Những người tị nạn đang chờ Lòng thương xót

immigratiA

Thiên nhiên là ngôi nhà chung của nhân loại. Mọi người đều có một chỗ đứng trên mặt địa cầu này. Thế nhưng, có những người tị nạn, họ đi từ miền này qua miền khác, chẳng biết nơi đâu là quê nhà. Đối với họ, khái niệm sống an cư lạc nghiệp là một kinh nghiệm quá lý tưởng. Cái chết luôn rình rập khiến họ chẳng còn dám nghĩ đến ngày mai. Nhân phẩm của họ, họ không còn nghĩ đến, ai sẽ bảo vệ quyền lợi của họ. Mọi cửa biên giới đều khóa chặt, mọi con tim đều đóng kín. Đó cũng là thảm trạng mà Đức Phanxicô đã cảnh báo con người thời đại khi lên án thái độ sống toàn cầu hóa sự dửng dưng.

Chúng ta không thể đo lường hết những tổn thất và tổn thương nơi những người tị nạn: họ phải chịu cảnh rối ren trong quá khứ, mối rình rập trong hiện tại và sự rùng rợn trong tương lai. Tất cả những hỗn loạn ấy là hậu quả của một giai đoạn lịch sử không lấy con người làm gốc; nhân phẩm con người chỉ được nhắc đến trong những tòa nhà trắng như loại trang sức rẻ tiền, hết hạn sử dụng.

Cảnh tượng vợ mất chồng, con mất cha, người mất nhà…đã là nỗi đau canh cánh của thân phận những người mất quê hương. Họ phải chịu những bệnh tật trong thể lý, hậu quả của “khói lửa” còn ảnh hưởng nơi những bầu thai và các bà mẹ cho con bú…Đó là chưa nói đến những tổn thương tâm lý, những tương giao lành  mạnh giúp họ sống xứng đáng với nhân phẩm. Thêm nữa, việc bị tách riêng thành một đối tượng chăm sóc đặc biệt cũng làm cho họ sống trong mặc cảm của những kẻ ăn bám xã hội. Một khi nhu cầu thể lý và an sinh xã hội không được bảo đảm thì việc nghĩ đến những giá trị tinh thần là một điều không tưởng. Họ không cần lên tiếng nhưng lòng thương xót của con người không vì thế mà bị chôn vùi trong sự an toàn bản thân. Hình ảnh về cái chết của một em bé trôi dạt vào bãi biển là bằng chứng tố cáo sự dửng dưng mang tính toàn cầu nơi con người thời đại.

Chỉ những ai thực sự ý thức mình cũng mang thân phận những người tị nạn cách nào đó mới dễ dàng đón nhận người khác và chia sẻ nỗi mất mát cùng những nỗi lòng của người tha hương. Quả thật, chúng ta là những khách lữ hành trên đường dương thế, lang thang khắp chốn để tìm cho được một nơi an toàn nhưng những gì là tạm bợ thì tương đối và bấp bênh. Chính những bất an ấy đòi buộc con người phải “ra đi”. Còn theo lời mời gọi của Đức Phanxicô: Hãy ra khỏi mình, đó là cách thức hiệu quả giúp chúng ta sống lòng thương xót.

Nơi mỗi người, luôn có những xung khắc và mâu thuẫn đòi buộc chủ thể phải đối diện, cuộc chiến khốc liệt đến mức buộc họ phải ra khỏi mình như một kẻ tị nạn đi tìm đất bình an. Xét trên bình diện xã hội, tương quan giữa người với người cũng thế, luôn có những va chạm và cọ xát khiến mỗi người phải quyết định ra đi, cả hai đều là những kẻ tị nạn vì không tìm được một chỗ trong lòng người kia. Những tổn thương ấy nhân rộng đến mức toàn cầu hóa. Chính khi con người quan niệm “tha nhân là hỏa ngục” theo triết gia P. Sartre, tha nhân trở thành kẻ tị nạn bên ngoài biên giới của tâm hồn tôi.

Đứng trước thực tế như thế, triết gia Lévinas đã khêu gợi cho con người thời đại một hướng đi: Khuôn mặt tha nhân đòi buộc trách nhiệm nơi tôi. Thật vậy, những người tị nạn là bài trắc nghiệm thiết thực cho lòng trắc ẩn của mỗi người. Nghĩa là, tình trạng hiện tại của họ đòi buộc tôi lãnh lấy một phần trách nhiệm. Chính tôi đã đẩy người anh em nào đó đến tình trạng tị nạn, ra khỏi đời sống tôi.

Tưởng cũng cần nhắc lại, sáng kiến của Đức Phanxicô khi xây một ngôi nhà với sức chứa vài chục người để tiếp nhận những người vô gia cư và gần đây trong một chuyến tông du, ngài đã quyết định trợ giúp vài gia đình người Hồi Giáo, ấy là biểu tượng đồng thời là hành động cụ thể; ngài muốn gởi đến cho thế giới một thông điệp: Hãy cứu giúp họ trong khả năng của mình. Có nhiều người cho rằng đây chỉ là việc làm như thể muối bỏ bể, chẳng ăn thua gì. Đúng thế ! Nhưng mọi sự đều khởi đầu từ những bước nhỏ. Kinh nghiệm lịch sử Giáo Hội đã minh  chứng một Têrêsa nhỏ bé đã khởi đầu bằng những con người bất hạnh tại cống rãnh thành Calcutta; giờ đây đã trở thành động lực khiến bao người trẻ thiện chí trên khắp thế giới tiếp bước con đường của mẹ.

Nếu không có khả năng xây nhà để tiếp đón những người bất hạnh, chúng ta đã có sẵn ngôi nhà tâm hồn; chỉ cần mở cửa để tiếp đón bất cứ ai cần đến. Với thiện chí ấy Chúa sẽ chúc lành và soi sáng giúp chúng ta nhận ra cách thức nào để sống lòng thương xót. Đó là cách làm cho lòng thương xót của Chúa đã đặt để trong ta được lớn mạnh như một cây to đến nỗi chim trời có thể đến làm tổ và vạn vật đến nương mình, tha nhân đến trú ẩn và Chúa có một chỗ để ở lại qua đêm trong tâm hồn ta.

EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Đại kết và hòa giải dân tộc

    Trong sắc lệnh mới nhất về Năm Thánh 2025, Hy vọng không làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *