Người Chứng Thứ Nhất – Chương X: Ý nghĩa một cái chết

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG X: Ý NGHĨA MỘT CÁI CHẾT

Anre-py-SmlNăm giờ chiều. Cùng với ngày tàn, ngôi sao của Giáo hội sơ khai sắp rụng!

Bốn mươi người lính dưới quyền chỉ huy của một cai đội, được lệnh đưa thầy giảng Anrê đi xử. Họ đến mở cửa tù, song không tháo gông cho thầy, chỉ bảo thầy đi theo. Thầy chẳng đợi kêu đến lần thứ hai, mỉm cười từ giã các giáo hữu đến thăm, dặn họ cầu nguyện cho sự hy sinh thầy sắp chịu, rồi vui vẻ lên đường “không khác nào như được mời đi dự tiệc cưới”, theo lời cha Đắc Lộ.1

Linh mục Bỉnh thuật rằng: Một người lính đi trước thỉnh thoảng ra lệnh “Vì theo đạo Portuguès thì phải phạt”.2 Hai người lính khác khiêng thanh la, một người đánh: tiếng thanh la ngân vang sầu thảm cả phố phường. Các lính khác võ trang bằng giáo, đòng và mã đao, nối nhau đi hai hàng nghiêm chỉnh. Thầy giảng Anrê đeo gông đi giữa, do một người lính áp giải, tay trái y nắm đầu gông thầy, tay phải cầm một ngọn giáo hai lưỡi, mỗi lưỡi dài tới hai gang, rộng bằng ba ngón tay.

Dân chúng lương và giáo, đi theo rất đông, như một đám rước, để chứng kiến sự can đảm của thầy. Dĩ nhiên cha Đắc Lộ và nhóm thương gia bđn cũng có mặt trong cuộc tiễn hành tối hậu này.

Bọn lính đi sau. Thầy Anrê mặc dầu đeo gông nặng cũng đi mau lẹ, khiến người ta nhớ đến câu Kinh thánh: “Curramus ad propositum nobis certamen: Ta hãy xông vào trận chiến đang chờ ta!”3. Muốn theo kịp, cha Đắc Lộ và những người bđn cứ phải chạy 4. Dọc đường thầy giảng Anrê tỏ ra rất bình tĩnh, vui vẻ, vừa đi vừa giảng đạo cho những người lính gần mình, ước mong cho họ được cứu rỗi. Giáo sĩ Đắc Lộ thường đi sát luôn bên cạnh thầy để yên ủi và khuyến khích thầy. Thỉnh thoảng bọn lính xô người ra, nhưng giáo sĩ lại áp tới. Giáo sĩ thuật rằng:

“Chúng tôi đi qua tất cả các phố lớn ở dinh Chiêm rồi đến một cánh đồng cách xa hai ngàn bước, là nơi để thầy giảng Anrê chiến đấu và thắng trận.”5

Lễ phẩm đầu mùa

Tới pháp trường, viên chỉ huy dừng lại, toán lính bao vây lấy thầy giảng Anrê. Thầy tự ý quỳ xuống, mắt nhìn trời, cầu xin Ơn Trên giúp sức.

Lúc ấy, giáo sĩ Đắc Lộ khổ tâm vô cùng, vì bọn lính bắt người ở ngoài vòng vây của họ. Giáo sĩ năn nỉ cùng viên chỉ huy:

“Thanh niên này chẳng khác nào như con tôi, vì tôi đã rửa tội cho anh và đã nuôi nấng anh trong nhà tôi trọn ba năm. Tôi đã chẳng có phương thế để cứu sống anh, thì bây giờ tôi nài xin ông vui lòng cho tôi được giúp đỡ anh ít là trong giờ lâm chung này”.6

Ông ta liền cho phép ngay. Giáo sĩ tiến lại gần thầy Anrê, ôm lấy thầy, khuyến khích thầy.

Giáo sĩ có nhờ người ta mua và mang sẵn mấy cái chiếu rất đẹp, mới tinh. Lúc ấy giáo sĩ trải chiếu ra, muốn cho thầy Anrê quỳ trên đó, để máu trong sạch đổ ra không rơi xuống đất. Thầy khiêm nhường từ chối, xin giáo sĩ bằng lòng cho thầy quỳ yên như trước, để được bắt chước Chúa đã đổ máu xuống đất. Giáo sĩ không dám cưỡng nhân đức khiêm nhường của thầy. Thế là thầy Anrê vẫn quỳ như trước, hai gối sát đất, hai tay chắp lại, mặt bình tĩnh, mắt nhìn trời.

Quân lính tháo gông ở cổ thầy ra để xuống đất rồi lấy thừng trói ngang người. Biết đã đến giây phút tối hậu, thầy giảng Anrê quay lại phía các giáo hữu để từ giã họ lần sau hết. Ở đây, giáo sĩ Đắc Lộ có thuật bằng tiếng Pháp lời từ biệt của vị tử đạo, dịch như sau:

“Hỡi anh em, ta hãy trung tín cùng Đức Chúa Trời cho đến chết; cho đến chết, không một điều gì có thể dập tắt lòng kính mến Chúa Giêsu Kitô trong trái tim ta”.7

Nhưng may mắn hơn, tài liệu tiếng bđn đã phiên âm và ghi chép trực tiếp câu nói tiếng Việt mà vị tử đạo nói ra lúc ấy, chẳng những để từ biệt các giáo hữu có mặt, mà còn như lưu lại chúc thư cho đời sau:

“Junghiao cũ dúe choé Jesu cho den est eoj cho den blen doj”8

Viết theo chính tả ngày nay, và nói trọn câu là: “Hỡi anh em, chúng hãy giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”.

Đến đây, thầy giảng Anrê phó mình trong tay Đức Mẹ, Nữ vương các thánh tử đạo. Thầy đọc kinh “Kính Mừng” nhiều lần rất sốt sắng9, và kêu tên Chúa Giesu và Đức Mẹ Maria tỏ tường nhiều lần.10

Người lý hình biết rằng đây là kẻ lành, cho nên trước khi hành quyết, y ngửa mặt lên trời, kêu lớn tiếng: “Lạy Trời, nếu tôi có phạm tội vì giết người này, thì xin tha cho tôi, vì tôi chỉ là người thừa hành”11. Nói rồi, y tiến đến sau lưng thầy Anrê, đâm một mũi giáo vào khoảng giữa hai bả vai, xuyên từ sau lưng ra trước ngực, thò ra ngoài tới hai gang tay.

Đến đây, chúng tôi xin nhường lời cho giáo sĩ Đắc Lộ:

“Thầy Anrê từ trước vẫn nhìn trời, lúc ấy quay mặt lại phía tôi, nhìn tôi rất âu yếm để từ biệt. Tôi thú thật rằng cái nhìn ấy là một lưỡi giáo đâm qua trái tim tôi, và làm cho đôi mắt tôi tuôn lệ ròng ròng, miệng tôi nghẹn ngào nói không nên lời.

“Tuy nhiên tôi cũng cố hết sức ngỏ lời cùng thầy: “Hỡi con Anrê, hãy nhìn lên trời, kìa Chúa chúng ta, Giêsu Kitô, Thần nhân từ của con, đang đưa triều thiên ra cho con, chỉ một lát nữa con đã ở bên Người trên thiên đàng, Người đang đứng ở cửa mà chờ con”. Bấy giờ thầy ngửa mặt nhìn trời, và cứ nhìn như vậy mãi, trong mỗi giây phút còn sống, miệng không ngớt đọc tên cực trọng: Giêsu! Maria!12

“Người lính lúc này, rút cây giáo lại, rồi đâm một lần nữa, và một lần nữa, như muốn tìm cho trúng trái tim.

“Tôi mê hồn nhìn thấy người thanh niên chân phước kia, lúc ấy quỳ gối, và đã bị đâm ba lần ở sau lưng, chẳng những không ngã quỵ, mà lại không hề lay chuyển; thầy được vững mạnh như vậy trong ơn thánh sủng nâng đỡ thầy; thầy vẫn luôn luôn không chuyển động, và tôi thấy diện mạo của thầy không mất chút nào vẻ bình thản cũng như về màu sắc. Người ta có thể tưởng như không phải thầy bị đâm, hoặc giả là thân xác thầy có sức tự nhiên bất động. Bấy giờ một người lính khác sốt ruột, hay là động lòng thương hại một con chiên bị khổ hình quá lâu, không nói nửa lời, tuốt gươm ra, chém một nhát mạnh vào cổ bên trái, vì thầy hơi nghiên đầu về phía tay mặt, nhưng người ấy thấy lát thứ tư này, cũng như ba lát trước, không làm cho thầy ngã xuống, họ lại chém một lát nữa ở phía trước, cắt đứt hết cuống họng, làm ngã hẳn đầu, chỉ còn dính sơ vào một chút da.

“Có lẽ người ta khó lòng tin điều tôi sắp nói sau đây, nhưng tôi nói quyết, với tất cả một lòng thành thực, rằng tôi không hề nói điều gì mà tôi không biết thật chắc chắn và không đích thân nghe thấy.

“Người thanh niên thánh thiện này (như trên đã nói) vẫn không ngớt đọc thánh danh Chúa Giêsu; ngay lúc đầu thầy đã rời khỏi cuống họng, và nằm ngả trên vai bên phải, tôi nghe thấy rõ ràng tên cực trọng Giêsu ấy phát ra từ vết thương nơi cổ, cùng một giọng giống hệt như từ cửa miệng phát ra lúc trước; tôi nghe thấy thế rất rõ ràng và tất cả những người gần tôi lúc ấy đều nói như vậy, vừa vui mừng lại vừa kinh ngạc.

“Thánh danh Giêsu không thể phát ra đàng miệng thầy nữa, thì lại phát ra từ trái tim thầy, ngay đang lúc thôi đập, để tỏ rằng trái tim này dầu có chết, cũng còn giữ mãi thánh danh kia, và khi không thể dùng miệng lưỡi mà ca ngợi tên Giêsu được thì thầy dùng chính vết thương mình mà ca ngợi danh Chúa.

“Thầy Anrê muốn được bằng số vết thương của Chúa, thầy chỉ nhượng bộ, và chỉ bỏ mình sau thương tích thứ năm, như vậy là muốn hoàn toàn bắt chước Chúa Giêsu trong mọi sự.

“Bấy giờ, xác thầy mới ngã xuống đất, và linh hồn thong dong bay về trời; viên cai đội và quân lính lập tức rút về, chỉ còn chúng tôi và các giáo hữu ở lại, vây quanh thánh cốt. Tôi đã mang sẵn một tấm vải trắng lớn, dùng vải ấy liệm xác thầy; bao nhiêu máu chảy ra tự năm nguồn mạch oai hùng kia, tôi vẫn giữ từ ngày ấy như một thuốc thơm và một linh dược chữa mọi bệnh nạn.

“Tất cả các bổn đạo cùng làm như vậy, nhất là những người bđn, họ hứng lấy mọi giọt máu đào kia, lấy làm quý hơn hết các kho tàng.

“Một trong những người đó có tên là Francisco de Azevedo Tokera đòi cho kỳ được tấm áo của thanh niên có phước kia mới bằng lòng; ông ta muốn lấy áo ấy và nói rằng ông sẽ giữ mãi trong nhà mình, như một linh dược chữa mọi bệnh nạn hiểm nghèo, vì áo ấy đã được đâm thủng và được nhuốm máu trong một cuộc chiến đấu do đó mà Chúa Giêsu Kitô đã ban triều thiên cho một vị tử đạo mới của Giáo hội.

“Người ấy chẳng lầm trong sự hy vọng của mình vì ít lâu sau, trở về Ao Môn, thấy vợ mắc bệnh cực nguy nan và hầu như không phương cứu chữa, bỗng nhớ đến báu vật của hiền nhân Anrê, ông ta không hề  e thẹn với các thầy thuốc, lấy áo kia ra, đắp lên mình người vợ gần hấp hối; xác bà ấy vừa chạm đến áo, cơn rét liền lui ngay, và bà được lại sức khoẻ, khiến cả thành phố ngạc nhiên. Chính ông ta đã kể lại với tôi việc này khi tôi trở lại Ao Môn để lên đường về Au Châu. Đức Chúa Trời đã trọng kẻ trung thành xưng danh người như vậy.”13

Ý nghĩa một cái chết

Hoàng hôn đã buông xuống trên đồng vắng. Nhưng mọi người còn quây quần chung quanh thi hài vị tử đạo; giáo hữu thì tôn kính cầu nguyện, người lương cũng xúc động và nhất là họ ngạc nhiên trước thái độ tôn sùng của các giáo hữu và người ngoại quốc. Cha Đắc Lộ nhân cơ hội ấy, lên tiếng giảng một bài ngắn, cắt nghĩa nguyên nhân và hậu quả của một cái chết vẻ vang như vậy. Giáo sĩ lấy lời của vua Salomon làm đề tài: “Visus est oculis insipientium mort… Ille autem est in pace: Trước mắt người vô đạo, họ coi như đã chết… nhưng thật họ đang sống bình an”.14

Bài giảng ngắn của cha vừa dứt, tất cả các giáo hữu đều khóc. Họ phục xuống trước thi hài vị tử đạo, “một thi hài đã trở nên lạnh vì chết, nhưng lại có sức hun cháy lòng những kẻ đến gần hoặc động đến”, theo lời của cha Đắc Lộ.15

Giáo hữu đã mang theo sẵn một cỗ quan tài rất đẹp làm bằng gỗ quý. Họ kính cẩn đặt thi hài vào đó. Tôn kính máu tử đạo, họ lượm hết mọi nhánh cỏ, hốt lấy tất cả lượt đất có thấm máu Anrê.

Quan tài đóng rồi, mọi người cất tiếng đọc kinh, không phải để cầu hồn cho người quá vãng, nhưng là để tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho người sự sống vinh quang đời đời.

Trời vừa tối. Giáo hữu khiêng thi hài vị tử đạo xuống thuyền chở về Hội An. Tại đây, từ buổi sáng, các thầy giảng đang nóng lòng đợi tin. Khi cha Đắc Lộ trở về với xác chết của người bạn quý, các thầy giảng xúc động kinh hoàng, vừa đau đớn thương tiếc bạn, vừa hoan hỉ mừng bạn được phúc tử đạo, giờ đây đang làm thánh ở trên trời. Các thầy ôm lấy quan tài mà hôn, rồi khóc thảm thiết. Đoạn than thở với cha Đắc Lộ rằng:

“Tại sao cha giữ chúng tôi ở nhà, không cho chúng tôi đến xưng đạo trước mặt quan? Bao nhiêu con cái cha đều có thể là bấy nhiêu người tử đạo. Chúng tôi đều có can đảm chịu chết như Anrê. Kìa thầy ấy tự trên trời đang gọi chúng tôi, giơ triều thiên cho chúng tôi coi, khuyến khích chúng tôi đi theo thầy trên đường hạnh phúc”.16

Thầy giảng Ynhaxô, trưởng đoàn, tỏ ra cảm xúc hơn hết. Ông nói Anrê đã đoạt cái triều thiên đáng lẽ phần ông. Giáo sĩ Đắc Lộ phải đem hết lời lẽ ra an ủi ông cùng các đồng sự, nói rằng việc tử đạo là một ơn đặc biệt, duy Chúa ban cho ai mới được mà thôi.

Thầy giảng Anrê không còn nữa, nhưng hình ảnh và gương mẫu của người tồn tại mãi với thời gian.

Ngôi sao của người đã lặn ở thế gian, nhưng bắt đầu chiếu sáng ở trên trời.

Hạt giống mới đã gieo xuống đất, rồi đây sẽ nảy sinh những bông trái lạ lùng.

Ngày lịch sử ấy là 26 tháng 7 năm 1644 – đúng 30 năm sau khi các giáo sĩ dòng Tên đến đặt nền móng Giáo hội tại Việt Nam.

Là lễ phẩm đầu của người Công giáo Việt Nam, thầy giảng Anrê tử đạo lúc ấy giữa 19 tuổi xuân. Người được biết Chúa mới có ba năm, nhập đoàn tông đồ hai năm, làm lễ khấn một năm, rồi bị bắt và bị giết trong không đầy 48 tiếng đồng hộ. Một đời sống quá ngắn ngủi, một thời gian phục vụ không đáng kể. Nhưng sự nghiệp người lớn lao, nhân đức người cao cả đẹp lòng Chúa, đến nỗi Chúa sẽ không ngần ngại làm cho nên bao phép lạ để biểu dương tôi tớ Chúa trước mặt kẻ đồng thời và người hậu thế. Các sử liệu về người 17 đều coi người như hiện thân của lời Kinh thánh sau đây:

Consummatus in brevi explenit tempora multa:

Placita enim erat Deo anima illis.18

Dịch:

Người sống trong khoảnh khắc như một đời dài lâu

Và linh hồn người đẹp lòng Thiên Chúa.

Mảnh đất thấm máu

Như trên đã nói 19, nơi xử thầy giảng Anrê là chỗ đồng ruộng, cách xa dinh trấn độ hai ngàn bước (tức hơn một cây số). Nơi ấy là đâu?

Theo lời truyền tụng, lúc dinh trấn còn ở Thanh Chiêm, thì pháp trường xử tội nhân ở chỗ đất nay gọi là Gò Sứ, gần miếu Am hồn, sau xóm chợ Củi, bên tây đường quốc lộ số 1 (cây số 952 từ Hà Nội) thuộc thôn Đông Khương, giáp cạnh thôn Thanh Chiêm20. Nếu ta để ý rằng, xưa kia tội nhân trước khi xử, thường bị điệu qua các chỗ đông người nhất là chợ búa, cho dân chúng thấy mà sợ, thì sự gần kề giữa hai di tích Gò sứ và chợ Củi không phải không có ý nghĩa.

Nơi này sánh với dinh trấn, xưa kia chắc hẳn là đồng ruộng như cha Đắc Lộ nói. Ngày nay dân cư cất nhà lập xóm, ở đông đúc chật hẹp, duy miếng đất Gò sứ để hoang, mồ mả chôn đầy: đất cũ nhà lao của dinh trấn còn không ai ở, huống hồ nơi xử tội nhân!

Theo đường đi bây giờ, từ chỗ Gò sứ đến chợ Củi độ năm trăm thước, và từ Gò Sứ đi thẳng đến di tích nhà lao thì độ sáu, bảy trăm thước mà thôi. Song ngày xưa lối đi có khác, và tội nhân, từ nhà lao, phải ra bằng cổng hậu, vòng quanh thành bắc, thành tây, lại trong trường hợp này, thầy giảng Anrê còn phải “điệu qua các phố phường lớn”21 – chắc chắn qua chợ Củi nữa – lúc ấy có chợ thật – thế nên lộ trình phải xa hơn bây giờ: hai ngàn bước là phải lắm.

Như vậy, miếng đất nhà lao ở thôn Thanh Chiêm, nay thuộc xã Vĩnh Thọ, và miếng đất Gò sứ ở thôn Đông Khương, nay thuộc xã Vĩnh Phước, đúng là những di tích về cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê hơn ba thế kỷ trước.22

Mặt khác, nhân nói đến việc rước xác thầy Anrê từ nơi xử đến bến Hội An, giáo sĩ cho biết khoảng đường xa cách chừng hai dặm Pháp (lieues) tức tám cây số 23. Chi tiết quan trọng này vừa minh định địa điểm pháp trường tại chỗ Gò sứ, vừa xác nhận địa điểm dinh trấn tại thôn Thanh Chiêm, vì từ pháp trường đến dinh trấn “hai ngàn bước” tức hơn một cây số (theo cách tính của giáo sĩ Đắc Lộ) còn từ dinh trấn ra Hội An thì đúng bảy cây số.

Một thuỷ thủ bđn chứng kiến cuộc tử đạo, cho biết dinh trấn ở cách Hội An chừng sáu dặm Anh (miles) tức hơn chín cây số 24. Sự chênh lệch không đáng kể, song lại thêm yếu tố phù hợp để xác nhận các di tích về cuộc tử đạo này.

Nơi đây trước kia có họ nhánh Phước Kiều, lần lượt thuộc các địa sở Trà Kiệu, rồi Hội An, sau trở nên một địa sở riêng, có cha sở trông coi. Từ khi nhà thờ Phước Kiều, ở sát Thanh Chiêm, bị phá huỷ trong thời chiến (nay chưa xây lại) thì cha sở di ra Vĩnh Điện, tại quận lỵ Điện Bàn.

Nhà thờ Hội An hiện giữ một bản viết tay ghi nhớ việc truyền giáo tại địa phương, theo lời lưu truyền của các giáo sĩ kế tiếp. Chính tài liệu này cũng ghi nhận thầy giảng Anrê tử đạo tại chợ Củi – hiểu cho đúng là chỗ Gò sứ sau chợ Củi vậy. Còn trụ sở của quan trấn, tài liệu này nói ở làng Phước Kiều, cũng không sai lắm, vì tuy dinh trấn đặt ở Thanh Chiêm song bờ thành có lấn một ít sang đất Phước Kiều.

Đức cha Tardieu, cố giám mục địa phận Quy Nhơn, có lần nói đến thầy giảng Anrê, người gọi là “Anrê Hội An”, thoạt tưởng là lầm, song xét kỹ, ấy là tiếng vọng xa xôi nhưng trung thành của cuộc tử đạo xưa tại xóm chợ Củi, trước thuộc địa sở Hội An vậy.25

Về danh từ Gò sứ, không ai hiểu nguyên do và ý nghĩa thế nào. Người địa phương cho biết nơi đó xưa kia không có làm đồ sành, đồ sứ chi; vả lại, nếu có thì phải đặt tên là “Lò sứ”, “Lò bát” mới đúng, cũng như “Lò giấy”, “Lò đường” chỉ nơi làm giấy, làm đường. Vậy danh từ “Gò sứ” chỉ có thể là do chữ “Gò xứ” (cái gò giữa đồng để xử tội nhân) mà người đời sau đọc trại đi để khỏi gợi lại những hình ảnh bi thảm, cũng như tên “Kẻ thá” trên bờ sông Thu Bồn hiện nay, nơi xử bổn đạo đời Tự Đức – Văn thân, chính do tiếng “Kẻ tả” (tả đạo) biến thành.

… Thầy giảng Anrê đã từ trần, nhưng sứ mạng của người chưa chấm dứt. Cuộc tử đạo của người chỉ mở ra những trang sử mới, còn lạ lùng hơn những trang ta vừa đọc.

Chú thích

(1) A.R Glorieuse mort, tr.50. Có chỗ nói 30 lính (Summarium III, tr.265)

(2) Ph.B, Truyện Đàng Trão, tr.75. Đạo “Portuguès”: đạo của người bđn” – Lúc giáo sĩ Buzomi mới đến Đàng Trong năm 1615, thấy người trong xứ quen gọi đạo Công giáo là đạo “Hoalaom” (Hoa Long: chỉ người bđn, và nói rộng ra tất cả người Au), giáo sĩ đã cải chính và gọi là đạo “Christian” (đạo Kitô) (Relation Borri, trong B.A.V.H, 1931 tr.340). Đến đời cha Đắc Lộ thì các danh từ Thiên Chúa, Thiên Chúa giáo, Giatô, Giatô hội đã phổ thông ở Việt Nam, phần lớn do các sách chữ Hán của Matteo Ricci. Tuy nhiên, nhiều người theo thói quen chắc vẫn còn gọi đạo “Hoa Long”, cho nên Philipphê Bỉnh chép theo tiếng bđn là đạo “Portuguès”.

Danh từ “Hoa Long” cũng có thể là tiếng chỉ người Hòa Lan.

(3) Thư cho dân Hébreux XII, 1

(4) Ph.B, Truyện Đàng Trão, tr.74-75

(5) A.R Glorieuse mort, tr.50. Sau đây sẽ nói rõ địa điểm này

(6) A.R Glorieuse mort, tr.50

(7) A.R Glorieuse mort, tr.53

(8) Relacao, chương 11 – Ph.B, Truyện Đàng Trão, tr.76, cũng có ghi lời từ biệt tương tự: “xin anh em hãy ở cho vững vàng mà giữ Đạo cho đến blọn đời mình, mà đừng có blo buồn sự mh (viết tắt: mình), são (đọc: song) le cầu xin cũ (đọc: cùng) Đức Chúa Blời cho mình đe (được) giữ nghĩa cũ (cùng) Đức Chúa Jêsu cho đến khi hết hơi, cũ (cùng) đời đời”.

(9) Relacao, chương 11

(10) A.R Glorieuse mort, tr.77

(11) A.R Glorieuse mort, tr.77

(12) Ở đoạn này (Glorieuse mort) cha Đắc Lộ không thấy ghi tên Maria, song trong Relation Progrès Foi, tr.54, người có ghi rõ Maria, nên chúng tôi thêm vào cho đủ. Đối chiếu: Sumarium III, tr.265-266.

(13) A.R Glorieuse mort, tr.54-60. Đối chiếu: Sumarium III, tr.261-281.

(14) Sách Khôn Ngoan, III 1-3. Toàn khúc như sau: “Linh hồn người công chính nằm trong tay Thiên Chúa, và không một lo lắng nào làm vẩn lòng họ – Trước mắt người vô đạo, họ coi như đã chết, và cái chết của họ, có vẻ như tai ương – Sự họ lìa cõi tục, tưởng như bị tiêu tan, nhưng thực, họ đang hưởng bình an”.

(15) A.R Glorieuse mort, tr.62

(16) A.R Glorieuse mort, tr.65

(17) Relacao, chương 11 – A.R, Relation Progrès Foi, tr.51.

(18) Sách Khôn ngoan, đoạn IV, câu 13-14.

(19) Xem ở trên – Nơi khác, giáo sĩ Đắc Lộ nói từ nhà tù đến nơi xử xa nửa dặm Pháp (lieue) (Voy et Mis, 1854, tr.239) tức 2 cây số – đối chiếu: Ph.B, Truyện Đàng Trão, tr.75.

(20) Xem ở trên

(21) A.R Glorieuse mort, tr.49, đã nói trên, tr.153.

(22) Các tên “Vĩnh Thọ”, “Vĩnh Phước” mới đặt ra từ sau cuộc đảo chính 1945, không ngờ lại xứng hợp với mảnh đất thấm máu vị tử đạo tiên khởi đến thế.

(23) A.R, Relation Progrès Foi, tr.57.

(24) Summarium, num I, tr.254. Khi lấy dặm Anh làm đơn vị, giáo sĩ Đắc Lộ cũng có lần ước lượng 6 dặm (Glorieuse mort, tr.53).

(25) “… des persécutions très violentes qui rappellent celles des premiers siècles de l’Eglise, formant une suite preque ininterrompue depuis 1644, époque où le catéchiste André de Faifo ouvre la série des victimes…” (Mgr Tardieu: Compte-rendu et état de la Mission de Quy Nhơn, 1931-1932, tr.12).

Mặc dầu có những truyền thuyết như trên (lời của Đức cha Tardieu và bản Lược ghi ở nhà thờ Hội An), cho đến nửa năm 1958, chưa ai nhìn nhận những địa điểm có di tích vị tử đạo Anrê, và cũng chưa ai kiểm chứng những truyền thuyết ấy. Truyền thuyết mà không được kiểm chứng bằng sử liệu thì không dễ tin. Trong trường hợp này ta thấy vị tử đạo tiên khởi chẳng những “sống” mãnh liệt trong sử liệu mà cả trong truyền thuyết nữa, dầu xa cách hơn ba thế kỷ.

Kiểm tra tương tự

Dám dìm sâu với Chúa | Suy tư TM CN lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa năm C

  Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa DÁM DÌM SÂU …

Chúng ta có thực sự biết mình cần một Đấng Cứu Tinh?

  Với những tiến bộ công nghệ hiện nay, chúng ta dễ bị cám dỗ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *