Nhìn lại Giáo Hội hòa mình trong xã hội Việt Nam

 II – HỘI NHẬP: KHÓ KHĂN GIỮA CÁC THỪA SAI

Việc hội nhập văn hoá ở VN trước đây kể cũng nhiều và phải nói là “táo bạo”, nhưng không phải là mọi thừa sai đều đồng ý, cùng hành động. Ngay tại Ân Độ và Trung Quốc thời đó cũng gặp khó khăn như vậy.

1. Khó khăn giữa các thừa sai cùng một Dòng tu

Tại VN, chúng ta có thể đưa ra hai nhân vật làm ví dụ cho những khó khăn loại này vào đầu thế kỷ 17, chưa kể các thế kỷ sau này.

Thừa sai Christoforo Borri: Theo chính Borri viết trong cuốn sách của ông về xứ truyền giáo Đàng Trong, trong chương 11 (chương cuối cùng) thì ông được bề trên ở Áo Môn phái đến Đàng Trong năm 1618 để học tiếng Việt, hầu sau này cứ làm việc ở Đàng Trong hoặc đi truyền giáo ở Đàng Ngoài[28]. Nhưng năm 1622, chẳng những cha rời khỏi Đàng Trong, lại không đến Đàng Ngoài, cũng chẳng truyền giáo tại Áo Môn, Trung Quốc, Malacca hay Ấn Độ, mà lại về Bồ Đào Nha dạy học. Tại sao?

Chúng tôi chưa thấy ai đặt ra vấn đề này, nhưng chúng tôi tạm đưa ra giả thuyết là Borri “khó tính” hoặc có đường lối hội nhập văn hoá quá bạo trong khoảng 1618- 1622 ông ở Đàng Trong và nơi ông ở nhiều nhất là Nước Mặn. Bằng chứng là, sau khi quan Tri phủ Hoài Nhơn (Quy Nhơn) là Trần Đức Hoà (em kết nghĩa với chúa Nguyễn Hoàng) qua đời đột ngột khoảng 1620, các quan chức ở đây xin Borri cho biết liệu quan Tri phủ có được vào nơi phiêu diêu cực lạc không? Vị thừa sai, cùng với cha Buzomi và Pina cũng có mặt tại đó, liền trả lời: “Khi chưa được rửa tội, chẳng ai được cứu rỗi, nhưng lòng Nhân từ của Chúa bù cho khi người gần chết có lòng ước ao. Nếu trong giờ sau hết, quan Tri phủ có lòng ao ước như chúng tôi thấy, dù quan chưa ngỏ ý lãnh nhận bí tích ấy vì bị sự dữ áp bức, người ta có thể tin là quan đã được cứu rỗi và không bị luận phạt”[29]. Sau câu trả lời đó, các quan tỏ ra rất hài lòng. Khác với cha Đắc Lộ khi trả lời cho một bà Lớn ở Vân No (Thanh Hoá) vào tháng 4-1627 sau lễ an táng chồng bà: “Quan Lớn cũng giống như một cây đã đổ về một phía, dù phía Nam hay phía Bắc, thì không thể ngóc dậy được nữa. Riêng đối với chúng tôi, chúng tôi không được Đức Chúa Blời đất sai đi loan báo Tin Mừng cho người chết, mà là cho kẻ sống, nên chúng tôi bất lực trong việc cứu giúp những người đã chết trong sự bất trung”[30].

Một tư liệu quan trọng khác chứng minh Borri có cái nhìn thoáng, bao dung. Đó là cuốn sách Relatione[31] in tại Roma năm 1631 mà chúng tôi đang trưng dẫn. So sánh với các thừa sai khác ở VN vào thế kỷ 17-18, như Đấc Lộ, Marini, Tissanier, Bourges, Chevreuil, Vachet, Ferreyra, thì xem ra Borri viết “dễ thương” hơn, vì tỏ ra tôn trọng và đề cao nhiều phong tục xã hội Việt, không đưa ra những nhận định có vẻ lên án, “dễ mất lòng nhau”, dù Borri cũng nhắc tới đạo Phật và vài đạo khác.

Thừa sai Alexandre de Rhodes (Đắc Lô): Đầu tiên Đắc Lộ được phái vào Đàng Trong khoảng đầu tháng 2- 1625 để học tiếng Việt, chuẩn bị cho cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài[32]. Ngày 19-3-1627 Marques cùng với Đắc Lộ có mặt tại cửa Bạng (Thanh Hoá), sau đó được phép chúa Trịnh Tráng cho ở lại và thường ở Kẻ Chợ. Tháng 5-1630, Đắc Lộ cùng ba nhà thừa sai khác phải về Áo Môn. Trong thời gian hơn 3 năm liên tục ở Đàng Ngoài, Đắc Lộ đã làm được rất nhiều việc, đặc biệt về mặt hội nhập vãn hoá, nhưng xem ra chính những sáng kiến táo bạo của cha đã làm cho cha không được trở lại Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong suốt 10 năm trời (1630-1640).

Thực ra, cha rất yêu mến xã hội và con người VN, rất cảm phục tín hữu VN về lòng nhiệt tình, rốt sáng, kiên trì trong việc theo Chúa. Tháng 7-1645, tại Hội An, anh chị em bổn đạo ra tận bến tàu tiễn chân cha, do lệnh chúa Nguyễn Phước Lan trục xuất cha vĩnh viễn khỏi xứ sở. Cha viết:”Bổn đạo ra tận bến tàu từ biệt, kẻ khóc, người tru trếu; có những người còn lăn ra ăn vạ gần như chết vì khóc thương, tôi chẳng nói được gì, chỉ biết gật đầu, giơ tay, mà con mắt không rời khỏi họ. Tôi bỏ Đàng Trong bằng thân xác, nhưng không bỏ bằng tâm hồn, đối với Đàng Ngoài cũng thế; thật ra tâm hồn tôi hoàn toàn ở cả hai xứ”[33].

Vậy mà cha không được nhập phái đoàn cha Gaspar d’Amaral (1592-1646) trở lại Đàng Ngoài năm 1631. Một nhà truyền giáo năng nổ, tài ba, nhiệt tình như vậy nhưng lại bị “cầm chân” tại Áo Môn suốt 10 năm trời, phải dạy học là công việc tính tự nhiên cha không ưa thích như đi truyền giáo trực tiếp, trong khi cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong, hai Giáo hội sơ khai này rất cần đến những thừa sai như Đắc Lộ. Tại sao thế?

Chúng tôi phỏng đoán là các anh em Dòng Tên khác ở Áo Môn nghe biết Đắc Lộ lập Tu hội Thầy giảng, nhà Đức Chúa Trời, thích nghi một số phong tục, dùng từ ngữ Đức Chúa Blời đất mà không dùng từ ngữ Thiên Chủ ị Chúa) v.v… và xem ra cũng có điều gì lấn cấn với chế độ padroado (bảo trợ) Bồ Đào Nha chăng? Vì thế, bề trên không dám cho cha trở lại Đàng Ngoài, dù là vị Giám Tỉnh lúc ấy rất cởi mở như André Palmeiro, ủng hộ công việc của Đắc Lộ ở Đàng Ngoài, nhưng chẳng dám cho cha trở lại Đàng Ngoài, cũng chẳng dám đưa vào Đàng Trong. Cũng may, Palmeiro rất sáng suốt, nên đã phái Gaspar d’Amaral là người “rất thông thạo tiếng [Việt]” (peritissimus linguae)[34], ủng hộ các thích nghi của Đắc Lộ, đến Đàng Ngoài tiếp tục công việc của Đắc Lộ. Mãi đến năm 1640, Đắc Lộ mới được trở lại VN, nhưng chỉ ở xứ chúa Nguyễn đến năm 1645.

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …

Một bình luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *