Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (V)

            Trước hết là bài học về Thiên Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là điều rất quan trọng đối với người Công Giáo Tây Ban Nha. Dân Wisigoth định cư ở Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ V theo lạc thuyết Ariô, chỉ tin Thiên Chúa duy nhất, phủ nhận thiên tính của Chúa Giêsu. Sau đó Tây Ban Nha chịu ảnh hưởng Hồi giáo và Do Thái giáo: tin Thiên Chúa độc nhất, nhưng không tin Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế Hội Thánh ở Tây Ban Nha thời thánh I-nhã nhấn mạnh đến mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngay từ nhà bà Garín, ngài đã học cầu nguyện với từng ngôi, rồi với cả Ba Ngôi. Nhưng điều ngài được Thiên Chúa dạy ở tu viện dòng Thánh Đaminh là một bài học đặc biệt: ngài “được nhấc bổng lên như thể thấy được Ba Ngôi Chí Thánh dưới dạng ba phím đàn”. Không phải ngài suy nghĩ ra, nhưng được nhấc lên. Ba phím đàn làm thành một hợp âm là một hình ảnh rất độc đáo. Nhưng hiệu quả một mới thật đáng kể. Trước hết, ngài “trào nước mắt” “không sao cầm được nước mắt mãi cho đến bữa ăn trưa”. Rồi hôm ấy, “không gì ngăn cản được kẻ ấy nói về Ba Ngôi Chí Thánh, trong lòng đầy niềm vui và an ủi, dùng nhiều thí dụ khác nhau để diễn tả”. Sau hết, “kẻ ấy còn giữ ấn tượng này suốt đời, nên hễ cầu nguyện với Ba Ngôi Chí Thánh kẻ ấy bắt đầu cảm thấy rất sốt sắng.”[112] Laínez cho biết ngài bắt đầu viết một quyển sách về Mầu Nhiệm Tam Vị[113]. Nền thần bí của ngài sẽ chủ yếu đặt nền tảng trên mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi[114]. Đó là bài học cơ bản.

            Kế đến là ba bài học về Mầu nhiệm Sáng Tạo, về Đức Kitô và về Mẹ Maria[115]. Các diễn tả của thánh I-nhã khá mông lung. Về sáng tạo: “Làm như kẻ ấy thấy một vật thể trắng phát ra những tia sáng và Thiên Chúa làm thành ánh sáng”. Về Đức Kitô: “Kẻ ấy thấy rõ ràng, bằng tâm trí, Chúa Giêsu Kitô ở trong bí tích Thánh Thể thế nào”,“Nhân tính của Đức Kitô… như một vật thể trắng, không lớn lắm cũng không nhỏ lắm, nhưng kẻ ấy không phân biệt được các phần thân thể.” Về Đức Mẹ, ngài cũng thấy, nhưng “không phân biệt được các phần thân thể”. Chính ngài “không biết giải thích thế nào, mà cũng không nhớ rõ lắm những hiểu biết thiêng liêng Thiên Chúa ghi tạc trong linh hồn”, mặc dầu ngài “thấy như vậy rất thường xuyên, nếu nói là 20 hay 40 lần, kẻ ấy ấy không nghĩ là nói dối”. Có thể nói đó là tóm tắt toàn bộ công trình sáng tạo và cứu độ. Đức Kitô được nhìn theo nhân tính và hiện diện trong Thánh Thể, tức là mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Vượt Qua. Cuối cùng là hình ảnh Mẹ Maria như tuyệt tác và mẫu mực của cả công trình sáng tạo cũng như công trình cứu độ.

            Joseph de Guibert giải thích: Các thị kiến này rất nghèo về hình ảnh, nhưng ảnh hưởng sâu xa và lâu dài nơi thánh I-nhã. Theo tác giả này, chúng ta không giải thích được thấu đáo nếu đó chỉ là những thị kiến bằng hình ảnh, cho dù có nguồn gốc ngoại nhiên. Nội dung của các thi kiến ấy được diễn tả qua những hình dạng thị giác và theo mức độ những hình ảnh này có thể bộc lộ được. Nhưng các hình ảnh thánh I-nhã thuật lại chỉ có thể cho ngài biết những chân lý sơ sài nhất về Ba Ngôi. Giả như đó chỉ là những ảo giác thì lại càng khó giải thích hơn nữa. Do đó, phải nhìn nhận là ngay từ Manresa, các ân huệ thánh I-nhã nhận được thực chất là những ơn soi sáng cao trọng, đó Thiên Chúa trực tiếp phú ban cho trí khôn ngài, còn các hình ảnh ngài ghi nhận chỉ là hiệu ứng của ơn soi sáng ấy trên một tâm hồn dễ rung động nhưng thiếu hình ảnh tượng trưng thích hợp với bình diện nhận thức này[116].

            Hiệu quả nơi thánh I-nhã rất mạnh mẽ và lâu dài. Trong tâm hồn: “Các thị kiến này củng cố và nâng đỡ đức tin của kẻ ấy rất nhiều, đến nỗi kẻ ấy vẫn thường tự nhủ: Giả như không có Kinh Thánh dạy chúng ta các chân lý đức tin ấy, thì chỉ cần căn cứ vào những điều đã thấy, kẻ ấy vẫn sẵn lòng chết vì các chân lý ấy.” Bên ngoài, ngài bắt đầu “gặp gỡ tha nhân”, và khi thấy “hoa trái trổ sinh”, ngài thay đổi cách sống: “từ bỏ những điều thái quá trước kia đã thực hành, nên từ đây cắt móng chân móng tay và hớt tóc”. Đây không chỉ là thay đổi từ nếp sống phần nào “hoang dã” sang nếp sống “văn minh” hơn, nhưng là một bước nhảy rất quan trọng về ơn gọi: ngài bắt đầu “giúp đỡ các linh hồn”, nghĩa là thay vì sống ẩn tu hay đan tu, ngài trở thành một “tông đồ”. Toàn bộ cái nhìn của ngài về việc “phục vụ Đức Kitô” sẽ chuyển từ lý tưởng hãm mình đền tội và đọc kinh dự lễ sang sứ mạng tông đồ.

            “Một hôm, do lòng sùng kính, kẻ ấy đang trên đường đến một nhà thờ cách Manresa chừng hơn một dặm, tôi nghĩ là nhà thờ Thánh Phaolô, con đường men theo bờ sông, lòng đầy sốt sắng, kẻ ấy ngồi xuống một chút, nhìn xuống dòng sông chảy bên dưới. Đang lúc ngồi đó, mắt tâm trí kẻ ấy bắt đầu mở ra. Đó không phải là một thị kiến, nhưng kẻ ấy hiểu và biết được nhiều điều, cả những điều thuộc bình diện thiêng liêng cũng như những điều thuộc lãnh vực đức tin và kiến thức. Việc ấy diễn ra sáng tỏ đến nỗi đối với kẻ ấy mọi sự đều như mới mẻ. Không sao nói rõ các chi tiết trong những điều kẻ ấy hiểu được lúc ấy, vì rất nhiều. Tuy nhiên, có thể khẳng định là tâm trí kẻ ấy được soi sáng đến nỗi suốt đời, đến nay đã 62 năm, nếu kẻ ấy gom lại tất cả những trợ giúp đã nhận được từ Thiên Chúa và mọi điều kẻ ấy biết được, cộng chung lại, kẻ ấy không nghĩ là bằng những gì đã nhận được chỉ một lần ấy.”[117].

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *