Chương 6:
HÀNH HƯƠNG TRÍ THỨC
(Từ tình bạn đến đào luyện tri thức)
71 4Mà vào thời gian tù đầy ở Salamanca, chính những ước muốn giúp đỡ các linh hồn luôn thôi thúc ông, và vì thế, ông được gợi hứng trước hết đi học, qui tụ một số người có cùng chí hướng và giữ những người mà ông đã có. 5Khi quyết định đi Paris, ông ta điều đình với những người bạn để họ ở lại chờ ông ta, còn ông ta ra đi xem xét để có thể tìm được phương tiện cho họ học hành không.
72 1Rất nhiều người có địa vị quan trọng ra công thuyết phục để ông ta không ra đi, nhưng họ không thể khuất phục được ông ta. 2Chưa đầy mười lăm hay hai mươi ngày sau khi rời khỏi nhà tù, ông đã một mình lên đường, mang theo một số cuốn sách và một con lừa con. 3Một lần sau khi đến Barcelona, tất cả mọi người quen biết ông đều khuyên nhủ ông ta không nên đi sang Pháp vì cuộc chiến tranh gay gắt đang xảy ra. 4Người ta kể cho ông ta nghe những chứng cớ cụ thể, cả đến việc nói cho ông ta biết rằng người ta đặt người Tây Ban Nha lên lò nướng, nhưng ông ta không hề cảm thấy một chút sợ hãi nào.
73 1Thế rồi ông ta lên đường đi bộ đến Paris một mình. 2Ông ta đến Paris vào khoảng tháng hai và, theo như ông ta nói với tôi, năm đó có lẽ là 1528 hay 1527.
Khi cha bị giam tù ở Alcala thì hoàng tử Tây Ban Nha sinh ra, và khởi từ đó mà người ta có thể tính toán tất cả, ngay cả những điều xảy ra trước đó.
3Ông ta đã ở trọ trong một căn nhà với một số người Tây Ban Nha. 4Và ông ta sẽ đi học các môn nhân văn ở Montaigu. 5Và việc học phải tiến hành như thế vì trước đây ông ta đã học quá vội vàng đến nỗi ông thấy mất căn bản quá nhiều. 6Ông ta học với các trẻ em, theo chương trình và phương pháp của Paris.
4Ngay khi đến Paris, đối chiếu với một chi phiếu từ Barcelona, một thương gia đã cho ông 25 đồng bạc “Ecus”, mà ông ta giao phó cho một người Tây Ban Nha ở cùng nhà giữ hộ. 5Kẻ này đã tiêu xài hết sau đó một thới gian; và không có gì hoàn trả lại được. 6Như thế, suốt mùa chay, vị khách hành hương không con đồng xu nào cả, môt mặt vì chính ông phải tiêu xài và mặt khác bởi cả nguyên do vừa nói trên. 7Và ông ta buộc phải đi xin ăn, ngay cả việc phải rời khỏi nhà mình trọ.
74 1Ông ta được nhận vào nhà thương thánh Giacôbê, ở bên kia nhà thờ Các Thánh Anh Hài. 2Tại đó ông ta gặp phải một sự bất tiện rất lớn cho việc học, vì nhà thương ở cách xa học viện Montaigu và để cửa còn mở, ông ta phải trở về trước khi người ta đổ chuông Truyền Tin và chỉ được ra ngoài khi trời đã sáng tỏ; và vì thế ông ta không thể theo các khoá học cách trọn vẹn được. 3Một ngăn trở khác là ông phải đi xin ăn để sinh sống. 4Đã gần năm năm rồi, bịnh đau bao tử không còn hành hạ ông nữa; và ông cũng bắt đầu áp dụng triệt để hơn nữa những việc hãm mình đền tội và ăn chay. 5Sau một thời gian sống trong nhà thương và đi ăn xin, khi thấy mình không được tiến bộ nhiều trong việc học, ông ta bắt đầu tự hỏi xem phải làm gì. 6Bỗng thấy một số sinh viên vừa học vừa làm việc cho những phụ khảo trong các học viện mà vẫn có đủ thời gian học hành, nên ông ta đã quyết định đi tìm một người bảo trợ.
75 1Và ông ta tự phát ra một suy xét và một hoạch định này mà ở đó ông tìm được sự an ủi: ông tưởng tượng rằng thầy dạy sẽ là Đức Kitô và ông đặt tên cho sinh viên này là Phêrô, cho sinh viên khác là Gioan, và cứ như thế từng vị tông đồ cho từng người. 2“Và khi thầy giáo ra lệnh cho tôi, tôi sẽ nghĩ rằng Đức Kitô ra lệnh; và khi một người khác ra lệnh cho tôi, tôi sẽ nghĩ rằng Phêrô ra lệnh.” 3Ông ta đã khổ công để tìm một người bảo trợ; ông nhờ đến Castro tú tài và nhờ đến một tu sĩ tu viện Chartreux vốn quen biết nhiều thầy giáo, đồng thời cũng nhờ đến nhiều người khác.4Nhưng không một ai có thể tìm cho ông được một người bảo trợ.
76 1Sau cùng, vì ông ta không tìm được cách giải quyết, nên một ngày kia, một tu sĩ người Tây Ban Nha nói với ông rằng, tốt hơn hằng năm ông nên đi đến xứ Flandres, mất hai tháng hay có thể ít hơn mà đem về số tiền có thể học được cả năm. 2Sau khi đã cầu nguyện với Thiên Chúa, ông thấy cách này có vẻ tốt. 3Và liền đem lời khuyên này ra thực hành, mỗi năm ông ta đã đem về từ xứ Flandres số tiền tạm đủ sống trong một năm. 4Một lần kia, ông ta cũng còn đi đến nước Anh và nhận được nhiều của bố thí hơn là những năm trước.
77 1Trở về từ chuyến đi đầu tiên đến Flandres, ông ta bắt đầu dấn thân nhiệt tình hơn xưa kia vào việc trao đổi thiêng liêng. 2Và ông ta đã cho ba ngưới làm Linh Thao gần như đồng thời với nhau, đó là cho Peralta, Caxtro tú tài học ở Sorbonne, và một người vùng Biscayen tên là Amador đang học ở học viện Thánh Barbara. 3Những người này có sự thay đổi một cách đáng kể; tức khắc họ phân phát cho người nghèo mọi sự họ có, kể cả sách vở, bắt đầu đi xin của bố thí trong Paris và đi trú ngụ ở nhà thương Thánh Giacôbê nơi vị khách hành hương đã ở trước đó và cũng là nơi ông phải bỏ đi vì những lý do đã được nói ở trên. 4Điều đó gây nên xôn xao trong đại học, vì hai người nói trước lại là những sinh viên xuất sắc và rất nổi tiếng. 5Và ngay lập tức, những người Tây Ban Nha bắt đầu tấn công chống lại hai thầy giáo này, bằng cách đưa ra mọi lý lẽ và xác quyết để thuyết phục họ trở về đại học nhưng đều vô ích. 6Một ngày kia đông đảo những sinh viên kéo nhau đến giữa ban ngày với hung khí trong tay và họ lôi hai người ấy ra khỏi nhà thương.
78 1Khi đưa hai người ấy về lại trường đại học rồi, tất cả mọi người đều thoả thuận với hai người ấy như sau: sau khi hai ngươi hoàn tất viêc học, họ có thể theo đuổi dự định của họ. 2Viên tú tài Castro sau này trở về Tây Ban Nha, rao giảng một thời gian ở Burgos và vào tu dòng Cartusiô ở Valencia. 3Peralta khởi hành đi bộ đến Giêrusalem với tư cách là khách hành hương. 4Nhưng anh ta bị một người thân thuộc bắt lại và tìm cách dẫn đến gặp đức Giáo Hoàng khi anh ta đến Ý rồi ngài ra lệnh cho anh ta trở về Tây Ban Nha. 5Những sự việc này không xảy ra ngay lúc đó, nhưng một vài năm sau này.
6Những lời đàm tiếu nổi lên ở Paris, nhất là giữa những người Tây Ban Nha, nhằm chống lại vị khách hành hương; và vị giáo sư De Gouvea, người cho rằng ông ta đã làm cho Amador, sinh viên trong học viện của ông thành kẻ điên khùng, nên đã quyết định và đã nói thẳng với vị khách hành hương rằng khi nào ông đặt chân vào học viện Thánh Barbara, vị ấy sẽ công khai đánh đòn ông ta, vì ông ta là kẻ dụ dỗ các sinh viên.
79 1Một người Tây Ban Nha, vốn cùng sống chung với ông ta lúc ban đầu và là người đã tiêu xài hết tiền của ông mà không hoàn trả lại cho ông, đã lên đường về Tây Ban Nha bằng cách đi ngang qua Rouen. 2Trong lúc dừng chân chờ tầu ở Rouen, anh ta bị ngã bịnh. 3Và đang khi bị bịnh như thế, anh ta đã viết thư báo tin cho vị khách hành hương biết . 4Và lòng ước ao đến với vị khách hành hương là phải đi thăm viếng anh ta và giúp đỡ anh ta. 5Ông ta cũng nghĩ rằng nhân cơ hội này ông ta có thể lôi kéo anh ấy từ bỏ thế gian và hiến thân hoàn toàn vào việc phụng sự Thiên Chúa.
6Để có thể đạt được kết quả này, ông dự định phải đi bộ hai mươi tám dặm từ Paris đến Rouen, bằng chân không, không ăn và cũng không uống. 7Khi cầu nguyện về điều đó, ông cảm thấy tràn đầy nỗi sợ hãi. 8Sau cùng ông ta đi đến nhà thờ Thánh Đa Minh, và ở đó ông ta quyết định lên đường theo cách thức như đã nói; và rồi sự sợ hãi manh liệt mà ông ta cho là thử thách Thiên Chúa bây giờ liền biến tan hết.
9Hôm sau, ngay buổi sáng lúc ông phải lên đường, ông ta đã thức dậy sớm; và ngay khi ông bắt đầu mặc quần áo, bỗng xảy ra cho ông một nỗi kinh hãi khủng khiếp đến nỗi dường như ông ta không thể mặc quần áo được. Bất chấp sự kinh hãi này, ông đi ra khỏi nhà và khỏi thành phố trước khi trời sáng tỏ. 10Tuy nhiên nỗi sợ hãi cứ keo dài luôn mãi và đeo bám ông mãi cho đến tận Argenteuil, vốn là một thị trấn nhỏ cách Paris ba dặm hướng về phía Rouen và là nơi mà người ta đồn rằng có áo choàng của Chúa chúng ta. 11Trong khi băng qua thị trấn này, sự thử thách thiêng liêng vẫn như thế; nhưng đến lúc ông ta leo lên một đồi cao, sự việc ấy bắt đầu qua đi và một sự an ủi và một sức mạnh thiêng liêng mãnh liệt xảy đến cho ông, cùng với niềm vui sướng lớn lao đến nỗi ông bắt đầu hò reo ở giữa những cánh đồng, và nói với Thiên Chúa, v.v… 12Và vào buổi tối hôm đó, ông trọ nhờ trong một nhà thương, với một người nghèo đi ăn xin, sau khi đã cuốc bộ mười bốn dặm trong một ngày. 13Hôm sau, ông ta đi đến trọ trong một nhà kho chứa rơm rạ; và ngày thứ ba ông ta đi đến Rouen. 14Trong suốt thời gian này ông ta đã không ăn, không uống và đi chân không như ông ta đã quyết định. 15Ở Rouen, ông ta đã an ủi người bịnh và giúp anh ta lấy tầu đi về Tây Ban Nha; và ông ta cũng nhờ anh ấy gởi những bức thư cho các bạn cùng chí hướng hiện đang ở Salamanca, nghĩa là cho Calixto, Caceres và Arteaga.
80 1Và để không nói nhiều hơn nữa về các bạn cùng chí hướng này, điều đã xảy ra cho họ như sau. 2Khi vị khách hành hương ở Paris, ông thường viết thư cho họ, theo như đã thoả thuận, và nói cho họ biết việc ông ta đem họ đến học tập ở Paris là điều không dễ. 3Tuy nhiên, ông ta đã viết cho bà Leonor de Mascarenhas để bà ta giúp đỡ Calixto bằng cách nhờ bà viết thư cho triều đình vua Bồ Đào Nha, để anh ta có được một trong số các học bổng của nhà vua Bồ Đào Nha tại Paris. 4Bà Leonor đã trao thư cho Calixto và tặng một con la dành vào cuộc hành trình cùng với những đồng tiền “quatrini” để chi tiêu. 5Calixto đến triều đình vua Bồ Đào Nha, nhưng sau cùng lại không đến Paris; nhưng sau khi trở lại Tây Ban Nha, anh ta đi An Độ của Hoàng Đế cùng với một phụ nữ đạo đức nào đó. 6Sau đó, trở về Tây Ban Nha, anh ta lại đi đến An Độ một lần nữa. 7Rồi anh ta trở về Tây Ban Nha rất giầu có làm cho mọi người xưa kia quen biết anh ta ở Salamanca đều phải ngạc nhiên.
8Caceres quay trở về Segovia, quê hương anh ta, và bắt đầu sinh sống tại đó theo cách thức mà dường như anh ta đã quên mất dự định ban đầu. 9Arteaga đã được cất nhắc lên làm huân tước.10Rồi, khi Dòng được thành lập ở Roma, anh ta được đề cử làm giám mục ở An Độ. 11Anh ta đã viết thư cho vị khách hành hương để nhường chức giám mục này cho một ai đó trong Dòng Tên; nhưng vì anh ta bị ông ấy từ chối, nên đã đi đến An Độ của Hoàng Đế để làm giám mục. 12Anh ta chết tại đó một cách lạ lùng: khi anh ta đau bịnh, và có hai chai đựng nước uống, mà một chai chứa nước được thầy thuốc chỉ định, còn chai kia chứa nước soliman, một độc chất; người ta đem lộn cho anh ta uống chai thứ hai khiến anh ta chết.
81 1Vị khách hành hương từ Rouen trở về Paris và khám phá thấy rằng, vì những điều xảy ra cho Castro và Peralta, người ta đồn thổi rất nhiều về ông và nhân viên thanh tra giáo lý cho tra hỏi về ông. 2Nhưng còn ông, ông ta không muốn chờ đợi lâu hơn nữa và đi ngay đến nhà nhân viên thanh tra. 3Ong ta hỏi viên thanh tra rằng ông ta biết người ta tìm kiếm ông và ông ta đã sẵn sàng cho biết tất cả mọi sự viên thanh tra muốn (viên thanh tra này tên là Magister Noster Ory, một tu sĩ dòng thánh Đa Minh). 4Ông ta xin viên thanh tra giải quyết vấn đề cho mau lẹ vì ông ta đang có ý hướng tham dự những khoá học văn chương vào ngày lễ Thánh Rêmy, và ông ta muốn rằng những sự việc này phải được giải quyết ổn thoả trước hầu ông có thể dấn thân vào việc học tốt hơn.5Nhưng viên thanh tra không triệu tập ông ta đến, mà chỉ nói với ông rằng thực sự người ta đã nói cho mình về những việc làm và cách cư xử của ông, v.v…
82 1Ít thời gian sau đó là ngày lễ Thánh Rêmy, ngày đầu tháng mười, và ông ta bắt đầu theo khoá học về triết học với một thầy giáo tên là Juan Peđa. 2Ông ta bắt đầu khoá học với dự định giữ lại những người có quyết tâm phụng sự Chúa, nhưng không còn tiếp tục tìm kiếm thêm những người khác nữa, để có thể học hành cách thích đáng hơn.
3Khi ông ta bắt đầu theo những bài học của khoá học, thì này chính những cám dỗ giống như nhưng cám dỗ khi ông học La tinh ở Barcelona lại bắt đầu xuất hiện. 4Tất cả những lần nghe giảng, ông ta không thể tập trung được vì vô số những điều thiêng liêng hiện đến trong tâm hồn ông.5Nhận thấy rằng cứ theo cách này thì ông sẽ không tiến bô được nhiều trong việc học, ông ta tìm đến thầy giáo của mình và ông hứa với thầy rằng sẽ không bao giờ vắng mặt trong khoá học bao lâu mình còn có thể tìm được bánh để ăn và nước để sống. 6Khi thực hiện lời hứa này xong, toàn bộ những sự sốt mến này vốn đã đến với ông không đúng lúc đều rời bỏ ông và ông ta tiến bước cách cách yên ổn trong việc học. 7Vào thời gian này, ông ta thường giao tiếp với hai thầy giáo Phêrô Favre và Phanxicô Xavier, là những người mà sau này ông ta đã lôi kéo vào việc phụng sự Thiên Chúa nhờ Linh Thao.
8Cũng trong thời gian theo học này, người ta không còn bách hại ông như trước đây nữa. 9Và về điều này, vị tiến sĩ Frago một lần kia đã nói với ông ta rằng vị ấy ngạc nhiên về đời sống yên ổn của ông, vì chẳng ai còn làm hại ông nữa. 10Ông trả lời vị ấy rằng: “Lý do vì tôi không nói những điều về Thiên Chúa cho bất cứ ai nữa; nhưng một khi việc học kết thúc, chúng tôi sẽ trở lại với thói quen của chúng tôi.”
83 1Trong khi hai người đang nói với nhau, một tu sĩ đến hỏi vị tiến sĩ Frago xem vị ấy có tìm cho mình một căn nhà không vì, trong một căn phòng của ngôi nhà nơi ông đang ở, có rất nhiều người chết, mà theo ông, vì bịnh dịch hạch; thật vậy, dịch hạch lúc đó đã bắt đầu hoành hành ở Paris.2Tiến sĩ Frago và vị khách hành hương cũng muốn đi xem căn nhà và dẫn theo một phụ nữ vốn có sự hiểu biết rõ về loại dịch này; khi đi vào bên trong, bà ta khẳng định rằng đó là dịch hạch. 3Vị khách hành hương cũng muốn đi vào, và, khi thấy một bịnh nhân, ông ta an ủi người ấy bằng việc dùng tay sờ vào vết thương của anh ta; và sau khi đã an ủi và khuyên nhủ anh ta, ông ta ra đi một mình. 4Tay của ông bắt đầu cho ông cảm giác bị đau như thể ông mắc bịnh dịch hạch; và sự tưởng tượng này mạnh đến nỗi ông ta không thể chiến thắng được cho đến khi ông ta cương quyết thọc tay vào miệng, xuay qua xuay lại tận bên trong mà nói: “Nếu mày mắc dịch hạch ở tay, thì mày cũng sẽ mắc bịnh luôn cả trong miệng nữa.” 5Và khi ông ta làm như vậy, cả sự tưởng tượng lẫn sự đau đớn ở tay đều biến mất.
84 1Nhưng khi ông ta trở về học viện Thánh Barbara nơi ông trú ngụ và là nơi ông theo các khoá học, nhưng người trong học viện biết rằng ông ta đã vào trong nhà có dịch hạch, thì vội vàng chạy trốn trước mắt ông và không muốn cho ông vào. 2Và như thế ông ta bị buộc phải sống bên ngoài một ít ngày.
3Ở Paris, có phong tục là những người học triết vào năm thứ ba, muốn trở thành những tú tài, phải “lấy một cục đá”, như người ta nói: vì người ta phải chi ra một đồng “Ecus” cho điều đó, nên một số sinh viên quá nghèo không thể làm được. 4Vị khách hành hương bắt đầu tự hỏi liệu có tốt không nếu ông cũng đi lấy. 5Và khi thấy mình trong tâm trạng hồ nghi dữ dội và không thể giải quyết, ông ta quyết định đặt sự việc vào tay thầy giáo của mình; vị này đã khuyên ông lấy và ông đã đi lấy.6Tuy nhiên, cũng không thiếu những người chỉ trích ông; ít là cũng có một người Tây Ban Nha nhắc nhở ông ta.
7Ở Paris, vào lúc này ông đã cảm thấy mình đau dạ dầy dữ dội, đến nỗi cứ khoảng mười lăm ngày, cơn đau dạ dầy hành hạ và làm cho ông lên cơn sốt hằng giờ đồng hồ; và một lần kia, cơn đau dạ dầy đã kéo dài tới mười sáu hoặc mười bảy giờ. 8Lúc này khi khoá học về triết kết thúc, ông học thần học vài năm và cũng thâu nhận các bạn đồng chí hướng, nhưng bịnh tình càng trở nên trầm trọng hơn đến nỗi người ta không thể tìm được bất cứ thuốc chữa nào, dù ông ta đã thử rất nhiều loại.
85 1Các thầy thuốc nói với ông rằng không còn điều gì khác ngoài khí hậu quê nhà mới có thể giúp ông khỏi bịnh. 2Những người bạn cùng chí hướng cũng khuyên ông y như vậy và còn thúc giục ông rất nhiều nữa.
3Và ngay từ thời gian này, mọi người đã phải quyết định xem họ phải làm gì, nghĩa là: đi Venezia và từ đó đi Giêrusalem để xả thân giúp đỡ các linh hồn; và, nếu họ không có phép ở lại Giêrusalem, họ sẽ trở về Roma và trình diện với Vị Đại Diện Đức Kitô để ngài sử dụng họ ở đâu mà ngài xét thấy làm vinh danh Thiên Chúa hơn và mưu ích các linh hồn hơn. 4Họ cũng sẽ quyết định chờ tầu trong một năm tại Venezia; và nếu không có tầu đi Phương Đông trong năm đó, họ sẽ được tháo khỏi lời khấn đi Giêrusalem và sẽ về trình diện Đức Giáo Hoàng, v.v…
5Sau cùng, vị khách hành hương chịu để cho các bạn cùng chí hương thuyết phục, một phần cũng vì những người gốc Tây Ban Nha có một số công việc cần sắp xếp mà ông ta có thể giúp đỡ được. 6Và họ đồng ý rằng, một khi lấy lại sức khỏe, ông ta sẽ đi dàn xếp những công việc của họ và sau đó đến Venezia, nơi đó ông ta sẽ chờ đợi các bạn cùng chí hướng đến.
86 1Vậy đó là năm 1535, theo như sự thoả thuận của họ, các bạn đồng chí hướng phải lên đường vào ngày lễ thánh Phaolô trở lại năm 1537 ; tuy nhiên vì chiến tranh xảy ra, nên họ lên đường vào tháng mười một năm 1536. 2Ngay khi đến lúc khởi hành, vị khách hành hương biết rằng người ta tố cáo ông với thanh tra giáo lý và họ sắp mở một phiên toà luận tội chống lại ông. 3Hiểu được điều đó và thấy rằng họ không triệu tập ông, ông ta đi đến nhà viên thanh tra, nói cho viên ấy điều mình đã biết, rồi cho biết ông sẽ đi Tây Ban Nha và ông cũng có những người bạn đồng chí hướng; nên ông ta xin viên thanh tra cho ông một án thư. 4Viên thanh tra nói, về vấn đề tố cáo là có thực, nhưng viên ấy lại không thấy đó là mọt sự việc quan trọng. 5Viên thanh tra chỉ muốn xem bản viết tay của ông ta về Linh Thao. 6Khi xem bản Linh Thao này, viên ấy đã hết lời ca ngợi và xin vị khách hành hương để lại cho mình một bản sao chép, và ông ta đã làm như vậy. 7Tuy nhiên một lần nữa vị khách hành hương nài nỉ xin viên thanh tra tiến hành việc xét xử cho đến khi có án thư. 8Khi viên thanh tra này từ chối, ông ta đã đi đến nhà người ấy với một nhân viên kiểm sát công cộng và những người chứng và ông thanh tra đã làm biên bản chứng thực về tất cả những điều ấy.