Nơi Thánh Stê-pha-nô, Lời Hứa của Chúa Giê-su Được Ứng Nghiệm Đầy Đủ! (ĐTC Benedict XVI, Angelus Domini ngày 26-12-2012)

LOGO“…Người rao truyền Tin Mừng chính là người trở nên có khả năng mang Đức Ki-tô cho những người khác theo cách hiệu quả là khi người ấy sống với Chúa Ki-tô, nghĩa là khi tính “Tân” của Tin Mừng được biểu lộ trong chính đời sống của người ấy.”

RadioVaticana 26-12. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin “ngoại thường” chung với các tín hữu vào ngày lễ mừng thánh Stê-pha-nô 26-12 (kề sau Lễ Chúa Giáng Sinh) tại Quảng trường Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha Benedict XVI trình bày mẫu gương sống đức tin của Vị tử đạo tiên khởi: “nơi Stê-pha-nô lời hứa của Chúa Giê-su được ứng nghiệm đầy đủ, đó là lời hứa được thuật trong bản văn Tin Mừng hôm nay, rằng những ai được mời gọi làm chứng nhân đức tin trong những cảnh huống khốn khó và hiểm nguy, họ sẽ chẳng bị bỏ rơi và đơn lẻ: chính Thần Khí sẽ nói trong họ (x. Mt 10,20)” . ĐTC mời gọi đồng thời hy-vọng rằng trong Năm Đức Tin này Giáo Hội sẽ được thêm nhiều người sống chứng nhân đức tin theo gương thánh Stê-pha-nô. Dưới đây là toàn bộ bài diễn từ của Ngài.

Anh chị em thân mến!

Hằng năm, vào ngày kề sau Lễ Giáng Sinh của Con Thiên Chúa, phụng vụ Giáo Hội Công Giáo cử hành lễ mừng thánh Stê-pha-nô, phó tế và vị tử đạo tiên khởi. Sách Công Vụ Tông Đồ trình bày cho chúng ta vị tử đạo Stê-pha-nô là một người đầy tràn ân sủng Thần Khí (x. Cv. 6,8-10, 7,55). Nơi Stê-pha-nô lời hứa của Chúa Giê-su được ứng nghiệm đầy đủ, đó là lời hứa được thuật trong bản văn Tin Mừng hôm nay, rằng những ai được mời gọi làm chứng nhân đức tin trong những cảnh huống khốn khó và hiểm nguy, họ sẽ chẳng bị bỏ rơi và đơn lẻ: chính Thần Khí sẽ nói trong họ (x. Mt 10,20). Thế nên chúng ta thấy hệ quả là vị phó tế Stê-pha-nô được Thần Khí linh ứng để phát ngôn và tử nạn đang khi làm chứng cho tình yêu của Đức Ki-tô, đến tận hy-tế mạng sống.

Vị tử đạo tiên khởi được mô tả là phải gánh chịu cực hình, bắt chước y-hệt mẫu gương trọn hảo của Chúa Ki-tô, lập lại mẫu gương ấy đến tận những chi tiết nhỏ. Cuộc đời của vị tử đạo Stê-pha-nô được Thiên Chúa định hình và đã được Đức Ki-tô khuôn đúc hoàn toàn hoàn: ngay giờ hấp hối, trong tư thế quỳ gối, Stê-pha-nô đã nguyện lại cùng một lời với Đức Ki-tô trên thập, phó thác cho Chúa hoàn toàn và xin thứ tha cho những kẻ mưu hại/giết mình “Chúa ơi! Đừng trách họ tội này!” (câu 60). Được đầy Thánh Thần, đang khi mắt ông vẫn đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa: “Kìa! Chúa Giê-su đang đứng bên hữu Cha” (câu 55), và Người là Đức Chúa của mọi sự và mọi sự đang quy hướng về chính Ngài.

Trong ngày mừng lễ thánh Stê-pha-nô, chúng ta cũng được mời gọi để ngắm nhìn chăm chú Con Thiên Chúa, cái nhìn đang được đặt trong bầu khí mừng vui của Giáng Sinh, chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập Thể Con Thiên Chúa làm người. Với Bí tích RỬA TỘI và THÊM SỨC, nghĩa là với món quà đức tin quý báu được nuôi dưỡng bằng các BÍ TÍCH của Giáo Hội, cách riêng là Bí tích THÁNH THỂ, thì Chúa Giê-su Ki-tô đã cột chặt Chính Ngài với chúng ta, và hẳn nhiên là Ngài muốn tiếp tục như thế nơi chúng ta, cùng với hoạt động của THẦN KHÍ, với công trình cứu độ của Người, tất cả đều được cứu rỗi, được củng cố, được nhấc lên và được dẫn đưa đến chỗ hoàn tất. Hãy để cho Đức Ki-tô dẫn dụ chúng ta hệt như thánh Stê-pha-nô đã làm. Điều ấy có nghĩa là chúng ta hãy mở đời riêng của chúng ta ra với ánh sáng đang đòi mời nó, và hãy để đời ta tiến bước trên nẻo đường sự thiện, là nẻo đường đích thị của con người thể theo kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.

Sau cùng, thánh Stê-pha-nô là một mẫu gương sáng cho hết thẩy những ai muốn phục vụ công cuộc “Tân Phúc Âm hóa”. Thánh Stê-pha-nô cho thấy, tính “Tân” của công cuộc Phúc Âm hóa không hệ tại tiên quyết ở chỗ áp dụng phương pháp mới hay kỹ thuật cổ truyền (hẳn những thứ này có tính hữu dụng riêng của chúng), nhưng đúng hơn là chúng ta hãy để Thánh Thần chiếm hữu và để cho Ngài soi dẫn. Tính “Tân” của công cuộc ấy hệ tại ở chiều sâu khôn dò thấu của mầu nhiệm Đức Ki-tô, của sự đồng hóa giữa Lời Ngài và sự hiện diện của Ngài nơi Thánh Thể, để mà cũng là chính Ngài, chính Chúa Giê-su hằng sống, có thể nói và hành động nơi người mà Ngài mời gọi.

Về bản chất, người rao truyền Tin Mừng chính là người trở nên có khả năng mang Đức Ki-tô cho những người khác theo cách hiệu quả là khi người ấy sống với Chúa Ki-tô, nghĩa là khi tính “Tân” của Tin Mừng được biểu lộ trong chính đời sống của người ấy. Chúng ta hãy nguyện xin cùng Đức Maria để Giáo Hội trong Năm Đức Tin này, thấy được vô vàn những người nam cũng nữ, giống-hệt như thánh Stê-pha-nô, biết đưa ra lời chứng thuyết phục và can đảm bằng một đời sống theo gương Chúa Giê-su.

Augustin Nguyễn Thái Hiệp, S.J

chuyển ngữ và giới thiệu

Kiểm tra tương tự

“Chúng tôi là anh em trong Chúa”

  “You are mine” là bài hát dẫn chúng tôi vào bầu khí linh thao …

ĐTC Phanxicô: Căn tính và sứ mạng của Đại học Urbaniana là loan báo Tin Mừng

Sáng 30/8/2024, gặp gỡ các tham dự viên Đại hội ngoại thường của Bộ Loan …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *