NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG NGÀY 4

THỜI KHÓA BIỂU

Buổi sáng có một số khách Hành Hương đã TẮM BIỂN tại bờ biển Đức Mẹ Sao Biển, sau đó chúng tôi ăn sáng, rồi lên đường đi tham quan PHƯỚC KIỀU như đã nói, nơi có Dinh Trấn Quảng Nam, và Gò Xử, nơi Anrê Phú Yên đã chịu phúc TỬ ĐẠO. Phước Kiều nay đã khác xưa, vì dân chúng đã đến lập cư đông đúc, không còn cánh đồng thẳng cánh cò bay như 7 năm trước đây nữa, nên từ Phước Kiều không nhìn được cánh đồng của khu vực Thanh Chiêm nữa. Nhà Nước lại mới cho tiến hành một con đường cắt ngang qua cánh đồng để làm quốc lộ. Chỉ còn chợ CỦI là nơi Anrê đã đi qua để ra gò xử lãnh án chết vì đạo Chúa, nhưng chúng tôi không đi qua khu chợ đó. Thăm Phước Kiều xong, chúng tôi đến với Đức Mẹ Trà Kiệu, nơi đây Đức Mẹ đã hiện ra cứu giúp giáo dân ở đây thời Văn Thân. Những người giáo dân của xứ đạo này chỉ có tay không, nhưng Đức Mẹ đã giúp họ để quân Văn Thân không có cách nào chiếm cứ được xứ đạo này. Hiện nơi đây có Nhà Truyền Thống góp nhặt nhiều kỷ vật của thời đại cấm cách đạo. Chúng tôi dâng lễ kính Đức Mẹ vào lúc 10 giờ sáng và sau đó ăn trưa ngay tại quán ăn bình dân tại đây, sau đó chúng tôi đi thăm Cửa Đại và chụp hình trước Cù Lao Chàm. Cửa Đại nước trong và đẹp, xa xa khoảng 8 cây số là Cù Lao Chàm nơi Thánh Phan xi cô Xaviê đã ghé đó và cũng là nơi các thừa sai sau này thường cập bến ở đó trước khi vào Hội An. Cửa Đại trở thành nơi thánh cũng vì những yếu tố đó. Biển Cửa Đại nối liền với biển Đức Mẹ Sao Biển, nên chúng tôi đã tắm biển Đức Mẹ Sao Biển cũng là cùng một dòng nước với Cửa Đại vậy. Có các đoàn dân chúng đến sinh hoạt ở rừng dương trước Cửa Đại, và có một số ít người tắm biển vì ở đây bờ biển dốc sâu, nhưng trong vắt hơn bờ biển của Đức Mẹ Sao Biển, vì ở đây vẫn là nơi nguyên sinh. Nếu có thời gian, chúng ta có thể thuê thuyền ra Cù Lao Chàm. Phải ít nhất dành một ngày mới có thể tham quan nơi thánh này, với rừng nguyên sinh còn hơn 150 loài thú, và với bờ biển nguyên sinh xanh mướt. Sau Cửa Đại chúng tôi đi thăm Non Nước Ngũ Hoành Sơn, để bà con mua các đồ kỷ niệm bằng đá của Ngũ Hoành Sơn. Chúng tôi về lại Đức Mẹ Sao Biển sớm, để nghỉ trưa, và sau đó đọc kinh trước tượng đài Đức Mẹ Sao Biển và đi TẮM BIỂN, thay cho chương trình tắm ở Cửa Đại ngay trước Cù Lao Chàm là nơi khá chắc Thánh Phaxicô Xaviê đã dừng chân ở đó, và là nơi các thừa sai đã nhiều lần dừng chân ở đảo này trước khi vào CƯ SỞ ĐẦU TIÊN của các Thừa Sai Dòng Tên tại Hội An. Sau việc đọc kinh kính Đức Mẹ Sao Biển vào lúc 18 giờ chúng tôi có buổi nói chuyện về Đức Maria trong Giáo Hội và trong lòng người tín hữu VN. Ăn tôi xong, chúng tôi có một buổi tối đi chơi Đà Nẵng ban đêm theo các nhóm.

HÀNH HƯƠNG NƠI THÁNH

 Giải đất từ Cửa Đại đến Hội An là giải đất thánh, nếu chúng ta hiểu rằng đó là giải đất đã in các vết chân của nhiều thừa sai dòng Tên qua lại nơi đó. Chúng ta cũng phải hiểu rằng nơi đó từ ngày 18 tháng giêng năm 1615 nó thật hoang sơ, và vì vậy cái thánh thiêng của nó chinh là sự hoang sơ đó, mà ngày nay chúng ta chỉ thấy những nhà là nhà, những khách sạn, và các lô đất đang chờ để làm các dinh thự. Thế mà nơi đó trước kia là nơi thánh, cũng như cánh đồng Thành Chiêm chỉ mới 7 năm trước đây, với cái hoang dã của nó, còn thấy một chút dáng dấp lịch sử của thời xa xưa, nhưng nay đang được đô thị hóa. Nơi thánh là theo cái nhìn của chúng ta, vì trước kia cha ông chúng ta đã ngang qua đó, nhưng nay đã trở thành cái thành đô của con người. Chỉ có khảo cổ học, đào dưới lòng đất, mới tìm ra cái lịch sử của thời xa xưa. Linh Mục Nguyễn Trường Thăng, chánh xứ Hội An đang nghỉ hưu, đã cố gắng làm công việc này ở Hội An, và Ngài đã tìm ra một vài ngôi mộ ở vùng đó. Nhưng có là bao đối với lịch sử của 400 năm trước đó. Vì thế, chúng ta đi trên nơi thánh như chúng ta dạo chơi trước một lớp đô thị mới đã mọc lên, và chôn vùi lịch sử ở bên dưới. May mắn thay, còn có phố cổ Hội An, vì là nơi sinh sống xưa, vẫn giữ được chứng tích lịch sử của 400 năm trước. Cù Lao Chàm còn đó, vì nó là thiên nhiên chưa có dấu chân con người khai phá, nó đã đón gót chân của Thánh Phanxicô Xaviê và các nhà thừa sai khác. Dòng nước Cửa Đại cũng đã đưa các con thuyền của các vị thừa sai vào Hội An vẫn sóng vỗ rì rào, nhưng lịch sử xa xưa thì nó như vô tình, nó chẳng có cái gì để làm chứng tích cho nơi thánh. Con sông Jordanô xưa đã đón dấu chân của Joan Tẩy Giả và của Đức Giêsu cũng vậy, nó vẫn vô tình với những gì của lịch sử đã đi qua. Hành hương là để tưởng nhớ về cội nguồn, và chỉ trong ĐỨC TIN, chúng ta mới “nhìn thấy” các nơi ấy cái thánh thiêng của thời xa xưa 400 năm. Riêng với Trà Kiệu, chỉ mới gần 200 năm tôi vẫn còn đó, nên nó đang là chứng tích lịch sử trước mắt. Núi Đức Mẹ Trà Kiệu được xây dựng nên để xác định nơi thánh, nó mới là chứng cớ lịch sử được cắm mốc, chứ không phải như An Chỉ xưa, hiện nay chỉ là mảnh đất trống không, vì nó chưa được xây dựng gì để làm kỷ niệm, khác với CƯ SỞ NƯỚC MẶN đã có BIA TƯỞNG NIỆM. Lịch sử là thế, nó nằm trong KÝ ỨC CON NGƯỜI, và chỉ khi được đánh mốc bằng cái gì đó mắt trần thấy được, chúng ta mới thấy được đó là “địa điểm thánh”. Ngày Hành Hương của chúng tôi khép lại với những lần bánh xe chạy quanh giải đất này, và chỉ như thế, với cái nhìn đức tin của chúng tôi, nó trở thành những vết chân của người hành hương về cội nguồn.

Hiện nay chỉ có một nơi là cội nguồn của lịch sử rõ nhất là Đất Thánh tại xứ Palestin, vì ở đó có quá nhiều chứng tích lịch sử, khiến người ta có thể về đến cội nguồn của hơn 2 nghìn năm trước, để tưởng nhớ con người đã để lại lịch sử ngàn đời: Đức Giêsu Kitô.

Kiểm tra tương tự

Dòng Tên đánh dấu 400 năm tại Việt Nam

Hơn 3.000 người cùng với 210 tu sĩ Dòng Tên ở thành phố Hồ Chí …

Giới thiệu biến cố 400 năm Dòng Tên đến Việt Nam

BÀI GIỚI THIỆU KỶ NIỆM BIẾN CỐ 400 NĂM DÒNG TÊN ĐẾN VIỆT NAM Ngày …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *