Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (VI)

Thế là thánh I-nhã chỉ còn lại một mình.

Ở Rôma, ngài chẳng để ý gì đến các di tích thời vàng son của đế quốc Rôma, cũng chẳng quan tâm gì đến dinh thự của Đức Giáo Hoàng hay các hồng y, chỉ chú tâm xin giấy phép hành hương, rồi đi viếng các nhà thờ theo thói quen đạo đức đương thời, trong đó nhất thiết phải có các nhà thờ Thánh Phêrô, Thánh Phaolô Ngoại Thành, Thánh Gioan Laterano, Thánh Laurenxô và Đức Bà Cả.

“Sau khi nhận phép lành của Đức Thánh Cha Ađrianô VI[35], kẻ ấy lên đường đi Venezia, khoảng 8 hay 9 ngày sau lễ Phục Sinh[36]. Kẻ ấy cũng mang theo 6 hay 7 đồng ducado người ta đã cho để đi từ Venezia đến Giêrusalem. Kẻ ấy đã nhận phần nào vì sợ: người ta nói chắc như đinh đóng cột là không có cách nào khác. Nhưng đi khỏi Rôma được hai ngày, kẻ ấy nhận ra mình đã thiếu lòng tin tưởng nơi Chúa, và việc bọc theo những đồng ducado[37] làm cho kẻ ấy áy náy, nên kẻ ấy nghĩ là bỏ đi thì hơn. Cuối cùng kẻ ấy quyết định phân phát rộng rãi cho những người gặp trên đường, mà thường là người nghèo. Kẻ ấy thực hiện như vậy nên khi đến Venezia chỉ còn trong người mấy đồng quattrini cần cho đêm hôm ấy. Trong chuyến đi Venezia, vì có những biện pháp phòng chống bệnh dịch hạch, kẻ ấy phải ngủ ở các cổng thành. Một buổi sáng thức dậy, kẻ ấy chạm trán với một người qua đường: vừa thấy kẻ ấy, người kia bỏ chạy như bị ma đuổi[38]. Chắc mặt kẻ ấy phải nhợt nhạt lắm. Tiếp tục hành trình, kẻ ấy đến Chioggia. Những người cùng đi với kẻ ấy cho biết không được phép vào Venezia. Những người kia quyết định đi Padova[39] để xin giấy chứng nhận sức khỏe tốt, kẻ ấy cùng đi với họ. Nhưng kẻ ấy không theo kịp họ, vì họ đi rất nhanh. Đêm xuống, họ bỏ kẻ ấy giữa cánh đồng. Đang lúc kẻ ấy ở đó, Chúa Kitô hiện ra với kẻ ấy theo cách thức Chúa vẫn thường hiện ra với kẻ ấy, như đã mô tả trên kia. Việc này nâng đỡ kẻ ấy rất nhiều. Được an ủi như vậy, sáng hôm sau kẻ ấy đến cổng thành Padova, chẳng cần làm giả giấy chứng nhận, như những người cùng đi hôm trước, kẻ ấy vào thành mà những người kiểm soát chẳng hỏi han gì. Khi ra cũng vậy. Những người cùng đi hết sức ngạc nhiên. Họ đã lo được giấy chứng nhận để đi Venezia, còn kẻ ấy chẳng lo chi cả. Khi họ đến Venezia[40], những người kiểm soát đến xét mọi người trên thuyền, từng người một, từ người đầu đến người cuối. Chỉ một mình kẻ ấy là họ bỏ qua.”[41]

Đối với thánh I-nhã, việc Chúa Giêsu hiện ra trên đường đến Padova mang ý nghĩa chính Chúa che chở ngài trong cuộc hành hương, không cần lo âu về tiền bạc hay giấy chứng nhận sức khỏe. Thật ít có ai ‘vô lý’ ‘cứng đầu’ như thánh I-nhã! Ngài là hạng ‘điếc không sợ súng’ chăng? Người ta có thể lý giải hai cách: nếu chỉ dựa trên những lý do tự nhiên, ngài quả là một kẻ lỳ lợm, ngang bướng; phải có một ánh sáng và sức mạnh thần bí soi dẫn và thúc bách ngài. Sau này, thí dụ về việc có người đòi đổi danh hiệu Đoàn Giêsu, ngài cũng ‘lỳ lợm’‘ngang bướng’ như vậy: ngài đã thực sự có một xác tín thần linh. Ở Venezia, ngài không quan tâm đến một thành phố nổi tiếng thơ mộng với 480 cây cầu nối 120 hòn đảo, và trong khi chờ tàu thì ăn chực nằm chờ ở bất kỳ đâu, thường là trên lề đường.

“Tại Venezia, kẻ ấy vẫn đi xin ăn, và ngủ ở quảng trường Thánh Marcô. Kẻ ấy không hề muốn đến Tòa Sứ Thần của Hoàng Đế, cũng chẳng bận tâm lắm để kiếm tàu đi biển. Kẻ ấy bụng bảo dạ cứ vững tin là Thiên Chúa sẽ liệu cho mình có phương tiện đến Giêrusalem. Điều này làm cho quyết tâm của kẻ ấy càng thêm mạnh mẽ, nên không lý luận nào, không đe dọa nào của ai làm cho kẻ ấy nao núng.”[42]

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *