Tiến sĩ luật bị tù

Chủ đề: “Trọng tâm tôn giáo không hệ tại nghi thức và lề luật
mà hệ tại yêu mến Chúa và tha nhân”

Lm. Mark Link, SJ

Nhà thần học William Barclay kể lại câu chuyện một Rabbi (tiến sĩ Luật Do Thái giáo) lão thành nọ bị tù ở Rôma. Ông chỉ được ăn uống tối thiểu nhằm mục đích kéo dài cuộc sống. Thời gian trôi qua, vị Rabbi ấy ngày càng yếu dần. Cuối cùng người ta buộc phải mời một y sĩ đến khám. Y sĩ bảo rằng cơ thể ông ta bị thiếu nước.

Báo cáo của y sĩ khiến đám sĩ quan cai ngục bối rối. Họ không hiểu nổi tại sao vị Rabbi ấy lại có thể thiếu nước, bởi vì khẩu phần nước mỗi ngày tuy là tối thiểu, song vẫn tương đối đủ chứ đâu đến nỗi tệ! Thế là đám lính gác liền chú ý quan sát “Ông già” ấy một cách kỹ lưỡng hơn để thử xem ông ta làm gì với số nước ấy. Cuối cùng người ta đã khám phá ra bí mật. Ông Rabbi ấy đã sử dụng phần lớn số nước để rửa tay theo nghi thức tôn giáo trước khi cầu nguyện và ăn. Như thế đương nhiên ông ta chỉ còn lại rất ít nước để uống.

«««

Câu chuyện trên giúp chúng ta hiểu được bài Phúc Âm hôm nay. Nó giúp ta hiểu rõ hơn các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã cảm thấy chướng tai gai mắt và bực bội thế nào khi nhìn thấy các môn đệ Chúa Giêsu ăn uống mà chẳng chịu rửa tay theo đúng nghi thức.

Đấy chính là điểm quan trọng của bài Phúc Âm hôm nay. Điểm quan trọng này được biểu lộ trong một tranh luận sôi nổi giữa chúng ta và những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái. Chúng ta hãy xét kỹ hơn cuộc tranh luận đặc biệt này.

Khi Chúa Giêsu nói về “Lề luật”, thì từ ngữ này có một trong hai ý nghĩa: Hoặc là lề luật thành văn hoặc là lề luật “truyền khẩu”. Trong hai thứ lề luật này cái cổ hơn và quan trọng hơn là lề luật thành văn. Lề luật này căn cứ trên sách Torah (Ngũ Thư) nghĩa là 5 quyển sách đầu tiên của Cựu Ước, đôi khi còn gọi là luật Môisê. Một số lề luật này mang tính cụ thể và đặc thù, số còn lại thì rất chung chung giống những kiểu mẫu phải theo hơn là luật lệ. Trong một thời gian dài, dân Do Thái bằng lòng với những “kiểu mẫu” này. Họ áp dụng chúng vào đời sống vì thấy chúng thích hợp.

Tuy nhiên, tới thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, có một nhóm chuyên nghiên cứu về Luật đã tạo được một ảnh hưởng mạnh mẽ trong dân chúng Israel. Họ thấy những điều luật tổng quát trong bộ luật ấy quá mơ hồ, thiếu tính rõ ràng, cần phải được soạn thảo lại cho rõ ràng, với nhiều chi tiết hơn. Và họ đã tiến hành làm công việc ấy. Từ đó phát sinh ra bộ luật thứ hai, gồm những luật truyền miệng, hay những truyền thống khẩu truyền. Trong khoảng thời gian này, trong dân chúng Do Thái, có rất nhiều người muốn bắt chước các tư tế của họ về sự thánh thiện bề ngoài có tính cách nghi thức. Chẳng hạn theo lề luật thành văn, mọi tư tế đều phải rửa tay trước khi vào nơi thánh trong đền thờ. Mục đích của luật này là tẩy rửa đi tất cả những gì là ô uế về mặt tôn giáo để các tư tế xứng đáng thờ phượng Chúa hơn. Dần dần, dân chúng cũng bắt chước các tư tế rửa tay trước khi cầu nguyện. Và bằng những suy nghĩ tương tự như thế, họ cũng rửa tay trước khi dùng bữa nữa.

Vào thời Chúa Giêsu, dân Do Thái tuân giữ những lề luật truyền khẩu này cũng tỉ mỉ và thành tín chẳng khác nào lề luật thành văn của Ngũ Thư. Ý tưởng hàm chứa đàng sau việc tuân giữ này quả thực cao đẹp, bởi nó nhằm mục đích làm cho tôn giáo thấm nhập vào mỗi hành vi của cuộc sống. Nhưng trong quá trình thực thi luật lệ này, một điều bi đát đã xảy ra vì tôn giáo đã dần dần thoái hoá thành một hoạt động chỉ đơn thuần là chu toàn những nghi thức bên ngoài: Tuân giữ những nghi thức này thì được kể là đạo đức, là biết phụng sự Chúa. Để nói lên sự nguy hiểm của thói nệ luật ấy, William Barclay chứng tỏ rằng xét về mặt lý thuyết, người ta có thể căm ghét kẻ khác một cách sâu sắc từ trong trái tim, nhưng họ chẳng hề áy náy gì cả “bao lâu họ còn tuân thủ chặt chẽ nghi thức rửa tay và những nghi thức đúng đắn khác về vấn đề thanh tẩy”.

Để minh hoạ thói nệ luật này rõ hơn, Barclay kể thêm một câu chuyện có lẽ có ghi trong Nguỵ Thư nói về một người Hồi Giáo đuổi theo để giết kẻ thù của anh ta. Đang khi rượt theo kẻ thù ấy, chợt hồi chuông báo giờ cầu nguyện vang lên. Lập tức anh hồi giáo này nhảy ngay xuống ngựa, mở thánh kinh ra quì gối xuống và cầu kinh theo như luật định một cách hết sức lẹ làng. Đoạn, anh ta lại leo lên ngựa tiếp tục rượt theo kẻ thù. Đó chính là chủ nghĩa câu nệ lề luật mà Chúa Giêsu cực lực phản đối.

Tất cả những chuyện ấy dạy chúng ta điều gì? Nó cảnh cáo ta đừng rơi vào chủ nghĩa đồng hoá tôn giáo với việc chu toàn những hành vi bên ngoài. Chẳng hạn việc đi lễ, đọc kinh, đọc sách thánh, làm việc bố thí… tự chúng chưa bảo đảm rằng chúng ta thánh thiện đâu.

Lý do rất đơn giản là chúng ta có thể làm tất cả những điều này vì một lý do không mấy đúng đắn, hoặc chúng ta có thể làm tất cả điều này mà không phải do yêu thương, vì điều quan trọng không phải là việc chúng ta làm, mà chính là tình yêu trong trái tim đã thúc đẩy chúng ta làm việc đó. Nếu trái tim chúng ta chất đầy nỗi chua chát hoặc kiêu căng thì tất cả mọi nghi thức bề ngoài trước mắt thế gian cũng sẽ chẳng làm cho chúng ta thánh thiện trước mặt Chúa.

Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại tâm hồn mình, tự vấn xem mình đã áp dụng những lời trong bài đọc thứ hai chưa?

Anh chị em đừng đánh lừa mình khi cho rằng chỉ cần nghe lời Chúa là đủ… Tôn giáo tinh tuyền và chân thực phải là biết lo lắng cho kẻ mồ côi goá bụa.. và giữ mình khỏi bị băng hoại hư hỏng“.

Và liệu những lời của tiên tri Isaia mà Chúa Giêsu dùng trong bài Phúc Âm hôm nay bao gồm cả chúng ta không? “Đám dân này thờ Ta ngoài môi miệng, còn lòng dạ chúng thì quả thực là xa Ta“.

Tóm lại, điều cốt lõi trong tôn giáo không phải là chúng ta làm việc này việc nọ, mà chính là lý do thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy. Hành động của chúng ta phải phát xuất từ tình yêu, từ con tim: yêu Thiên Chúa và thương tha nhân.

Để kết thúc, chúng ta hãy nghiêm trang đọc lại những lời nói về Tình yêu của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô.

Dù cho tôi có biệt tài giảng thuyết… Dù cho đức tin tôi cực kỳ mạnh mẽ có thể dời núi chuyển non, mà nếu chẳng có Đức Ái thì tôi sẽ chẳng là gì cả. Dầu tôi dâng hiến tất cả mọi điều tôi có mà tôi không có Đức Ái thì điều ấy cũng chả lợi lộc gì cho tôi.

Tình yêu đòi hỏi sự kiên nhẫn và tử tế, không ganh tị, kiêu căng xấc láo, tình yêu khiến ta không vụng xử, không ích kỷ hay dễ nóng giận, tình yêu không để bụng chấp nhất những sai trái. Tình yêu không bao giờ lùi bước, tình yêu thì bất diệt. Vì thế, tình yêu chính là điều anh em phải nổ lực tìm kiếm“. (1Cr 13: 2-8; 14:1)

Lm. Mark Link, SJ

Theo các bài giảng Chúa nhật 22 Thường niên B

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *