Tâm tình chia sẻ của một thao viên: “Linh thao để yêu Chúa hơn.”

Lớp Mục vụ tư vấn của chúng tôi năm nào cũng đi tĩnh tâm cuối năm. Năm nay, chúng tôi được đi linh thao bốn ngày, từ 14 đến17 tháng 7 tại một cơ sở tĩnh tâm của dòng Don Bosco quản lý. Cha Giuse Hoàng văn Quảng, S.J.,  giảng phòng, còn cha Luy Nguyễn Anh Tuấn đồng hành thiêng liêng với chúng tôi. Suốt đợt linh thao này, chúng tôi được hai cha làm tham vấn tâm lý và thiêng liêng, cuối ngày thứ ba chúng tôi được lãnh nhận Bí tích Hòa Giải.

Điểm tĩnh tâm thật tuyệt vời,  mọi thứ ở đây hài hòa êm ái, làm lòng người lâng lâng khó tả. “Đời vừa xinh cho những ân cần trôi qua tim đầm ấm..”,  tất cả đều vừa phải, đủ để người ta không bị sự thiếu thốn quấy rầy, cũng không bị sự thừa thãi làm phân tâm. Tiết trời se lạnh, thiên nhiên và con người hòa quyện vào nhau âu yếm, những dãy nhà lầu kiểu nhà Rông cứng cáp, vuông thành sắc cạnh, được bao bọc bởi  những thảm cỏ xanh rì cùng muôn hoa khoe sắc, nổi bật trên nền xanh bao la của núi đồi. Nhạc cầu nguyện nhè nhẹ vang lên khắp khu vườn khiến Nhà Chúa thật ấm áp, gần gũi, ai ai cũng trở nên thánh thiện, đi nhẹ, nói khẽ, tỉnh thức trong luân lý mà vẫn say say với Thánh Thần. Chúng tôi được ở mỗi người một phòng sạch sẽ, vừa đủ tiên nghi, có Chúa chịu nạn và Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu ở cùng, không gian đủ riêng tư tĩnh lặng, đủ đơn sơ để dừng lại, để chiêm ngắm, để trở về căn phòng nội tâm, nơi Chúa đang chờ đợi chúng tôi.

Cũng như bao người, chúng tôi từ một thế giới bận rộn nhiều buồn lo, nhiều nhu cầu, nhiều trói buộc bắt đầu bước vào Thiên Đàng nơi mặt đất. Theo chân ông Mose, cha dắt chúng tôi lên núi, vào nơi thanh vắng, dạy chúng tôi cởi dép ra, quì xuống phủ phục trước Thiên Chúa, Đấng làm cho bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi, Đấng đốt lên lửa mến trong lòng mỗi người mà không thiêu rụi đặc nét của một ai, nhưng lại thống nhất cả hồn xác chúng tôi trong một tâm tình thờ phượng, tạ ơn và dâng hiến. Thờ phượng Chúa là một ân ban, vì chính Chúa Thánh Thần cho ta tâm tình ấy, vào lúc ta ý thức mình yếu đuối đầy giới hạn và tình Chúa bao la dường nào! Thờ phượng Chúa bằng tất cả con người mình, ta thấy mình bé nhỏ dịu dàng và muốn dâng hiến, ta đang yêu và được yêu cách thiêng liêng trong tình yêu hiệp nhất, thánh thiện của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thờ phượng Chúa trong anh em, ta không thể nói lời xúc phạm, ta tìm được ý nghĩa cho những đau khổ ta phải chịu vì anh em. Thờ phượng Chúa khi làm việc, ta kỹ lưỡng hơn, dấn thân phục vụ hơn và nếu lỡ sai sót, Chúa sẽ bù đắp cho.

Qua các bài giảng, cha giúp chúng tôi tìm những dấu hiệu hiện diện của Thiên Chúa Tình Yêu, nhận ra mình đã hiểu biết Thiên Chúa, học đối thoại với Thiên Chúa, đặc biệt bằng Kinh Lạy Cha và sự thinh lặng chiêm ngắm với trái tim yêu thương, biết ơn và tôn thờ. Rồi cha hướng dẫn chúng tôi xét mình năm bước cùng suy tư về tội, sự dữ, nhận ra Ơn tha thứ của Chúa qua hành trình Đức tin của ông Phero và qua chính những trải nghiệm của mình. Mỗi người chúng tôi tìm một nơi để gặp gỡ Chúa, người vào nhà nguyện, người tìm một phiến đá trong vườn, người ngồi trên cỏ, người đi lang thang, người vào phòng riêng. Hầu như ai cũng thấy dấu vết của Ngài nơi tâm hồn mình: một anh tự nhận mình khô khan lại thấy từ trước tới giờ mình phục vụ Giáo xứ chưa đủ, muốn dấn thân hơn nữa; Một chị đang bay bổng gọi “Cha ơi” thì bị tiếng nói của người anh em kéo xuống, chị nhận ra không thể một mình bay lên với Cha mà tốt hơn hết vừa là Maria vừa là Martha, chị nguyện xin “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa, con khao khát Chúa đến hiện diện trong công việc của con”, và hy vọng đến một ngày nào đó Chúa Phục Sinh sẽ gọi “H ơi!”; Một chị có cảm giác mình đang được chứng kiến Chúa biến hình, không muốn về, chị nhận ra nhiều Ơn Chúa ban đặc biệt cho mình nhưng mình chỉ vụ lợi Chúa, run sợ trước thử thách, chưa muốn từ bỏ để phó mình trong tay Chúa; Chị khác lại cảm thấy mình lúc nào cũng tràn đầy Chúa Thánh Thần, chị tự hỏi có bao giờ mình yêu Chúa cuồng si như bà Maria Magdala, mong gặp Chúa từ tờ mờ sáng, hoặc giúp đỡ ai đó với tình yêu như thế không?; Hai bạn trẻ nhất thì thấy mình thường theo ý riêng mà quên khuấy mất Chúa, chỉ khi gặp thử thách mới chạy đến tìm Chúa, một bạn xin được hiểu biết Chúa nữa để yêu Chúa hơn và vì yêu mà luôn mở lòng đón Chúa, một bạn xin Chúa dạy cho biết khao khát và sống công chính đích thực, không phải cái khao khát loại Chúa ra khỏi đời mình và công chính giả tạo để được người đời ca tụng tán dương; Một bạn vì hiếu động nên ngày đầu không thể gặp được Chúa, sau khi xét mình trong thinh lặng, bạn thấy Chúa và nhiều người yêu mình quá đỗi vì mình luôn được tha thứ, làm hòa trước, bạn nhẹ nhàng đi vào tâm tình với Chúa, cảm nhận được tiếng Chúa gọi “Maria” và khám phá ra thế giới nội tâm của mình, bạn vui lắm!; Bạn khác thấy mình được sống trong tình yêu của Cha trên trời thì chạnh lòng thương những người thân của mình chưa biết đến Cha, nên cứ sống mãi trong cảnh mồ côi, hoảng hốt bám víu vào những thứ nay còn mai mất. Ai ai cũng thấy mình lỗi phạm trước Chúa, một bô lão cho rằng “càng già càng chai lỳ, càng nhiều tội”, nhưng ai cũng cảm nhận được Chúa tha thứ thật nhiều. Trong khi một ánh nhìn (với Phêrô), một tiếng gọi của Chúa (với Maria Magdala) có sức hoán cải tâm hồn thì cái nhìn “đầy phán xét” hoặc tiếng gọi “nơi hoang dã” lại là cớ vấp phạm cho linh hồn. Có một câu trong tài liệu cha giảng phòng phát cho chúng tôi làm tôi thức tỉnh “tội của bạn chưa phải là những yếu đuối mà bạn xưng thú, làm bạn phải khóc lóc, nhưng tội là cái bạn mơn trớn ấp ủ trong lòngtội thật của bạn là có một trái tim chai đá, vô cảm trước lòng âu yếm của Thiên Chúa

Sau khi gặp gỡ Chúa để suy tư về tội, sự dữ, về tình thương tha thứ của Chúa, cha đưa chúng tôi đến đỉnh cao của Tình Yêu – Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Kitô. Có hai chị đã cảm nghiệm được Chúa tháo bỏ tấm khăn liệm đời mình, xếp lại gọn gàng và cho hưởng vinh quang Phục Sinh với Chúa. Một chị, qua sự quan tâm chăm sóc của cha xứ, cha phụ trách lớp học, sự thân thiện gần gũi chia sẻ của các bạn trong lớp, tâm hồn khép kín vì đau khổ, vì mặc cảm của chị đã mở ra đón Chúa Phục Sinh ngự vào. Chị kia bắt đầu trở thành tu sinh của một dòng tu mà chị ao ước từ lâu và từng bị từ chối vì tuổi tác, học vấn. Một bạn nhận được Ơn giải thoát, đã cảm nếm niềm vui Phục Sinh của tâm hồn hân hoan đến mức sống động cả trong thân xác, dù còn nhiều vấn đề trong hôn nhân phải đối diện. Thánh giá dường như nhẹ nhõm hơn khi tâm hồn kết hợp thâm sâu với Chúa Kito, Thánh giá gỗ lại nở hoa yêu người.

Chiêm ngắm Chúa Kitô Phục Sinh ẩn mình trong tấm bánh bé nhỏ, nhìn từ góc độ trần gian, người đời với bao lo toan trước mắt, bao nhiêu vấn đề phải đối diện từng ngày sẽ cho rằng người tín hữu Kito giáo chỉ là những kẻ lãng mạn, tự sướng, bỏ ra bao nhiêu thời gian công sức để nghe những câu chuyện được kể đi kể lại từ đời ông cố ông sơ, rồi cuối cùng nhận một tấm bánh tí xíu chẳng ăn nhập gì với bữa đói bữa no của gia đình, với bệnh tình đang hành hạ thân xác, với nỗi đau bất trung của người bạn đời. Chỉ có người tín hữu đã xác tín niềm tin của mình mới hiểu mình đang được nhận cả một kho tàng tình yêu, chân lý, sự sống vào lòng, mới cảm kích trước một Thiên Chúa cao vời vinh hiển mà vẫn khiêm tốn ẩn mình trong tấm bánh nhỏ bé, bất chấp sự xúc phạm của thế gian, kiên nhẫn chờ đợi, chỉ để âu yếm trao Mình cho những ai tìm kiếm Chúa, rồi không ngừng ban cho thật nhiều Ơn phúc, soi sáng để người tín hữu biết vẽ đường thẳng trên những đường cong, biết dùng tình thương tha thứ, sự thật mà hóa giải những mâu thuẫn, biết ý nghĩa của việc dự phần Thánh giá Chúa Kitô và tin vào phần thưởng phục Sinh đời đời, đặc biệt với Bí tích Hòa giải và Thánh Thể, người tín hữu luôn được Chúa đồng hành, nâng đỡ từng ngày, thậm chí chỉ cần khẩn thiết kêu cầu Chúa với lòng thành kính là Chúa đã có mặt rồi. Người tín hữu chiêm ngắm Chúa Giesu Thánh Thể để nên giống người, sống nhỏ bé khiêm nhường, nhưng lưng thắt đai chân lý, mình mặc áo giáp công chính, chân đi giày hăng say loan báo Tin Mừng, đầu đội mũ Ơn cứu độ, tay cầm khiên mộc Đức Tin và gươm Chúa Thánh Thần trao để bảo vệ Sự Sống và Phẩm giá con người.

Trong buổi tổng kết, mỗi người đưa ra một quyết tâm trước khi “xuống núi”. Hầu hết các anh chị đều cảm thấy cần có sự gặp gỡ Chúa trong cô tịch để được tha thứ, được an ủi vỗ về, để khi trở về với đời sống đầy biến động, có đủ sức, đủ can đảm đón nhận sự cắt tỉa, để được tự do đi trong ánh sáng, để yêu và được yêu, để sống sung mãn trong Chúa Thánh Thần, để việc phục vụ của mình có tâm tình hơn, thân thiết thương mến hơn, không lăng xăng quanh “cái tôi” hay “cầm đèn chạy trước ô tô” nữa mà lắng đọng mặc lấy tâm tình của Chúa khi hành xử. Đặc biệt trong công việc tham vấn tâm lý và đồng hành thiêng liêng, sống kết hợp mật thiết với Chúa giúp cho sự phân định nhạy bén hơn, để chính Chúa sẽ dẫn đường cho đôi bạn đồng hành đi đến đích, người đồng hành chỉ việc nâng đỡ, khích lệ, an ủi, đôi khi đối đầu để giúp người bạn đường đi trong đường lối Chúa muốn giành cho họ. Nhiều người muốn hiểu biết Chúa càng nhiều càng tốt để yêu Chúa hơn, vì muốn vác Thập giá đời mình đi theo Chúa đến tận Núi Sọ thì tin thôi chưa đủ, phải yêu nữa. Trước khi trao Hội Thánh cho Phêrô, Chúa Giesu đã hỏi ông ba lần “Anh có yêu mến Thầy không?”

Bài giảng cuối cùng là “Chiêm niệm Tình Yêu”, cha dạy chúng tôi Kinh Dâng Hiến:

“ Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy Chúa đã ban cho con; Lạy Chúa, con xin dâng lại Chúa hết thảy. Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng Chúa, vì được như thế là đủ cho con”

Riêng tôi, sau đợt linh thao, tôi vẫn chưa dám đọc Kinh này. Trước khi rước Chúa vào lòng, tôi chỉ dám thủ thỉ “Chúa ơi, con hư lắm! Mọi sự Chúa ban cho con đã bị méo mó hết rồi!. Con xin dâng lên Chúa hết, dâng cả tình yêu còn nhiều đam mê của con, chỉ xin Chúa ban cho con những gì Chúa muốn, nhất là cho con tình yêu thanh khiết của Chúa, hầu con có thể đem bình an thật đến với anh em mình”

Vui mừng hoan hỉ, no say tình Chúa, tình người, chúng tôi chụp hình lưu niệm, cám ơn cha Hoàng, phụ trách nhà tĩnh tâm, ra về. Ngêu ngao ca hát, kể chuyện tiếu lâm, chúng tôi hồn nhiên như trẻ nhỏ, trở nên anh em con cùng một Cha. Trở về với đời sống thường nhật, chúng tôi mang theo khung cảnh của nhà tĩnh tâm đầm ấm yêu thương và những ngày yên vui, cùng nhau sống hướng về Chúa, được Chúa yêu thương trân quí. Có Chúa ở cùng, chúng tôi nghĩ về người khác nhiều hơn về mình. Cung cách phục vụ ở đây như trong gia đình, các bữa ăn được chuẩn bị chu đảo; đầy đủ các vật dụng cho sinh hoạt cá nhân, có phòng riêng để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Khi ra về, chúng tôi tự dọn phòng, dọn rác để nhà Chúa được đẹp đẽ. Kỷ niệm này sẽ nâng đỡ chúng tôi những lúc chao đảo giữa sóng gió cuộc đời, dù đi trong đêm tối, bị đối xử bất công, vẫn tin tưởng vào đời sống hạnh phúc đầy yêu thương chân tình trong Nước Trời.

SG 20/7/2011
Minh Anh

Kiểm tra tương tự

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *