Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (V)

Những điều có vẻ đơn giản nhưng rất quan trọng trên đây, thường được gọi là Ơn Soi Sáng Cardoner, diễn ra vào cuối tháng 8 hay đầu tháng 9 năm 1522, trên quãng đường giữa Thánh Giá Tort[118] và nhà nguyện Sant Pau, chỗ đường gần sát sông Cardoner. Luis Gonçalves de Câmara viết: “Điều ấy để lại trong tâm hồn Cha một ánh sáng mạnh đến nỗi Cha thấy mình như trở thành một người khác, có một trí khôn khác với trí khôn đã có trước đó.”[119] Sự kiện này được coi là “một trong những đỉnh thần bí cao nhất trong đời sống thánh I-nhã”[120], “một trong những đỉnh cao nhất Thiên Chúa thực hiện được trong đời sống một con người”[121].

Phải thú thực là rất khó nói chính xác điều gì đã xảy ra. Polanco cho rằng thánh I-nhã “có được cặp mắt tinh thần mới để nhìn thấu suốt được mọi sự liên hệ đến Thiên Chúa và con người, nhờ đó biết phân biệt tác động của tự nhiên với tác động của ân sủng.”[122] Cándido de Dalmases giải thích rộng hơn[123]. Như chính thánh I-nhã nói, đó không phải là một thị kiến, nhưng là trí tuệ được soi sáng. Đối tượng không phải là bất kỳ mầu nhiệm đặc biệt nào. Thánh I-nhã “hiểu và biết được nhiều điều, cả những điều thuộc bình diện thiêng liêng cũng như những điều thuộc lãnh vực đức tin và kiến thức” và kết quả là đối với ngài “mọi sự đều như mới mẻ”. Chúng ta biết là sau đó thánh I-nhã còn nhận được nhiều ơn thần bí nữa, nhưng ngài nói “nếu gom lại tất cả những trợ giúp suốt đời đã nhận được từ Thiên Chúa và mọi điều kẻ ấy biết được, cộng chung lại, kẻ ấy không nghĩ là bằng những gì đã nhận được chỉ một lần ấy”: chúng ta có thể hình dung ơn soi sáng Cardoner quan trọng đến mức nào. Trong kinh nghiệm thiêng liêng hết sức đặc biệt ấy, thánh I-nhã thấy con đường ngài sẽ phải theo, tức là cách thức ngài phải sống. Nội dung sau này được ngài khai triển trong hai bài suy niệm nòng cốt của Linh Thao: Đức Vua và Hai Cờ Hiệu. Chúa Giêsu, vị Vua muôn đời và Chúa muôn loài, mời gọi ngài cộng tác vào chương trình cứu độ. Không chỉ cộng tác trong công việc, ngài muốn chia sẻ cả cuộc sống và cái chết của Đức Kitô nghèo khó, chịu sỉ nhục và khiêm tốn.

Đây là cao điểm của ‘giáo án’‘thầy giáo’ Thiên Chúa dành cho ‘học trò’ I-nhã. Hình như những gì Thiên Chúa ban không phải là điều này hay điều kia, nhưng là một ánh sáng siêu nhiên mãnh liệt giúp thánh I-nhã xác tín về các chân lý đức tin đã được dạy trước đó, đồng thời xác tín về ơn gọi tông đồ ngài đã bắt đầu nhận ra. Điều này chẳng những được coi là cốt lõi của Linh Thao, mà còn được coi là hạt giống sẽ nảy nở thành Dòng Tên. Có thể so sánh với kinh nghiệm Giođan: phần nào như Chúa Giêsu khi chịu phép rửa, thánh I-nhã được Thiên Chúa cho biết kế hoạch cứu độ và vai trò mình phải thể hiện trong kế hoạch ấy[124]. Luis Gonçalves de Câmara cho biết sau này, trong cương vị Bề Trên Cả Dòng Tên, nhiều lần ngài phải đưa ra những quyết định liên hệ đến cung cách hành sử đặc trưng của Dòng, ngài thường giải thích: “Tất cả những điều ấy ứng với những gì đã xảy đến cho tôi ở Manresa.”[125]

Thánh I-nhã kể về ba quyết định khá quan trọng. “Khi đi ngủ, kẻ ấy thường được soi sáng mãnh liệt và được an ủi mãnh liệt, khiến kẻ ấy mất một số giờ để ngủ vốn đã chẳng nhiều nhặn gì. Sau khi suy đi nghĩ lại nhiều lần, kẻ ấy tự nhủ đã ấn định giờ để chuyện trò với Chúa rồi, lại còn những dịp khác trong ngày nữa, nên tự hỏi không biết những ánh sáng ấy có do thần lành không. Cuối cùng kẻ ấy kết luận nên gạt bỏ để đến giờ ngủ thì đi ngủ”[126]. “Kẻ ấy vẫn không ăn thịt. Đã quyết định như vậy, kẻ ấy không hề nghĩ đến việc thay đổi. Đến một buổi sáng kia, lúc vừa thức dậy, kẻ ấy thấy thịt đã dọn sẵn để ăn, hình như thấy bằng mắt thật, dù trước đó không hề thèm thịt. Đồng thời, kẻ ấy cảm thấy rất muốn từ đó về sau sẽ ăn thịt. Mặc dầu vẫn nhớ quyết định đã có trước, kẻ ấy không do dự, nhưng quyết định phải ăn thịt”[127]. Sau Ơn Soi Sáng Cardoner, ngài “đến quì gối trước một Thánh Giá gần đó để tạ ơn Thiên Chúa. Chính tại đó, kẻ ấy thấy thị kiến trước đây đã thấy nhiều lần mà chưa bao giờ hiểu, tức là điều đã nói trên kia, vật thể có vẻ rất đẹp và có nhiều mắt. Nhưng trước Thánh Giá[128], kẻ ấy thấy rõ nó không có màu đẹp như trước, và hiểu rất rõ, hoàn toàn phù hợp với ý chí, đó là ma quỉ. Về sau, nó còn xuất hiện nhiều lần nữa, và lâu, nhưng kẻ ấy dùng cái gậy vẫn thường cầm trong tay để đuổi nó với vẻ khinh bỉ.”[129]

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *