Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (VIII)

Vững bước

Lễ Các Thánh năm 1533, lúc thánh I-nhã mới khởi sự chương trình thần học được ít lâu, bài diễn văn nhậm chức của tân viện trưởng đại học đã gây chấn động cả Paris. Ngày 10.10 trước đó, giáo sư Nicolas Kopp của học viện Sainte-Barbe, con của viên ngự y của vua François I, được bầu làm viện trưởng. Theo thông lệ, vị viện trưởng ra mắt chính thức bằng một bài diễn văn tại tu viện Mathurins. Trước đó, Sorbonne đã kết án tác phẩm Miroir de l’âme pécheresse của công chúa Marguerite là rối đạo vì chủ trương công chính hóa nhờ đức tin; ông triệu tập các nhà thần học và buộc phải rút lại bản án. Trong bài diễn văn, ông bày tỏ đồng tình với lập trường thần học về Hội Thánh được xây dựng trên Kinh Thánh và người ta được công chính hóa nhờ đức tin. Các giáo sư thần học dòng Thánh Phanxicô tố cáo với nghị viện, và ông bị triệu tập. Hội đồng giảng huấn phản đối nghị viện xâm phạm quyền tự trị của đại học, nhưng chia rẽ về quyết định kết án hay không. Dầu vậy, ngày 20.11 vị viện trưởng bỏ trốn khỏi Paris.

Người ta nghi ngờ một sinh viên tên là Jean Calvin đã soạn bài diễn văn ấy cho vị viện trưởng. Nhà cải cách Jean Ca1vin (1509-1564) là người Pháp và học tại Montaigu gần như đồng thời với thánh I-nhã[56]. Sau một thời gian học luật và thần học ở Orléans và Bourges, ông đã trở lại học viện Fortet, bên cạnh Sainte-Barbe, từ năm 1531. Vì bị cảnh sát truy lùng, ông cũng trốn khỏi Paris đến Nerac nương nhờ công chúa Marguerite. Có lẽ không phải ông đã soạn bài diễn văn cho viện trưởng Nicolas Kopp, nhưng chắc chắn tư tưởng cải cách của ông đã ảnh hưởng trực tiếp. Năm 1536, ông cho xuất bản tác phẩm Institutio Religionis Christianae bày tỏ lập trường thần học dứt khoát tách khỏi giáo lý truyền thống của Rôma, và trở thành một trong những lãnh đạo chính của phong trào Cải Cách. Điều này cho thấy giáo thuyết của phong trào này không chỉ đến Paris từ bên ngoài mà xuất phát ngay cả từ bên trong đại học.

Theo Thỏa Ước 1516 với TòaThánh, vua Pháp hầu như có toàn quyền trên Giáo Hội Pháp, một Giáo Hội gần như tự trị. Vua François I thường đăt vấn đề tôn giáo trong quyền lợi của triều đình hay của nước Pháp. Việc vua Henry VIII của Anh ly dị hoàng hậu Catalina là một thí dụ điển hình. Năm 1527, Karl V xua quân vào tàn phá Rôma và bắt Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII làm con tin ở Napoli, vì ngài liên minh với Pháp với dụng ý đuổi quân đội của hoàng đế ra khỏi Ý[57]. Cũng năm 1527, vua Henry VIII xin Đức Giáo Hoàng tiêu hủy hôn phối với hoàng hậu Catalina. Năm 1528, Francois I cho quân đội sang Ý lấy danh nghĩa là giải thoát Đức Giáo Hoàng để dành đất. Vua Henry VIII của Anh ủng hộ quân đội Pháp mỗi tháng 32 ngàn crowns. Năm 1529, Đức Giáo Hoàng từ chối yêu cầu tiêu hủy hôn phối của vua Henry VIII. Ông hỏi ý kiến các đại học ở Châu Âu. Đa số các đại học không thuộc quyền Karl V đồng ý. Phân Khoa Thần Học Paris lúc đầy cũng đồng ý, nhưng sau đó toàn bộ ban giáo sư trong đồng thanh kết án. Để chống lại Karl V, Francois I sẵn sàng liên minh với vua Henry VIII của Anh, các lãnh Chúa Tin Lành ở Đức, và cả hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Phải nói là Phân khoa Thần Học nhiều khi bị đặt vào tình trạng rất khó xử.

Ngày 18.10.1534 đánh dấu một thời điểm quan trọng đối với phong trào Cải Cách ở Pháp. Sáng hôm ấy, người ta thấy xuất hiện ở nhiều nơi, kể cả tại cung điện Louvre cũng như tại cửa phòng ngủ của nhà vua ở điện Blois, một tờ yết thị phủ nhận giá trị hiến tế, việc biến đổi bản thể và sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong thánh lễ, và tố cáo đó là chuyện bịa đặt của hàng giáo sĩ tham lam lợi dụng sự khờ khạo của đông đảo tín hữu[58]. Cả nước Pháp nói chung, và đại học Paris nói riêng, lên cơn sốt. Vua François I trước đây mềm dẻo nay đổi hẳn thái độ. Ông cho điều tra và bắt giam hơn 200 người tình nghi. Khoảng 25 người bị kết án và thiêu sống tại quảng trường Maubert hay quảng trường Gres. Hơn bao giờ hết, đại học Paris thật cảnh giác và phân khoa Thần Học thật khắt khe với phong trào Cải Cách.

Ở Paris có một thói quen là trong năm thứ ba triết học, muốn nhận bằng cao đẳng, phải ‘lấy đá’ như người ta nói và vì phải trả lệ phí 1 escudo cho việc này, nên nhiều sinh viên nghèo không thực hiện được. Kẻ hành hương phân vân chẳng biết có nên làm không. Thấy mình dùng dằng mãi không xong, kẻ ấy quyết định xin ý kiến giáo viên của mình. Ông này khuyên kẻ ấy là nên, vì thế kẻ ấy lấy. Tuy nhiên, có không ít người phê bình kẻ ấy, ít là một người Tây Ban Nha chỉ trích[59].

Lấy đá” là gì? Tại sao thánh I-nhã phải “dùng dằng”, và sau đó có người chỉ trích? Sau khi tốt nghiệp cao đẳng hay cử nhân, sinh viên muốn được cấp văn bằng phải qua một thủ tục nữa mà sinh viên gọi bằng tiếng lóng là lấy đá. Người ta không lưu giữ được nội dung chính xác của từ rất sinh viên này. Thời đó, tại đại học Coimbra ở Bồ Đào Nha, có thói quen sau đây. Muốn được lãnh bằng, ứng viên phải đến trước mặt các giám khảo. Khi các giám khảo ngồi trên ghế giáo sư, ứng viên phải ngồi trên một hòn đá trước mặt mỗi giám khảo để trả lời các câu hỏi được nêu lên. Khi trả lời xong một giám khảo, ứng viên lại đến ngồi trên một hòn đá khác trước mặt một vị giám khảo khác để tiếp tục. Ngồi trên một hòn đá trước mặt giám khảo diễn tả sự khiêm tốn của trò trước mặt thầy. Có thể ở đại học Paris cũng vậy chăng? Nhưng đó chưa phải là hết. Sinh viên còn phải tổ chức một bữa tiệc khá tốn kém để đãi các thầy và các bạn. Có nhiều sinh viên nghèo không thể lấy đá được. Các tu sĩ thường không lấy đá. Mặt khác việc lấy văn bằng có cần không hay chỉ là hư danh? Thánh I-nhã do dự, đi hỏi ý kiến giáo viên rồi quyết định lấy đá như các sinh viên bình thường khác. Có lẽ sau khi tốt nghiệp cử nhân, thánh I-nhã vẫn do dự hoặc thiếu tiền, nên mãi sau lễ Phục Sinh năm 1535 ngài mới quyết định xin lấy văn bằng[60].

Đến ngày ấn định, được phụ khảo Pena, đại diện khối dân Pháp và các bạn tháp tùng, thánh I-nhã mặc áo thụng đen, đến trường của khối dân Pháp, dạy bài ra mắt[61], do phụ khảo chủ tọa. Sau tiết dạy, người chủ tọa hỏi tất cả các cử nhân giáo khoa hiện diện có đồng ý trao mũ cho ngài không. Mọi người đồng thanh chấp thuận (chỉ là nghi thức). Phụ khảo đọc một bài huấn từ, rồi long trọng đội cho ngài chiếc mũ vuông 4 múi, biểu hiệu tước vị mới của ngài. Với nghi thức ấy, ngài được đón nhận vào ban giảng huấn của đại học, và có dạy học ở Paris hay bất cứ nơi nào khác. Văn bằng cử nhân giáo khoa[62] của ngài được ký ngày 14.3.1535 nhân Đại hội Đại học họp tại nhà nguyện tu viện Mathurins: ngài chính thức được gọi là Magister Ignatius de Loyola[63].

Tại sao thánh I-nhã quyết định lấy văn bằng? Chắc chắn ngài muốn sống nghèo và thực tế lúc ấy gặp khó khăn về tài chánh. Trong thư ngày 13.6.1533 gởi bà Inés Pascual, ngài viết: “Mùa Chay này tôi đã lấy bằng cử nhân giáo khoa (thực ra là cử nhân); vì thế phải tiêu pha trong những điều không sao tránh được, hơn địa vị và túi tiền của tôi, nên thiếu hụt quá. Tôi rất cần được Thiên Chúa giúp”[64]. Và hẳn là ngài không muốn vênh vang với mảnh bằng. Sau này ngài xin các cha dòng Thánh Đaminh ở học viện Jacobins cho giấy chứng nhận đã học 2 năm thần học. Ngài cũng xin vị thanh tra giáo lý ở Paris ký giấy chứng nhận ngài không sai phạm gì về giáo lý… Nói chung là với kinh nghiệm ở Tây Ban Nha, nơi ngài từng bị giáo quyền cấm làm việc tông đồ vì chưa học hành đầy đủ, ngài thấy cần có giấy chứng nhận để được tự do làm việc tông đồ, không chỉ ngay lúc ấy tại Paris mà cả về lâu về dài ở khắp nơi.

Theo Laínez, về việc học, mặc dầu gặp khó khăn hơn bất kỳ ai lúc ấy, và cũng tiến tới hơn bất kỳ ai lúc ấy, ngài đã chuyên cần bằng hay hơn những người đương thời, nên đã có kết quả tốt, như ngài cho thấy trong các câu trả lời công khai và trong các bài tập ngài làm trong thời gian học[65]. Đâu là những khó khăn ngài phải vượt qua? Theo Nadal, ngài gặp 3 trở ngại. Trước hết là ngài sống hết sức nghèo khó… Thứ đến là sức khỏe của ngài không tốt: ngài bị đau dạ dày vì đã làm việc đền tội… Cuối cùng là ngài ham thích cầu nguyện nên nhiều khi thiếu sót trong việc học[66]. Tuy nhiên, ngài đã vượt qua tất cả. Theo Polanco, ngài học hành nghiêm chỉnh… vào mùa đông hầu như mỗi ngày đều đến tu viện Đaminh trước khi mặt trời mọc để theo các tiết học dành riêng cho các tu sĩ[67]. Theo Nadal, một vị tiến sĩ, và là một nhân vật thế giá, rất cảm phục cha I-nhã, cho biết ông chưa thấy ai nói về các vấn đề thần học một cách thông thạo và nghiêm chỉnh như vậy[68].

 

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *