Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
Cuộc sống là những bước đi trải dài. Có bước nhẹ nhàng thanh thoát, có bước nặng nề uể oải. Có bước khiêm nhu thanh bần, có bước kiêu hãnh với cái đầu luôn ngẩng cao của những người tự cho mình là rất quan trọng – VIP.
Những bước đi kiêu hãnh đó có làm “cái đầu vươn được tới trời”?
Những cái đầu luôn ngẩng cao kia có làm cho giá trị cuộc sống “cao hơn” được không?
Luôn bước đi với đầu kiêu hãnh ngẩng cao trước cuộc đời. Có nên chăng?
Luôn sống với khát kháo trở thành người rất quan trọng – VIP. Có nên chăng?
VIP. Chữ viết tắt thú vị và hấp dẫn trong cuộc đời hôm nay. Ai ai cũng mong muốn trở thành những người rất quan trọng – Very Important Person, để được bước vào “không gian riêng dành cho VIP”. Khắp mọi nơi từ phi trường đến nhà hàng, từ rạp hát đến chỗ ngồi trên xe bus, chữ VIP và không gian dành cho VIP đều hiện diện. Cả trong Giáo Hội của Chúa Giê-su, chữ VIP và chỗ ngồi cho VIP cũng tồn tại, dù rằng Chúa Giê-su đã tự mình tháo cởi chữ VIP ra khỏi cuộc đời Ngài.
Ngày xưa, chữ VIP chưa có, nhưng thực chất cuộc sống thích thú chỗ nhất đã có trong lòng người. Một ngày nọ, Chúa Giê-su quan sát một bữa tiệc và thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi. Ngài nhận ra được lòng người luôn để tâm đến chỗ VIP, thích đi tìm nơi nào quan trọng để ngồi. Ngài biết con người luôn muốn nổi danh và luôn muốn được mọi người chú ý tới. Thật vậy, ngày xưa và ngày nay đều vậy cả. Ai cũng muốn mình hơn người khác, ngồi chỗ ngon hơn và cao hơn người khác, được người khác chú ý chào hỏi chứ không muốn trở thành kẻ vô danh không ai màng tới.
Sau khi nhận ra khuynh hướng sống của con người luôn thích đi tìm cỗ nhất, Chúa Giê-su đã kể một dụ ngôn để giáo huấn việc liên quan đến các chỗ ngồi. “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời” (Lc 14,7). Tiệc cưới là khung cảnh của dụ ngôn. Ngược với khuynh hướng của đời người, Chúa Giê-su nhắc nhớ, khi được mời dùng tiệc cưới, đừng tự nhiên đi vào ngồi chỗ hạng nhất. Vì có nguy cơ là, chỗ nhất đó đã được dành cho người khác quan trọng hơn. Sách Châm Ngôn đã dạy tương tự: “Trước long nhan đừng lên mặt kiêu kỳ, chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo: ‘Xin mời ông lên trên!’ còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng” (Cn 25,6-7).
Ngày hôm nay, đương nhiên chúng ta tránh điều đó. Đi dự tiệc cưới chúng ta cũng sẽ chờ đợi chủ nhà xếp chỗ chúng ta ngồi ở đâu. Đó cũng là điều tế nhị và lịch sự cần thiết. Tuy nhiên, ở đây Chúa Giê-su không chỉ “gói gọn” trong bữa tiệc, mà sứ điệp Chúa muốn nói là hãy tránh đừng đi tìm chỗ nhất, đừng tự động đi tìm danh vọng, vì nếu ngay từ đầu đã “cắm đầu cắm cổ” đi tìm những điều viễn vông đó, thì chúng ta sẽ nhận được một đoạn kết “xấu hổ” và thất bại. ”Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11).
Trong một đoạn khác, Luca kể về dụ ngôn người thu thuế ăn năn và hạ mình đối diện với người Pha-ri-sêu tự cao tự đại. Câu cuối của dụ ngôn Chúa Giê-su nói cũng giống như câu trên: “Tôi nói cho các ông biết: người này (người thu thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (người Pha-ri-sêu) thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14).
Tự cho mình là VIP trước Chúa, sẽ “được Chúa” mời xuống hàng chót.
Tự ý thức phận mình và khiêm tốn trước Chúa, sẽ được Chúa quan tâm và khen ngợi. Đó là sự khôn ngoan của con cái Chúa.
Sách Huấn Ca có đoạn nhắc nhớ những người làm lớn, nên khôn ngoan không tự cho mình là VIP và cũng không để người khác đưa mình vào cám dỗ trở nên người luôn kiêu hãnh ngẩng cao đầu, kể cả ngẩng cao đầu trước Chúa:
“Càng làm lớn, con càng phải tự hạ,
như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.
Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao:
Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.
Đừng tìm những điều khó quá đối với con,
những điều vượt sức con, con đừng xét tới” (Hc 3,18.20-21).
“Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa,
vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó” (Hc 3,28).
Vì thế, điều nên chú ý khi đi dự tiệc là “khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn”. Ở đây, Chúa Giê-su không chỉ nói về cách ứng xử khéo léo, mà Ngài nhắc nhớ bài học cần phải khiêm tốn, nhẹ nhàng, tránh đi tìm hư danh và chỗ nhất. Vinh dự của cuộc sống không hệ tại ở chỗ ngồi hạng nhất, mà ở tại chính tâm hồn của con người.
Nếu tập sống được tinh thần của Chúa dạy, sẽ tránh được cám dỗ đi tìm chỗ nhất, tránh được cám dỗ đi tìm danh vọng và quyền lực, tránh được thói kiêu căng tự mãn. Chúng ta là con người không thể tự đánh bóng cuộc đời mình trước Thiên Chúa, không thể tự làm cho mình được nổi danh trước Đấng Quyền Năng. Lời Chúa Giê-su dạy thật thấm thía biết bao: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Mẫu gương sống của Chúa luôn sống động đối với mỗi người chúng ta: “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,4-5). Sau đó Chúa đã nói lời dạy dỗ có giá trị ngàn đời: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,12-14).
Trước tấm gương quá tuyệt vời của Chúa Giê-su, thánh Phao-lô đã bắt chước và ngài cũng khuyên nhủ:
“Giữa anh em với nhau,
anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su:
Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự” (Pl 2,5-8).
Lời của thánh Phao-lô đã cho chúng ta nhận ra một nét thật đặc biệt của Chúa Ki-tô: Ngài đã tự tháo cởi chữ VIP trên người và mặc lấy thân “nô lệ”, để đến với con người trong thân phận của con người, tất cả để phục vụ con người, chứ không phải để con người phục vụ Ngài; để nhận lấy chính cái nghèo nàn, bần cùng của con người và làm cho con người được trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa.
Con đường của Đức Ki-tô là vậy đấy!
Một con đường đi xuống của ĐẤNG QUAN TRỌNG NHẤT.
Con đường của Đức Ki-tô là vậy đấy!
Một con đường xây dựng sự nghiệp đi lên qua hiến dâng bản thân mình, để đi xuống phục vụ anh chị em bất hạnh và nghèo nàn.
Anh em Giê-su hữu chúng tôi thường nói với nhau: “Trách nhiệm của một tu sĩ Dòng Tên là phải ý thức xây dựng sự nghiệp, qua học vấn và tri thức với cả những bằng cấp cần thiết trong cuộc đời, qua việc trau dồi các khả năng Chúa ban được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, qua việc không dừng bước nhưng luôn ý thức tiếp tục học hỏi và vươn lên hơn nữa (magis). Nhưng người tu sĩ Dòng Tên xây dựng sự nghiệp không phải để ‘ngẩng cao đầu’ bước lên bục cao với danh vọng và quyền lực, mà họ theo gương Chúa Giê-su, xây dựng sự nghiệp để cùng Chúa Giê-su đi xuống trong khiêm tốn và cùng Chúa phục vụ mọi người, đặc biệt những người nghèo hèn bất hạnh và những người thấp cổ bé miệng”.
Trong Linh Thao, thánh I-nhã chú ý đến ba bậc khiêm nhường. Bậc thứ ba là bước đi “trở nên khiêm nhường” theo gương Chúa Giê-su: “Nên giống Đức Ki-tô Chúa chúng ta cách hiện thực hơn, tôi muốn chọn sự nghèo khó với Đức Ki-tô nghèo khó hơn là sự giầu có, những sự nhục nhã với Đức Ki-tô chịu nhục nhã hơn là danh giá, và tôi ước ao bị coi như vô giá trị và điên dại vì Đức Ki-tô, Đấng đã bị coi như thế trước nhất, hơn được coi là thông thái và khôn ngoan ở trong thế gian này” (Sách Linh Thao số 167).
Thật vậy, các bậc thánh hiền luôn coi khiêm nhường là mẹ của các nhân đức. Thánh Tôma Aquino cũng nói: “Là một nhân đức đặc biệt, đức khiêm nhường liên hệ ở sự tuân phục của con người đối với Thiên Chúa, và vì Thiên Chúa, hạ mình vâng phục những người khác”.
Thánh Tê-rê-sa Avila thì khuyên nhủ các chị em trong tập sách Đường Hoàn Thiện: “Không có ‘bà hoàng’ nào có sức thắng vượt cho bằng đức khiêm nhường”. Thú vị hơn, khi thánh nữ nói trong tác phẩm Lâu Đài Nội Tâm: “Vì linh hồn thấy rõ nếu mình có điều chi tốt, thì cũng là một hồng ân Chúa ban, chứ mình chẳng có gì cả”, và “Nền tảng của cả lâu đài này là tâm tình khiêm nhường”.
Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII luôn chú ý đến nhân đức khiêm nhường, ngài đã viết trong Nhật Ký Tâm Hồn: “Tài năng trí nhớ là của Chúa ban. Tại sao lại buồn khi thấy mình kém hơn anh em. Chúa có thể cho ít hơn nữa kia. Thi cử, dĩ nhiên muốn thành công, đỗ cao. Nhưng khi đã làm xong phận vụ theo ý Chúa rồi, sự việc ra sao cũng vẫn được. Trong việc đạo đức, nhiều lúc cố gắng cầm trí để hầu chuyện với Chúa sao cho sốt sáng êm đềm, thế mà không được. Lòng cứng như đá, chia trí liên miên. Chúa như ẩn mặt. Đừng buồn đừng tức, chớ mất bình tĩnh trước cảnh yếu hèn đó. Hãy vui vẻ ôn hòa trong hoàn cảnh kể trên. Hãy tự an ủi rằng Chúa muốn như vậy. Trời mưa, trời nắng, trời lạnh, trời nóng, bề trên lớn, bề trên nhỏ quyết định thế này hay thế kia, tôi vẫn phải vui. Không nói lời chỉ trích kêu ca, công khai hay trong lòng. Trên môi bao giờ cũng nở nụ cười hồn nhiên và chân thành. Thành công không làm tôi mất tự chủ, thất bại không làm suy suyển tinh thần của tôi”. (Nkth. 1939).
Vị cha chung của chúng ta, Đức Thánh Cha Phanxicô, mục tử khiêm nhường và hy sinh cho đàn chiên, trong bài giảng ngày 02.7.2019 ở nhà nguyện Mác-ta đã diễn tả về hình ảnh người tông đồ của Chúa như sau: “Nếu người tông đồ, người sứ giả, hay một ai đó trong số chúng ta – ở đây có rất nhiều người được sai đi – hếch mũi lên, tin rằng mình trổi vượt hơn người hay tìm kiếm những lợi ích mang tính con người, thì sẽ chẳng thể giúp người khác mở lòng, vì lời của người ấy không có thẩm quyền. Người môn đệ sẽ chỉ có thẩm quyền nếu bước theo Chúa Kitô. Vậy nẻo đường của Chúa Kitô là gì? Nghèo khó. Một Thiên Chúa trở nên xác phàm! Bị giết hại! Bị lột áo! Nghèo khó đưa tới sự hiền lành và khiêm nhường. Chúa Giêsu khiêm nhường đi ra những nẻo đường để chữa lành. Và vì vậy, với thái độ nghèo khó, khiêm nhường, hiền lành này, người môn đệ có thể có thẩm quyền để nói: ‘Hãy ăn năn hoán cải’, để mở lòng…
Tất cả chúng ta cần phải được chữa lành, bởi vì tất cả chúng ta đều có những căn bệnh tâm linh. Nhưng tất cả chúng ta cũng có khả năng chữa lành cho người khác.
Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng chữa lành như Người đã thực hiện: với sự hiền lành, khiêm nhường, với sức mạnh chống lại tội lỗi, chống lại ma quỷ và tiến bước trong “công việc” chữa lành cho người khác: ‘Tôi chữa lành vết thương cho người khác và để chính mình được người khác chữa lành’. Đó chính là cộng đồng Kitô giáo”.
Kết thúc những tâm tình đơn sơ này, xin mời bạn cùng tôi hướng về Chúa Giê-su trên Thánh Giá. Chúng ta nhìn kìa:
Ngài đã tự tháo cởi chữ VIP trên người và mặc lấy thân “nô lệ”.
Đấng tự hủy mình đi trong khiêm nhường thẳm sâu đã đi đến chỗ bần cùng nhất, là đồng ý đón nhận cái chết trên thập tự.
Con đường của Đức Ki-tô là vậy đấy!
Một con đường đi xuống của ĐẤNG QUAN TRỌNG NHẤT.
Đứng trước Ngài chúng ta cùng tâm tình với Ngài:
“Ôi Đấng khôn ngoan, tự huỷ và khiêm nhường,
Đấng đã nói với chúng con lời thật đặc biệt:
‘Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;
còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên’.
Xin cho chúng con luôn ý thức theo gương Chúa,
Luôn ý thức tập sống bắt chước Chúa và tinh thần của Chúa:
‘cúi xuống rửa chân cho anh em’
‘mặc lấy thân nô lệ’ và
‘mặc lấy chiếc áo hiền lành và khiêm nhường’ của Chúa,
chứ không đui mù đi tìm ‘chữ VIP’ của cuộc đời và
‘không gian VIP cho bản thân’. Amen”.