Ngài Đến Đây Làm Gì?


II. NGÀI ĐẾN CỨU CHUỘC THẾ GIỚI VẬT CHẤT

Loài người sinh ra và lớn lên trong vũ trụ vật chất. Vật chất gắn liền với con người, vì nó là xương thịt của loài người. Nhưng loài người không chỉ là một cái gì nội tại của vật chất, loài người vươn lên khỏi vật chất để có một tương quan với nó. Chính vì thế mà vật chất lại được gắn liền với thân phận con người, và tùy thuộc vào tương lai của con người. Bởi vậy chính mối tương quan của con người với vất chất và bản thân vật chất cũng được gắn liền với hậu quả của tội lỗi và cứu chuộc.

Vật chất và con người trong kế hoạch tạo dựng.

Trong sách Sáng Thế mối tương quan giữa con người và vật chất được diễn tả là tương quan làm chủ. Thiên Chúa dựng nên vất chất và muôn vật, rồi Thiên Chúa mới dựng nên con người theo một kế hoạch: “Ta hãy làm nên loài người giống hình ảnh Ta, để chúng làm chủ cá biển và chim trời, mọi loài vật, mọi muông thú và mọi loài bò sát”. Và khi đã làm nên con người, Ngài phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và hãy khắc phục nó” (St 1, 26.28). Vật chất hoang vu bỗng trở thành quan trọng, vì nó có một mục đích rất lớn: Nuôi sống con người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Con người trở thành đỉnh cao của thế giới vật chất, vừa dính vào nó vừa vượt trên nó; dính vào nó vì là thành phần của nó và phải nhờ vào nó mà sống. Vượt trên nó vì là hình ảnh của Thiên Chúa và có sứ mạng tiếp nối công trình tạo dựng, đưa nó tời thành toàn. Tác giả Thánh vịnh 8 đã ngây ngất khi nghĩ tới đó:

Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?

Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân:
Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,
nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.

Lạy ÐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!

Tội lỗi làm đảo lộn

Nhưng cái gì đã xảy ra cho thế giới vật chất khi con người phạm tội? Ta hãy trở lại với câu chuyện tượng trưng thật sâu sắc của sách Sáng Thế (chương 3). Satan cám dỗ Ađam-Eva từ chối cái trật tự rất hòa hợp: vật chất phụng sự con người, con người phụng sự Thiên Chúa. Lật đổ trật từ ấy bằng cách nào? Ăn trái cấm. Thế nghĩa là thay vì tiếp nối lời tạo dựng của Thiên Chúa mà làm chủ vật chất, sử dụng nó để làm người, con người đã nghe lời xúi giục của Satan muốn nhờ vất chất đưa mình lên ngang hàng với Thiên Chúa. Ađam–Eva đã từ chối thân phận làm người để làm Thiên Chúa, và trông đợi ở vất chật một sức bùa chú nào để làm cho họ trở thành Thiên Chúa. Sự đảo lộn đã xảy ra, nhưng vượt mọi dự đoán của họ. Con người bị tha hóa, vì phủ nhận chính mình. Vật chất đã bị Ađam–Eva làm tha hóa, vì gán cho nó quyền lực mà nó không có. Và khi gán cho vật chất một quyền năng thần thiêng, họ lại đã cúi xuống thờ nó để mong nó cho mình bằng Thiên Chúa. Thay vì làm chủ, con người đã thành nô lệ. Vật chất phải phục vụ con người lại nghiễm nhiên trờ thành thần thánh cho Ađam–Eva quỵ lụy.

Lời Chúa tuyên phạt giải thích sâu xa hơn về sự đảo lộn và tha hóa này. Lao động là cách con người thể hiện tương quan của mình với vật chất đã biến nghĩa: từ lao động sáng tạo để làm chủ, nó trở thành lao động khổ sai, đổ mồ hôi vật lộn với vất chất để nó chịu nhả ra cho loài người chút của ăn. Mặt đất trả lời loài người bằng cách sinh gai góc để phản đối: “Đất sẽ sinh ra gai góc cho ngươi”(câu 18). Thực ra là vì tội lỗi Ađam–Eva đã làm cho mặt đất bị nguyền rủa khi làm tha hóa vật chất: “Mặt đất bị nguyền rủa vì người”. Tác giả đã vận dụng những cái tầm thương nhất trong cuộc sống, sự vất vả trong lao động, gai góc để diễn tả sự nổi loạn của vật chất đối với loài người, sự tha hóa mà vật chất phải chịu vì loài người từ chối chỗ đứng của mình.

Mệnh đề cuối cùng của lời tuyên phạt Ađam–Eva: “Vì ngươi là bụi đất, người sẽ trở về bụi đất” nói lên sự tha hóa cuối cùng của con người. Là đỉnh cao của vật chất, con người lại trở về thành một mảnh vụn của nó. Điều ấy không chỉ bi đát cho con người, mà bi đát ngay cho vật chất. Vật chất nuôi con người cho cao lên, để rồi con người lại rởi trở vào lòng nó. Vật chất không thoát được khỏi chính nó nữa. Hy vọng độc nhất của vật chất để thoát ra khỏi nó là con người. Nhưng cái đỉnh cao của vật chất cứ vươn lên rồi lại rớt xuống. Nỗ lực của vật chất trở thành “công cốc”, “công dã tràng”,“cơm toi”, như con giun đùn đất lên cho cao để rồi bất cứ một vật gì nặng đè lên cũng có thể làm cho công trình của nó bị san bằng. Con người đã kéo vật chất liên đới với mình trong thân phận tuyệt vọng. Bởi vậy khi con người được niềm hy vọng thì cả thụ tạo cũng được hy vọng: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế muôn loài đã lâm vào cảnh hư aỏ, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo đang cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.” (Rm 8,19-23). Thế là con người và vật chất cùng chung một niềm hy vọng: niềm hy vọng của con người, hy vọng được thoát khỏi cái bản án “trở về đất” nhờ sự sống lại.

Đức Kitô đến cứu chuộc thế giới vật chất

Con Thiên Chúa làm người đã nhận đi vào tương quan với thế giới vật chất như một người phàm: Ngài đã nhận lệ thuộc vào vũ trụ này để sống kiếp người giữa anh em và đã nhận góp phần đấu tranh khắc phục mặt đất, làm cho nó trở thành của loài người.

Ngài khử thiêng vật chất

Bằng cuộc sống lao động của Ngài, Ngài đã phủ nhận lời xúi giục của Satan, kẻ muốn làm cho loài người gán cho vật chất một sức mạnh thần thiêng. Ngài đã khử thiêng vật chất, khẳng định lại với con người rằng vật chất không có sức thần thiêng nào hết, chỉ có con người đã nhận được sứ mạng khắc phục nó. Con đường làm con Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa, không phải là con đường tắt do một sức thần thiêng nào đem lại, nhưng là con đường làm người theo đúng dự định của Thiên Chúa. Được làm con Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa, là một ân huệ của Thiên Chúa chứ không phải là thành quả của một cuộc mưu đoạt nào. Chính Con Thiên Chúa “vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Rồi chính ngài lại nhận lấy vinh quang như một ân huệ Cha ban: “Lạy Cha, giờ đây xin Cha tôn vinh Con bên Cha, xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,5). Thế là khi khử thiêng vật chất bằng lao động, Ngài đã đưa vật chất trở về đúng vị trí của nó, là đối tượng cho quyền làm chủ của con người. Nó sẽ chỉ tự vượt nhờ con người thi hành quyền làm chủ đối với nó, kéo nó lên.

Ngài công bố chức năng của vật chất

Khi Chúa Giêsu rao giảng, Ngài cũng công bố điều ấy nhiều lần. Đứng trước thái độ của loài người muốn lấy của cải vật chất làm lẽ sống, Ngài đã tuyên bố thẳng thắn: “Các ông không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24). Của cải vật chất là do con người làm ra chứ không phải là thần thánh. Nó nuôi sống con người nhưng nó không thể là lẽ sống, là ý nghĩa cuối cùng của con người. Nó không phải là tất cả của con người. Nếu con người thờ nó như một vị thần, con người sẽ rơi vào tuyệt vọng, vì nó chỉ là sản phẩm của bàn tay con người thôi. Một lần có người xin Chúa can thiệp để bắt người anh chia gia tài cho y, Chúa không chấp nhận can thiệp, lại còn nói với mọi người: “Phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam. Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,13-15). Ngài kể tiếp dụ ngôn anh trọc phú: Anh ta tính phá kho cũ lập kho mới để tích trữ của cải, rồi ngồi hưởng suốt đời. Anh ta “ngốc” vì quên một điều: “Nội đêm nay, người ta đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,16-24). Chúa Giêsu không khinh chê của cải vật chất, vì chính Ngài đã lao động để làm ra nó, Ngài biết giá trị của nó. Nhưng cũng chính vì Ngài biết mà Ngài mới đưa nó về đúng vị trí của nó.

Ngỏ lời với những ai muốn theo Ngài, Ngài đòi một điều kiện rất khắt khe: “Ai không từ bỏ hết những gì mình có thì không thể làm môn đệ của tôi” (Lc 14,33). Theo Ngài tức là hướng về cùng đích Ngài hướng tới và cùng đi với Ngài. Đích Ngài hướng tới là sự thành tựu cuối cùng của con người. Mọi sự khác đều phải phục vụ cho cái cùng đích này. Điều kiện khắt khe Chúa nêu ra đó, chỉ là khẳng định giá trị thật của mọi của cải vật chất. Chỉ có Thiên Chúa thật mới là cùng đích của con người, vì chính Ngài dựng nên thế giới vật chất và trao nó cho con người để con người tiếp nối công trình tạo dựng của Ngài.

Ngài cho vật chất dự phần vinh quang

Trả vật chất về đúng vị trí và chức năng của nó, Chúa Giêsu lại cho nó sự bảo đảm được tham dự vào vinh quang cuối cùng của loài người: chính Ngài đã thoát khỏi số phận “trở về đất bụi”. Ngài đã sống lại. Ngài đã ra khỏi mồ để đi vào vinh quang. Ngài đã không biến thành một mảnh vụn trong lòng vật chất, nhưng đã thoát khỏi giới hạn của vật chất. Ngài đã mang cả cái phần vật chất làm nên thân xác Ngài vào trong vinh quang của Thiên Chúa. Khi Ngài tỏ mình cho các môn đệ sau biến số phục sinh, Ngài cho họ thấy dấu đinh và vết đòng trên thân xác Ngài, cho họ sờ được Ngài, nhưng đồng thời Ngài lại không bị ràng buộc bởi không gian và thời gian nữa. Ngài vào nhà đứng giữa các môn đệ trong lúc cửa đóng kín, nhưng Ngài vẫn có xương có thịt chứ không phải là ma (x. Lc 24,39-40). Ngài cho môn đệ cùng ăn uống với Ngài, nhưng Ngài không lệ thuộc vào của ăn vật chất nữa (Lc 24,41-43) và (Cv 10,41). Thế là Ngài đã cho vật chất được dự phần vào sự tự do vinh hiển của Con Thiên Chúa.

Sự phục sinh ấy, Ngài không giữ cho một mình Ngài. Ngài sống lại cũng là “vì loài người chúng ta”, để cho kẻ tin được niềm hy vọng cũng sẽ được sống lại như Ngài: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Lời tuyên xưng cuối cùng trong kinh Tin Kính nói lên ý nghĩa cứu chuộc đối với vật chất. Ngài không chỉ cứu chuộc linh hồn mà cứu chuộc cả thể xác nữa. Ngài cho con người cũng sẽ được thoát khỏi thân phận vĩnh viễn “trở về cát bụi”, để đi vào vinh quang với Ngài. Ngài đã không hủy bỏ thân xác chúng tôi để chỉ cứu lấy linh hồn, có nghĩa là Ngài không hủy bỏ tương quan của con người với vật chất. Chính Ngài đã giữ tương quan với vũ trụ vật chất, nhưng là một tương quan được đổi mới. Ngài đã vượt khỏi sự lệ thuộc vào vũ trụ vật chất để làm chủ tuyệt đối. Vật chất hoàn toàn quy phục Ngài. Như vậy là nhờ mầu nhiệm Phục Sinh, Ngài đã đưa quyền làm chủ đối với vật chất tới đỉnh cao nhất. Ngài sẽ đổi mới thân xác con người (x. 1Cr 15,35-53), nghĩa là Ngài sẽ cho họ được sống một tương quan mới với vũ trụ vật chất. Bởi vậy, niềm hy vọng sống lại của người tín hữu đi đôi với niềm hy vọng trời mới đất mới. Cả thế giới vật chất cũng sẽ được biến đổi để trở thành trời mới đất mới (x.2Pr 3,13) và (Kh 21,1). Khi Ngài bảo đảm sự sống lại của loài người, Ngài cũng cho vật chất thoát khỏi nỗi “tha hóa” của nó, vì cho nó một mục tiêu phục vụ chính đáng và chắc chắn thành tựu.

Trong khi chờ đợi ngày vinh quang phục sinh bừng sáng trong trời mới đất mới, Đức Kitô thi hành quyền làm chủ tuyệt đối của Ngài đối với vật chất để phục vụ con người. Sau khi đã khử thiêng vật chất, trả nó về đúng chức năng phục vụ cuộc sống và con người, Ngài vận dụng nó vào chính sự thăng tiến của con người trên bình diện làm con cái Thiên Chúa. Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu thi hành quyền làm chủ tuyệt đối của Ngài, để làm cho vật chất (bánh và rượu) thành Máu Thịt vinh hiển của Ngài, của ăn “đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,54). Trong các bí tích khác, Ngài dùng vật chất làm dấu chỉ hữu hiệu cho con người được gặp Ngài và tiếp nhận sức sống phục sinh của Ngài. Ngài không cho vật chất một sức bùa chú nào, nhưng Ngài vận dụng quyền năng phục sinh của Ngài làm cho nó trở thành nơi ngài hiện diện để con người gặp gỡ mật thiết với Ngài.

Trời mới đất mới

Vận dụng vật chất bằng quyền năng phục sinh của Ngài để thông truyền sự sống mới cho loài người, là Chúa Giêsu đang cho vật chất được tham dự vào vinh quang cuối cùng. Sự tham dự này là bảo chứng rằng vũ trụ vật chất sẽ được dự phần vinh quang như thánh Phaolô nói trong Thư gửi tín hữu Rôma (8,19-23). Trời mới đất mới sẽ xuất hiện như thế nào chúng ta chưa biết, cũng như chúng ta chưa biết khi chúng ta sống lại thì thân xác sẽ như thế nào (x. 1Ga 3,29). Chúng ta chỉ dựa vào lời hứa của Thiên Chúa mà trông đợi trời mới đất mới (x. 2Pr 3,13). Niềm hy vọng ấy làm cho thân xác của chúng ta đáng trọng và thế giới vật chất của chúng ta đáng quý. Với Chúa Kitô, vật chất không còn là kẻ thù, không còn là đồng lõa với Satan để kéo ta vào cõi chết nữa, nhưng nó là bạn đồng hành với ta trên đường vào vinh quang vĩnh cửu.

Nếu hỏi rằng tại sao cả vũ trụ vật chất bao la này lại gắn liền với thân phận con người, một sinh vật li ti trên một mảnh vụn vũ trụ. Tác giả Thánh Vịnh 8 cũng đã ngạc nhiên khi nhìn trời trăng sao mà nghĩ đến thân phận con người nhỏ bé nhưng lại được Thiên Chúa đặt làm chủ vạn vật. Thánh Phaolô trả lời cho chúng ta trong Thư gửi tín hữu Colossê: “Ngài [Con Thiên Chúa] là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo. vì trong Người muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình… Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh. Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự, Người đứng hàng đầu.” (Col. 1,15-18). Lời giải thích đơn sơ thế này: Đức Kitô là đầu mọi sự. Ngài đã trở thành đầu của nhân loại để đưa nhân loại vào vinh quang với Ngài. Mọi sự hướng về Ngài. Mọi sự đồng hành với loài người và phục vụ loài người trên đường đến vinh quang. Thánh Phaolô cũng đã tóm tắt điều ấy trong một câu: “tất cả đều thuộc về anh em, anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1Cr. 3,22).

 

Kiểm tra tương tự

Tội phạm Mafia và bài học tha thứ

  Liệu chúng ta có thể học cách tha thứ ngang qua Mafia?   Trích …

Tại sao lễ Chúa Hiển Linh được coi là lễ hội ánh sáng?

  Lễ Chúa Hiển Linh tập trung cách đặc biệt vào thực tại Chúa Giêsu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *