Thánh Lễ trong cuộc đời

Thánh Lễ là “trò chơi” tuyệt vời nhất! Kỉ niệm về Thánh Lễ trong tôi vừa sống động, vừa muôn màu như chính cuộc đời.

Hồi nhỏ xíu, đi tham dự thánh lễ là điều đương nhiên với một em thiếu nhi có vẻ “tốt lành” như tôi. Đi lễ, tôi chẳng nhớ các cha nói điều gì, chỉ nhớ có cha vui tính, có cha nghiêm lắm, có cha nóng tính; có cha nói dễ hiểu, có cha nói tôi chẳng hiểu gì. Tôi chăm chỉ đi lễ, nhưng hay nói chuyện riêng, và khó lòng mà ngồi yên được. Nếu tôi không nói và ngồi im, điều ấy có nghĩa là tôi đang ngủ.

Dịp xưng tội lần đầu ấy, tôi nhớ mãi. Khi đó tôi học lớp 2, do ham đi lễ năm thánh tại một nhà thờ trên thành phố, mà tôi quên mất ngày mình xưng tội lần đầu tại nhà thờ giáo xứ. Thế là tôi “trễ” so với bạn bè, nhưng tôi được mọi người rất ưu ái. Chiều hôm đó, một mình tôi với mẹ đến nhà thờ. Trời mưa lớn, mát lạnh, khá buồn. Tiếng mưa rơi và tiếng gió tạt qua khung cửa sổ càng làm cho bầu không khí thêm tĩnh lặng. Mẹ giúp tôi xét mình. Sau đó, cha tới giải tội cho tôi. Tôi chẳng nhớ mình xưng tội gì, chỉ nhớ một cảm giác là lạ, êm đềm, dễ chịu. Thế rồi hôm sau, tất cả chúng tôi rước lễ lần đầu. Tôi cảm thấy thật vui sướng và nhẹ nhõm. Chạy nhảy ngoài sân nhà thờ, tôi cảm thấy nhẹ như thể bay lên được. Người ta có thể nói, đó chỉ là thứ cảm giác của trẻ con. Thế nhưng, nếu trẻ con có được một cảm nhận trong sáng, tốt lành mà bền vững như thế, thì quả là đáng quý biết bao. Tôi gọi đó là ơn Chúa ban tặng.

Rước lễ là niềm vui thực sự của tôi. Đôi khi bị bạn bè chọc ghẹo là “đạo đức quá” khi rước lễ thường xuyên. Tôi cảm thấy không thoải mái trước chuyện này. Tôi biết, mình cũng dở lắm, cũng nhiều tội, nhưng tôi thích rước lễ. Có lần, tôi “chịu thua” trước “áp lực dư luận” của bạn bè, và thế là tôi không rước lễ nữa. Nhưng lòng tôi không yên. Lòng tự nhủ: tôi không rước lễ vì sĩ diện, nhưng tôi cũng không thể “ngưng rước lễ” chỉ vì đám đông. Tuổi thiếu nhi của tôi là thế. Tôi quyết định, tôi sẽ rước lễ, sẽ vượt qua sự khoe khoang của bản thân và vượt qua dư luận của các bạn. Lòng tôi tĩnh lặng. Tôi vui theo từng thánh lễ, dù đi với người khác hay đi một mình.

Lần kia, nhà thờ rất lớn, do vị trí ngồi trong nhà thờ thiếu thuận lợi, nên bác thừa tác viên không tới khu vực tôi ngồi để cho rước lễ. Trước đó, tôi cứ nghĩ là bác sẽ tới. Lòng tôi bồn chồn, bơ vơ vì không được rước Chúa. Sự trống vắng này theo tôi tới hết thánh lễ, tới khi tôi về nhà; và tới tận bây giờ, nó vẫn còn in đậm trong tâm hồn tôi.

Thời sinh viên, buổi chiều nọ, do nhầm lẫn giờ lễ, tôi đi trễ. Phải đứng ngoài nhà thờ, vì thánh lễ đã được quá nửa. Hôm đó trời mưa lạnh, cái mưa bụi mưa bay của mùa xuân càng thêm làm cho người ta động lòng. Có một chút đơn côi, một chút hoài niệm, một chút lủi thủi… Cũng không dám vào nhà thờ, vì sợ sẽ làm chia trí người khác. Đứng ở ngoài mà tôi tiếc nuối, lòng tiếc mãi về một thánh lễ. Một số ngày trong tuần, tôi đi gia sư để kiếm tiền phụ việc học, ngang qua nhà thờ đang thánh lễ, tôi cảm thấy thiếu thốn, khát khao. Chúa ơi! Xin ngự vào lòng con và “tha lỗi” cho con vì con còn bộn bề với cuộc sống. Thánh lễ thường ngày thật cao quý, nhưng đôi khi con đành “hy sinh”…

Những tháng ngày sống cùng các cha già nhà hưu, ngày ngày thánh lễ, vừa lạ vừa quen. Quen là vì thánh lễ lúc nào cũng giờ ấy, nhà nguyện ấy, cũng những bài đọc ấy, những con người ấy. Lạ là vì trời có nóng có lạnh. Trong nhà có lúc máy điều hòa cho mát, khi thì bật máy sưởi cho ấm. lạ là vì có các cha hôm khỏe hôm yếu, bữa tỉnh bữa ngủ. Ngày đi ngày vắng. Lạ là vì mỗi cha thích dâng lễ có một chút khác nhau. Quen là vì các cha giảng tuy khác nhau, nhưng nói chung tôi không hiểu lắm các ngài nói gì. Quen với những cái nhăn mặt của các cha già vì tôi tỏ ra chưa hiểu các ngài, quen với những nụ cười và cái chúc lành mà các ngài dành cho tôi mỗi khi có vẻ tôi làm được theo ý các ngài nói. Lạ với cái cảm giác đột ngột và bất ngờ, không biết khi nào các ngài sẽ nhăn mặt, khi nào các ngài sẽ chúc lành. Nhưng Chúa thì vẫn có đó, âm thầm, nhìn và thấu hiểu chúng tôi. Có lẽ Chúa mỉm cười với cuộc sống đơn sơ của những con người bình dị nơi đây.

Thánh Lễ cứ thế và cuộc đời cũng vậy. Trôi đi và còn lại. Chúa Giêsu vẫn có đó và con vẫn có đây. Đời đưa đẩy nhưng Chúa vẫn vững bền. Trò chơi cuộc đời trở nên sáng sủa nhờ trò chơi Thánh Lễ. Lòng người đổi thay. Sự đổi thay này sẽ tiêu cực nếu đắm chìm vào dòng xoáy cuộc đời. Sự đổi thay này sẽ tích cực nếu ngập chìm trong chiều sâu Thánh Lễ. Cám ơn Giêsu nhỏ trong Thánh Thể. Cám ơn những con người bé nhỏ trong cuộc đời.

Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Đổi mới giáo dục Công giáo tại Học viện Thánh Augustinô

  Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài trong Tin …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *