Phụ trang 26
Đền Các Thánh Tử Đạo Montmartre
Theo truyền tụng, giám mục tiên khởi Paris là thánh Denis cùng với hai người bạn là thánh Rustique và thánh Eleuthère đã chịu tử đạo trên đồi Montmartre khoảng năm 250. Khoảng năm 475, thánh nữ Geneviève cho xây dựng một ngôi đền tại nơi được cho là các ngài đã bị trảm quyết, cách đỉnh đồi chừng 300 mét về hướng nam. Từ thế kỷ IX, người ta cắt nghĩa gốc tên Montmartre là Mons Martyrum (Núi Các Vị Tử Đạo). Tuy nhiên, nguồn gốc thực có thể là Mons Mercurii (Núi Thần Mercure) hay Mons Martis (Núi Thần Mars): hai ngôi đền thờ hai vị thần này được người Rôma xây dựng ở đó từ thế kỷ I và II. Gọi là núi, nhưng thực ra địa điểm cao nhất, nhà thờ Saint-Pierre hiện nay, chỉ cao 129,35 mét. Dầu sao, đó là điểm cao nhất của Paris.
Vào khoảng thế kỷ IX đã có một xóm dân cư trên đồi sống bằng nghề trồng nho, tập họp chung quanh một ngôi nhà nguyện trên đỉnh đồi dâng kính thánh Denis. Năm 1096, các đan sĩ dòng Biển Đức, nhánh Cluny, lập một đan viện tại Montmartre. Năm 1133, vua Louis VI cho chuyển các đan sĩ Cluny đi nơi khác và lập một đan viện nữ cũng thuộc dòng Biển Đức, thường được gọi là Các Bà Trắng, với nhà thờ Saint-Pierre hiện nay, gồm 2 phần, một dành cho giáo dân, một dành cho các nữ tu. Khuôn viên đan viện rộng 13 hecta có tường bao quanh. Đền Các Thánh Tử Đạo được đặt trực thuộc đan viện. Từ năm 1096, đền ngôi này đã là một điểm hành hương. Năm 1305, ngôi đền được trùng tu: một nhà nguyện mới được xây dựng bên trên nhà nguyện cũ: từ đó đền gồm nhà nguyện trên ở tầng trệt, và nhà nguyện dưới ở tầng hầm. Toàn bộ ngôi đền dài khoảng 18 mét. Hai phần được thông với nhau bằng một cầu thang 15 bậc. Cửa đền thường khoá, phải có phép và chìa khoá của đan viện mới vào được. Từ ngoài đường, bước qua cửa, người ta xuống thẳng tầng hầm, rồi từ đó theo cầu thang lên tầng trên. Tầng trên sáng sủa, thường khách hành hương đến viếng cầu nguyện và dâng lễ ở đó. Tầng hầm, tối hơn và ít người đến hơn, thường chỉ những ai muốn cầu nguyện riêng mới xuống. Tuy nhiên, theo các nữ tu của đan viện thì tầng hầm là nơi được tôn kính hơn. Chính tại tầng hầm mà thánh I-nhã và các bạn tuyên khấn.
Năm 1611, khi sửa chữa ngôi đền, những người thợ đã phát hiện mãi sâu bên dưới tầng hầm một tầng hầm nữa dài 10 mét, rộng từ 2 đến 3 mét, có mái vòng, thông với tầng hầm trên bằng một cầu thang 45 bậc. Ở tầng hầm này có nhiều dấu vết cho thấy đó từng là một nhà nguyện dâng kính các vị tử đạo, chẳng hạn những chữ được khắc vào đá: MAR, CLEMIN, và DIO được giải thích là Thánh Clementê và thánh Denis tử đạo. Từ đó, ngôi đền càng thu hút nhiều khách hành hương hơn, cả các vua chúa, sứ thần Tòa Thánh và các giám mục. Năm 1622, đan viện cho chuyển một số nữ tu từ trên nhà thờ Saint-Pierre xuống một tu viện được xây dựng cạnh ngôi đền.
Năm 1630, vua Louis XIII cho xây lại trên nền cũ ngôi đền mới vừa lớn hơn vừa đẹp hơn. Vẫn có phần trên và phần dưới, nhưng phần dưới chỉ còn rộng tương đương với phần cung thánh của phần trên. Ở phần dưới, có một bức tranh vẽ chân phước Phêrô Favre mặc lễ phục, tay nâng Mình Thánh Chúa: trước mặt là thánh I-nhã đang đọc lời khấn và 5 người bạn khác. Bảng lưu niệm thánh I-nhã và các bạn khấn được đặt ở tầng trên, có lẽ để khách hành hương dễ thấy và dễ đọc hơn. Không biết ai đã đặt tranh và bảng ấy từ khi nào.
Năm 1686, đan viện phá bỏ đan viện trên đỉnh đồi, mở rộng nhà ở khu vực đền, và chuyển toàn bộ nữ tu xuống. Nhà thờ Saint-Pierre được giữ làm nhà xứ cho giáo dân trong khu vực. Vào thời Cách Mạng Pháp, toàn bộ khu đan viện và ngôi đền bị phá huỷ, trong khi nhà thờ Saint-Pierre vẫn nguyên vẹn. Lúc ấy, số giáo dân thuộc giáo xứ là gần 700.
Sau khi Dòng Tên được tái lập năm 1814, các Giêsu hữu ở Paris đã cố tìm lại địa điểm ngôi đền cũ, nhưng không tìm được. Năm 1824, các tập sinh cho biết đã đến tìm nhưng không thấy một vết tích nào. Năm 1834, kỷ niệm 300 năm ngày thánh I-nhã và các bạn khấn tại Montmartre, Dòng Tên đã tổ chức lễ tại nhà thờ Saint-Pierre. Năm 1855, cha Toumesac, một kiến trúc sư nổi tiếng cùng với một nhóm Giêsu hữu quyết tâm đi tìm lại địa điểm ngôi đền ngày xưa. Đối chiếu nhiều tấm bản đồ thực hiện vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, các cha xác định được địa điểm và vẽ bản đồ chỉ dẫn. Năm 1871, cha sở nhà thờ Sainte-Madeleine tại Paris mua một miếng đất trong khu vực và cho dựng một nhà nguyện tạm thời bằng gỗ. Sau đó, các Nữ Tu Auxiliatrices cho xây một nhà nguyện theo kiến trúc gôtíc, kể cả một tầng hầm. Hiện nay, nhà nguyện ấy ở số 11, rue Yvonne le Tac, quận 18.
Chắc chắn nhà nguyện dưới hầm hiện nay không thật chính xác là ngôi đền thời thánh I-nhã, vì khi đào xuống để làm tầng hầm, người ta không thấy dấu vết nào. Tuy nhiên, có lẽ địa điểm ngôi đền cũ không cách xa nhà nguyện hiện nay bao nhiêu.