Vào một ngày Chúa Nhật đẹp trời, sau khi ăn sáng xong, tôi cùng người bạn hữu hối hả dắt chiếc xe Hon-đa cũ mèm ra cửa, rồi rồ ga phóng nhanh về phía con đường đang chật cứng sự vội vã và lo toan của bao người. Mong sao cho kịp giờ đến lớp để được gặp nhóm trẻ thân thương, để cùng chúng trao đổi chuyện con chữ và tình người. Sau hơn nửa tiếng giáp mặt với khói bụi và sự bon chen, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi cần phải đến. Vừa mới dựng chân chống xe, đám trẻ đã ùa ra chào đón, ríu rít như đàn chim non thấy chim mẹ về tổ. Chúng tôi cũng hồ hởi gọi tên và xoa đầu từng đứa với tất cả tấm chân tình. Bài học hôm ấy, chúng tôi chia sẻ với nhau về chủ đề Lòng Biết Ơn.
Khi được hỏi về giá trị của lòng biết ơn, một bé trai với vẻ mặt đượm buồn, kể câu chuyện mà em là nhân vật chính. Hôm ấy, trên đường đi học về, bỗng em nhặt được một chiếc ví màu nâu nằm gọn lỏn dưới chiếc lá Bàng khô bên vệ đường. Em bối rối lắm, trống ngực không ai đánh mà cứ dồn dập liên hồi. Em vội vàng lấy mũ tai bèo bọc chiếc ví lại, vừa mừng, vừa run. Ngay lúc đó, trong đầu em nảy ra bao nhiêu là chuyện: Nào là mai em sẽ có tiền ăn quà vặt, nào là em sẽ chiêu đãi đám bạn bữa kem ngon, nào là em sẽ mua cho thằng út cây viết mới,… vân vân và vân vân.
Đi thêm vài bước, em thấy một người đàn bà thân hình to béo từ xa đi đến, bà ta cứ đi đi lại lại, gương mặt nhăn nhó, dò giẫm hết chỗ này đến chỗ khác như đang tìm kiếm một vật gì đó. Em nghĩ thầm: không biết có phải bà ấy đang tìm chiếc ví mà mình vừa nhặt được không? Rồi một giọng nói của ai đó cứ rền rĩ thúc giục bên tai em rằng: “trả lại chiếc ví cho bà ấy đi”,… “trả lại chiếc ví đi”… Nhưng lại xuất hiện ngay một tiếng nói khác với giọng điệu mời mọc hơn: “kệ, cứ lẳng lặng mà đi qua, lấy tiền trong ví mà tiêu xài cho thỏa thích”.
Đang vật lộn với những xao động trong tâm hồn, chợt em nhận ra là mình đã đi qua người đàn bà được một quãng. Bỗng dưng như có một sức mạnh vô hình nào đó níu giữ chân em. Rồi em quay lại, ngại ngùng tiến về phía bà và hỏi: “Có phải bà đang tìm chiếc ví này không ạ?” Vừa nói em vừa mở chiếc mũ và chìa cái ví ra trước mặt. Nhanh như chớp, người đàn bà lao đến giật mạnh chiếc ví rồi vội mở ra, vừa đếm đếm vừa nhìn chòng chọc vào em như thể bà ta vừa bắt được quả tang em ăn cắp vậy.
Sau khi đã làm xong công việc kiểm kê, người phụ nữ lạnh lùng bỏ đi, miệng còn lẩm bẩm điều gì mà em không nghe rõ. Vậy là chỉ trong vài phút đồng hồ, em đã phải trải qua biết bao cung bậc cảm xúc: từ vui mừng, hồi hộp cho đến băn khoăn, lo lắng; đến những giằng xé của con tim; giờ đây, tất cả những gì còn đọng lại trong em là một nỗi buồn bâng khuâng pha vị cay đắng. Không một lời cám ơn, không một câu khích lệ. Thậm chí trước đó em còn tưởng là bà ấy sẽ dúi cho mình vài đồng để “hậu tạ” như người ta vẫn dán trên tường khi tìm đồ thất lạc. Em kết thúc câu chuyện của mình bằng một tiếng thở dài và một lời vắn vỏi: “Thà lúc đó em đừng dừng lại nữa thì hơn!”
Tôi đau xót nhưng cũng phần nào đồng cảm với nỗi lòng của em. Một lần nọ, nhóm Tông Đồ Xã Hội chúng tôi đang trên đường gây quỹ trở về, đến ngã tư Mỹ Phước-Tân Vạn giao với Quốc Lộ 1K, bỗng một vụ va chạm xảy ra ngay trước đầu xe chúng tôi. Người bị nạn đập đầu xuống đường còn kẻ gây tai nạn thì cắm đầu chạy mất. Chúng tôi vội vàng đưa xe và người bị nạn lên vỉa hè. Có vẻ như anh mới uống rượu, hơi men vẫn còn nồng. Cũng may anh đội mũ bảo hiểm nên tình hình không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, cú va đập mạnh khiến anh bị choáng và chảy khá nhiều máu trên trán.
Chúng tôi lau vết thương cho anh và xin anh lấy điện thoại để gọi điện cho người thân đến đón. Lúc này, anh hồi tỉnh một chút, cũng lấy điện thoại ra, nhưng không phải để gọi điện mà là để chụp hình chúng tôi và biển số xe của từng người. Chúng tôi còn đang bối rối không biết anh ta có ý định gì thì anh kéo chúng tôi ngồi xuống, rồi hất mặt, nhíu mày: “Giờ sao? Sao lại đâm vào xe tao?” Anh lấy tay vuốt trán, “má nó chứ, chảy máu nữa cơ à?” Chúng tôi phân trần rằng chúng tôi là người đi đường, thấy anh bị nạn nên dừng lại giúp anh thôi, người đâm vào xe anh thì đã chạy mất rồi… Sau một hồi, anh cũng chịu để chúng tôi đi và anh đã có thể tự lái xe về được. Cũng may là lúc đó chúng tôi có đông người, chứ nếu có một mình thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Về đến nhà, lòng tôi cứ khắc khoải mãi, kiểu như làm ơn mắc oán vậy! Sau biến cố ấy, tôi đi đến chỗ hiểu được vì sao thời nay nhiều người lại “vô cảm” đối với những nạn nhân của giao thông như thế.
Chuyện tương tự cũng xảy ra khi người bạn của tôi phải gác hết công việc lại để giúp một người bị nạn. Đến bệnh viện, anh làm thủ tục và chi trả hết mọi chi phí cho nạn nhân. Sau mấy giờ đồng hồ, người nhà đến, vẻ mặt hầm hầm, quát lớn tiếng:“đứa nào làm em tao tai nạn?” rồi vác gậy đuổi đánh anh chí mạng. Anh nói may lúc ấy cửa sổ phòng cấp cứu mở, chứ không thì mình cũng nằm viện luôn rồi!
Cứ thế, thái độ vô ơn là thứ giết chết những tấm lòng vàng cách nhanh nhất. Không biết sau những chuyện đã xảy, liệu rằng còn có lần thứ hai cậu học trò của tôi làm việc nghĩa như cậu đã làm hay không? Liệu rằng còn ai muốn ra tay cứu giúp những người bị nạn nữa chăng? Có thể những tấm lòng vàng ấy chẳng cần gì, nhưng đôi khi một lời cám ơn chân thành lại có sức động viên và an ủi mãnh liệt.
Có một thầy trong Dòng tu nọ, khi biết rằng ai đó đã giúp mình rửa cái chảo mà thầy vừa ngâm, với ý định sau khi ăn sáng xong rồi sẽ rửa đồ luôn một thể. (Tinh thần của cộng đoàn thầy là sáng Chúa Nhật, mọi người tự phục vụ, ai ăn gì tùy ý và tự dọn dẹp). Ăn sáng xong, thầy ra chỗ cái chảo đã ngâm trước đó để rửa. Nhưng lạ thay, một người anh em nào đó đã rửa cái chảo giúp thầy. Thế là từ đó, thầy luôn để mắt đến những công việc chung hoặc việc của người khác mà vì một lý do nào đó họ chưa làm được, thì thầy đều âm thầm bổ khuyết ngay.
Như thế, thầy đã bày tỏ lòng biết ơn không phải bằng lời nói, nhưng là bằng hành động, không cần phải khua chiêng, đánh trống nhưng theo một cách thức rất âm thầm như chính ơn mà thầy đã nhận được. Chính việc thể hiện lòng biết ơn bằng những hành động âm thầm ấy đã khiến cộng đoàn tu trì của thầy thêm sống động và hạnh phúc hơn.
Cũng vậy, như câu chuyện Kinh Thánh, trong đó Chúa Giêsu chữa lành mười người phong cùi, nhưng chỉ có một người ngoại bang trở lại để cảm ơn và tôn vinh Thiên Chúa. Nhờ đó, anh đã nhận được ơn chữa lành không những thể lý, mà còn cả tâm hồn nữa khi Chúa Giêsu nói với anh: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” (x. Lc 17, 11-19)
Cuộc sống vẫn còn đó những cơ sự của chuyện đời, chuyện người. Trong đó, chúng ta đừng ngần ngại bày tỏ lòng biết ơn của mình bằng những cách thức thích hợp. Chính lòng biết ơn làm nên sức sống cho nhân loại và là một phương thuốc tuyệt vời để chữa lành các mối tương quan giữa con người với nhau và với Thiên Chúa. Vì xét cho cùng, lòng biết ơn là phương thế tốt nhất để làm cho những ơn lành trở nên hữu hiệu và đi đến sự hoàn tất!
Hv. Văn Tài, S.J.