Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (VIII)

Hoạt động tông đồ

Sau này, Jerónimo Nadal, một cựu sinh viên Paris và một trong những môn đệ thuộc thế hệ đầu tiên của thánh I-nhã, cho rằng các nhà thần học Paris đáng trách cả về quan điểm cũng như về đời sống. Về quan điểm: chủ trương Pháp giáo, một Giáo Hội Pháp gần như biệt lập với nhiều đặc ân; tự coi mình như bất khả ngộ về giáo lý; có lúc phê chuẩn việc vua Henry VIII ly dị. Về đời sống: thường xuyên tiệc tùng và rượu chè, nhưng lại lười biếng làm việc tông đồ, vì có hơn 100 nhà thần học, nhưng chỉ vài người đi giảng hay ban các bí tích[69]. Có lẽ thánh I-nhã biết rõ tất cả những điều ấy. Mặc dầu vậy, ngài không chỉ trích ai hết. Ngoài các sinh hoạt của đại học, ngài cầu nguyện và gặp gỡ người này người khác để giúp đỡ họ và nếu được thì liên kết với nhau để cùng phục vụ Hội Thánh.

Trước hết là các sinh hoạt của đại học. Theo quy định, ba tháng một lần đại học bầu viện trưởng mới. Trong buổi lễ ra mắt, luôn luôn có một cuộc rước và đa số sinh viên tham dự. Lúc ấy hay có những cuộc rước kiệu Thánh Thể, Đức Mẹ hay các thánh, chắc cứ bình thường thì ngài tham dự. Thỉnh thoảng có các cuộc đón rước vua hay hoàng hậu, chẳng hạn vua Francois I được tha từ Tây Ban Nha về nước, đám cưới của nhà vua với hoàng hậu Leonor… Cả những vụ xử tử, đặc biệt những cuộc thiêu sống những người bị kết tội lạc giáo ở quảng trường Maubert, với tư cách sinh viên, nhiều lần ngài buộc phải tham dự.

Có lẽ nhà thờ nào ở Paris thời ấy cũng có dấu chân của thánh I-nhã. Đừng tưởng ngài suốt ngày chỉ ngồi trong phòng để đọc sách. Chắc chắn những nơi được coi là mang dấu tích của Chúa Giêsu, chẳng hạn La Sainte-Chapelle[70], nơi có một số di tích về cuộc Thương Khó, đặc biệt mạo gai của Chúa Giêsu, thu hút ngài. Tuy nhiên, đó là nhà nguyện của vua, chỉ thỉnh thoảng dân thường như ngài mới được vào. Bình thường ngài thích đến những nơi thanh vắng và yên tĩnh để cầu nguyện. Ba địa điểm ngài hay lui tới nhất là đan viện Vauvert dòng Chartreux[71], nhà nguyện dưới hầm đan viện Notre-Dame des Champs[72], nhà nguyện dưới hầm ở đồi Montmartre[73]. Mỗi sáng Chúa nhật, ngài thường rủ một số sinh viên đến đan viện Vauvert xưng tội và dự lễ. Như vậy, ngài và họ bỏ một buổi thảo luận ơ học viện. Phụ khảo Pena than phiền với hiệu trưởng Gouveía. Ông này dự tính phạt ngài bằng trận đòn công khai[74]. Được tin, ngài đến gặp hiệu trưởng để trình bày. Kết quả, ông không phạt ngài mà cho thay đổi giờ thảo luận để các sinh viên được tự do đi xưng tội và dự lễ.

Hình như ngài giữ thói quen lúc còn ở Tây Ban Nha là thường xuyên thăm viếng người bệnh.

Trong thời gian học hành này, kẻ ấy không bị tấn công như trước kia. Về việc này, tiến sĩ Frago một hôm nói với kẻ ấy là ông ngạc nhiên thấy kẻ ấy được yên ổn, không bị ai làm phiền. Kẻ ấy đáp : “Đơn giản là vì tôi không nói chuyện với ai về những điều thuộc về Thiên Chúa, nhưng khi học xong, tôi sẽ bắt đầu lại như trước kia.” Hai người đang nói chuyện với nhau thì có một tu sĩ đến xin tiến sĩ Frago tìm giúp một chỗ trọ, vì chỗ người ấy ở đang có nhiều người chết, người ta cho là do dịch hạch. Đúng là dịch hạch đã bắt đầu hoành hành ở Paris rồi. Tiến sĩ Frago và kẻ hành hương muốn đi xem nhà. Họ dẫn theo một phụ nữ am hiểu vấn đề. Bà này vào nhà và xác nhận đúng là dịch hạch. Kẻ hành hương cũng muốn vào xem người bệnh, vừa an ủi vừa đặt tay vào vết thương của người ấy. Sau khi an ủi và khuyên bảo người bệnh, kẻ ấy ra về một mình. Kẻ ấy bắt đầu cảm thấy đau ở bàn tay, và có cảm tưởng như mình bị dịch hạch. Điều tưởng tượng ấy mạnh đến nỗi không sao xua đuổi được, cho đến khi kẻ ấy thọc bàn tay vào miệng, xoay qua xoay lại mà nói: “Đã bị dịch hạch ở tay thì cho bị ở miệng luôn!” Ngay sau đó, điều tưởng tượng kia và cả việc đau tay nữa cùng biến mất. Nhưng khi về lại học viện Sainte-Barbe, nơi kẻ ấy ăn học, những người trong học viện biết là kẻ ấy đã vào nhà người nhiễm dịch hạch, nên chạy trốn và không chịu cho kẻ ấy vào. Kẻ ấy buộc lòng phải ở bên ngoài mấy ngày[75].

Cơn dịch hạch thánh I-nhã đề cập ở đây khởi sự tại Paris năm 1531, nhưng đạt tới cao điểm vào tháng 8 năm 1533. Ở Paris lúc ấy có một khu điều trị bệnh phong gần đan viện Saint-Germain-des-Prés[76], ngài thỉnh thoảng đến thăm người bệnh. Bệnh dịch và bệnh phong là hai thứ bệnh được coi là đáng sợ nhất thời ấy.

Vào những năm cuối thời gian ở Paris, thánh I-nhã đã nói thông thạo tiếng Pháp[77], nên ngài làm việc tông đồ dễ dàng hơn. Ngài thường gặp gỡ riêng để nói chuyện về đời sống thiêng liêng với những người có vấn đề về giáo lý hay luân lý. Một số người rối đạo: ngài dẫn đến gặp vị thanh tra giáo lý để hòa giải. Một người có liên hệ bất chính với một phụ nữ: ngài xuống ao giữa lúc trời băng giá để ngăn cản[78]. Một linh mục bất xứng: ngài đến xưng tội, rồi giúp vị ấy tập Linh Thao[79]. Một trí thức trẻ sống nghiêm túc nhưng chưa sốt sắng: ngài giúp tập Linh Thao[80].

Đặc biệt ngài hướng dẫn Linh Thao cho một số giáo sư, chẳng hạn Pedro de Valle hay Marcial Mazurier, và cả một cựu viện trưởng đại học Paris, Alvaro de Moscoso[81]. Riêng giáo sư Mazurier vừa ngạc nhiên vừa khâm phục: ngài chưa học thần học, nhưng có kiến thức về thần học và hiểu biết về đời sống thiêng liêng hơn ông, nên ông nghĩ ngài xứng đáng được cấp bằng tiến sĩ thần học[82].

Ở Tây Ban Nha, chủ yếu thánh I-nhã làm việc tông đồ bằng việc dạy giáo lý và cầu nguyện với những người ít học, đặc biệt là các phụ nữ đạo đức. Đến Paris, ngài làm việc tông đồ với giới trí thức, trong số đó có nhiều người phóng túng, không chỉ qua gặp gỡ riêng, nhưng hướng dẫn Linh Thao thường là một tháng. Hẳn là chúng ta phải thắc mắc: tại sao ngài có được sức thu hút như vậy? Hiệu trưởng Sainte-Barbe gọi ngài là “Người lôi cuốn sinh viên”. Và như chúng ta thấy, không chỉ sinh viên mà cả giáo sư nữa.

Xét về bên ngoài, chắc chắn ngài không có gì thu hút đặc biệt: vóc dáng thấp bé, chân đi khập khiễng, ăn mặc xềnh xoàng, nếp sống khắc khổ, không có tài hùng biện, không phải là linh mục hay tu sĩ, lớn tuổi nhưng học sau những người trẻ hơn và không phải là xuất chúng… Có thể ngài có tài nói chuyện khi gặp gỡ riêng: phong cách quý tộc, ngôn từ lịch thiệp, lời lẽ chín chắn và khôn ngoan. Tuy nhiên, chắc chắn bấy nhiêu chưa đủ và không phải là quan trọng nhất.

Thánh I-nhã sống giữa một môi trường vừa rất thuận lợi vừa rất khó khăn cho hoạt động tông đồ. Thuận lợi: vì hầu hết còn trẻ và có học, nên thường các sinh viên cởi mở và đầy nhiệt huyết. Không ít khó khăn: ngài thua kém các giáo sư và cả các sinh viên về nhiều mặt; đối với những người muốn trung thành với Hội Thánh, đôi khi ngài bị nghi ngờ là rối đạo; đối với đa số coi học vấn là con đường dẫn đến vinh hoa phú quý, ngài bị coi là viển vông, thiếu thực tế. Không gì khó hơn thay đổi một cách suy nghĩ và một nếp sống đã trở thành gần như đương nhiên trong xã hội. Đương nhiên không phải lúc nào ngài cũng thành công. Tuy nhiên, mặc dầu chỉ dành ít thời gian cho việc tông đồ, những hoa trái ngài thu lượm được thật là đáng cảm phục.

 

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *