[Radio Người Trẻ] Niềm hi vọng Phục sinh

Cao Gia An, S.J.

Các bạn thân mến,

Tuổi trẻ là thời gian hy vọng. Thật khó để sống một tuổi trẻ trọn vẹn nếu chúng ta không hướng nhìn đến tương lai với nhiều hoài bão và hy vọng. Hy vọng cho chúng ta sống một cuộc sống mạnh mẽ và tươi tắn. Không có hy vọng, người ta chỉ lây lất kéo dài ngày đời của mình như một cái xác vô hồn. Có hy vọng thì chúng ta mới thực sống. Bao lâu còn sống, bấy lâu chúng ta còn có quyền hy vọng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào ngọn lửa hy vọng cũng có thể được duy trì sống động trong lòng chúng ta. Dường như ai cũng đã từng một lần kinh nghiệm sự tàn lụi của một niềm hy vọng nào đó trong chính cõi lòng mình. Hy vọng vỡ tan làm chúng ta chua cay và đau đớn. Có nhiều người tự nhủ rằng hy vọng làm gì để rồi phải thất vọng. Thà không hy vọng còn hơn!

Tin Mừng Luca (24, 13-35) kể lại câu chuyện hai người môn đệ trẻ được Đức Giêsu dẫn đi từ tình trạng hoang mang thất vọng đến một niềm hy vọng bừng cháy.

Chiều ngày ấy, khi bóng nắng đổ dài trên con đường nhỏ nối từ thành phố Giêrusalem đến ngôi làng Emmaus, có hai người trẻ bước đi bên nhau. Họ buồn rầu hồi tưởng về những gì đã xảy ra. Những điều lạ lùng cứ đến dồn dập khiến họ ngơ ngác không hiểu. Có điều gì đó đã vụn vỡ trong họ. Họ chìm ngợp trong mệt mỏi, buồn sầu, hoang mang và thất vọng.

Ba năm trước, cũng trên con đường này, bước chân họ đã háo hức biết bao. Bước chân như múa nhảy, vì bao nhiêu là kế hoạch đang phập phồng trong lồng ngực trẻ của họ. Là những con người đi tìm tương lai, họ đã ôm ấp biết bao nhiêu nhiệt huyết sống, biết bao nhiêu là hy vọng… Ba năm sau, họ trở về cũng trên chính con đường ấy. Nhưng quá nhiều thứ đã đổi khác. Bước chân lặng lẽ nặng nề. Dáng đi buồn sầu ủ rũ. Chỉ cần nhìn họ, ai cũng nhận ra bóng dáng của sự thất vọng. Trong lời trần tình với vị lữ khách xuất hiện đột ngột, họ tâm sự rằng: “trước đây chúng tôi vẫn hy vọng rằng…” Vâng, niềm hy vọng của họ là điều đã thuộc về ‘trước đây’, niềm hy vọng ấy dường như đã chết lúc này.

Niềm hy vọng đã chết! Đó không phải là tình trạng họa hiếm trong đời sống của người trẻ chúng ta. Hơn thế, chúng ta cũng kinh nghiệm rằng tâm hồn mình đôi lúc thật mỏng manh và dễ bị tổn thương trước những thăng trầm, đổ vỡ, thất bại, tuyệt vọng. Một chút thất bại cũng dễ làm chúng ta ngại ngần thoái chí. Một chút khó khăn cũng dễ khiến chúng ta nản lòng bỏ cuộc. Một chút bất ngờ cũng dễ khiến chúng ta thất vọng. Khi đánh mất hy vọng, chúng ta lại thường bị cám dỗ để kết liễu nhiều thứ, thậm chí là kết liễu chính mạng sống của mình.

Hy vọng vỡ vụn quả là một tai họa. Thế nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao những niềm hy vọng của chúng ta lại vụn vỡ? Có giống với hai môn đệ Emmaus, chúng ta thường quy trách nhiệm cho những người khác, cho những sự cố xảy ra không theo ý muốn của chúng ta? Có bao giờ chúng ta tự vấn xem niềm hy vọng mà chúng ta đang có là hy vọng nào? Có phải điều gì cũng đáng để chúng ta hy vọng không? Thường thường, chúng ta dễ dệt mộng và nuôi hy vọng với những danh vọng hào nhoáng, với những vật chất hấp dẫn, với những địa vị vinh quang… Khi những ánh vinh quang phù du ấy vụt tàn, niềm hy vọng của chúng ta cũng vụn vỡ tắt ngấm.

Thưa các bạn,

Tất cả chúng ta đều cảm thấy nhu cầu hy vọng, nhưng đó không phải là bất cứ thứ hy vọng nào (x. thông điệp Đức Thánh Cha Biển Đức gởi cho giới trẻ nhân ngày quốc tế giới trẻ thứ 24 – Roma Chúa Nhật Lễ Lá 05.04.2009). Đặt hy vọng sai chỗ, chúng ta chỉ có thể đẩy mình đến một kết cục chua cay mà thôi.

Điều ấy đã xảy ra với hai môn đệ Emmaus. Bước theo Giêsu, dường như hai ông chỉ muốn theo một con người lấp lánh vinh quang với đầy những hứa hẹn cho một tương lai rực rỡ. Họ đến cùng Giêsu với đầy những kế hoạch và mong đợi đã có sẵn. Tâm hồn họ như những cốc nước đã đổ đầy. Trong cái đầy tràn ấy, đâu còn có chỗ nào cho Chúa. Thế nên những giáo huấn của Giêsu trong ba năm trời rót vào lòng họ có khác gì rót vào một khoảng không trống rỗng…

Chúng ta có giống hai môn đệ ấy, có thường mời Chúa bước vào trong những kế hoạch của mình hơn là để cho mình được bước vào trong kế hoạch của Chúa? Chúng ta có thường bám chặt vào ước mơ của mình hơn là quan tâm đến ước mơ của Chúa trên cuộc đời chúng ta? Nhiều người trong chúng ta bước theo Chúa mà vẫn thường bị thất vọng, phải chăng vì chúng ta chỉ muốn làm kẻ dẫn đường hơn là người được Chúa dẫn đi? Thật nguy hiểm khi chúng ta nghĩ rằng mình đang từ bỏ nhiều thứ để theo Chúa, mà thực chất chúng ta lại chỉ sử dụng Chúa như bước đệm để đạt tới những kế hoạch, những tham vọng, những chờ mong của riêng mình. Khi đó, bất cứ điều gì xảy ra ngoài ý muốn của mình đều bị chúng ta gọi là đổ vỡ, đều có thể đẩy chúng ta đến thất vọng. Bao lâu còn ôm víu quá chặt vào kế hoạch của riêng mình, bấy lâu tâm trí chúng ta vẫn còn ngơ ngác trước kế hoạch của Chúa.

Đức Giêsu hiện đến với hai môn đệ Emmaus không phải để đưa ra những bằng chứng không thể chối cãi nhằm nâng đỡ đức tin của các ông. Đức Giêsu cũng không lý luận để thuyết phục các ông tiếp tục hy vọng. Để khơi dậy niềm hy vọng tưởng chừng đã lụi tắt nơi các môn đệ, Đức Giêsu dẫn các ông đi lại kinh nghiệm về những gì chính các ông đã sống, đã chứng kiến, đã được nghe dạy dỗ. Một cách nào đó, Giêsu mời các môn đệ nhìn lại những hy vọng ngấm ngầm vừa ích kỷ vừa vô lý của mình. Ngài giảng giải cho các ông hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa. Ngài giúp các ông mở rộng lòng trí để đón nhận.

Mở lòng mình ra, niềm hy vọng của chúng ta mới tìm được một đảm bảo vững chắc hơn, đó là chính Thiên Chúa. Niềm hy vọng vào Thiên Chúa là đảm bảo cho mọi niềm hy vọng khác. Đặt hy vọng vào Thiên Chúa, chúng ta có một nền tảng để sống và xây dựng cuộc đời mình. Mọi biến động thăng trầm, mọi thử thách khó khăn, mọi đau khổ thất bại đều trở thành nhỏ bé dưới mắt những người dám đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa.

Lạy Chúa,

Chúa biết trong tâm hồn mỗi người chúng con
đều có một vùng đất gọi là Emmaus.
Đó là nơi chúng con đã rời bỏ để bước theo Chúa,
nhưng đó cũng là một cám dỗ khôn nguôi
dẫn dụ chúng con quay trở về
thu gom lại tất cả những gì mình đã từ bỏ.
Đó là vùng trời chúng con muốn rút về
khi đường theo Chúa có quá nhiều chông gai thử thách.
Đó là nơi chúng con muốn thu mình lại,
để ẩn náu, để chạy trốn, để khép kín
mỗi khi đường đời chúng con đã ê chề thất bại…

Lạy Chúa,
trên con đường của Chúa,
khó khăn thử thách là một phần tất yếu,
đau khổ thất bại là một phần không thể thiếu.
Tuy nhiên, đó không phải là những thực tại cuối cùng.
Nếu chỉ dừng lại ở những thử thách,
chúng con thật dễ tưởng rằng
mình đã lâm vào cùng đường thất vọng.

Như đã đồng hành và hướng dẫn hai môn đệ trên đường Emmaus
xin Chúa cũng đồng hành cùng chúng con mỗi ngày.
Xin soi sáng và hướng dẫn chúng con,
khi lòng trí chúng con ra mê muội tăm tối
Xin khơi dậy trong chúng con niềm hy vọng
khi con tim chúng con đã muốn buông xuôi,
Xin ban thêm sức mạnh
khi đôi chân chúng con đã ê chề rệu rã,
Xin giúp chúng con kiên vững
mỗi khi chúng con muốn chuyển hướng bỏ cuộc.
Xin giúp chúng con sống vững vàng tin tưởng
vì có Chúa là niềm hy vọng cuối cùng
cho cuộc đời của mỗi người chúng con. Amen

Kiểm tra tương tự

Ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình thế giới | 07/10

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người sống ngày cầu nguyện và ăn chay cho …

Thánh nữ Faustina: Vị Tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót

  “Chúc tụng Trái Tim Rất Nhân Lành Chúa Giêsu. Chúc tụng suối mạch hằng …

2 Bình luận

  1. Con chào quý cha, quý thầy. Con là một tu sĩ dòng nữ Đan Viện Xitô. con rất thích chương trình radio Dòng Tên.
    Không chỉ mình con mà là cả cộng đoàn con, mỗi giờ cơm chiều chúng con đều mởi ra nghe. những bài viết rất thiết thực với đời sống. Con rất cảm ơn quý cha, quý thầy,đã làm ra chương trình này . Nên chúng con cũng muốn đóng góp một phần nhỏ cho chương trình với những bài viết của chị em chúng con có được không ạ? con cảm ơn.

  2. Rất vui vì được sự ủng hộ của Quý Cha, Quý Thầy. Xin Cha/Thầy gửi bài viết về email: [email protected] ạ.
    Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ Quý Cha, Quý Thầy.
    Thân ái,
    JesCom

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *