Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (V)

 Phụ trang 15

 

Luyện tập đời sống thiêng liêng

(Exercitatorio de la vida espiritual

của Garcia Ximenes)

 

 

Cuốn Exercitatorio de la vida espiritual (Luyện tập đời sống thiêng liêng) tương đối nhỏ: khoảng 300 trang khổ 13 cm x 18 cm.

            Garcia Ximenes (1455-1510) sinh tại Cisneros (nên thường được gọi là Cisneros), giáo phận Léon, miền tây bắc Tây Ban Nha; là anh em chú bác của hồng y nhiếp chính Tây Ban Nha Gonzalo Xímenez de Cisneros (1436-1517); có lẽ học đại học Salamanca; năm 1470 vào tu viện Biển Đức tại Valladolid (tu viện này được vua Fernando V thành lập năm 1390 với ước muốn phục hưng việc tuân giữ nghiêm ngặt qui luật Biển Đức ở Tây Ban Nha, đã có ảnh hưởng trên một số đan viện vùng Castilla). Lúc Garcia Ximenes gia nhập, tu viện đang ở đỉnh cao uy tín và sốt sắng. Ngay ở nhà tập, Garcia Ximenes rất chăm chỉ học hành, siêng năng đọc thánh vịnh và các chú giải của thánh Âutinh, thích đặc biệt thánh Bênađô, thánh Bonaventura và Gương Chúa Giêsu của Thomas Kempis. Về sau, hình như ngài phụ trách huấn luyện tập sinh của đan viện. Có thời gian ngài làm viện phó: thay viện trưởng, khi vị này đi vắng, huấn đức cho anh em. Chính đây là thời gian ngài nghiên cứu các tác giả thiêng liêng: trước là để huấn đức, sau này được đưa vào cuốn Luyện tập đời sống thiêng liêng.

            Vua Fernando Công Giáo muốn cải tổ tu viện Montserrat, nên xin và năm 1492 được Đức Giáo Hoàng chấp thuận cho tu viện này thuộc hội dòng Valladolid. 12 đan sĩ người Catalan được gởi từ Valladolid đến Montserrat. Năm 1493, Garcia Ximenes được cử làm viện trưởng. Năm 1499 tu viện Montserrat được nâng lên đan viện, và ngài làm viện phụ cho tới khi qua đời. Trong cương vị viện phụ, ngài xây nhà, tìm sách cho thư viện, hướng dẫn anh em về đời sống đạo đức và tâm nguyện, mở nhà in để phát hành sách đạo. Năm 1504, ngài được Đức Giáo Hoàng và vua Tây Ban Nha gởi đi cải tổ các đan viện ở vùng Catalonia, nhưng chỉ thành công với mấy đan viện nữ, thất bại với các đan viện nam. Ngài góp phần quan trọng vào việc soạn thảo hiến chương hội dòng Valladolid.

            Nhằm cải tổ đan viện Monserrat, Garcia Ximenes soạn một số sách hướng dẫn, đặc biệt cuốn Luyện tập đời sống thiêng liêng. Năm 1500, cuốn này được phát hành đồng thờibằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Latinh.

            Mateo Alamo, O.S.B. (Cisneros trong Dictionnaire de la Spiritualité) tóm tắt cấu trúc và nội dung: Sự cần thiết, hoa trái và các điều kiện của việc luyện tập đời sống thiêng liêng (chương 1-9); các bài tập về giai đoạn thanh luyện (phần 1, chương 10-19), giai đoạn soi sáng (phần 2, chương 20-25), giai đoạn kết hiệp (phần 3, chương 26-30). Cho đến đây phần riêng của Garcia Ximenes chỉ là xếp đặt các dữ kiện, và thêm vài ba câu trong mỗi chương. Phần còn lại (phần 4, chương 31-69) chỉ là nêu hết trích dẫn này đến trích dẫn khác: về chiêm niệm (chương 31-47), về đối tượng của chiêm niệm: cuộc sống, cuộc tử nạn và cuộc phục sinh của Chúa Giêsu (chương 48-60), về việc bền đỗ trong chiêm niệm và những trở ngại gặp phải (chương 61-64), về việc nhận biết Thiên Chúa và việc Người ngự trong linh hồn (chương 65-66), về các qui tắc chung phải giữ cả trong đời sống chiêm niệm cũng như trong đời sống hoạt động (chương 67-68); chương 69: tổng kết toàn bộ tác phẩm với “vài nguyên tắc phải theo về những điều đã nói trên”. Nói chung, quyển sách là một hợp tuyển các hướng dẫn về đời sống thiêng liêng.

            Mục đích việc luyện tập là lòng yêu mến Thiên Chúa và trái tim tinh tuyền. Mọi sự khác chỉ là phương tiện. Tác giả loại bỏ tất cả những tranh luận về thần học, nhưng chỉ dẫn cụ thể từng bước về thực hành đời sống thiêng liêng. Ảnh hưởng: trước hết đan viện Montserrat được canh tân và trở thành một trung tâm canh tân đời sống thiêng liêng ở Tây Ban Nha. Thứ đến, cả hội dòng Valladolid, rồi các đan viện Biển Đức Tây Ban Nha, rồi cả dòng Xitô đều sử dụng. Sau đó, sách được dịch sang Latinh, Pháp, Đức và ấn hành nhiều lần.

            Xin trích dẫn một đoạn có thể nói là tiêu biểu:

            “Nếu con muốn chịu đựng được một cách nhẫn nhục các nghịch cảnh, hãy trở nên một người cầu nguyện.

            Nếu con muốn thắng được các cám dỗ và vượt qua được các thử thách, hãy trở nên một người cầu nguyện.

            Nếu con muốn chế ngự được các khuynh hướng xấu, hãy trở nên một người cầu nguyện.

            Nếu con muốn phát hiện các ý đồ của ma quỷ và tránh được các cạm bẫy của chúng, hãy trở nên một người cầu nguyện.

Nếu con muốn sống hạnh phúc trong việc phục vụ Thiên Chúa và hân hoan tiến bước trên con đường nhọc nhằn và sầu khổ, hãy trở nên một người cầu nguyện.

Nếu con muốn thực hành đời sống thiêng liêng và khinh chê các ước muốn xác thịt, hãy trở nên một người cầu nguyện.

Nếu con muốn xua đuổi được những ý tưởng phù phiếm, hãy trở nên một người cầu nguyện.

Nếu con muốn linh hồn vững mạnh trong những ước nguyện thánh thiện, giữ được lòng sốt sắng, và cháy lửa yêu mến Chúa, hãy trở nên một người cầu nguyện.

Nếu con muốn tâm hồn mình mạnh mẽ, không gì lay chuyển được quyết tâm làm đẹp lòng Chúa, hãy trở nên một người cầu nguyện.

Nếu con muốn tống cổ các nết xấu ra khỏi linh hồn và các nhân đức trổ sinh, hãy trở nên một người cầu nguyện.

Sau hết, nếu con muốn lên tới đỉnh cao chiêm niệm để được tận hưởng những nụ hôn ngọt ngào của Chúa, hãy trở nên một người cầu nguyện.

            Thực vậy, chính nhờ cầu nguyện mà linh hồn được Chúa Thánh Thần xức dầu: được dạy cho biết tất cả những điều cần biết, nhờ đó đạt tới trình độ chiêm niệm trong những sự trần gian.”

            Paul Dudon (trong Saint Ignace de Loyola, Beauchesne MXMXXXIV) nhận xét: “Trong bối cảnh văn chương tu đức lúc ấy và cả thời Trung Cổ, tác phẩm đã từ vùng đồng bằng Hà Lan, vùng sông Rhin đến khu vực sông Seine và khu vực sông Tibera lên đến tận miền núi Catalonia. Cisneros quan sát, suy tư, chọn lựa và viết lại những gì ngài thấy là phù hợp với ý định của mình.”

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *