Thánh Nữ Maria Mađalena – Bài 3: Trong tin Mừng theo thánh Gio-an

db98e7aff9f1adab91e38c757cd860b2Sách Tin Mừng thứ tư có nhiều khía cạnh đặc biệt: bậc thầy về nghệ thuật kể chuyện và tranh biện, bậc thầy về sự hài hòa giữa Cựu Ước và Tân Ước. Mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh được trình bày như là sự thực hiện mọi lời hứa về Cuộc Vượt Qua mới, Giao Ước Mới, Tạo Dựng mới, Con Người Mới, Ađam mới và Evà mới. Từ chương 13 đến 17, chúng ta thấy phảng phất cấu trúc của sách Đệ Nhị Luật, diễn từ giã biệt của ông Mô-sê, trong đó Mô-sê nhắc lại cho dân It-ra-en bộ luật Giao Ước Xi-nai trước khi ông chết, để khi dân đã qua sông Gio-đan vào Đất Hứa, họ biết phải sống thế nào để làm dân của Chúa và được ở trong đất của Chúa, báo cho họ biết tương lai. Chúa Giê-su cũng giã từ các môn đệ, Chúa ban cho họ điều răn mới và dạy họ thi hành, báo cho họ biết tương lai. Ông Mô-sê nói về việc vào chiếm hữu Đất Hứa, Chúa Giê-su nói về chỗ ở cho môn đệ trong nhà Cha của Ngài. Chúa Giê-su tự hiến tế để thiết lập Giao Ước Mới. Trong khung cảnh trọng đại và bao la này, thánh nữ Maria Ma-đa-le-na cũng có một vị trí đặc biệt và nhất là một vai trò biểu tượng đặc biệt.

  1. Ca-na và Núi Sọ, khi Giờ chưa đến và và khi giờ đã đến

Trong sách Tin Mừng này, ta hoàn toàn bị bất ngờ khi thấy bà Maria Mac-đa-la xuất hiện trong “khung hình” chung với Đức Mẹ, giữa cảnh im lặng của chết chóc: “Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pat, cùng với bà Maria Mac-đa-la”. Tôi xin mượn ngôn ngữ điện ảnh để phân tích cảnh này: đây là hình “camera” quay từ dưới thấp, hướng về thập giá, cho ta thấy phía sau lưng ba nhân vật. Camera bỗng chuyển sang phía sau lưng thập giá, ngang tầm mắt của Chúa Giê-su nhìn xuống; Chúa Giê-su thấy thêm một nhân vật: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh”. Và ta bỗng nghe Chúa Giê-su phá tan sự im lặng, lên tiếng nói với thân mẫu và với người môn đệ:Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh”. Kể từ giờ phút đó môn đệ rước bà về nhà mình”.

Phải chăng Chúa Giê-su thấy mình sắp tắt thở nên ủy thác cho người môn đệ yêu dấu thay Ngài săn sóc thân mẫu như một đứa con? Chẳng lẽ chỉ là chuyện “thế gian thường tình” như thế sao! Tuy đang bàn về thánh nữ Maria Ma-đa-le-na, nhưng đây là lần đầu tiên thánh nữ xuất hiện trong sách Tin Mừng này, mà ngay trong khung cảnh hết sức trang trọng. Muốn hiểu cho thấu đáo, ta cần trở lại lần thứ nhất thân mẫu Chúa Giê-su xuất hiện trong sách Tin Mừng này, liên quan tới Chúa Giê-su và các môn đệ: đó là ở tiệc cưới Cana.

Cả hai lần, ở Ca-na và ở đây, bản văn chỉ nói “thân mẫu Chúa Giê-su”, không nói tên; và cả hai lần Chúa Giê-su đều giữ cách xưng hô có vẻ kỳ lạ: “Thưa bà” [dịch sát là : “hỡi người đàn bà”]. Ở tiệc cưới Ca-na thân mẫu nói với Chúa Giê-su: “Họ không có rượu” [không phải như người ta thường dịch: họ hết rượu rồi]. Không có rượu thì không phải là tiệc cưới! Cung cấp rượu là bổn phận của chàng rể. Chúa Giê-su trả lời thân mẫu có vẻ xa cách và như từ chối can thiệp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Cái chìa khóa là đây: “Giờ tôi chưa đến”, câu này láy lại nhiều lần, như một điệp khúc, để giải thích những lần Chúa Giê-su lánh đi, hoặc những lần người Do Thái toan bắt Chúa nhưng không ai dám ra tay (x. 7, 30) … Chúa Giê-su hướng về giờ đó như là đỉnh điểm cuộc đời của Chúa.

Giờ đó là giờ nào? Ở chương 12, khi những người Hy-lạp tìm đến gặp Chúa Giê-su thì Chúa kêu lên: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” (Ga 12,23) và  sau đó Chúa cầu nguyện với lời lẽ và tâm tình giống như các Tin Mừng Nhất Lãm kể về Chúa cầu nguyện trên núi Ô-liu : “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (Ga 12, 27). Vậy thì “giờ của Chúa” chính là giờ Chúa được tôn vinh trên thập giá. Trong sách Tin Mừng thứ tư, khi loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh thì Chúa Giê-su nói “được tôn vinh”, “được treo lên cao”, được giương cao”. Thập giá chính là nơi Chúa hoàn tất kế hoạch cứu độ của Chúa Cha, vì thế lời cuối cùng của Chúa trên thập giá trong Tin Mừng thứ tư là: “Đã hoàn tất” (19, 30).

Như vậy câu Chúa trả lời thân mẫu ở Tiệc Cưới Ca-na không phải là một lời từ chối, nhưng là lời loan báo kín đáo về một tương quan mới giữa Chúa với thân mẫu khi GIỜ ấy đến.

Ở tiệc cưới Ca-na, Chúa Giê-su cung cấp rượu ngon hảo hạng. Vậy thì Chúa làm dấu hiệu chon thấy Chúa chính là CHÀNG RỂ được loan báo trong Cựu Ước: “Vì ngươi (Xi-on) sẽ được Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng sẽ là niềm vui cho Chúa ngươi thờ” (Is 62, 4-5).

Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh chính trực, trong ân tình và xót thương” (Hs 2, 21).

Hôn ước  vĩnh cửu ở đây  chính là “Giao Ước mới và vĩnh cửu” được loan báo trong sách Giê-rê-mi-a (31, 33-34) và sách Ê-dê-kiên (36, 22-28). Các Tin Mừng nhất lãm và thư 1 Corintô (11, 23-25) kể lời Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể, bí tích của Giao Ước Mới và vĩnh cửu, như ta đọc trong phụng vụ Thánh Thể hiện nay. Tin mừng thứ tư kể chính việc lập Giao Ước Mới bằng máu Chúa đổ ra trên thập giá. Thập giá là bàn thờ và Chúa Giê-su vừa là Thượng Tế (áo dài của Chúa dệt liền từ trên xuống dưới, không có đường may, là áo của thượng tế) vừa là “Con Chiên của Thiên Chúa”, làm lễ tế để “xoá tội trần gian” và thiết lập Giao Ước Mới.

Thiên Chúa đã lập Giao Ước Xi-nai, nhận đám dân hỗn tạp Chúa đã đưa ra khỏi Ai-cập làm dân của Chúa và ban Lề Luật cho họ sống làm dân của Chúa (x. Xh 19-24). Họ luôn phản bội, hết đời này qua đời khác. Nhưng Thiên Chúa trung thành, không bao giờ rút lời giao ước, vì thế Thiên Chúa hứa lập Giao Ước Mới và vĩnh cửu, sẽ khắc luật trong tim, sẽ thay tim, sẽ ban Thần Khí mới để họ trung thành với Ngài (x. Gr 31,33-34 và Ed 36, 22-28).

Cùng với những lời hứa Giao Ước Mới, ngôn sứ I-sai-a cũng loan báo Xi-on sẽ phải trải qua cơn đau sinh nở để có những đứa con mới: “Những đứa con ngươi tưởng đã mất sẽ ghé tai nói nhỏ với ngươi: “Con ở đây chật quá, nhường chỗ cho con ở với đi”. Và ngươi sẽ nói thầm:  Ai đã sinh cho tôi những đứa con này đây, vì tôi vốn là kẻ đã mất con, là người son sẻ, thân phận lưu đầy, số kiếp lẻ loi.”(Is 49, 20-21; x. Is; 26,17-18; 54, 1).

Trước thời chuyển dạ nó đã sinh con, trước cơn đau, nó đã cho con trai chào đời… Có nước nào sinh ra nội một ngày? có dân nào chào đời trong một lúc? Thế mà Xi-on vừa chuyển dạ đã sinh được đàn con” (Is 66, 7-8).

Chính Chúa Giê-su trong bữa Tiệc Ly đã nói về những đau khổ của Chúa và của các môn đệ như nỗi đau sinh con: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa” (Ga 16, 21).

Thập giá vừa là nơi lập Giao Ước Mới, vừa là nơi sinh ra dân của Giao Ước Mới. Thân mẫu của Chúa Giê-su đứng đó, như đại diện cho Xi-on, tham dự nỗi đau sinh con.

Chúa Giê-su bị đâm thủng cạnh sườn, rồi được mai táng trong vườn, gợi lại chuyện sách Sáng Thế kể về Thiên Chúa dựng nên ông A-dong, đặt vào trong vườn, cho ông ngủ mê, rồi rạch cạnh sườn lấy chiếc xuơng sườn cụt làm nên bà Evà. Bà Evà trở thành “mẹ các kẻ sống”. Thân Mẫu Chúa Giê-su như Evà mới, “làm mẹ các kẻ sống” do máu và nước từ cạnh sườn Chúa Giê-su sinh ra.

Đến đây ta có thể trở lại “khung hình” đầu tiên: “Đứng gần thập giá Chúa Giê-su có Thân mẫu Chúa Giê-su…” Có mấy bà cùng đứng với thân mẫu? Có người đếm thành hai bà : 1/ chị của thân mẫu tức là bà Maria, vợ của ông Cơ-lô-pát, 2/ cùng với bà Maria Mac-đa-la. Có người nói hai chị em sao lại cùng tên là Maria, nên đếm thành ba bà: 1/ chị của thân mẫu, 2/ bà Maria, vợ của ông Cơ-lô-pát, 3/ bà Maria Mac-đa-la. Nhưng anh em, chị em trong văn hóa và ngôn ngữ Sê-mit (Hip-ri, A-rập) không có nghĩa chặt chẽ như ngôn ngữ phương tây, mà giống ngôn ngữ và văn hóa Á Đông, Việt Nam: Ông Ap-ra-ham nói với ông Lót (chính xác là cháu): “Chúng ta là anh em” (St 12,8). Trong Tin Mừng nói đến “anh em của Chúa Giê-su” chúng ta không khó khăn gì để hiểu là anh em họ, người Tây phương gò tiếng Sê-mit vào khuôn của họ, và bảo Đức Mẹ có nhiều người con khác. Ở đây nói “chị của thân mẫu”, cùng tên là Maria, thì có thể hiểu là chị em họ. Nói thế để cho thấy muốn đếm thành hai bà hay ba bà cùng đứng với thân mẫu đều có lý. Điều quan trọng là có chị của thân mẫubà Maria Mac-đa-la chứng kiến một sự việc rất quan trọng: Chúa Giê-su nói với thân mẫu: “Đây là con bà” và nói với người môn đệ thương mến: “Đây là mẹ anh”. Do lời của Chúa phán từ trên thập giá, thân mẫu của Chúa có một người con mới: người môn đệ Chúa Giê-su thương mến.

Người môn đệ này chỉ xuất hiện từ chương 13 của sách Tin Mừng thứ tư cho đến chương 21. Không lần nào sách Tin Mừng cho ta biết danh tánh thật của ông. Truyền thống thường đồng hóa ông với Gio-an, em ông Gia-cô-bê. Nhưng chúng ta đang đọc bản văn của sách Tin Mừng thứ tư, ta hãy đọc như sách viết, vì thêm tên vào khác nào vẽ rắn thêm chân… Ta hãy thử đặt một câu hỏi để thấy vấn đề: có người môn đệ nào Chúa Giê-su không yêu mến không?  Giu-đa kẻ phản bội cũng được Chúa yêu mến đặc biệt: trao cho ông trách nhiệm giữ tiền, mua sắm, và trong bữa Tiệc Ly Chúa còn chấm một miếng trao cho ông. Thánh Phao-lô sẽ viết : “Người đã yêu thương tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Đó là câu mỗi người tín hữu đều có thể và phải lặp lại về chính mình. Trong sách Tin Mừng thứ tư có ba người được nêu danh rõ ràng là những người Chúa Giê-su thương mến, đó là ba chị em Mac-ta, Maria và La-da-rô [“Cục Cưng của thầy”] (Ga 1, 1-6).

 “Người môn đệ Chúa Giê-su thương mến” chỉ xuất hiện với cái “biệt hiệu” đó, và được Chúa Giê-su trao làm con Thân Mẫu của Chúa, chính là đại diện cho tất cả mọi môn đệ. Chúa Giê-su chỉ có một mạng sống. Chúa đã yêu thương tôi và thí mạng vì tôi.

Ở Ca-na, “Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-sucác môn đệ đã tin vào Đức Giê-su. Sau đó Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày” (Ga 2,11-12). Đến chương thứ bảy thì anh em Chúa Giê-su đã tách khỏi Ngài, chỉ còn các môn đệ. Hôm nay thân mẫu đứng gần thập giá và nhận được người môn đệ yêu dấu làm đứa con mới, và về nhà của đứa con mới như nhà của mình, như Xi-on sau cơn đau lưu đầy bỗng thấy đàn con đông đúc kéo về.

Thân mẫu Chúa Giê-su tiêu biểu cho Xi-on, sinh đàn con mới nhờ máu và nước từ cạnh sườn Chúa Giê-su. “Người môn đệ Chúa Giê-su thương mến” là Đại diện cho tất cả đàn con, rước thân mẫu Đức Giê-su “về nhà mình” [dịch sát là: vào số những người thuộc về mình trong gia đình] với tư cách là mẹ của mình. Tôi chính là người môn đệ yêu dấu được trao làm con của Đức Mẹ, của Xi-on, của Hội Thánh.

Sách Khải huyền sẽ cho một hình ảnh tổng hợp: người phụ nữ chuyển bụng sinh con, kêu la đau đớn. “Bà đã sinh được một người con, một người con trai… Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người… Con mãng xà đuổi bắt người phụ nữ đã sinh con trai… Con mãng xà nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giê-su” (Kh 12,1-17).

Thế còn bà Maria Ma-đa-le-na đứng đây làm gì?  Chuyện còn dài. Trong Luật Cựu Ước, lời chứng của người phụ nữ không có già trị, trừ khi liên quan tới những lãnh vực mà chỉ có phụ nữ có mặt. Sinh nở là lãnh vực chỉ có phụ nữ có mặt. Thân mẫu Chúa Giê-su có một người con mới, tiêu biểu cho cả một đàn con. Ai làm chứng? Có chị của thân mẫu và bà Maria-Mac-đa-la, một người trong gia đình ruột thịt và một người ngoài (thông thường là bà đỡ). Cách đọc thành hai bà (chị của thân mẫu và bà Maria Mac-đa-la) sẽ được củng cố ở chương 20.

  1. Người yêu đi tìm chàng trong sách Diễm Ca

Cảnh “sinh nở” kết thúc với câu “kể từ giờ đó, người môn đệ rước Người về nhà mình”, cho ta cảm tưởng như thân mẫu, và người môn đệ cùng các bà đi khỏi nơi đó. Nhưng trình thuật tiếp tục với cảnh Chúa Giê-su kêu khát, nhắp giấm rồi chết, bị đâm thủng cạnh sườn, máu và nước chảy ra, và “người xem thấy việc này đã làm chứng”. Vậy thì đây chỉ là cách “lấy hình” của camera để tập trung hoàn toàn vào Chúa Giê-su, nhưng gián tiếp vẫn cho thấy là người môn đệ kia chứng kiến đến cùng. Vẫn thủ pháp “lấy hình” này trong cảnh hạ xác và mai táng, cho ta cảm tưởng như chỉ có ông Giô-xép và ông Ni-cô-đê-mô, hai người “môn đệ chui”, làm toàn bộ công việc; nêu lên một sự tương phản: các môn đệ công khai thì trốn hết, hai môn đệ chui “vì sợ người Do Thái” bây giờ hết sợ, công khai đứng ra xin xác và lo việc mai táng Chúa Giê-su. Vậy thì phải định nghĩa lại ai là môn đệ đích thật!

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mac-đa-la đi đến mộ thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

Khi Giu-da ra khỏi phòng Tiệc Ly thì “đêm đã xuống”. Bây giờ là “sáng sớm, lúc trời còn tối”. Thủ pháp thay đổi ánh sáng trên màn hình với một mình Maria Ma-da-le-na đi ra mộ, như thơ thẩn mất hồn, không phải đi viếng mộ càng không phải là mang dầu thơm đi ướp xác (ông Ni-cô-đê-mô đã đem một trăm cân, quá đủ rồi), vừa tương phản với hình ảnh Giu-đa ra đi nộp Chúa khi đêm đã xuống, vừa gợi nhớ hai đêm trong Diễm Ca, người đẹp đi tìm người yêu.

Suốt đêm, trên giường ngủ, tôi tìm người lòng tôi yêu dấu. Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp! Vậy tôi sẽ đứng lên, đi rảo quanh khắp thành… Bọn lính gác gặp tôi, tôi hỏi họ: Các anh có thấy chăng người lòng tôi yêu dấu? Vừa rời họ mà đi, tôi đã gặp người lòng tôi yêu dấu. Tôi vội níu lấy chàng và chẳng chịu buông ra cho đến khi đưa vào nhà thân mẫu, tới khuê phòng người đã cưu mang tôi” (Dc 3, 1-4).

Tôi ngủ, nhưng lòng tôi chợt thức, có tiếng người yêu tôi gõ cửa… [chàng năn nỉ, nàng từ chối mở cửa, đến khi dậy mở cửa thì…] Tôi mở cửa cho người tôi yêu, nhưng chàng đã quay đi khuất dạng. Chàng đi rồi, hồn tôi như đã mất. Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp, tôi mãi gọi chàng, không một tiếng đáp!... [gặp lính canh, bị đánh và cướp mất áo choàng, gặp đám con gái, nhờ nhắn tin: “Tôi đang ốm tương tư”, rồi tả hình dáng người yêu. Nghe xong, bọn con gái cũng mê, xin cùng đi tìm]. “Người cô yêu đã quay gót phương nao, để chúng em cùng với cô tìm kiếm!”. “Người tôi yêu đã xuống vườn nhà, xuống nơi trồng phương thảo. Chàng để đàn vật ăn trong vườn, còn chàng đi hái hoa…” (Dc 5,2-6,3).

Phụng vụ Do Thái ngày nay vẫn dọc sách Diễm Ca vào mùa lễ Vượt Qua, vì coi như diễn tả mối tình giữa Thiên Chúa và dân của Người. Lần đi tìm thứ nhất gặp được Chúa và được đưa vào Đất Hứa (x. Ed 16). Lần đi tìm thứ hai là khi bị lưu đầy vì đã không chịu đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, không tuân giữ Giao ước, [hình ảnh lính canh đánh đập và cướp mất áo choàng (x. Is 3, 18-24)]. Được hồi hương là được Chúa đưa trở về Vườn của Chúa. Thời lưu đầy It-ra-en mới noái về Chúa cho các dân khác và có nhiều người “kính sợ Chúa”.

Sách Tin Mừng thứ tư đã gợi nhớ sách Diễm ca ngay từ bữa tiệc ở Bê-ta-ni-a, do chị em Mac-ta và Maria đãi. “Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm” (Ga 12, 3).

So với Dc 1, 12: “Lúc quân vương ngự giữa nội cung, dầu cam tùng của tôi tỏa hương thơm ngát”. Hương hoa tràn ngập trong sách Diễm ca.

Trong bữa tiệc ở Bê-ta-ni-a ta, ta đã gặp thấy phản ứng ngược lại của Giu-đa: “Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa It-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?”

Cảnh tương phản bây giờ hiện rõ thật tuyệt vời: Giu-đa một mình ra đi nộp Chúa thì “đêm đã xuống”, bây giờ trong cái thinh lặng của “sáng sớm, lúc trời còn tối” Maria thơ thẩn đi ra mộ, như đã suốt đêm đi tìm người yêu. Thấy cửa mộ đã mở toang, bà bắt đầu chạy… Tiếng bước chân một người phụ nữ chạy, tiếng gõ cửa dồn dập, hai người đàn ông hé cửa ló dầu ra, rồi tung cửa cùng chạy về phía mộ. Trời đã sáng hơn như theo nhịp chân chạy của hai người đàn ông. Hai người vào tận trong mộ chứng kiến mọi chuyện, như lính canh đi tuần, rồi lững thững đi về. Ta bỗng nghe tiếng thút thít gần bên mộ, nhìn lại thì thấy bà Maria một mình đứng khóc ở đó.

Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng, ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc, bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nó cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về”. Đức Giê-su gọi bà: “Maria!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Hip-ri” “Ráp-bu-ni!”nghĩa là “Lạy Thầy”. Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em của Thầy và bảo họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh  em, cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”. Bà Maria Mac-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà”.

Những hình ảnh, âm thanh và lời đối thoại cho ta thấy trình thuật này như một “đoạn phim” in lồng trên “đoạn phim” của Diễm ca, hoặc với âm thanh và nhạc nền của sách Diễm ca. Ba lần bà Maria nói gợi lại lời người yêu trong Diễm ca hỏi lính canh, nhắn đám con gái Giê-ru-sa-lem. Hai thiên thần gơị hình ảnh lính canh hiền lành (lần thứ nhất), “vừa rời họ mà đi, tôi đã gặp người lòng tôi yêu dấu”, và cũng gợi lại lời các cô gái hỏi nàng về người yêu. Gặp Chúa Giê-su, bà tưởng ông làm vườn. Chúa Giê-su gọi tên bà, bà liền nhận ra Chúa. Chúa vừa là mục tử tốt lành gọi tên từng con chiên (Ga 10, 3.14) vừa là người yêu mang tên người yêu như chiếc ấn trên trái tim mình: “Xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh” (Dc 8, 3). Xin nhắc lại, chỉ có Tin Mừng thứ tư nói đến thửa vườn gần nơi Chúa bị đóng đinh và Chúa được đặt vào ngôi mộ trong vườn. Với cái chết của Chúa thì vườn này nhắc lại Vườn Địa Đàng của trình thuật tạo dựng và tội tổ tông (x. St 2-3), với màu nhiệm phục sinh thì lại là thửa vườn của sách Diễm ca.

Câu hỏi của thiên thần và câu hỏi của Chúa Giêsu vừa gợi lại câu hỏi của đám con gái trong Diễm ca (5, 9), vừa gợi lại chính lời Chúa Giê-su trong bữa Tiệc Ly: “Người đàn bà… khi sinh con rồi thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một người đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16, 21). Cả thiên thần và Chúa Giê-su đều gọi: “này bà” [dịch sát: này người đàn bà]. Sao bà khóc, cơn đau sinh con đã qua rồi! Bà tìm ai? Có phải bà tìm con người vừa sinh ra không?… [Với ai quen nghe nhạc cổ điển thì lời văn đoạn này vang lên như khúc “scherzo” trong bản hòa tấu số 6 (Pastorale) của nhạc sĩ Beethoven, nhí nhảnh, vui tươi.]

Bản văn không kể sau khi nhận ra Chúa thì bà làm gì, nhưng câu Chúa ra lệnh: “Thôi đừng giữ Thầy lại…” cho ta hiểu là bà đã ôm lấy chân Chúa (như trong Tin Mừng Mat-thêu). Câu ra lệnh của Chúa cũng như dấu hiệu ngắt mạnh đột ngột của nhạc trưởng để chuyển khúc. Nhạc nền “Diễm ca” bỗng thay đổi: bà làm như người yêu trong Diễm ca khi gặp được chàng, nhưng câu chuyện bây giờ không phải thế. Nàng trong Diễm ca đưa chàng về nhà thân mẫu, về phòng thân mẫu là để cưới, như I-xa-ac đưa Re-béc-ca về lều bà Sara, dù bà đã chết, để cưới nàng làm vợ (x. St 24,67). Chuyện bây giờ diễn ra ở một bình diện hoàn toàn mới.

Chúa Giê-su sai bà “đi gặp anh em của Thầy”, vì bà đã là chứng nhân khi họ được sinh ra từ thập giá, nên bà biết ai là anh em của Chúa.

Trong sách Tin Mừng thứ tư, các môn đệ được “nâng hạng”, ban đầu họ đứng chung với anh em của Chúa bên cạnh thân mẫu (sau tiệc cưới Ca-na); đến chương 7 thì anh em của Chúa bỏ đi đường khác. Khi gần đến giờ của Chúa thì môn đệ được gọi là tôi tớ (Ga 12, 26); đến bữa Tiệc Ly, sau khi Chúa đã làm người tôi tớ rửa chân cho họ, và dạy họ rửa chân cho nhau, thì Chúa gọi họ là những “người con bé nhỏ” (Ga 13,33) theo kiểu văn chương Khôn Ngoan.  Sau khi đã cho họ thấy họ được kết hợp mật thiết với Chúa như cành nho với cây nho, thì Chúa tuyên bố: họ là bạn hữu của Chúa (Ga 15, 14-15). Trên thập giá Chúa trao thân mẫu của Chúa làm mẹ của họ và họ trở thành con của thân mẫu. Sau khi phục sinh thì Chúa gọi họ là “anh em”.

Lời Chúa sai bà nói với anh em của Chúa mới cho thấy hết ý nghĩa của Diễm ca mới: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”. Họ là anh em của Chúa do một tương quan hoàn toàn mới: Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em. Đó là Giao Ước mới. Cốt lõi của Giao Ước Xi-nai là “Các ngươi là dân của Ta, Ta là Thiên Chúa của các ngươi”. Giao Ước mới thành sự trong Chúa Giê-su, chúng ta được vào trong Giao Ước mới và ở trong Giao Ước mới nhờ kết hiệp với Chúa Giê-su như cành nho với cây nho: chỉ trong Chúa Giê-su ta mới được gọi Thiên Chúa là Cha và chúng ta trở thành con của Thiên Chúa. Ngay trong lời tựa của sách Tin Mừng  này đã có câu: “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào Danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Lời nhắn của Chúa Giê-su là lời công bố Giao Ước Mới đã thành tựu. Người được sai đi công bố Tin Mừng trọng đại này là MARIA MAC-ĐA-LA, nhân chứng của biến cố trọng đại trên núi Sọ.

Bạn nào muốn đọc thêm thì nên biết, toàn bộ sách Tin Mừng thứ tư còn gợi một chuyện dài khác trong Cựu Ước (x. St 37.38-48): ông Giuse được cha sai đi tìm anh em. Nhưng anh em của ông lại mưu toan giết ông, cuối cùng bán ông làm nô lệ. Chúa đưa ông lên địa vị tể tướng Ai cập. Khi an hem qua mua lúa thì ông thử thách và giáo dục họ để họ trở thành anh em với nhau và tôn kính cha già. Đến khi Giu-đa (người đã đưa kế hoạch bán Giuse thay vì giết, trùng tên với Giu-đa trfong Tin Mừng) hiến mạng để cứu mạng em út và mạng cha già, ông Giuse mới tỏ cho họ biết ông là Giuse, em của họ. Suốt mấy lần gặp gỡ ông luôn hỏi họ về “cha của các ngươi”, sau khi đã tỏ cho họ biết ông là Giuse thì ông hỏi họ về “cha tôi”, và sai họ về: “mau về báo tin cho cha tôi…”

Trong Tin Mừng thứ tư, Chúa Giê-su luôn nói về “Cha của tôi”, sau khi phục sinh thì Chúa sai bà Maria Ma-đa-le-na “về gặp anh em của Thầy và bảo họ… Cha của Thầy cũng là Cha của anh em.” Chúa Giê-su đến tìm anh em, cũng bị ghen ghét, bị bán, bị giết… để tìm được anh em của mình và đưa về cho cha (x. Ga 10, 16-18; 17, 1-26).

 

 

Kết luận

Đọc trình thuật Khổ Nạn và Phục Sinh của  sách Tin Mừng thứ tư, chúng ta khám phá vai trò của thánh Maria Ma-đa-le-na, vừa là chứng nhân của Giao Ước Mới và của việc Mẹ Xi-on sinh ra dân của Giao Ước Mới khi đứng gần thập giá cùng với thân mẫu Đức Giê-su. Sau khi Chúa phục sinh thì trong vai người yêu của sách Diễm ca, bà lại tượng trưng cho cộng đoàn Giao Ước Mới đi tìm Chúa của mình, và là người đầu tiên được gặp Chúa phục sinh và nhận sứ mạng đi tìm anh em của Chúa để báo tin Giao Ước Mới đã thành tựu.

Giê-ru-sa-lem, 20/6/2016

L.M.Giuse Nguyễn công Đoan, S.J.

 

Kiểm tra tương tự

Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 12 Thường Niên: Chúa muốn nói gì với con?

Tuần trước, khi trở về thăm quê hương, tôi có dịp gặp gỡ và trò …

Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật 10 TN: Để Lời Chúa tạo tình thân

Tin mừng Thánh Maccô hôm nay thuật lại bài nói chuyện của Chúa Giêsu dành …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *