Tháng Tám được đánh dấu bằng lễ trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, là ngày Giáo hội tưởng niệm việc cả hồn lẫn xác Đức Mẹ được rước về vinh quang Thiên đàng.
Những chi tiết về sự ra đi của Mẹ Maria đã được các nhà tư tưởng Kitô giáo suy đoán trong nhiều thế kỷ, đặc biệt là câu hỏi liệu Đức Mẹ đã chết hay được đưa lên Thiên đàng khi còn sống.
Trong khi các chi tiết về sự ra đi của Mẹ Maria đã rơi vào quên lãng của lịch sử, sự đồng thuận của các Giáo phụ dường như là Đức Mẹ đã chết. Điều này không dựa trên kiến thức lịch sử nhất định, mà là một giả định chung rằng Đức Mẹ đã “ra đi” theo con đường của tất cả mọi người trần thế, vì không có bất kỳ thông tin chắc chắn nào khác về sự kết thúc cuộc đời của Mẹ.
Các tài liệu tham khảo về cái chết của Mẹ Maria rất hiếm hoi trong ba thế kỷ đầu tiên. Origen và Ephrem người Syria đề cập đến cái chết của Mẹ mà không có nhận xét nào. Nhận xét đáng kể đầu tiên thời Giáo phụ về cái chết của Mẹ Maria đến từ Thánh Ephiphanius thành Salamis (khoảng năm 403), người đã đề cập đến vấn đề này hai lần trong tác phẩm Panarion của Ngài. Vào thời Epiphanius, lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ (cả trong phụng vụ và đời sống thường ngày) đã gia tăng đáng kể, và nhiều sự tích đã xuất hiện kể về sự ra đi của Mẹ Maria. Thánh Epiphanius háo hức nhắc nhở độc giả của mình rằng không có thông tin chắc chắn nào về chủ đề này, mặc dù Ngài đã đưa ra nhiều khả năng khác nhau. Các đoạn văn đáng được trích dẫn đầy đủ:
“Nhưng nếu một số người nghĩ chúng tôi nhầm lẫn, hãy để họ tra cứu Kinh thánh. Họ sẽ không tìm thấy liệu Đức Mẹ đã chết hay chưa chết; họ sẽ không tìm thấy liệu Đức Mẹ đã được chôn cất hay chưa. Hơn thế nữa: Thánh Gio-an đã đi đến Châu Á, nhưng không có nơi nào chúng ta đọc thấy rằng thánh nhân đã đưa Đức Mẹ đi cùng. Thay vào đó, vì bản chất siêu việt của huyền nhiệm này, để không làm chấn động tiêu cực cho tâm trí con người, Kinh thánh hoàn toàn im lặng. Về phần tôi, tôi không dám nói ra nhưng tôi vẫn giữ những suy nghĩ của riêng mình trong thinh lặng. Vì có thể ở đâu đó chúng ta đã tìm thấy những gợi ý rằng không thể khám phá ra cái chết của người thánh thiện đầy ơn phước ấy… Tôi không khẳng định điều này một cách tuyệt đối, và tôi không nói rằng Đức Mẹ vẫn bất tử; nhưng tôi cũng không kiên quyết khẳng định rằng Mẹ đã chết. Sự thật là Kinh thánh đã vượt xa tầm hiểu biết của con người và để [vấn đề này] không chắc chắn, vì lợi ích của chiếc bình quý giá đó là vô song, để ngăn cản bất kỳ ai nuôi dưỡng những suy nghĩ tầm thường về Đức Mẹ. Mẹ đã chết chưa? Chúng ta không biết. Trong mọi trường hợp, nếu Mẹ đã được chôn cất, Mẹ chắc chắn đã không có những quan hệ mang tính nhục dục. [1]”
Ở nơi khác, khi đề cập đến giáo phái bí ẩn của người Collyridians—những người dường như đã dâng những lễ tế cho Đức Trinh Nữ Maria—Thánh Ephipanius nói:
“Hoặc là Đức Trinh Nữ đã chết và được chôn cất, thì sự ra đi của Đức Mẹ được vinh danh, cái chết của Mẹ trong sự đồng trinh, vương miện của Mẹ là sự trinh khiết. Hoặc Đức Mẹ đã bị giết, như đã viết: ‘và một lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn Mẹ’, thì sự vinh hiển của Mẹ nằm giữa các thánh tử đạo và thân xác thánh thiện của Mẹ giữa những lời chúc phúc, Mẹ là người được chọn mà qua Mẹ, ánh sáng đã chiếu rọi khắp thế gian. Hoặc Đức Mẹ vẫn sống, vì không có gì là không thể với Thiên Chúa và Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn, vì chẳng ai biết về cái chết của Mẹ. [2]”
Thánh Augustino viết vào cùng thời điểm đó, cũng cho rằng Mẹ Maria đã trải qua cái chết về thể xác. Ông viết rằng Chúa Giê-su:
“…được sinh ra từ một người mẹ, mặc dù Mẹ thụ thai mà không bị đụng chạm bởi người nam và luôn luôn giữ được sự trinh nguyên như vậy khi thụ thai, khi sinh con, cho đến khi chết trong sự trinh nguyên, dù đã được đính hôn với một người thợ mộc [là Thánh Giuse], vị thánh đã dập tắt mọi sự khoa trương, ngạo mạn nổi lên từ những gì thanh cao mang tính trần tục.” [3]
Vào thế kỷ thứ 5, nhiều huyền thoại khác nhau được gọi là các câu chuyện “Transitus Mariae” [sự chuyển giao của Đức Maria] bắt đầu lưu hành trong các Cộng đoàn Kitô hữu mong muốn thêm vào các chi tiết về cách thức Đức Maria ra đi. Các câu chuyện Transitus Mariae không phải là các sự kiện lịch sử; thay vào đó, chúng tái hiện một cách sáng tạo về sự ra đi của Mẹ Maria. Theo nghĩa đó, chúng là một chứng tích lịch sử về niềm tin Kitô giáo sơ khai. Thánh Gioan Henry Newman đã mô tả một cách mạnh mẽ và sáng tạo về cách mà các Kitô hữu ở thời đại này có thể đã phát triển các câu chuyện Transitus Mariae trở nên rất phổ biến vào thời Trung cổ:
Những người hành hương hay lui tới; họ tìm kiếm thánh tích của Đức Mẹ, nhưng họ không tìm thấy; liệu Đức Mẹ đã chết ở Ephesus? Hay Mẹ đã chết ở Giêrusalem? Có nhiều báo cáo khác nhau; nhưng không thể chỉ ra ngôi mộ của Mẹ hoặc nếu tìm thấy thì nó đã mở rồi; và thay vì cơ thể tinh khiết và thơm tho của Mẹ, có một bông hoa huệ mọc lên từ lòng đất mà Mẹ đã chạm vào. Vì vậy, những người đã dò hỏi về Mẹ đã trở về nhà trong sự ngạc nhiên và chờ đợi những soi dẫn khác. Và sau đó, người ta nói rằng, khi cái chết của Mẹ đã đến gần, và linh hồn Mẹ sắp được đưa lên với niềm vui trong chiến thắng trước Tòa phán xét của Con Mẹ, các Tông đồ đột nhiên được quy tụ tại nơi đó, ngay trong Thành Thánh, để tham gia vào nghi lễ vui mừng; các thánh đã chôn cất Mẹ với các nghi lễ phù hợp; vào ngày thứ ba, khi họ đến ngôi mộ, họ thấy nó trống rỗng, và các ca đoàn thiên thần ngày đêm cất cao giọng hát mừng vui ca ngợi vinh quang của Nữ Vương phục sinh. [4]
Vào giữa thế kỷ thứ 5, trong nỗ lực muốn làm giàu thêm cho thủ đô Constantinople như một thành phố huy hoàng nhất trong thế giới Kitô giáo, Hoàng đế Marcian (trị vì 450-457) và hoàng hậu Pulcheria đã cho tìm kiếm thi thể của Đức Trinh Nữ Maria để mang thánh tích của Mẹ trở về thủ đô. Họ được Thánh Juvenal – Giám mục Jerusalem, thông báo rằng mặc dù Mẹ Maria đã chết ở Giêrusalem, nhưng ngôi mộ của Mẹ đã được các Tông đồ mở ra và thấy trống rỗng. Từ đó, các Tông đồ kết luận rằng xác của Mẹ đã được đưa lên thiên đàng.
Quay trở lại thời Trung cổ, có một tham chiếu thú vị về cái chết của Mẹ Maria đến với chúng ta thông qua lời cầu nguyện Veneranda. Veneranda là một lời cầu nguyện chung từ Sách lễ Gregorian thế kỷ thứ 10, sau đó đã đi vào sách nghi lễ Sarum, Dominican và các sách nghi lễ Latinh không phải của La Mã khác. Đây là lời cầu nguyện chung như việc xuất hiện trong nghi lễ Sarum:
“Lạy Chúa, xin hãy để ngày lễ đáng tôn kính này mang đến cho chúng con sự trợ giúp liên lỉ; nhờ ơn đó Mẹ Thiên Chúa đã chịu chết tạm thời, nhưng không thể bị trói buộc bởi xiềng xích của sự chết vì Mẹ đã sinh ra Người Con của Chúa, Chúa chúng con. Đấng hằng sống và hiển trị,…[5]”
Chúng ta cũng nên đề cập đến một tác phẩm khác, được gọi là Liber de Assumptione, một tác phẩm đầu thế kỷ 12 có lẽ được viết bởi một môn đệ của Thánh Anselm xứ Canterbury. Tác giả ẩn danh của tác phẩm này nêu rằng:
“Nhận thức được rằng Đức Maria là con người, chúng ta không ngại nói rằng Mẹ đã trải qua cái chết tạm thời, cái chết này cũng được Con của Mẹ, là Thiên Chúa và là con người, đã trải qua do bởi chính quy luật được đặt lên loài người: vì Người đã làm người do đã được thụ thai và sinh ra từ lòng Đức Mẹ… Vậy thì liệu có sai lầm không… [khi]… chúng ta nói rằng Mẹ, người mà qua đó Thiên Chúa muốn được sinh ra và cùng chia sẻ bản thể của xác thịt, thực sự đã trải qua cái chết của nhân loại nhưng không bị giam hãm bởi xiềng xích của sự chết? [6]”
Có hai điều đáng chú ý về đoạn văn này: thứ nhất, tác giả lập luận về sự phù hợp của việc Đức Mẹ Lên Trời trên cơ sở sự đồng trinh vĩnh viễn và thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Mẹ; thứ hai, giọng điệu của bài luận này có vẻ như là lời biện hộ—vào đầu thế kỷ 12, quan điểm khác (cho rằng Đức Mẹ không bao giờ chết mà được đưa lên thiên đàng khi còn sống) đang ngày càng được ủng hộ, đến mức tác giả của Liber de Assumptione cảm thấy cần phải bác bỏ nó. [7]
Thật vậy, quan điểm trái ngược—cho rằng Đức Maria được miễn trừ khỏi nọc độc của sự chết và được đưa lên Thiên đàng khi còn sống—có vẻ như bắt nguồn từ những truyền thuyết về Đức Mẹ Maria ở thời Trung cổ. Nó chỉ thu hút được nhiều người theo dõi cho đến thời kỳ Baroque, do ảnh hưởng của một số tác phẩm thần học của thế kỷ 17 và 18. Những lập luận ủng hộ sự bất tử của Đức Mẹ đã được củng cố sau khi tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội được công bố vào năm 1854. Vấn đề này đã trở thành chủ đề gây tranh cãi dữ dội trong thế kỷ 20, đến mức một bản kiến nghị đã được gửi đến Tòa thánh vào năm 1949 để làm rõ vấn đề này. Không có tuyên bố nào được đưa ra bởi Tòa Thánh, nhưng cuộc tranh cãi đã đủ để ngăn cản Giáo hoàng Piô XII đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về vấn đề này khi Đức Thánh Cha ban hành Tông huấn Munificentissimus Deus vào năm 1950. [8] Thay vào đó, Giáo hoàng đã chọn cụm từ cách khôn ngoan hơn là “đã hoàn thành cuộc sống trần thế”. [9]
Ngày nay, người ta sẽ thấy cả hai quan điểm trong số những người Công giáo. Mặc dù không có quan điểm nào là “đúng”, nhưng có vẻ như cái chết của Mẹ Maria là quan điểm của đa số trong suốt phần lớn lịch sử Giáo hội, chỉ bị thách thức trong thời hiện đại hơn. Tuy nhiên, bất kể chúng ta tin vào hoàn cảnh ra đi của Đức Mẹ như thế nào, chúng ta có thể chắc chắn rằng Mẹ đang trị vì trong sự huy hoàng bên cạnh Con Mẹ trong trạng thái vinh hiển về hồn lẫn xác, mà chúng ta tưởng niệm vào ngày 15 tháng 8 hàng năm.
Những ai quan tâm đến việc tìm hiểu thêm về chủ đề này nên tham khảo bài viết “The Testimony of the Patristic Age Concerning Mary’s Death” của Cha Walter J, Burghardt, SJ [10] Ngoài ra, tác phẩm The Feasts of Christendom của riêng tôi cũng chứa nhiều thông tin sự kiện thú vị về Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và các lễ kính Đức Mẹ khác.
Tác giả: Phillip Campbell
Chuyển ngữ: Kim Linh