Suy Tư Tin Mừng CN 3 MVA: Phải Chúa đấy không?

Trong cuộc sống đời thường, không ít lần chúng ta đón đợi một ai đó sẽ đến với mình: người bạn đã lâu không gặp, hay người thân ở dưới quê lên thăm, hoặc chỉ giản đơn như hồi còn con nít đón đợi mẹ về với những cái bánh, viên kẹo trong giỏ xách nặng trĩu trên tay… Dù là ai đi nữa, thì người đón đợi cũng đã có trong đầu, trong tim mình những kỳ vọng, những thông tin cần thiết, những dấu chỉ về người sẽ gặp, để rồi trong đám đông tấp nập, họ nhận ra người mình đang mong chờ đang đến rất gần.

Thánh Gioan Tẩy Giả cũng vậy, dù trong cảnh tù tội, ông vẫn giữ tâm thế tỉnh thức và sẵn sàng, vì ngay chính ông cũng không biết ngày giờ cụ thể Đấng Mêsia sẽ đến, và đến trong hoàn cảnh nào. Vậy nên, ông rất tập trung quan sát. Thỉnh thoảng còn tự chất vấn: phải Chúa đấy không?

Phải Chúa đấy không?

Câu hỏi này không quá xa lạ với mỗi người chúng ta, nhất là trong hoàn cảnh tương tự như Gioan.

Phải Chúa đấy không? Sao con sống tốt với mọi người, mà chỉ toàn gặp thất bại ê chề…

Phải Chúa đấy không? Xin Ngài thương cứu gia đình con!

Phải Chúa đấy không? Sao Ngài không nhanh tay can thiệp sự dữ đang tấn công dân Ngài…

Phải Chúa đấy không? Sao ngay cả những ngôn sứ nói lời của Chúa như Gioan cũng bị bắt bớ giam giữ trong tù?

Và nhiều lần, chúng ta hoài nghi và nói với nhau: phải Chúa đấy không? Rồi lặng lẽ rời xa Ngài.

 Sự kiên nhẫn của Gioan Tẩy Giả

Đọc và suy niệm bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này (Mt 11,2-11), chúng ta học được từ Gioan Tẩy Giả cách tìm câu trả lời khi ông nghi ngờ về Chúa: ông sai các môn đệ mình đi đến với Đức Giêsu để tìm hiểu và xác minh: Có phải Chúa đấy không? Hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác? Kết quả là: Chúa mời gọi ông hãy quan sát và nhận ra Chúa qua các việc Ngài làm: “người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khóvà phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”. (Mt 11,5-6).

Như vậy, chính khi Gioan Tẩy Giả chân thành và cởi mở đi tìm sự thật về Chúa, thì Chúa đã cho ông gặp Chân Lý là chính Ngài, Đấng mà sách tiên tri Isaia trong bài đọc I đã tiên báo: “chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ các ngươi. Bấy giờ mắt người mù sẽ nhìn thấy, và tai những người điếc sẽ được nghe. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, những người được Chúa cứu chuộc, sẽ trở về, và đến Sion với lời khen ngợi; và trên đầu họ mang hoan hỉ triền miên, họ sẽ được vui mừng khoái trá, họ sẽ không còn đau buồn; rên siết sẽ trốn xa”. Nói một cách khác, Chúa hiểu điều Gioan Tẩy Giả đang nghĩ về Ngài: một Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa không đến theo kiểu vua chúa trần gian: quyền lực và oai phong với thiên binh vạn tướng, nhưng là Hoàng Tử Hòa Bình, Đấng đem lại bình an cho nhân loại, đặc  biệt Ngài là Đấng luôn hướng về phía người nghèo, người yếu thế trong xã hội….

Sự thiếu kiên nhẫn của con người hôm nay

Trong một xã hội hiện đại và đầy tiện nghi hôm nay, con người được hứa hẹn không phải mất nhiều thời gian để đạt được điều mình muốn: một ly trà sữa mà không cần ra tiệm ư? 15-20 phút thôi là shipper đã giao hàng tới. Thư điện tử thay thế cho thư tay chỉ trong tích tắc chứ không phải chờ 3-4 ngày mới nhận được. Việc có quá nhiều lựa chọn cũng khiến chúng ta dễ nổi nóng khi phải chờ, phải đợi một ai; hoặc khi một điều gì đó xảy ra mà không như ý muốn của chúng ta. Cuộc sống hối hả đến độ làm chúng ta không có thời giờ để nhận ra những tiếng rên siết của đồng loại đang khổ đau, chúng ta đã mất nhiều cơ hội để cảm thông và chia sẻ với nhau. Đời sống đức tin cũng tương tự vậy: khi gặp những đau khổ, trái ý trong cuộc sống, ta kêu cầu nài xin Chúa giúp, nhưng nếu Chúa dường như “im lặng” thì chúng ta quay lưng lại và trách Ngài.  

Hôm nay, Thánh Gioan dạy chúng ta một bài học: nếu nghi ngờ điều gì về Chúa, thì thay vì quay lưng, hãy quay mặt lại với Ngài. Thiết nghĩ, không có cách nào tốt hơn cho bằng chạy về bên Chúa và nói với Ngài: phải Chúa đấy không? Ngắn gọn và chân thành. Chính Chúa sẽ kiên nhẫn tỏ cho chúng ta thấy rõ Ngài là ai? Ngài đến trần gian này để làm gì, và cách thức Ngài thực hiện như thế nào?

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, chúng con là những kẻ tội lỗi, thường hay thiếu kiên nhẫn với chính mình, với Chúa, và với nhau.

Xin thức tỉnh nơi mỗi người chúng con để biết nhận ra những dấu chỉ ngày Chúa đến: đó là dấu của yêu thương, hy vọng, bình an, niềm vui, và đức tin. Nhờ đó, chúng con có động lực để kiên nhẫn đến cùng và làm mới chính mình.

Xin Chúa giúp chúng con cũng biết sẵn sàng trở nên những ngôn sứ của Chúa, giữ lời Chúa trong lòng và loan truyền tin mừng bình an cho mọi người. Amen

Quỳnh Thoại, CĐM

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …