7 – Những năm cuối tại Roma (1541-1556)
Tôi hỏi tiếp: “Các người bạn tiên khởi của cha có giúp cha điều hành hội dòng không?”
Người nhắm mắt một lúc rồi nói: “Khi dòng chưa chính thức được thành lập thì nhóm của cha đã từ từ mỗi người nhận một sứ vụ riêng. Javier đi truyền giáo miền viễn đông và cha cũng chẳng còn gặp được anh ta nữa. Rodrigues đi Bồ Đào Nha. Favre đi sang Đức rồi Tây Ban Nha. Lúc hội dòng được chính thức thành lập, rồi bầu bề trên, và khấn dòng cũng chỉ còn 6 anh em trong nhóm bạn tiên khởi. Mấy người ở xa phải khấn riêng. Lần hồi vì công việc tông đồ, những người khác cũng lần lượt rời Roma, mỗi người một ngả. Cộng đoàn của cha là cộng đoàn lưu động như các tông đồ thưở xưa. Bây giờ còn một mình cha ngồi đây gần 15 năm nay lo điều hành hội dòng, viết và trả lời các thư từ cũng như báo cáo của anh em khắp nơi gửi về. Từ con số nhỏ nhoi 10 người năm xưa, nay (1556) đã gần 1000 Giêsu Hữu rồi.
Bây giờ cha bận rộn nhiều, mà sức khoẻ ngày càng kém. Cha phải hy sinh hết công việc mục vụ bên ngoài mà cha yêu thích để soạn các tài liệu nền tảng cho dòng. Quyển Linh Thao cũng đã được viết lại và in bằng tiếng Latinh năm 1548 để làm tài liệu huấn luyện cho anh em. Bản Hiến Pháp dòng cũng đã tạm xong. Phần lớn thời giờ của cha bây giờ là để đọc báo cáo và trả lời thư từ của các anh em khắp nơi gửi về, từ Brazil đến Nhật Bản. Nào là mở trường ốc, xây cất nhà thờ, lập cộng đoàn mới, nào là việc truyền giáo, việc huấn luyện nhân sự. Chưa kể thư từ với các cộng sự viên, ân nhân của dòng, cũng như với giáo triều Roma nữa. Cha phải nhờ cha Polanco giúp làm thư ký cho cha.”
Tôi hỏi người: “Cha soạn hiến pháp dòng như thế nào?”
Cha I-nhã trầm ngâm: “Được chuẩn nhận rồi thì có nhiều việc phải lo. Một tổ chức cần phải có nội quy để điều hành. Rồi phải đối diện với những sức ép từ bên ngoài cũng như trong anh em. Làm sao cho dòng phát triển? Làm sao để huấn luyện người mới? Nhiều việc lắm.
Lúc soạn Hiến Pháp cha thường áp dụng phương pháp dưới đây: mỗi ngày, cha dâng lễ, trình bày ý định điều lệ đang viết và cầu nguyện về điều đó. Mỗi lần dâng lễ và cầu nguyện thì không cầm được nước mắt. Cha cũng hay nhận được các thị kiến lúc đang dâng lễ và khi soạn thảo hiến pháp dòng. Phần nhiều các thị kiến chuẩn xác những điều lệ trong hiến pháp, có khi cha thấy Chúa Cha, có khi cả Ba Ngôi, có khi Ðức Mẹ đang cầu bầu hoặc đang phê chuẩn các điều lệ. Có một lần, khi đang nhận định về một điều lệ trong luật dòng là các nhà thờ của dòng có nên có nguồn lợi riêng không. Lần đó, cha đã dùng 40 ngày để nhận định và làm lễ mỗi ngày cho ý chỉ trên. Trong suốt những thánh lễ ấy, cha đã khóc rất nhiều vì thấy Chúa thương mình quá.”
Nói tới đây, cha I-nhã ra hiệu bảo tôi đứng dậy và cùng với người đi lên sân thượng. Lên tới nơi, cha tâm sự rằng cha hay lên đây mỗi buổi tối để thư giãn và cầu nguyện với Chúa.
Tôi gật đầu: “Con thấy cha thật sự sống kết hợp với Chúa. Nhìn lại quãng đời đã qua cha thấy được điều gì?”
Người đáp: “Cha theo Chúa nhiều năm và biết mình mắc nhiều lỗi lầm với Chúa, nhưng Chúa vẫn thương. Từ ngày bị thương ở Pamplona đến nay, mấy chục năm dài mà cha vẫn ngỡ như ngày hôm qua. Mỗi ngày cha làm phút hồi tâm để đào sâu kinh nghiệm thiêng liêng. Cha luôn cố gắng phụng sự Chúa để vinh quang của Người được tỏ rạng hơn. Không phải ngẫu nhiên mà cha chọn khẩu hiệu ‘Để Danh Chúa Cả Sáng Hơn’ (Ad Majorem Dei Gloriam), đó là điều cha thấy rõ nhất qua bao nhiêu biến cố thăng trầm của cuộc đời. Khi cha tìm và thực thi ý Chúa thì cha có bình an và niềm vui. Kinh nghiệm thiêng liêng của cha có thể được đúc kết trong phần dẫn nhập của sách Linh Thao, điều mà cha gọi là ‘Nguyên Lý và Nền Tảng’ cũng như trong phần cuối cùng của sách, trong bài ‘Chiêm Niệm để được Tình Yêu’: Hãy cố gắng tìm Chúa trong mọi sự.
Năm nay cha đã gần 65 tuổi, đã đau dạ dày nay lại bị bệnh gan. Có khi cha chỉ ngồi được có vài tiếng một ngày. Không biết Chúa còn cho cha sống được bao lâu nữa, nhưng mỗi ngày cha vẫn cố gắng dâng cuộc sống của cha cho Chúa. Cha thường cầu nguyện thế này:
Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy tất cả
sự tự do, trí nhớ, trí hiểu và tất cả ý chí của con.
Tất cả những gì con có và sở hữu đều do Chúa ban cho con.
Con xin dâng lại Chúa tất cả để Chúa hoàn toàn sử dụng theo tôn ý.
Con chỉ xin Chúa cho con tình yêu và ân sủng của Chúa.
Được như thế con đầy đủ lắm và không cần chi hơn.”
Nói xong cha nhắm mắt trầm ngâm và quỳ xuống.
Không muốn quấy rầy người, tôi nhẹ nhàng bước xuống cầu thang. Bầu trời Roma đã xế chiều. Ánh tà dương đang lịm tắt và thành phố đã lên đèn. Trên sân thượng một người đang ngước mặt thầm thĩ với Đấng Tối Cao.
*****
Cha I-nhã bị đau dạ dày đã nhiều năm và khi đến Roma, ngày càng tệ hơn. Một buổi chiều muà hè năm 1556, cha I-nhã nhờ cha thư ký Polanco đi xin phép lành của Đức Phaolô IV vì biết giờ của mình đã gần đến. Trước đó y sĩ đến khám và nghĩ rằng cha I-nhã chỉ hơi mệt thôi. Tin lời y sĩ, cha Polanco nói rằng cha cần phải viết nhiều thư và gửi đi ngày hôm sau. Sáng mai cha sẽ đi qua phủ giáo hoàng xin phép lành. Cha I-nhã muốn cha Polanco đi ngay chiều hôm đó, nhưng người lại không ép. Đêm hôm đó, cha I-nhã trở bệnh. Người kêu danh Chúa luôn miệng. Cha Polanco chạy gấp sang phủ giáo hoàng nhưng không còn kịp. Khi mọi người đến thì cha I-nhã đã ra đi trong bình an rạng sáng ngày 31 tháng 7, hưởng thọ 65 tuổi.
Người được phong chân phước ngày 27 tháng 7 năm 1609, và Đức Gregoriô XV tôn phong người lên bậc hiển thánh cùng với Phanxicô Xavier vào ngày 12 tháng 3 năm 1622. Hội thánh hoàn vũ kính nhớ người vào đúng ngày người qua đời, 31 tháng 7.
Nhân dịp lễ giỗ lần thứ 450 của cha I-nhã
Antôn-Phaolô, SJ
Theo: http://www.donghanh.org/