« Phúc thay người mẹ đã cưu mang
và cho Thầy bú mớm »
(Lc 11, 27-28)
27 Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! “
28 Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
Hôm nay thứ bảy, chúng ta được mời gọi tiếp tục hướng về Đức Maria với lòng yêu nến, khởi đi từ lễ Đức Mẹ Mân Côi, mà chúng ta mừng kính trọng thể vào Chúa Nhật vừa qua.
Hơn nữa, Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay, cũng tôn vinh Đức Mẹ, khi kể lại lời của một người phụ nữ:
Phúc thay người mẹ
đã cưu mang và cho Thầy bú mớm.
(c. 27)
Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta, và để cho chúng ta cũng biết lắng nghe và đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa vào tâm hồn, vào cuộc đời, vào hướng đi và vào những lựa chọn của chúng ta; và xin Mẹ dạy chúng ta hiểu và sống tiếng “Xin Vâng” của Mẹ, mỗi ngày và suốt đời.
- « Phúc thay người mẹ… »
Như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người : « Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm ».
Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường nghe được những lời khen tặng bố mẹ tương tự, khi thấy một người con vừa ngoan vừa giỏi. Tất cả chúng ta đều sinh ra từ bố mẹ, ước gì cách sống của chúng ta khiến người khác phải khen tặng bố mẹ của chúng ta.
Và cách sống tốt nhất là cách sống phát xuất từ lòng biết ơn, giống như cách sống của chính Đức Giê-su: cả cuộc đời của Người là lời tạ ơn Chúa Cha; vì thế bí tích Thánh Thế mà Người đã thiết lập và chúng ta cử hành mỗi ngày, còn được gọi là bí tích Tạ Ơn.
- Mẹ và Con
Lời khen tặng rất đỗi đời thường của người phụ nữ, nhưng lại chất chứa cả một mầu nhiệm lớn lao. Đó là qua ơn huệ được cưu mang Đức Giê-su và cho Ngài bú mớm, Đức Mẹ sẽ mãi mãi gắn bó với Đức Giê-su, cả ở dưới đất lẫn ở trên trời. Giáo Hội xác tín rằng, nếu Đức Giê-su đã phục sinh và lên trời, thì Đức Maria cũng lên trời cùng với Đức Giê-su, con của Mẹ. Vì thế, bài Tin Mừng này được đọc trong ngày lễ vọng Đức Maria Hồn Xác Lên Trời.
Sự hiệp thông ân sủng giữa Mẹ và Con, và giữa Con và Mẹ, làm cho chúng ta được an ủi và hi vọng rất nhiều. Chúng ta hãy nhớ lại trong Tin Mừng có trường hợp, vì thương người Mẹ mà Chúa cứu người con; và hôm nay, khi Chúa cho Đức Maria hồn xác lên trời, chúng ta cũng xác tín rằng, vì thương người con, Chúa cũng sẽ cứu người mẹ. Như thế, Chúa cũng thương yêu, những người chúng ta thương yêu. Chính vì vậy, chúng ta được mời gọi luôn cầu nguyện cho nhau, cho những người còn sống, cũng như cho những người đã qua đời. Và, vì tất cả chúng ta đều có Đức Maria là Mẹ, chúng ta xác tín rằng, Mẹ Maria thương và chia sẻ ân phúc của Mẹ cho chúng ta. Và quả thực, như kinh nghiệm đức tin cho thấy, Mẹ vẫn luôn gần gũi và chia sẻ ân huệ cho chúng ta.
- “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”
Phúc thay người mẹ
đã cưu mang và cho Thầy bú mớm.
(c. 27)
Nhưng khi nghe mối phúc này, Đức Giê-su đáp lại:
Đúng hơn phải nói rằng:
“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”.
(c. 28)
Nhưng người lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa một cách hoàn hảo, lại cũng chính là Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Như vậy, Mẹ Maria có tới hai mối phúc: Phúc, vì Mẹ đã cưu mang Đức Giê-su; và phúc, vì Mẹ đã luôn lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa.
Nếu với mối phúc thứ nhất, Mẹ là người duy nhất được hưởng, và Mẹ không thể chia sẻ cho chúng ta, Mẹ chỉ chia sẻ hoa trái là Đức Ki-tô, “Con lòng Mẹ được chúc phúc”, thì với mối phúc thứ hai của Mẹ, đó là phúc cho ai lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa, Mẹ có thể chia sẻ cho chúng ta cách trọn vẹn. Hơn nữa, chính Đức Giê-su đã xem trọng mối phúc này cách đặc biệt, khi nói: “Đúng hơn phải nói rằng…”. Quả thực, nếu chúng ta cũng lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở thành người thân của Đức Giê-su, người con của Mẹ, và do đó, chúng ta trở thành người thân của nhau không phân biệt gia đình hay dân tộc, như chính Đức Giê-su đã nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21).
Và như thế, Mẹ ở đâu chúng ta sẽ cùng nhau ở đó với Mẹ, tương tự như Đức Ki-tô ở đâu thì Mẹ cũng ở đó cùng với Người và anh chị em của Người.
Lm Giuse Nguyễn Văn-Lộc