Tháng Sáu mùa thi

Thế hệ 8–9x chúng tôi, chuyện quay cóp bài là điều xảy ra như cơm bữa. Nhất là vào mùa thi, xem bài có hệ thống là điều chúng tôi có thể cảm nhận được. Không chỉ trong lớp, ngoài hành lang, tiếc là nhiều thầy cô cũng bao che cho thí sinh xem bài. Thành tích làm mờ đi tất cả những trong sáng của thi cử[1]. Thú thực tôi không thoát khỏi những cám dỗ ghê gớm ấy. Có khi tôi cho đứa khác xem bài, và tôi cũng xem bài của chúng bạn.

Thành thật mà nói, khi xem bài, tâm hồn tôi bị giằng co bối rối. Không chỉ vì sợ thầy cô bắt được, nhưng còn vì là người công giáo, Chúa dạy tôi phải ngay thẳng, thành thật và trong sáng. Vậy mà…tôi dám tra tay làm những điều không được phép trong thi cử.

Khi viết tới đây, tôi nghĩ thuở học trò, sinh viên, chắc ai cũng có kinh nghiệm hồi hộp, dằn vặt mỗi khi xem bài. Nhất là vào tháng Sáu mùa thi, lười biếng ôn thi hay chăm chỉ học hành luôn giằng co trong trái tim tuổi học trò. Không miệt mài ôn thi, điểm cao là điều không thể. Dẫu sao, trong bài viết ngắn ngủi này, tôi muốn chia sẻ với những học trò, những sinh viên, như tôi một thời, phải đương đầu với mùa thi.

Trước khi bước vào trường, một bảng hiệu lớn thường được treo chỗ trang trọng dễ thấy: “Tiên học lễ, hậu học văn.” Đó là phương châm giáo dục, là mục đích của người đi học và người dạy. Kiến thức dĩ nhiên là cần thiết, nhưng lễ nghĩa lại là nền tảng để có thể đi sâu vào con đường tri thức. Một người không có lòng nhân, tình yêu độ lượng và những đức tính cần thiết, việc học sẽ vất vả vô cùng. Ví dụ, nếu học sinh không lễ phép với thầy cô, không tôn trọng bạn bè, không trong sáng với chính mình, thử hỏi ai dám chắc người ấy học lên cao được. Bởi đó, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã từng nói:

“Học để biết. Học để canh tân. Học để phục vụ. Học để yêu mến. Chưa học để phục vụ đúng mức, con chưa mến Chúa đủ.”[2]

Nếu tra từ điển, bạn sẽ thấy nhiều thú vị về hai từ: Giáo Dục. Về mặt từ nguyên, “education” trong tiếng Anh có gốc La–tinh: ēducātiō (“nuôi dưỡng, nuôi dạy”) gồm ēdūcō (“tôi giáo dục, tôi đào tạo”), liên quan đến từ đồng âm ēdūcō (“tôi tiến tới, tôi lấy ra; tôi đứng dậy”). Trong tiếng Việt cũng thế, “giáo” có nghĩa là dạy, “dục” có nghĩa là nuôi. Như vậy, giáo dục là “dạy dỗ, nuôi dưỡng cả trí dục, đức dục và thể dục.”

Lạ thay, giáo dục không chỉ là học lấy kiến thức! Vậy tại sao tôi cứ ngày đêm vùi đầu vào học một mớ kiến thức, để được điểm cao ngất trời. Trong khi đó, điều chính yếu của giáo dục, tôi lại quên mất. Điều ấy được nhiều nhà giáo dục báo động từ rất nhiều năm qua. Khi đánh mất cái gốc này của giáo dục, người ta gói gọn hệ quả ấy trong một cụm từ: giáo dục xuống cấp.

Tôi rất vui khi mỗi đầu năm học, Giáo Hội Công Giáo đều gửi thư đến quý thầy cô, học sinh và sinh viên. Trong đó, dĩ nhiên Giáo Hội khơi lên điều căn cốt của nền giáo dục nhân bản, tôn trọng sự thật. Học để thành nhân đương nhiên sẽ cho hoa trái là thành tài. (Dường như giáo dục hiện nay đang làm ngược!) Bằng chứng là trong một bức thư, Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo, Chủ tịch Ủy Ban Giáo dục Công Giáo, đau lòng nhận xét rằng:

“Mặc dù vẫn còn rất nhiều người chân thành, trung thực, nhưng ý tưởng thường gắn liền với cụm từ xã hội Việt Nam, học sinh, sinh viên Việt Nam là sự gian dối, lừa đảo, vô trách nhiệm, chạy tội, đổ tội…”[3]

Hoan hô những ai đang tìm đúng con đường trong giáo dục, nghĩa là để cho trái tim và khối óc được triển nở trong sự thật. Họ học hành với niềm vui và tinh thần cầu tiến. Thắng không kiêu, thua không nản. Nhất là trong kỳ thi, thí sinh dám làm chứng cho sự thật trong thi cử. Gian dối là điều không ai muốn, nhưng tiếc là nhiều bạn chưa thể thoát ra. Đó là hệ quả ghê gớm mà chính đương sự và xã hội gánh chịu. Chẳng hạn, chú Tony Buổi Sáng thật chí lý khi chỉ ra rằng:

Vì quen ăn cắp kiến thức ở trường, nên “khi ra trường đi làm, tiếp tục ăn cắp. Thư ký ăn cắp giấy. Tiếp tân lấy điện thoại cơ quan gọi điện thoại chùa. Tài xế xe container chở hàng ra cảng, trên đường đi tấp vào chỗ nào đó, rút bớt ít hàng. Bán hàng thì nói to nói nhỏ để kiếm hoa hồng riêng, báo cáo công ty một đằng rồi chốt với khách hàng một nẻo. Thậm chí ăn cắp thời gian để làm việc riêng, sáng 8h vô làm nhưng vô rồi đi ăn sáng, cà phê lang thang miết. Kết cục của mọi hành vi ăn cắp là cảnh không dám ngẩng lên kiêu ngạo với chính mình.”[4]

Các học sinh, sinh viên thân mến,

Chúng ta muốn ngẩng cao đầu và cần sống hiên ngang. Điểm thấp thì có sao!? Đó là do tôi không học bài. Đó là kinh nghiệm quý giá để tôi phấn đấu lần sau, nỗ lực cả đời. Những ai gian lận trong thi cử, có khi cứ phải tìm cách gian lận hoài. Như thế thì mệt lắm!

Nếu là người Công Giáo, Thiên Chúa không muốn bạn đi vào con đường gian manh ấy. Bởi đơn giản, thi cử để đánh giá trình độ của bạn đang ở mức nào, và tính cách của bạn ra sao. Chẳng phải chúng ta nghe Chúa dạy: “Sự thật sẽ giải phóng anh em.” (Ga 8,32). Ước gì người trẻ công giáo sống với thực lực của mình, không vay mượn, ăn cắp kiến thức! Đó là thách đố không nhỏ trong môi trường giáo dục hiện nay. Nhưng bạn có biết, trung thực trong giáo dục lại là con đường cho chúng ta đến hạnh phúc thành công.

Trước thềm mùa thi, hãy tâm sự với thầy Giêsu để mỗi người có đủ sức khỏe, kiên trì và miệt mài ôn tập. Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu. Rồi khi cầm kết quả trên tay, tôi tự hào vì đó là thành quả của chính tôi. Để kết thúc, chúng ta cùng nghe lại những lời chia sẻ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tâm sự với người trẻ, với học sinh, sinh viên:

“Hỡi những người trẻ, đừng bỏ mất những năm tốt nhất của tuổi trẻ, đừng ngắm nhìn cuộc sống từ ban công. Đừng lầm lẫn hạnh phúc với một chiếc ghế bành và đừng sống cả cuộc đời trước màn ảnh. Đừng trở nên cảnh tượng đau lòng của một chiếc xe phế thải. Đừng trở thành những chiếc xe đang đậu, thay vào đó hãy để cho những giấc mơ nở hoa và hãy có những quyết định tốt. Hãy mạo hiểm, ngay cả khi các con thất bại. Đừng sống sót với tâm hồn tê mê và đừng nhìn thế giới như thể các con là du khách. Hãy gây tiếng ồn ào! Hãy xua tan những nỗi lo sợ làm tê liệt các con, để các con không trở thành những xác ướp trẻ. Hãy sống! Hãy cho mình những gì tốt nhất trong cuộc sống! Hãy mở cửa lồng và hãy bay đi! Làm ơn đừng về hưu non.”[5]

Chúc các bạn có một kỳ thi nhiều kết quả và những ngày hè thật nhiều niềm vui trong Chúa!

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] “Tại Việt Nam, giáo dục nhà trường còn nhiều bất cập vì phải chạy đua theo thành tích. Nhìn lại bản thân mình, tôi thấy điều này để lại những hậu quả nặng nề.” Đó là lời nhận xét của chị Rosie Nguyễn, tác giả của nhiều cuốn sách hay: Ta ba lô trên đất Á, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?

[2] Đường Hy Vọng, 559–560

[3] Thư gửi các sinh viên, học sinh công giáo, dịp đầu năm học 2017–2018.

[4] Tony Buổi Sáng, Trên Đường Băng, phần: Ăn cắp quen tay ngủ ngày quen mắt

[5] Đức Kitô Sống, số 143.

Kiểm tra tương tự

Mùa Vọng & Bí Tích Hoà Giải

“Vậy các con hãy tĩnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi …

Thầy Mátthêu Huỳnh Minh Thiện, S.J. – Hành trình ơn gọi khởi nguồn từ khóa linh thao sinh viên

  Từ một người chưa biết, chưa thiết thân với Chúa, thầy Mátthêu Huỳnh Minh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *