Tha thứ – mấu chốt của bình an!

hoc_cach_tha_thuSống trên đời này, làm sao chúng ta có thể tránh được những lúc đụng chạm, làm tổn thương nhau. Thế gian này, tuy có rất nhiều điều tuyệt đẹp đấy, nhưng không phải là một thiên đường như ta đọc thấy nơi những câu chuyện cổ tích. Cái hữu hạn mà con người sở hữu ngay từ lúc được dựng nên đã tiên báo về những đau khổ mà họ sẽ gây ra cho nhau trên con đường tại thế này rồi. Những tổn thương, những thất vọng, những mất mát mà người khác gây ra cho mình… dường như cũng trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống. Nó xảy đến với ta, bất chấp ta có cố gắng hoàn thiện mình đến đâu, bất chấp ta có sống tốt đến cỡ nào đi nữa. Trên hành trình đi tìm hạnh phúc, ta được mời gọi hãy lan tỏa tình yêu, hãy trải rộng con tim, hãy buông bỏ những gì cản vướng. Như một hệ lụy kèm theo, “tha thứ” cũng trở thành một bài học mà ta phải cố gắng thủ đắc, để chữa lành vết thương, để bỏ lại đằng sau những chuyện buồn không đáng và để vươn đến một cảnh giới cao của sự tự do hoàn mỹ, vốn là một yếu tố vô cùng quan trọng quyết định hạnh phúc của mình và cho người chung quanh.

Mỗi khi có ai đó gây cho ta một vết thương, vết thương ấy cứ hăm hăm rỉ máu mãi. Nó làm ta khó chịu. Nó làm ta đau. Nó khiến ta hậm hực bức bối không ngừng. Nhiều lần ta cố quên đi, ta cố gắng làm đủ cách để xoa dịu vết thương, khiến cho nó mau được lành, nhưng cứ mỗi khi nghĩ đến là bao lửa hận trong ta cứ bừng bừng như muốn đốt cháy cả tâm can. Khi niềm tin của ta bị phản bội, khi tình yêu của ta bị coi thường, khi những hy sinh của ta bị xem như cỏ rác, ta thấy con tim mình như đang bị xé làm đôi. Người khác mang đến cho ta nỗi đau, gây cho ta những thiệt thòi, tước đi của ta những gì quý giá, để lại trong ta một khoảng trống to lớn, rồi đẩy ta xuống đến cái cùng tận của bùn lấy nhớt nhơ. Thử hỏi, làm sao ta có thể tha thứ?

Đúng vậy, chẳng dễ gì để tha thứ. Nhưng nếu ta không tha thứ, người chịu thiệt đầu tiên và nặng nề nhất chính là ta. Không gì làm cho tâm trí ta trở nên điên dại cho bằng nỗi thù hằn cứ dồn nén mãi trong tâm trí. Sự thù hằn chẳng mang đến điều gì tốt đẹp cho ta. Nó không phải là liều thuốc tốt để chữa lành vết thương. Nó chỉ làm cho vết thương thêm nặng và thêm đau! Ngày đêm ta tính toán kế trả thù. Giấc ngủ của ta cũng không được trọn vẹn. Môi miệng ta buông ra những lời độc địa, đôi mắt ta cũng trở thành vũ khí gây sát thương. Ra đường gặp nhau, ta cũng cố gắng tìm một lối đi khác để khỏi chạm mặt. Cuộc vui của ta cũng tiêu tan nếu vô tình có sự hiện diện của người ấy. Ta hả hê nói những chuyện xấu của người ấy cho người khác. Ta dường như có một động lực mạnh để rêu rao mọi điều tồi tệ của người ấy, rồi có khi trí tưởng tượng cũng hùa theo, phóng đại thêm vài thứ cho thỏa nỗi lòng đang bức bối không yên. Ta cứ nuôi mãi mối thù ấy trong lòng trong khi người bị ta thù ghét kia chưa chắc biết điều này. Có đôi khi họ cũng chẳng quan tâm đến việc ta đang yêu thương hay ghét họ. Họ cứ sống cuộc sống của họ cách vui tươi. Chỉ có ta là bị những cảm xúc thù hằn kia dày xéo đến khô héo mỏi mòn.

Nếu như thù hằn là cái trói buộc ta với những tư tưởng xấu khiến ta không yên, thì tha thứ chính là cái giải thoát ta, khiến ta được tự do mà vươn đến những điều tốt. Một sự tha thứ thực sự không phải chỉ là một thái độ “cười cho qua chuyện”. Nó càng không phải là việc ta cố gắng xem như chẳng có chuyện gì xảy ra. Khi có ai đó xúc phạm đến ta cách vô cớ, ta cảm thấy đau. Và đây là một nỗi đau có thực, chứ không phải là cái ta tự bịa ra. Sự phớt lờ của ta không thể nào phủ nhận được nỗi đau ấy. Bởi lẽ, nếu như ta không cảm thấy đau, ta chẳng cần phải nghĩ đến chuyện tha thứ.

Tha thứ không khiến cho vết thương biến mất, nhưng nó làm cho vết thương được mau lành hơn. Tha thứ không giúp thay đổi quá khứ, nhưng sẽ giúp xây dựng một trang vở mới cho tương lai. Tha thứ được ví như luồng sáng, giúp xua tan đi bóng tối đang vây kín tâm hồn ủ rũ của ta.

Mỗi một biến cố xảy đến với ta đều mang đến cho ta một bài học nào đó, giúp ta lớn lên và thêm cứng cáp hơn giữa dòng đời. Nỗi đau mà người khác mang đến cho ta cũng là một trong số đó. Sự phản bội của họ dạy ta hiểu về giá trị của lòng trung thành. Sự bội tín của họ cho ta hiểu giá trị về lòng tin. Những dối trá của họ giúp ta biết hơn về ý nghĩa của sự chân thực. Những mất mát ta phải gánh chịu có đôi khi không phải là điều thiệt thòi, nhưng lại là dịp may để ta thụ hưởng một điều gì đó mới mẻ. Thế nên, xét cho cùng, người làm ta đau, trong một số trường hợp, là vị “ân nhân” của ta. Ta sẽ chẳng bao giờ có thể tha thứ được, nếu ta không đặt hành vi này trên nền tảng của tình yêu, với một cái nhìn tích cực về những gì mình đã trải qua. Những gì ta “đã trải qua” là những gì đã thuộc về quá khứ. Nó đã trở thành một phần của cuộc đời ta bất chấp ta nhìn về nó với thái độ nào. Vậy tại sao ta không tự mở trói cho mình, dùng lòng vị tha của mình để làm lại cuộc sống, thay vì cứ nuôi thù hận làm héo mòn tâm tư ta?

Suốt một đời hy sinh cho người khác, làm biết bao dấu lạ nuôi sống và chữa lành, giảng dạy những lời lẽ khôn ngoan, phần thưởng mà cuộc đời dành cho Giêsu là những đòn roi, nhục mạ, chửi bới, phản bội, những mũi đinh, vòng gai, cây thập giá. Nhưng chưa bao giờ Giêsu lưu giữ trong lòng mình nỗi thù hận. Ngay giữa tâm điểm cái đau đớn thể xác đang hành hạ mình, khi dòng hơi trong người chỉ còn để gượng thở cách khó khăn, Giêsu vẫn cố gắng thốt lên lời tha thứ, xin Cha bỏ qua cho những con người này, bởi vì “chúng không biết việc chúng làm.” Khi yêu, người ta luôn tìm ra được lý do để tha thứ. Giêsu đã từng nói về tha thứ và Ngài đã thực hành bài học này như một chứng tá hùng hồn về những gì Ngài đã giảng dạy. Giêsu dạy chúng ta phải tha thứ, là vì chỉ có tha thứ mới giúp ta được bình an, nhưng trên hết, ta phải tha thứ vì trước đó, ta đã được thứ tha rất nhiều lần rồi.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa mở rộng con tim chúng ta, để chúng ta có thể yêu như Ngài yêu, tha thứ như Ngài tha thứ, ngỏ hầu đời sống của chúng ta được ngập tràn hương hoa của bình an và hạnh phúc.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Đổi mới giáo dục Công giáo tại Học viện Thánh Augustinô

  Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài trong Tin …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *