Nhật ký khóa Tập huấn Tầm nhìn – Sứ mạng – Mục tiêu
NGÀY THỨ NHẤT
(Thứ ba ngày 24/7/2012)
Từ 7g30, Cha Đaminh Phan Hưng – Giám Đốc TTMV và cũng là Trưởng Ban tổ chức của Khóa tập huấn tầm nhìn – sứ mạng và mục tiêu, cùng Cha Đôminicô Phạm Văn Dũng (Dòng Thánh Tâm) và ba Chị: Agnès Nguyễn Thị Phú (Dòng Mến Thánh Giá), Chị Maria Trần Thị Luyến (Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm), Chị Maria Võ Thị Thu Hường (Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng), đều có mặt để đón tiếp hai Đức Cha, Quý Cha cùng Quý tu sĩ nam nữ và anh chị em Giáo dân. Mỗi tham dự viên đều đến nhận bảng tên và một tập tài liệu đính kèm.
Trong Hội trường, Cha Bênêđictô Ngô Văn Hài làm MC mời gọi mọi người tập trung nhanh chóng trong tiếng nhạc vui nhộn của khúc ca chào mừng.
Đúng 8g00, bắt đầu nghi thức khai mạc. Cha MC giới thiệu các thành phần tham dự, đặc biệt là hai thuyết trình viên. Trong khi đó, đại diện các học viên mang những bó hoa tươi thắm đến dâng tặng hai Đức Cha cùng hai vị Giảng viên và quý quan khách.
MC mời Cha Đaminh Phan Hưng lên có đôi lời chào mừng và tuyên bố lý do khóa tập huấn. Cha nói:
“Trọng kính Đức Tổng, Đức Cha Phụ Tá,
Kính thưa quý cha, quý nam nữ tu sĩ, chủng sinh, anh chị em giáo dân, và đặc biệt hai vị khách mời quan trọng: Cha Micae Trương Thanh Tâm và Thầy Philipphê Trần Thanh Minh.
Trước tiên, con xin thay mặt cho Ban tổ chức Khóa Tập huấn Tầm nhìn – Sứ mạng – Mục tiêu hôm nay, xin hân hoan kính chào sự có mặt của Đức Tổng, Đức Cha Phụ Tá, hai vị giảng viên quý mến, và toàn thể quý vị đã đến với chúng con trong dịp học hỏi này.
Trọng kính Hai Đức Cha và Quý Vị
Rất nhiều người đã hỏi con: “Khóa học này nhằm mục đích gì, sẽ giúp gì cho chúng ta, vì nguyên cái tiêu đề trong thư mời của TTMV là: mời tham dự Khóa đào tạo kỹ năng xác định tầm nhìn- sứ mạng – mục tiêu thì đã là hoàn toàn khó hiểu, muốn hình dung cái nội dung của nó thì lại càng mù tịt, không như các môn học khác, dù ít dù nhiều, cũng hiểu đuợc đôi chút về nó trước khi nghiền ngẫm học hỏi nó.
Những thắc mắc trên phần nào nói lên cái tính chuyên môn, chuyên biệt của khóa tập huấn, và do đó mà cũng cho thấy nhu cầu thời đại ngày càng đòi hỏi việc chuyên sâu các lĩnh vực, và đồng thời, việc học hỏi ngày càng phải nâng cao đạt tới ngưỡng chuyên môn hóa mọi kỹ năng, chuyên môn hóa mọi thực hành, chuyên môn hóa mọi tầm nhìn, mới đủ sức tiếp cận với thời đại đang ngày càng đổi mới đến chóng mặt, đang ngày càng tiến bộ cách vượt bậc.
Thời đại càng mới, xã hội cần những con người mới, Giáo hội càng cần những con người mới hơn, những người có đủ kỹ năng nhận diện và đọc ra được “những dấu chỉ thời đại” mà Thiên Chúa gửi tới, để nhờ đó mà xây dựng Nước Chúa ngày càng hiển trị trên trần gian.
Chính vì ý thức muốn góp phần xây dựng môi trường, trong đó Giáo Hội, Giáo Phận, Dòng Tu đang dấn thân hoạt động, TTMV chúng con được phép hai Đức Cha để tổ chức khóa học này, với sự cộng tác nhiệt tình và đầy dấn thân của hai vị Giảng viên chuyên nghiệp đến từ Dòng Tên, cha Mic Trương Thanh Tâm, Thạc sỹ Mục vụ xã hội (Philippines) và Cao học Thần học Mục Vụ (Úc), và Thầy Philipphê Trần Thanh Minh, SJ cử nhân Luật, đang thực tập 2 năm mục vụ xã hội tại Văn phòng Mục vụ Xã hội của Dòng Tên Việt Nam.
Cha Micae Trương Thanh Tâm, ngoài công tác chuyên môn mục vụ xã hội, còn Phụ trách Văn phòng Mục vụ Xã hội của Dòng Tên Việt Nam; Dạy học tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn – Làm việc cho Văn Phòng Caritas Sài Gòn; và đặc biệt cộng tác với Caritas Trung Ương Việt Nam trong dự án tập huấn 3 năm (2011-2013) về “Nâng cao năng lực” cho 26 văn phòng Caritas của các Giáo phận.
Xin cám ơn Cha và Thầy đã không quản ngại xa xôi, thời giờ bận bịu, đến với Huế chúng con, xin cám ơn trước hai vị về lòng tận tụy và đầy hy sinh này.
Một lần nữa, chúng con xin kính cám ơn sự hiện diện đầy khích lệ và ưu ái của Đức Tổng, Đức Cha Phụ Tá, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, chủng sinh, anh chị em giáo dân, nói lên sự quan tâm sâu sắc, và cũng là niềm khích lệ nâng đỡ chúng con trong 3 ngày học hỏi này.
Chúng con kính cám ơn”.
Tiếp đến Cha MC mời Cha Phụ Tá lên ban huấn từ. Đức Cha nói:
Trọng kính Đức Tổng Giám mục,
Kính thưa Cha Micae Trương Thanh Tâm và Thầy Philipphê Trần Thanh Minh
Kính thưa quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em,
Chúng ta còn nhớ câu chuyện trong Phúc âm của Luca (14,28-32), Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ai trong anh em muốn xây một cây tháp mà trước tiên lại không ngồi tính toán phí tổn, xem mình có đủ khả năng để hoàn thành hay không… Hoặc có ông vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng…”?
Chúa nhắc chúng ta phải khôn ngoan, tính toán, biết mình, biết người, trước bất cứ một công việc nào, chứ đừng liều lĩnh, nhắm mắt đưa chân.
Thiên Chúa đã phú bẩm cho con người nhiều khả năng tuyệt vời như tình yêu, lý trí, tự do, phán đoán, khôn ngoan, khả năng dự phòng… nhưng cách sử dụng những khả năng này khác nhau ở mỗi người, tùy theo năng khiếu tự nhiên, hay do sự giáo dục, đào tạo để đạt được những mức độ tối ưu.
Đây là những nén vàng Chúa trao ban, nhưng chúng ta còn phải biết học hỏi những kỹ năng để sử dụng chúng đúng mức và đúng chỗ.
Khóa đào tạo kỹ năng xác định tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu là khóa học cung cấp các phương pháp giúp chúng ta phát huy một cách khoa học tốt nhất, cảc khả năng Chúa ban, để có thể điều hành, phát triển và dự phóng hoạt động của các tổ chức, bằng những cách thức cụ thể và thực tế để xác định tầm nhìn, sứ mạng và mục tiêu của chúng.
Đây là những kỹ năng rất cần thiết và hữu ích cho những nhà lãnh đạo các cộng đoàn, các giáo xứ, các hội đoàn hay bất cứ các ban ngành nào.
MC mời Đức Tổng lên gióng trống khai mạc.
Đức Tổng lên đánh ba hồi trống. Ngay hồi trống thứ nhất thì những tràng pháo hoa được bắn lên tưng bừng rộn rã để khai mạc khóa học; một bầu khí khởi động khóa tập huấn thật phấn khởi, vui tươi.
Cha MC xướng kinh Chúa Thánh Thần và mọi người cùng sốt sắng hiệp lời cầu xin Chúa Thánh Thần soi trí mở lòng cho mỗi người.
Từ đó, mọi sự được nhường lại cho 2 vị thuyết trình viên.
Cha Micae Trương Thanh Tâm cho biết khóa tập huấn xác định kỹ năng tầm nhìn – sứ mạng – mục tiêu có nghĩa là chúng ta có tầm nhìn về một thời điểm nào đó, nó là cái giấc mơ của mình và mình muốn thực hiện cho bằng được. Muốn biết mình sẽ làm gì trong tương lai thì hiện tại mình, phải biết mình đang ở đâu và mình như thế nào? Do đó, để đi tới tương lai thì chúng ta phải thực hiện ước mơ của mình, phải thỏa mãn một số nhu cầu nào đó. Chúng ta phải dùng chiến lược là tầm nhìn – sứ mạng và mục tiêu.
Nội dung buổi học đầu tiên là Nhận diện cộng đồng: công cụ PESTLE do Cha Micae Trương Thanh Tâm trình bày.
Với mục tiêu: Nhấn mạnh ý nghĩa của việc tập huấn của Giáo phận
-Ý thức môi trường xã hội và Giáo Hội trong đó tổ chức đang hiện diện.
-Rèn luyện kỹ năng tổng hợp
Từ 9g30-10g00: nghỉ giải lao
Từ 10g00 – 11g30: Đúc kết thảo luận của các nhóm
Cha Micae Trương Thanh Tâm đúc kết và tiếp tục học tiết hai với nội dung: Nhận diện nhu cầu của cộng đồng: công cụ Bậc thang nhu cầu:
Những người hạnh phúc thường được thỏa mãn các nhu cầu sau:
Những nhu cầu vật chất
Căn bản: ăn, mặc, ở
An toàn: ăn ngon, mặc đẹp, công việc, luân lý, tài nguyên môi trường, tài sản…
Yêu thương: cảm thức thuộc về rất quan trọng như thuộc về một Dòng tu, một gia đình, một cộng đoàn, một truyền thống (Huế cổ kính, gia phong)… đó là nhu cầu xã hội.
Những nhu cầu tinh thần
Tôn trọng: ai cũng thích mình được tôn trọng, sĩ diện
Được triển nở: tôi mong muốn trở thành gì và được đáp ứng như vậy.
Tất cả những nhu cầu này đúng trên mọi người và các cộng đoàn. Các nhóm thảo luận về các nhu cầu hiện tại của con người thời đại hôm nay
Với mục tiêu: -Nhu cầu chính là “dấu chỉ thời đại”. – Rèn luyện kỹ năng phân tích
Đúc kết các nhu cầu của các nhóm đề ra:
Giữa những nhu cầu trong cuộc sống đó thì chúng ta phải chọn lựa nhu cầu ưu tiên, chiều nay sẽ phân tích theo bảng chọn lựa nhu cầu ưu tiên.
Chúng ta xem những nhu cầu đó đúng hay không? Cần phải đặt 2 câu hỏi: Ai có nhu cầu gì? – Nhu cầu này do ai xác định?
Xác định nhu cầu; Sắp xếp chọn nhu cầu ưu tiên; Cân đối các nhu cầu theo khả năng của chúng ta hay nguồn lực của chúng ta: nhân lực, tài lực, vật lực.
Làm việc phải có lý trí, cân nhắc, phải có sự tham gia của cộng đồng: Tìm hiểu nhu cầu, đưa ra dự phóng, thẩm định dự phóng, thực hiện và lượng giá.
Mọi người tham gia ở những điều kiện nào? Mức độ nào?
Từ 11g30 -13g30: ăn trưa và nghỉ trưa
Từ 13g30 – 15g00: bắt đầu buổi học ban chiều với nội dung:
– Các kỹ thuật giúp xác định nhu cầu do Cha Micae Trương Thanh Tâm trình bày gồm các điểm sau:
1. Điều tra, khảo sát
2. Quan sát;
3. Bảng câu hỏi;
4. Lắng nghe người dân;
5. Dự những cuộc họp của các tổ chức trong cộng đồng và lắng nghe họ thảo luận
6. Hội thảo chuyên đề của cộng đồng có sự tham gia của các thành viên trong cộng đồng và những người lãnh đạo chính thức và không chính thức.
7. Nắm bắt quan điểm của các ban tổ chức;
8. Tham khảo ý kiến của các lãnh đạo;
9. Phỏng vấn có chuẩn bị và không chuẩn bị;
10. Đơn xin của cộng đồng, đơn thỉnh cầu;
11. Trưng bày áp phích và tổ chức thảo luận về nhu cầu của cộng đồng;
12. Mời cộng đồng tham dự và lắng nghe một buổi nói chuyện của chuyên gia về phát triển, và tổ chức thảo luận về nhu cầu của cộng đồng;
13. Xác định nhu cầu sau một buổi chiếu phim làm cơ sở để thảo luận;
14. Các buổi họp để giải quyết tình hình khi có vấn đề dưới hình thức động não.
– Sắp xếp ưu tiên các nhu cầu: công cụ bảng Coffing – Hutchison
Với mục tiêu: Rèn luyện kỹ năng phân tích
Sau khi Cha hướng dẫn, các nhóm làm việc theo những nhu cầu mà trong nhóm đã đề ra lúc sáng. Người thư ký của nhóm đọc lên những nhu cầu đó và cá nhân mỗi người tự cho điểm, rồi cả nhóm tập trung lại xem nhu cầu nào có mức điểm cao nhất.
Từ 15g00 – 15g30: giải lao
Từ 15g30 – 17g00: tiết học cuối cùng của ngày thứ nhất, với nội dung:
– Phân tích SWOT để biết mình, biết người.
– Đánh giá tài nguyên và các hạn chế do Cha Micae Trương Thanh Tâm trình bày.
Phát huy sức mạnh, khắc phục yếu kém của mình, tận dụng được thời cơ, loại trừ các nguy cơ.
Các nhóm thảo luận về sức mạnh, yếu kém, thời cơ và nguy cơ của nhóm mình trong 20 phút
Đúc kết: Qua các trình bày của các Hội Dòng, chúng ta tạ ơn Chúa về đời sống tu trì của Giáo phận Huế. Khi nhìn các vấn đề đều có hai mặt tốt và xấu của nó, cho nên người lãnh đạo cần có tầm nhìn để đưa ra chiến lược hợp hoàn cảnh, thay đổi hiện trạng của mình.
Trước khi kết thúc một ngày tập huấn, Cha trình bày “Chu trình quản lý dự án phát triển” (Giáo trình trang 17).
Đọc kinh Sáng Danh
17g15: cơm tối và một số học viên ra về, một số nhà xa thì nghỉ lại tại Trung Tâm Mục Vụ của Giáo Phận.
Đaminh Hưng – TTMV Huế
(Một số hình ảnh ngày thứ nhất: http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=8320:hinh-nh-khoa-tp-hun-tm-nhin-s-mng-mc-tieu-sang-2472012&catid=3:tin-tuc-tong-giao-phan-hue&Itemid=4)
(nguồn: website Tổng Giáo Phận Huế)