Các bạn thân mến!
Hôm nay chúng ta bắt đầu bước sang một năm phụng vụ mới. Năm phụng vụ mới bắt đầu bằng Mùa Vọng. Thông thường khi nói đến Mùa Vọng chúng ta hay nghĩ đến thái độ tưởng niệm và trông chờ. Điều này rất đúng. Tuy nhiên điều quan trọng không kém là chúng ta chú ý đến thái độ và đối tượng của Mùa Vọng. Bạn cần có thái độ nào khi sống tâm tình Mùa Vọng và Ai là đối tượng niềm hy vọng của bạn? Tâm tình của Mùa Vọng là kêu cầu Thiên Chúa xin xé mây trời mà ngự xuống.
Trước hết Mùa vọng mời gọi bạn và tôi chú ý đến ba chuyển động. Chuyển động hướng lên trên, chuyển động hướng xuống bên dưới và chuyển động đi vào bên trong. Chuyển động hướng lên trên mời gọi bạn nâng tâm hồn lên tới Chúa. Đây là thái độ của tình con thảo, luôn hướng về Cha và thái độ của người môn đệ luôn hướng về Thầy. Chuyển động hướng xuống dưới mời gọi bạn mở lòng để đón nhận việc Chúa ghé thăm, đồng thời kêu cầu Lạy Ngài xin ngự đến. Chuyển động hướng vào trong là khi bạn nhìn vào chiều sâu của lòng mình để dọn đường cho Đấng Cứu Độ.
Thứ đến, Mùa Vọng mời gọi tôi ý thức hơn về cùng đích đời người. Cùng đích của đời người không nằm nơi những sự vật hiện tượng của thế giới này nhưng cùng đích của chúng ta là ở nơi Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa và chính Chúa Giê-su mới là đối tượng niềm hy vọng của bạn chứ không phải ai khác. Thế giới thụ tạo luôn cuốn hút và làm cho bạn say mê. Chính sự say mê đó kéo bạn ra khỏi cùng đích mà vì đó bạn được dựng lên và đôi khi khiến bạn đi lệch khỏi trong tâm đời mình. Nếu bạn đặt niềm hy vọng của bạn trên những thực tại chóng qua thì sớm sớm muộn niềm hy vọng của của bạn cũng sẽ tiêu tan vì những thực tại đó không cho bạn câu trả lời về ý nghĩa và cùng đích đời sống.
Mùa Vọng là thời gian sống tâm tình kêu cầu. Bạn kêu cầu tình thương, kêu cầu để Chúa ghe mắt. Dân Israel hậu lưu đầy Babylon ý thức về kinh nghiệm đen tối, ê chề khi phải sống kiếp lưu đày nơi đất khách quê người. Chính điều này khơi lên cho họ ý thức tập thể về tình trạng tội lỗi và việc sám hối kêu cầu lòng xót thương của Thiên Chúa.[1] Cũng giống như dân Israel, biết bao lần bạn và tôi đã lạc xa đường lối của Thiên Chúa vì thế bạn và tôi cần kêu cầu để Chúa đoái thương bày tỏ lòng xót thương của Ngài cho chúng ta. Vậy giờ đây xin nhớ lại ân tình và tín nghĩa xin Ngài ngự đến giải thoát chúng con. Xin xé mây trời, xé những bức màn u minh đang bao phủ chúng con và là rung chuyển những ngọn núi, gồ ghề chứng cỏi trong lòng chúng con và đang cản chúng con đến với Ngài. “Vì tình thương đối với tôi tớ là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài, xin Ngài mau trở lại. Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan. Ngài ngự xuống: và núi non rung chuyển trước Thánh Nhan!”[2]
Trong tâm tình Mùa Vọng, bạn và tôi cũng xin Ngài đừng quay mặt làm ngơ nhưng xin “ngó xuống vườn nho.” Vườn nho cũ đã bị tan hoang bởi quân thù và tội lỗi. Vườn nho mà Ngài đã vất vả vun trồng. Xin nhìn đến những đứa con mà Ngài đã mang nặng đẻ đau. “Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ, bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng, và chồi non được Ngài ban sức mạnh.”[3] Vườn nho mà tôi và bạn mời Ngài đến là cuộc đời mối cá nhân, gia đình, cộng đoàn, giáo xứ. Nơi nào đang có chiến tranh xin Ngài ngó xuống để thiết lập hòa bình. Nơi nào mà nhân phẩm con người bị chà đạp xin Ngài ngó xuống để nhân phẩm con người được tôn trọng xứng đáng. Nơi mà con người đang bị giam cầm xin Ngài ngó xuống để giải thoát. Nơi nào con người bị đối xử bất công xin Ngài ngó xuống để thiết lập công lý. Nơi có hận thù chia rẽ xin Ngài ngó xuống để con người còn nhận ra nhau là anh em.
Ngoài ra khi sống tâm tình Mùa Vọng, bạn và tôi cũng ý thức rằng đời sống Ki-tô hữu là một tiến trình chờ đợi nhưng có sự căng thẳng giữa hai biến cố quá khứ và tương lai. Sự căng thẳng nơi người Ki-tô hữu là sự căng thẳng giữa biến cố đã đến và sẽ đến. Thời gian sống niềm hy vọng trong giây phút hiện tại là sự giao thoa giữa cái đã đến và cái đang đến. Cái đã đến đôi khi bị lãng quên còn cái sẽ đến đôi khi bị lu mờ. Nói cách khác biến cố nhập thể là biến cố đã xảy ra và biến cố cánh chung là biến cố sẽ đến nhưng đôi khi đời sống người Ki-tô hữu bị nhận chìm trong “cõi người ta”, bị nhận chìm trong những đam mê hoặc những thực tại chóng qua mà quyên mất việc quan trọng là mình cần sống sự chờ đợi bằng việc luôn gắn bó với Đức Giê-su. Như thế cách tốt nhất để ý thức về tình trạng căng thẳng trong giây phút hiện tại là luôn sống gắn bó với Đức Ki-tô, là để cho lời chứng của Đức Ki-tô ăn sâu vào lòng trí chúng ta. “6 Thật thế, lời chứng về Đức Ki-tô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, 7 khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.”[4]
Hơn bao giờ hết, Mùa Vọng mời gọi tôi sống sâu xa căn tính và ơn gọi của mình. Khi nói đến căn tính là nói đến cái gốc. Cái làm nên sự hiện hữu của một người. Sự hiện hữu của một người gắn liền với nguồn gốc đã tạo dựng nên mình là chính Thiên Chúa. Việc ý thức về sự hiện hữu của mình một mặt giúp tôi ý thức về việc duy trì mối dây liên tục với nguồn cội trong tình yêu và sự thân mật. Mặt khác tôi cần sống xứng đáng với những đòi hỏi của bậc sống. Niềm hy vọng một mặt giúp tôi dự phóng cuộc đời của mình về tương lai nhưng mặt khác niềm hy vọng mời gọi tôi kiện toàn bậc sống trong giây phút hiện tại bởi vì nếu niềm hy vọng của tôi không bắt đầu từ trong giây phút hiện tại thì tôi không thể có tương lai. Mỗi cá nhân sống tâm tình Mùa Vọng bằng việc sửa lối cho ngay thẳng, chuẩn bị mình cho cuộc gặp Đấng Cứu Thế. Gia đình sống Mùa Vọng bằng sự đối thoại và sẻ chia. Qua đời sống yêu thương và trách nhiệm cha mẹ đang sống cụ thể tâm tình Mùa Vọng và cũng trở thành niềm hy vọng cho con cái. Người sống đời dâng hiến đổi mới giao ước tình yêu với Chúa để có khả năng “đánh thức thế giới.”
Cách thức cụ thể để sống sâu xa căn tính và ơn gọi là sự trung thành. Thay vì chỉ trông chờ Người lại đến để rồi lãng quên giây phút hiện tại, người Ki-tô hữu được mời gọi sống niềm hy vọng đó bằng việc sống trung thành với Thiên Chúa.“Thiên Chúa là Đấng trung thành, người đã trung thành kêu gọi anh em đến hiệp thông với con của Ngài vì thế anh em hãy sống xứng đáng với sự trung thành của Thiên Chúa.”[5] Chính Thiên Chúa sẽ làm cho niềm hy vọng của anh em được thêm vững chắc để không ai trách cứ anh em điều gì trong ngày Chúa chúng ta là Đức Giê-su ngự đến.
Mùa vọng cũng đồng thời mời gọi tôi phải tỉnh thức. Tỉnh thức vì không biết ngày nào giờ nào ông chủ ghé thăm. Tỉnh thức vì đó là mệnh lệnh của chủ. Thỉnh thức vì tôi là một đầy tớ trung tính. Tỉnh thức để tránh bị mê ngủ bởi thế gian. Tỉnh thức để luôn quy hướng và sống gắn bó với Đấng mà tôi đang chờ mong. Thật là phúc cho người đầy tớ mà khi chủ về còn tỉnh thức. “35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến : lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. 36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.” Hơn ai hết, Người Ki-tô hữu luôn ý thức sống thái độ tỉnh thức. Tỉnh thức không phải để canh chừng nhưng tỉnh thức trong niềm hy vọng. Niềm hy vọng vào việc Thiên Chúa tỏ tình thương và ban ơn cứu độ cho bạn và tôi. Như thế Mùa Vọng mời gọi bạn và tôi nhìn đến tâm điểm cuộc đời là chính Đức Giê-su Ki-tô, biết để cho trái tim và tâm hồn chúng ta được soi sáng và tái tạo bởi Ánh Sáng Lời Chúa và lòng thương xót. Đồng thời giúp bạn và tôi xét duyệt tình trạng con người của mình để xứng đáng với Đấng đã và đang đến lấp đầy niềm hy vọng của chúng ta.
Lm Gioan Phạm Duy Anh SJ
[1] Đức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Tỉnh Thức, Trích dẫn từ tập sách ‘Giải Nghĩa Lời Chúa’
[2] Is 63, 17c.19b; 64, 2b
[3] Tv 79, 15-16
[4] 1 Cr, 1, 6-7
[5] 1 Cr 1, 9