Người Chứng Thứ Nhất – Chương XV: Án phong thánh

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG XV: ÁN PHONG THÁNH

Anre PhuYen 7Ở một chương trên, chúng ta đã thấy vị tử đạo Anrê khải hoàn tại Ao Môn như thế nào. Đó không phải là một sự ngẫu nhiên, mà hẳn là do Chúa Quan Phòng định liệu.

Hồi ấy tại khắp khu vực Trung Hoa, Việt Nam và lân cận, chỉ mới có một tòa Giám mục duy nhất thiết lập tại Ao Môn. Cuộc khải hoàn của thầy giảng Anrê Phú Yên, đã có hiệu quả trực tiếp là khiến nhà cầm quyền chính thức của Hội thánh đặc biệt chú ý đến cuộc tự đạo của người. Do đó, một cuộc điều tra theo giáo luật đã dược mở ra tức khắc, để lập hồ sơ tâu trình Tòa thánh.

Sáng kiến này do cha Viện trưởng dòng Tên trình bày1 được tòa Giám mục chấp thuận liền. Lúc ây Ao Môn vẫn còn khuyết Giám mục; vị giám quản tông tòa là Emmanuel Fernandez 2 điều khiển địa phạn. Ngài cử cha Antonio de Sylva, Chưởng khế Tông tòa, làm lục sự trong vụ tra vấn này.3

Người ta cho đi tìm trong khắp thành phố Ao Môn tất cả những người đã có mặt ở xứ Nam trong lúc thầy giảng Anrê tử đạo, để làm chứng về những điều họ hay biết trong vụ này 4. Trong số hai mươi ba người đến cung khai và được tra vấn, có sáu nhân chứng đã đích thân mục kích cuộc tử đạo, tức là nhân chứng de visu, còn mười bảy người kia được nghe kể lại do những người đáng tin cậy5, giáo luật gọi là nhân chứng ex auditu a videntibus.6

Những người đã đích thân chứng kiến cuộc tử đạo và đã làm chứng trong vụ án là: Joannes de Resende de Figueroa7 36 tuổi, thuyền trưởng; Franciscus de Azevedo Feixeira 59 tuổi, Antonius Pecagna de Mendoca 40 tuổi; Emmanuel de Fonseca 53 tuổi; Antonius Mendez Goan 31 tuổi; Dominicus Rodriguez 36 tuổi.

Sáu người trên đây thuộc vào số những người đã cùng cha Đắc Lộ đến dinh trấn can thiệp xin tha cho thầy giảng Anrê nhưng vô hiệu, nên ở lại chứng kiến cuộc tử đạo.

Còn những người sau đây làm chứng đã nghe nhiều người bđn hoặc người Việt Nam kể lại với họ việc thầy giảng Anrê bị bắt, bị giam, và bị giết vì Đức tin.

Augustinus de Sylva 31 tuổi, Andreas de Sousa 23 tuổi, Antonius Fernandez 20 tuổi, Andreas Diaz 38 tuổi, Laurentius Diaz 37 tuổi, Andreas Norete 37 tuổi, Joannes Pinto 30 tuổi, Petrus Pinto de Figueiredo 30 tuổi, Dominicus Martinus Luiz 60 tuổi, Joannes de Sequeira 60 tuổi, Ludovicus de Brito 30 tuổi, linh mục Onophrius Borges dòng Tên, Laurentius Fernandez 30 tuổi, Lupus Sarmento de Carvaglio 62 tuổi, linh mục Georgius Lunez dòng Tên, 49 tuổi, và Ludovico de Carvaglio de Sousa 43 tuổi.8

Tất cả các nhân chứng, sau khi đặt tay trên sách Phúc âm để tuyên thệ theo luật, đã khai rõ tên tuổi, lý lịch và sự liên lạc quen biết đối với thầy giảng Anrê, trực tiếp hay gián tiếp. Tất cả đều khai thầy giảng Anrê quê ở tỉnh Phú Yên, sinh ra bởi cha mẹ có đạo, làm thầy giảng, ở chung nhà với cha Đắc Lộ tại Hội An, bị bắt tại đó, bị giải đến dinh Chiêm (Cachao), bị kết án tử hình và bị giết vì giữ và truyền bá đạo Thiên Chúa ngày 26 tháng 7 năm 1644, thọ 19-20 tuổi.

Các nhân chứng còn tả rõ về đời sống đạo đức và công cuộc tông đồ của thầy giảng Anrê Phú Yên. Họ cũng làm chứng về mấy phép lạ xảy ra ở Quảng Nam sau khi thầy giảng Anrê tử đạo, và lòng tôn kính sùng mộ của các giáo hữu đối với vị tử đạo.

Tóm lại, cuộc tra vấn dự thẩm này nhìn nhận cái chết của thầy giảng Anrê hoàn toàn là một cuộc tử đạo, một cuộc đổ máu để làm chứng cho Chúa Giêsu.

Theo cha Đắc Lộ, “cuộc tra vấn hoàn thành rất mỹ mãn dưới mọi hình thức, khiến cha Lục sự đã phải tuyên bố rằng: tại Ao Môn ngài đã dự nhiều cuộc tra án các vị tử đạo, nhưng chưa bao giờ ngài được nghe những chứng cớ quyết luận như trong vụ án này”. 9

Khởi sự từ hậu bán năm 1644, cuộc điều tra đã phải kết thúc trong tiền bán năm 1645, trước khi giáo sĩ Đắc Lộ rời vĩnh viễn nước Việt Nam về tới Ao Môn. Có lẽ vì thế mà cha Đắc Lộ đã không làm chứng trước tòa.

Hồ sơ vụ án lập bằng tiếng bđn, chép thành ba bản, có thị thực hợp pháp, rồi gởi về Au Châu do ba chuyến tàu khác nhau10 để đề phòng sự thất lạc, vì thời ấy việc giao thông rất khó khăn, tàu thường bị nạn gió bão, cướp bóc,hay rủi ro. Bản gốc được giữ lại ở tòa Giám mục Ao Môn.11

Bốn năm sau, ngày 20 tháng 10 năm 1649, Đức hồng y Capponi, Tổng trưởng Thánh bộ lễ nghi tiếp nhận được hồ sơ vụ án xin phong chân phước cho thầy giảng Anrê Phú Yên, do tòa Giám mục Ao Môn đệ trình.12

Theo giáo sĩ Đắc Lộ – lúc ấy mới về tới La Mã được bốn tháng – thì chính ngài “đệ nạp hồ sơ vụ án trong tay đấng có chủ quyền tuyên bố các vị đích thực tử đạo”.13

Vụ án vị tiên khởi tử đạo Việt Nam đã được các giới ở La Mã đặc biệt chú ý, vì ngay sau đó, trong khoảng 1649-1650 người ta đã dịch trọn vẹn tập hồ sơ ra tiếng Ý (có chỗ pha lẫn tiếng La tinh) và sao chép ra nhiều bổn, để các vị thẩm phán và trạng sư tiện bề cứu xét, và đem ra tranh luận. Tòa Bề trên Cả dòng Tên còn giữ được một bản dịch hồ sơ đó, viết tay, dầy 158 trang viết cả hai mặt: đó là bằng chứng tỏ rõ vụ án đã được quan tâm đặc biệt ngay lúc đầu, và đó là một trường hợp hiếm có.

Nhưng ngoài tài liệu đó ra, người ta không biết gì về số phận vụ án nữa. Theo thường lệ, thủ tục án tòa trong việc phong thánh rất là phức tạp, đòi hỏi nhiều tổn phí, nhiều thì giờ – có khi kéo dài hàng mấy thế kỷ – và cần có sự chăm lo thường xuyên của một nhân vật hoặc một tổ chức. Trong trường hợp này, vụ án chưa chính thức ra trước Tòa thánh, thì tình hình việc truyền giáo bên Việt Nam đã có nhiều biến chuyển. Những cuộc bất đồng ý kiến giữa dòng Tên và các Hội truyền giáo ngoại quốc tại Balê, sự rút lui của dòng Tên ra khỏi cánh đồng truyền giáo Việt Nam, rồi tiếp đến sự bãi bỏ dòng Tên trong một giai đoạn… có thể là những nguyên nhân khiến vụ án dần dần bị bỏ quên. Mặt khác cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê càng ngày càng hòa lẫn với hàng trăm hàng ngàn cuộc tử đạo khác dồn dập xảy đến trên đất nước, khiến cho kỷ niệm của ông tổ các vị tử đạo cũng lần lần mờ phai với thời gian…

Riêng tại tòa Bề trên Cả dòng Tên tại La Mã, kỷ niệm thầy giảng Anrê Phú Yên vẫn được duy trì và tôn kính. Hồi đầu thế kỷ XX, các cha Dòng định chính thức đệ trình vụ án để xin phong chân phước cho vị tiên khởi tử đạo Việt Nam, nên đã soạn thảo và ấn hành một bản “Đại cương” (Summarium) hồ sơ vụ án hầu tiện cứu xét. Một văn kiện khác, gọi là bản “Lược trình” (Informatio) đề ngày 17 tháng 12 năm 1901 lại tóm tắt bản “Đại cương” để chính thức yêu cầu Thánh bộ Lễ nghi thụ lý vụ án. Theo ý cha Camillo Beccari, tổng thỉnh nguyện các vụ phong thánh của dòng Tên (postulateur général), người ta định thâu gồm chung trong một vụ, tám án phong thánh của Dòng: bốn vị tử đạo ở Trung Hoa năm 1748, hai vị tử đạo ở Đàng Ngoài Việt Nam năm 1736, hai vị tử đạo ở Đàng Trong 1723, và chót hết là thầy giảng Anrê tử đạo năm 1644. Mọi việc đã sẵn sàng, không may vì điều kiện thời gian quá lâu và tiền bạc phí tốn quá nhiều cho mỗi vụ án, khiến phải lựa chọn từng vụ chứ không thể làm luôn tám vụ một lúc được, và người ta đã bắt đầu từ những vụ mới nhất 14. Thế là hồ sơ vụ thầy giảng Anrê Phú Yên vẫn còn nằm nguyên tại phong lưu trữ của cha Tổng thỉnh nguyện việc phong thánh của dòng Tên, cho đến khi phiếu tra cứu của chúng tôi gởi đến mới lại mở ra.

Vào giờ chót, một nhân vật có thẩm quyền vừa cho biết rằng: tòa Bề trên Cả dòng Tên vừa tìm được trong kho tài liệu cổ của nhà Dòng, chính bản nguyên cảo vụ án bằng tiếng bđn, hay nói cho đúng, đó là một trong ba bản chính thức lập tại Tòa Giám mục Ao Môn năm 164515. Theo ý kiến nhân vật nói trên, ít nhất một bản nguyên cảo khác cũng còn được lưu trữ tại Thánh bộ Lễ nghi, với đầy đủ giá trị của nó, và nếu “Thiên Chúa cho phép vụ án được đem ra cứu xét và đạt tới kết quả, thì tất cả công việc chuẩn bị đã làm rồi”.

Cũng nhân vật La Mã đó còn tuyên bố: “Thầy giảng Anrê tử đạo thực là vinh quang tinh khiết của Giáo hội Việt Nam”.16

Phải chăng ý Chúa nhiệm mầu đã muốn dành cho thế hệ thanh niên ngày nay cái hân hạnh thâu hái kết quả vinh quang của một công việc chuẩn bị từ trên ba thế kỷ? Vấn đề này vượt tầm người viết sử, vì đó là việc tương lai. Và Chúa làm mỗi việc theo thời giờ của Chúa.

Tuy nhiên từ khi thầy giảng Anrê trở về với Quê Hương, hai năm nay, một số người nhất là trong giới thanh niên, biết truyện vị tiên khởi tử đạo, tự nhiên nảy sinh lòng mến yêu và cảm phục lạ lùng đối với người, đúng như lời tiên đoán của cha Đắc Lộ17. Người ta lại khấn nguyện riêng cùng với người và tha thiết cầu xin cho người được tôn phong chân phước và thánh, để càng làm vinh danh Thiên Chúa, và mưu ích hơn nữa cho Quê Hương trong giai đoạn vừa vinh quang vừa bi đát ngày nay.18

Chú thích

(1) A.R, Relation Progrès Foi tr.67

(2) A.R, Glorieuse mort, tr.73

(3) A.R, Relation Progrès Foi tr.68

(4) A.R, Relation Progrès Foi tr.67. Ở đây cha Alexandre de Rhodes nói: “Tất cả người bđn và người xứ Nam” song trong danh sách 23 người chứng, không thấy có người Việt Nam nào.

(5) A.R, Relation Progrès Foi tr.68 – Cứ theo lời khai của ông Joannes de Resende de Figueroa (Summarium, tr.263) thì số người bđn có mặt trong cuộc tử đạo còn nhiều hơn nữa, Philipphê Bỉnh nói là 11 người (Truyện Đàng Trão, tr.58). Vậy hẳn cũng có người có mặt trong cuộc tử đạo mà lại vắng mặt trong cuộc tra án.

(6) Theo Giáo luật (c.2020) muốn minh chứng danh tiếng (fama) thánh thiện, tử đạo, hay phép lạ, phải cần ít nhất tám nhân chứng do vị thỉnh cầu phong thánh (postutateur) nại ra hoặc do những người ấy tự ý xin đến làm chứng, và hai nhân chứng phụ thêm, do vị bảo vệ Đức tin (promoteur de la foi), hoặc nếu không thì vị chánh án (président du tribunal) nại ra.

(7) Ở đây chúng tôi giữ chính tả theo Summarium: tên thánh tiếng La tinh, tên riêng tiếng bđn.

(8) Summarium, num 1, tr.252-258.

(9) A.R, Relation Progrès Foi tr.68

(10) A.R, Relation Progrès Foi tr.68. Có lẽ công việc sao chép lâu, cộng chưa hoàn thành khi cha Đắc Lộ từ giã Ao Môn về Au Châu, nên giáo sĩ không mang theo bản nào.

(11) A.R, Relation Progrès Foi tr.68

(12) Theo thơ cha G.Bottereau, dòng Tên, La Mã, gởi cho tác giả ngày 22 tháng 1 năm 1958.

(13) A.R, Glorieuse mort, tr.74

(14) Muốn rõ thủ tục phong chân phước (béatification) và hiển thánh (canonisation), xem các sách về giáo luật, như cuốn Adrien Cance, Le code de Droit Canonique, t.IV, des procès, 2ème partie, p.433-498 – Tạp chí Tinh Thần, cơ quan tuyên uý công giáo quân đội cộng hòa, bộ mới, số 5-1959, có đăng bài phong chức thánh, nói về cách thức Hội thánh tôn phong các bậc chân phước và hiển thánh.

(15) Tài liệu này gồm 38 trang khổ rộng 30*20cm, giấy vẫn còn trắng tốt, viết bằng mực tàu trên cả hai mặt, chữ đứng nét nhỏ, rất cẩn thận. Cuốn tập làm thành những tờ giấy đơn khâu bằng chỉ lụa đỏ, bìa làm bằng lụa vàng bọc lấy tờ giấy thứ nhất. An tín và chữ ký chiếm trọn hai trang cuối cùng.

Sự chênh lệch quá xa về số trang giữa bản nguyên cảo tiếng Bồ và bản dịch tiếng Ý là vì chữ ở bản sau này viết xiên và lớn, thu lại trong một cột khá hẹp ở giữa trang hai bên lề để rộng rãi, khiến có hàng chỉ viết được ba, bốn tiếng, trong khi có bản tiếng Bồ viết chữ nhỏ, mỗi hàng từ 10 đến 15 tiếng. Hơn nữa trong bản tiếng Ý lại thêm 40 trang liên hệ đến việc kiểm nhận các chữ ký ở bản tiếng Bồ.

(16) “… cette gloire très pure de votre Eglise que fut André le catéchiste” (thư gởi cho tác giả).

(17) … et je me promets que tous ceux qui prendront la peine de lire ce que je veux dire de luy auront le coeur sensiblement touché d’amour pour ce grand martyr (A.R, Glorieuse mort, tr.4-5)

(18) Người viết sách được may mắn biết năm trường hợp mà trong đó năm thanh thiếu niên nhờ cậy lời cầu nguyện riêng của vị tử đạo Anrê, đã được hoàn toàn mãn nguyện và ghi nhớ ơn Người. Kẻ viết sách này cũng là kẻ thọ ân Người, nhất là cái ân hoàn thành cuốn sách trong những điều kiện không ngờ.

Ghi chú quan trọng – Do sắc lệnh Coelestis Jerusalem cives, ngày 5 tháng 7 năm 1634, Đức giáo hoàng Urbanô VIII cấm chỉ mọi việc tôn sùng công cộng (culte public) đối với những nhân vật không được phong chân phước (béatifié) hoặc hiển thánh (canonisé) do Tòa thánh La Mã. Vì vậy trong mỗi vụ án phong thánh, Đấng bản quyền địa phận (Ordinaire) sau khi cử hành xong cuộc điều tra dự thẩm (procès informatif), lại lập một tòa án tra xét về sự không có việc tôn sùng công cộng (procès de non culte) đối với tôi tá Chúa và tuyên án (giáo luật 2060) về sự có hay không có việc tôn sùng ấy. Đến khi nội vụ ra trước Thánh bộ Lễ nghi, các vị Hồng y lại hiệp nghị thẩm cứu bản án “không có việc tôn sùng công cộng” nói trên. Nếu Thánh bộ nhận thấy đã có sự tôn sùng công cộng, các vị Hồng y có thể tuỳ nghi sau khi đã tra xét mọi hoàn cảnh, truyền ngưng vụ án cho đến khi nào mọi dấu hiệu của việc tôn sùng này đã bãi bỏ, và có khi còn quyết định rằng việc đình chỉ sự tôn sùng phải kéo dài trong một thời hạn nhất định bao lâu trước khi được phép tái khởi vụ án (giáo luật 2085).

Chiếu theo giáo luật 1256 việc tôn sùng công cộng là việc tôn sùng được cử hành nhân danh Hội thánh do những người có nhiệm vụ hợp pháp được tổ chức và cử hành việc thờ kính, và bằng những hành vi hoặc nghi lễ được Hội thánh công nhận để tôn kính Thiên Chúa, các thánh và các chân phước.

Từ điển giáo luật giải thích: “Có việc tôn sùng công cộng là khi nào một giám mục, linh mục bổn sở, hay tu viện trưởng tổ chức những cuộc cầu kinh long trọng, những cuộc rước, những lễ nghi công cộng về một nhân vật không được phong chân phước; hoặc nếu vị nói trên trưng bày hoặc để cho bày tượng ảnh trong nhà thờ hay nghĩa địa cho giáo hữu tôn kính; hoặc nếu vị ấy, với tư cách bề trên giáo quyền, làm một trong những việc mà Đức giáo hoàng Urbanô VIII đã cấm”: họa hoặc giữ những ảnh có hào quang (cum aureola aut splendoribus), đặt trên các bàn thờ công cộng hoặc tư nhân những ảnh dầu không có hào quang; thắp đèn, nến bên mồ vị Tôi tá Chúa – “Nhưng không được coi là việc tôn sùng công cộng, những cách thức mà giáo hữu, dầu tựu hợp đông người, tỏ lòng tôn kính đối với một Tôi tá Chúa, do sáng kiến tự động của họ mà không có sự tham gia của giáo quyền”. R.NAZ, Diction, de Droit canon, causes de béat, col.22; kể trong A.Cance, Le Code de Droit Canonique, quyển IV, tr.465, chú thích 1.

Kiểm tra tương tự

Danh Thánh Chúa Giêsu và Ơn Hoán Cải của Thánh Phaolô

  Hãy suy nghĩ về vai trò quan trọng nhất của Thánh Danh Chúa Giêsu …

Họ hết rượu rồi !

  Họ hết rượu rồi ! Đây là lời Đức Maria đã thốt lên với …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *