Giữa bao biến động
Ngài chọn học viện Jacobins. Tại sao?
Đôi khi có người tưởng thánh I-nhã đã sống những ngày tháng hoàn toàn bình lặng ở Paris. Sự thật có lẽ phải nói hoàn toàn khác hẳn.
Quả thực tình hình chính trị và quân sự tạm lắng dịu ở Châu Âu từ năm 1529, khi vua Francois I của Pháp và hoàng đế Karl V của Đức nhượng bộ nhau, tiêu biểu là Francois I kết hôn với chị của Karl V, để mỗi bên rảnh tay đối phó với tình trạng tôn giáo nội bộ ngày càng phức tạp. Thực vậy, tình trạng tôn giáo lúc ấy là một vấn đề rất lớn chẳng những đối với Hội Thánh mà cả đối với cả Châu Âu, đặc biệt ở đại học Paris.
Có thể nói đó là một giai đoạn nhiều biến động, sau thời Trung Cổ gần như hoàn toàn ổn định. Hai người đã khuấy động bầu khí tôn giáo yên tĩnh của Châu Âu thời ấy nói chung, là Erasme[43] và Luther[44]. Riêng với Paris, người đã trực tiếp khuấy động là Calvin. Thực ra nhu cầu cải cách Hội Thánh đã trở nên cấp bách và quyết liệt. Tuy nhiên, đại học Paris, nhất là phân khoa Thần Học, lúc ấy được coi là bức tường thành bảo vệ Hội Thánh, chưa tìm được con đường giúp Hội Thánh vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ngày 3.2.1528, tức là ngay sau hôm thánh I-nhã đến Paris, công đồng giáo tỉnh Sens, gồm cả Paris, họp trong thời gian 7 tháng, để tìm cách đối phó với ảnh hưởng của phong trào Cải Cách Tin Lành lúc ấy đang lan tràn mạnh mẽ. Đó là một trong những công đồng miền quan trọng nhất trong lịch sử Giáo Hội Pháp. Tuy nhiên, xem ra những cố gắng ấy không đủ để ngăn chặn đà tiến của phong trào Cải Cách Tin Lành, nhất là không thực sự góp phần canh tân Hội Thánh.
Đêm 31.5.1528, tức là sau khi thánh I-nhã đến Paris chưa đầy 4 tháng, một tượng Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu bị xúc phạm tại Paris[45]. Kẻ vô danh nào đó đã chặt đầu Đức Mẹ và Chúa Giêsu ở rue des Juifs[46], liệng xuống đất. Được tin, vua Francois I đã khóc lớn tiếng và cho làm một bức tượng bằng bạc, tổ chức rước kiệu và nhà vua đích thân đặt tượng mới vào nguyên chỗ cũ. Chắc chắn đó là lời cảnh cáo của những người quá khích muốn cải cách Hội Thánh. Đại học Paris thảo luận và đi đến 2 quyết định: 1) xin vua và nghị viện cho điều tra; 2) tổ chức cho 500 sinh viên cầm nến sáng đi rước kiệu Đức Mẹ.
Đại học Paris làm gì trước đòi hỏi canh tân Hội Thánh?
Jan Standonck đã thực sự cố gắng muốn canh tân Hội Thánh khi lập nhóm sinh viên nghèo tại học viện Montaigu. Tuy nhiên, nếp sống quá khắc khổ, phần nào phi nhân và trái với Tin Mừng, làm cho không mấy người hưởng ứng, cả những người bảo thủ ở đại học cũng như những người chủ trương canh tân theo trào lưu Nhân Văn. Chẳng những vậy, người kế tục là Noel Bédier lại quá thủ cựu và cực đoan về giáo thuyết, nên trở thành chướng ngại chính cho mọi nỗ lực cải cách.
Đụng độ đầu tiên giữa đại học Paris với phong trào cải cách là trường hợp giáo sư thần học Reuchlin ở đại học Koln bên Đức. Trong khi các nhà thần học thuộc dòng Đaminh đòi tiêu hủy các sách của Do Thái Giáo, vị này chủ trương phải giữ, đặc biệt quyển Talmud. Năm 1514, đại học Koln kết án Reuchlin và xin ý kiến của đại học Paris. Phân khoa thần học, gồm nhiều giáo sư dòng Đaminh, đồng tình với bản án của đại học Koln. Vụ này được chuyển sang Rôma: Tòa Thánh cho lập một ủy ban cứu xét. Do giáo sư thần học Jacques Lefèvres d’Etaples ở Sorbonne can thiệp, ủy ban bênh vực Reuchlin. Năm 1521, Phân Khoa Thần Học Paris kết án các luận điểm của Luther. Sau khi chính thức tuyệt thông Luther năm 1521, Đức Giáo Hoàng Lêô X cũng kết án cả Reuchlin. Từ vụ này, đại học trở thành đối thủ của trào lưu Nhân Văn mà tiêu biểu ngay tại Paris là giáo sư Lefèvres.
Giáo sư Lefèvres (1460-1536) của học viện Sorbonne là một linh mục đạo hạnh. Ông chủ trương xây dựng thần học trên Kinh Thánh và các Giáo Phụ, không dừng lại ở những vấn đề thuần túy trí thức và nhiều khi chỉ là những câu chữ trống rỗng của thần học Kinh Viện. Về triết học Aristote, ông chủ trương phải đọc bản chính. Về Kinh Thánh, ông muốn tìm lại những bản càng kỳ cựu càng tốt, dịch sang tiếng phổ thông để mọi người trực tiếp đọc được Lời Chúa. Năm 1522, ông xuất bản cuốn Bình giảng bốn Tin Mừng[47], trong đó ông nêu lên 3 ý tưởng cơ bản cho việc canh tân Hội Thánh: 1) Tin Mừng là nền tảng duy nhất cho đức tin và luật lệ (không phải các tập tục, định chế hay luật lệ nhân khởi); 2) Chỉ mình Đức Kitô là đối tượng của việc phượng tự (không phải các thánh hay các nghi thức bên ngoài); 3) Chỉ mình Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con người. Các chủ trương này bị Bédier kết án là theo Luther. Cuộc đối đầu giữa hai bên trong lòng đại học Paris tiêu biểu nơi hai người ấy ngày càng trở nên gay gắt hơn.
Năm 1516, nguyên viện phụ đan viện Saint-Germain des Prés, dòng Biển Đức, là Guillame Briçonnet (1472-1534), một người thân cận của vua François I, được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Meaux (cách Paris chừng 40 km về hướng đông). Muốn cải tổ giáo phận, ngài mời thầy cũ là Lefèvres về làm tổng đại diện. Nhà thông thái và chủ trương cải cách này một mặt dịch và xuất bản tập Tân Ước rồi tập Thánh Vịnh bằng tiếng Pháp, mặt khác tập họp một nhóm học trò cũ bình giảng Kinh Thánh và đi giảng, thường được mệnh danh là Nhóm Meaux. Một vài người trong nhóm hơi quá khích. Sorbonne phản ứng mạnh. Giám mục Meaux phải loại một số người cực đoan. Nhưng Sorbonne kiện lên vua. Do ảnh hưởng của chị là công chúa Marguerite, nhà vua bênh vực Nhóm Meaux. Khi nhà vua đem quân sang Ý[48] năm 1525, thái hậu Louise làm nhiếp chính. Bà cho lập một tòa án được biệt gồm 2 thụ ủy Nghị viện và 2 thụ ủy Đại học để xét xử kẻ rối đạo. Các tu sĩ dòng Thánh Phanxicô ở Meaux tố cáo Nhóm Meaux: ngày 31.8.1525, nhóm này bị kết án và đe dọa tuyệt thông. Lefèvres phải chạy sang Strasbourg lánh nạn. Từ Madrid, nhà vua cho biết là không đồng tình với bản án.
Sorbonne mạnh đến nỗi cả nhà vua cũng không cưỡng lại được. Vụ Louis Berquin là một thí dụ. Nhà vua, một phần do ảnh hưởng của công chúa Marguerite, ủng hộ trào lưu Nhân Văn, nhưng vẫn muốn giữ nguyên vẹn đức tin Công Giáo. Louis Berquin (sinh năm 1485), tiến sĩ thần học và cố vấn của vua, vì chỉ trích các nhà thần học Sorbonne nói chung và Bedier nói riêng, nên bị bắt giam, nhưng được nhà vua ra lệnh trả tự do. Năm 1526, Berquin lại bị bắt giam lần thứ hai vì dịch Kinh Thánh sang tiếng Pháp. Năm 1526, từ Madrid về nước, nhà vua ra lệnh trả tự do cho Barquin, đồng thời gọi Lefèvres về Paris. Sau vụ xúc phạm tượng Đức Mẹ năm 1528, vì dịch các tác phẩm của Erasme lúc ấy đã bị kết án, Berquin bị bắt lần thứ ba và bị thiêu sống năm 1529. Ông không được phong trào Tin Lành coi là người theo phong trào, nhưng lại bị kết án như một người theo Luther. Riêng Lefèvres phải đến Nerac nương nhờ công chúa Marguerite, một người ủng hộ trào lưu Nhân Văn đồng thời rất có ảnh hưởng trên nhà vua.
Năm 1530, vua François I cho thành lập Collège Royal de France[49], ngay trong khu Đại học, nhưng trực thuộc triều đình. Nhà vua mời các giáo sư đến dạy ban đầu tiếng Hy Lạp và tiếng Hípri, sau cả tiếng Latinh nữa. François I có thể là một người thích những điều mới, và phần nào hời hợt, nhất là sẵn sàng liên minh với các thế lực chống đối Hội Thánh nhưng có lợi cho nước Pháp. Tuy nhiên, phải công nhận ông có đầu óc cởi mở hơn các nhà thần học Sorbonne thời ấy. Với Collège Royal de France, trào lưu Nhân Văn đường đường chính chính du nhập Paris, khiến Sorbonne tố cáo các giáo sư rối đạo và mạnh mẽ phản đối. Chính thánh I-nhã cũng nghi ngại: khi Nicola Bobadilla mới chân ướt chân ráo đến Paris muốn theo các khóa học tại đó, ngài đã khuyên không nên vì dễ bị lôi kéo vào nhóm lạc giáo[50]. Có thể điều ấy chỉ dành cho trường hợp cá biệt ấy thôi, nhưng vẫn cho thấy phần nào những dè dặt trong giới đại học.
Chắc chắn thánh I-nhã biết những sự kiện trên đây, vì mọi người ở đại học Paris đều biết. Hẳn là ngài phải suy nghĩ nhiều, không những trong ngắn hạn là việc học mà cả về dài hạn là việc phục vụ Hội Thánh. Có lẽ chính trong thời gian này, ngài soạn bản quy tắc Một Lòng Một Ý Với Hội Thánh trong tập Linh Thao[51]. Dù trong bất kỳ trường hợp nào, ngài không thể tách rời khỏi Hội Thánh do Chúa Giêsu đã thiết lập. Tuy nhiên, càng ngày ngài càng ý thức rõ hơn nhu cầu canh tân Hội Thánh về nhiều mặt, có thể nói được là toàn diện. Nạn mê tín và mại thánh nhan nhản ở Tây Ban Nha, nạn xa hoa theo kiểu thế gian ở giáo triều Rôma, ngay cả cách sống hưởng thụ của đa số giáo sư thần học Sorbonne… Vấn đề là phải tìm ra một con đường cho bản thân và cho cả Hội Thánh. Thái độ cố thủ của Sorbonne chắc chắn không phải là giải pháp tối ưu, trái lại còn làm cho Hội Thánh như bị sa lầy nữa.Thánh I-nhã chọn học viện Jacobins trong bối cảnh ấy. Henri Bernard-Maitre cho biết ngài và cả các bạn chọn học viện Jacobins ở đó giảng dạy thần học của thánh Tôma được Francisco de Victoria đổi mới: như vậy ngài trung thành với truyền thống, nhưng cởi mở đối với những tư tưởng mới[52].
Tu viện Dòng Thánh Đaminh là một tòa nhà lớn màu xám, cách Sainte-Barbe khoảng 50 mét[53], lúc ấy có chừng 400 sinh viên của dòng Đaminh từ khắp nơi đến học. Học viện đã trải qua một cuộc thanh luyện quan trọng vào đầu thế kỷ. Năm 1502, vị linh hướng của vua, linh mục Jean Clérée, dòng Thánh Đaminh, đã trục xuất khoảng 200 đến 300 tu sĩ trẻ của Dòng từ khắp nơi đến Paris học. Họ kéo theo các bạn chừng 1200 người đến tấn công tu viện 2 lần, nhà vua phải cho các cung thủ bắn mới giải tán được. Trong khi ở các học viện khác, sinh viên sử dụng sách giáo khoa là các bình giảng về thánh Tôma Aquino của Pierre Lombard hay một vài tác giả khác, ở Jacobins sinh viên học theo chính bộ Tổng Luận Thần Học của ngài. Thay vì học trên ngọn thì học tận gốc. Đó cũng là chủ trương của trào lưu Nhân Văn. Nhưng trên hết, trong lúc tranh tối tranh sáng, vị thánh tiến sĩ thời danh là tiêu chuẩn bảo đảm nhất. Ngoài ra, Jacobins lúc ấy có hai giáo sư Mathieu Ory và Jean Benoit được coi là những nhà thần học sáng giá nhất tại Paris.
Tuy nhiên, thánh I-nhã không hoàn toàn chỉ theo các vị giáo sư dòng Thánh Đaminh. Bobadilla cho biết đã theo lời khuyên của thánh I-nhã theo học chẳng những với hai vị giáo sư rất thông thái là Ory và Benoit ở Jacobins, mà cả với giáo sư Pierre de Cornu ở Cordeliers, “người được tất cả các nhà thần học không tiếc lời ca ngợi”[54] Trong thư viết nhân danh thánh I-nhã và các bạn ngày 23.11.1538 gởi giáo sư Gouveía, chân phước Phêrô Favre nhắc đến các thầy dạy cũ ở Paris như J. Barthélémy, P. de Cornu, Fr. Le Picart, J. Adam, R. Wancop, T. Laurency, J. Benoit và tất cả các vị khác[55]. Các giáo sư trên đây gồm cả những người ở các học viện Navarra, Cordeliers và Sorbonne. Vậy chắc cũng như nhiều sinh viên thời ấy, ngoài các giảng khóa chính thức ở Jacobins, thánh I-nhã còn theo học một số giảng khóa với các giáo sư khác nữa.