsengiyumva, Dòng Tên

Ở phân khoa thần học Dòng Tên thuộc Đại học Phụ Nhân* (Fu Jen) Đài Loan, ít khi có người Phi Châu… Học viên người Burundi, Ladislas Nsengiyumva, SJ không thể không gây chú ý với màu da và vóc dáng cao to của mình giữa người địa phương ở Đài Loan mà đa số họ từa tựa nhau. Nét cá biệt rất nền tảng này đã được thầy nói lên cho chúng tôi biết trong cuộc phỏng vấn này.

Ladislas Nsengiyumva: Tôi đến từ Burundi. Tên tôi là Nsengiyumva có nghĩa là “Chúa mà tôi cầu nguyện đã nhận lời tôi”. Từ thời nước tôi được Phúc âm hóa, những cái tên mang ý nghĩa nhà đạo như vậy rất thịnh hành. Nhiều gia đình còn đổi họ cho người nhà của mình để lấy họ mang tính tôn giáo. Lý do tôi ở Đài Loan là tôi đang theo học ‘năm ba’ thần học ở trường Đại học Phụ Nhân. 

Pierre Belanger: Xin thầy nói về gia đình thầy. Gia đình thầy có ảnh hưởng mạnh bởi đạo Công Giáo không? 

Con đường đi của tôi thì hơi đặc biệt. Tôi ở trong một gia đình đông con, tôi là con thứ sáu. Cha tôi luôn cởi mở, không khi nào ông áp đặt trên các con định hướng gì hay nghề nghiệp gì. Quyết định đi tu Dòng Tên của tôi cũng không là quyết định từ gia đình. Thật ra, sau khi rời Burundi tôi mới đi theo con đường này, nhưng quyết định này cũng liên hệ với các  quyết định khác tôi đã có khi còn ở Burundi. 

Sau khi học cấp tiểu học, tôi có hai chọn lựa, hoặc học trường công, học vào tiểu chủng viện. Vì tôi muốn làm linh mục nên tôi ghi tên vào tiểu chủng viện. Nhưng khi ghi tên thì tiểu chủng viện hết chỗ. Nếu tôi quyết tâm thì tôi phải chờ bốn năm nữa mới ghi tên lại được. Tôi phải học ở trường công, sau bốn năm trung học, khi tôi muốn ghi vào cấp hai của tiểu chủng viện thì lúc đó nước tôi đang trải qua cuộc nội chiến khốc liệt. Ngay cả tiểu chủng viện cũng không tránh khỏi. Lúc đó cha mẹ tôi khuyên nên bỏ cuộc vì quá nguy hiểm. Như vậy tôi học xong trung học ở trường công. Sau những năm chiến tranh trường kỳ này, tôi không vào được đại chủng viện, nên tôi quyết định học Y khoa. Vì tôi học giỏi nên sau một năm học ở Burundi, tôi có học bổng tiếp tục học Y ở Trung Quốc. 

Tại sao Trung Quốc cho người dân Burunda học bổng? 

Nước Trung Quốc đã cho và bây giờ vẫn còn cho học bổng cho sinh viên Burundi. Đúng ra khi đó có hai học bổng được thông báo, một học bổng đi Tiệp và một học bổng đi Trung Quốc. Vì tôi sợ tiếng Trung nên tôi xin đi Tiệp. Nhất là phải qua một kỳ thi khảo hạch rất khó để có học bổng Trung Quốc. Nhưng khi tôi ghi tên thì nhân viên ghi lầm qua danh sách xin học bổng Trung Quốc. Dù tôi khiếu nại, nhưng họ không thay đổi. Tôi đi thi mà không chuẩn bị gì vì tôi không tin tưởng ở văn phòng học bổng. Tôi quá ngạc nhiên khi tôi được học bổng! 

Và thế là tôi đi Trung Quốc học. Tôi bỏ một năm để học ráo riết tiếng Trung Quốc trước khi vào học Y khoa. Tôi học năm năm ở Bắc Kinh cho đến khi nhận được bằng. 

Dù vậy, trong suốt thời gian học y, tôi thấy mình phải đối diện với thôi thúc trong lòng mà tôi vẫn có. Ước mong được làm linh mục chưa bao giờ dứt. Tôi phải quyết định. Vì tôi không vào tiểu chủng viện cũng như đại chủng viện, tôi không thể đi tu làm cha xứ họ đạo. Tôi phải tu Dòng, nhưng tôi không biết một Dòng nào cả. Lúc đó tôi nhớ khi còn học trung học, tôi có đọc một bài báo về Dòng Tên. Tôi tìm một vài trang về Dòng Tên trên mạng nhưng không thấy nói gì về Dòng Tên ở Trung Quốc. Tôi viết e-mail cho nhiều Tỉnh Dòng, tôi giải thích ước nguyện đi tu Dòng Tên, hy vọng có ai đó sẽ trả lời cho tôi. 

Đa số các câu trả lời đều nói tôi nên hỏi Tỉnh Dòng nơi tôi đang ở. Nhưng có một tu sĩ Dòng Tên người Pháp viết cho tôi nói, nếu tôi gặp khó khăn khi tiếp xúc với các cha Dòng Tên ở Trung Quốc thì tôi có thể viết e-mail cho cha. Tôi giải thích là tôi không quen ai ở Trung Quốc và tôi rất mong được giúp đỡ. Lúc đó cha liên hệ với một linh mục Dòng Tên người Pháp đang sống ở Đài Loan, cha Yves Nalet. Cha giới thiệu để tôi liên lạc với cha Giám tỉnh thời đó là cha Beda Liu. Từ đó tôi được nhiều cha Dòng Tên ở Bắc Kinh tiếp. Cha Giám tỉnh cho tôi biết, cha sẽ giữ liên lạc với tôi, nhưng tốt hơn là tôi học cho xong. Như thế tôi rất hạnh phúc vì có thì giờ để nhận định kỹ hơn. Sau ba năm, mọi sự rõ ràng trong đầu tôi và tôi xin gia nhập Tỉnh Dòng Trung Quốc.

Ladislas-Nsengiyumva

Thầy Ladislas Nsengiyumva đã gia nhập nhà tập Thánh Tâm của Dòng Tên tại thành phố Quezon, Phi Luật Tân. Sau khi khấn lần đầu thầy học 2 năm triết học tại Phi Luật Tân. Hiện thầy chuẩn bị hoàn tất chương trình 3 năm thần học tại phân khoa thân học thuộc Đại học Phụ Nhân và sẽ đi học cao học về thần học tại trường Đại học Boston của Dòng bên Hoa Kỳ.

Làm sao thầy hòa hợp được y khoa và Dòng Tên? 

Ngay từ đầu, cha Giám tỉnh đã nói cho tôi biết, rất khó để vừa làm bác sĩ vừa là tu sĩ Dòng Tên. Tôi phải chọn cái gì ưu tiên cho cuộc đời tôi. Và tôi đã chọn điều tôi ước ao sâu đậm trong lòng: làm linh mục Dòng Tên. Từ lúc đó, tôi sẵn sàng chấp nhận những gì đến với tôi qua chọn lựa này. Dĩ nhiên là tôi muốn sứ mệnh của mình dính với những gì mình đã làm trước đây, nhưng điều này không quan trọng. Trong tiến trình của tôi, trước hết tôi được linh mục Liu giúp đỡ, sau đó là linh mục Gendron khi ngài làm Giám tỉnh. Ngài cho tôi biết, tôi có thể theo ngành luân lý-sinh lý và dạy học ngành này. Sau đó tôi làm thực tập phụ tá cho giáo sư luân lý y khoa ở trường Y khoa. Đây là một kinh nghiệm tôi thực sự yêu thích. 

Từ hai năm nay, song song với việc học môn thần học, tôi là giáo sư môn “triết lý cuộc sống” ở phân khoa Y, trường Đại học Phụ Nhân. Tôi nghiên cứu về  luân lý y khoa, khóa học này là đà để tôi tiến tới trong các dự án của tôi. Tôi thích làm những gì dính đến việc học, việc giảng dạy và việc tông đồ của tôi. 

Làm sao thầy thích môn thần học, một môn rất khác với các môn của y khoa? 

Khi tôi còn học ở Burundi, tôi thích tất cả mọi môn: ngôn ngữ, triết học, khoa học. Nên cuối trung học, tôi gặp khó khăn khi chọn lựa môn học. Tôi nghiêng về thực tiễn nên tôi nghĩ học y khoa sẽ hữu ích. Nhưng thần học giúp tôi đi trở về với khoa nhân văn mà tôi đã thích. Tôi tự nhủ, đây là giấc mơ đã hoàn tựu, tôi đã làm những gì tôi thích về mặt thực tiễn, và bây giờ tôi làm những gì tôi thích nhất, khoa nhân văn giúp tôi thực hành tốt hơn, sâu hơn là những gì khoa học y khoa mang lại cho tôi. Thành thật mà nói, sau khi học xong y khoa, các môn thần học có vẻ dễ với tôi hơn! 

Thầy mô tả quá trình của thầy rất đẹp, nhưng thầy có khó khăn nào khi đi trên con đường này không? 

Chắc chắn đây là một thử thách lớn đối với tôi khi tôi sống trong một văn hóa khác hẳn văn hóa Phi Châu nơi tôi lớn lên. Văn hóa Trung Hoa rất phong phú về mặt tương tác giữa con người với nhau, nó rất mạnh và có khuynh hướng đè bẹp các văn hóa khác. Các phương cách can thiệp không cùng một cách như ở Châu Phi. Một ví dụ đơn giản: ở Phi Châu, khi gặp ai, điều quan trọng là phải bắt tay người đó. Ở đây, hiếm khi người dân làm. Sau hơn 15 năm ở đây, tôi nghĩ tôi đã thích nghi được! Điều này cần nhiều cố gắng, phải chấp nhận văn hóa tại chỗ nhưng không quên văn hóa của mình. đó là loại vấn đề mà tôi tôi gặp khi ở Trung Quốc. 

Nhưng tôi cám ơn Chúa vì Ngài cho tôi có một khả năng thích nghi lớn. Trong bất cứ môi trường nào tôi cũng kết bạn được. Tệ nhất là tôi cảm thấy mình bị kỳ thị, nhưng rất hiếm. Có hai sự kiện chứng tỏ người Trung Quốc chấp nhận tôi dễ dàng. Trước hết, trong thời gian tôi học tiếng Trung Quốc, các giáo sĩ chọn tôi làm đại diện thay mặt cho tất cả sinh viên để đọc bài diễn văn cuối năm. Sau đó ở trường Đại học, các sinh viên y khoa, đa số là người Âu Châu, khi nào cũng chỉ định tôi làm trưởng lớp. Chúng tôi cũng có một hiệp hội sinh viên thần học, tôi ngạc nhiên thấy các anh chị bầu tôi đứng đầu hiệp hội. Trong địa vị này, tôi là người điều hòa các căng thẳng đôi khi xảy ra giữa nhóm sinh viên Đài Loan và sinh viên lục địa. Tôi phải tìm cách để các quan hệ được hài hòa. 

Tôi ý thức là mình có thể hội nhập; phải dấn thân và phải cởi mở với mọi người, với những chuyện gây ngạc nhiên và với chuyện không thể được. Và khi gặp khó khăn, tôi tự nhủ mình không phải là người đầu tiên, các tu sĩ Dòng Tên đi trước chúng tôi cũng đã gặp khó khăn. Các nhà truyền giáo Dòng Tên đã đến đây, kể cả các nhà truyền giáo người Quebec; chúng tôi thừa hưởng tất cả công việc họ đã làm và học được tinh thần sáng tạo của họ. Các trung tâm tông đồ và các cơ sở lớn của những nhà truyền giáo đầu tiên này là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ Dòng Tên.

Thầy thấy tương lai Dòng Tên ở Đài Loan sẽ như thế nào? 

Đài Loan đã thành công lớn về kinh tế, nhu cầu vật chất của đa số người dân đã được đáp ứng, nhưng nhu cầu thiêng liêng thì còn nhiều và người dân chưa ngừng lại để suy nghĩ. Và đối với tu sĩ Dòng Tên của chúng tôi cũng vậy; chúng tôi phải học để tách ra với thế giới vật chất, để nhìn thế giới và con người trong chiều sâu của nó. 

Các người trẻ thầy gặp trong các sinh hoạt của thầy, ở môi trường y khoa, ở các công việc tông đồ, thầy thấy họ có quan tâm đến vấn đề thiêng liêng không? 

Không chút nào. Tôi mời họ suy nghĩ ở mức độ này. Họ bị che mờ bởi các tư tưởng nổi trội trong xã hội như thành công vật chất và địa vị xã hội. Rất nhiều người nghĩ khi mình có những chuyện này thì mọi chuyện sẽ trôi chảy. Tôi mời gọi họ suy nghĩ các vấn đề xã hội, vì họ thường không quan tâm đến các vấn đề này. Cũng may là ở trường Y, nhiều môn học dạy khía cạnh nhân bản này như triết học, luân lý và môn học về sự sống và sự chết. Nhưng còn nhiều việc phải làm cho những ai quan tâm đến các vấn đề này. 

Thầy hiểu giới trẻ ở Trung Quốc lục địa cũng như ở Đài Loan, thầy muốn nói gì với các thanh niên nam nữ người Quebec về tương lai của họ? 

Tôi chỉ đơn giản nói: “Các bạn hãy thử đi ra khỏi sự đồng điệu. Hãy nắm lấy cuộc đời trong tay mình, không phải để kiểm soát nó nhưng để sẵn sàng đón nhận các chuyện ngạc nhiên trên đời xảy đến. Thay vì nhìn cuộc đời như một dự kiến hoàn toàn riêng tư của mình thì nhìn nó như một dự kiến cùng làm việc chung với Chúa và với người khác.” Nếu mình có tinh thần này trong lòng thì mình là một người tốt và mình có thể xây dựng một gia đình. Cũng vậy, nếu Chúa muốn, mình có thể dấn thân vào đời sống tu hành. 

Cám ơn thầy Ladislas rất nhiều về sự chia sẻ đặc biệt và năng động này. 

Nguyễn Trung Tín chuyển dịch, phanxico.vn

———–

Truyền thông Dòng Tên có hiệu đính lại 1 số thuật ngữ trong bài dịch.

*Đại học Phụ Nhân (Fu Jen) là một Đại học Công Giáo khá nổi tiếng tại Đài Loan. Trước đây trường này được đặt ở Trung Quốc đại lục do các tu sĩ Dòng Biển Đức phụ trách, sau được dời về Đài Loan và do Dòng Tên, Dòng Ngôi Lời và giáo phận Đài Bắc cùng phụ trách. Riêng phân khoa thần học được Tòa Thánh giao cho Dòng Tên phụ trách.

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *