Tin, cậy, mến và Thập Giá Đức Ki-tô

Mến

Cuối cùng chúng ta ngước nhìn lên tình yêu mà Đấng chịu đóng đinh dành cho ta. Tình yêu song phương giữa Đức Giê-su và người tín hữu trong bối cảnh thập giá là đề tài thứ ba của chúng ta. Đây là một đề tài không cần giả định nền tảng, bởi vì tình yêu mà ta bàn đến ở đây chỉ có những người đang thực sự yêu nhau mới có thể hiểu mà thôi. Tất cả mọi thứ tư biện về tình yêu đều sai lệch hết, huống chi ở đây là tình yêu của Đấng Con Thiên Chúa chịu đóng đinh và tình yêu mà ơn cứu độ nó mang đến có ý nghĩa cho toàn bộ cuộc sống chúng ta. Vì đặc tính phi nền tảng của tình yêu nên chúng ta chỉ có thể khiêm tốn đặt ra hai câu hỏi: Đấng chịu đóng đinh trên thập giá có yêu chúng ta, trong đó có tôi không? Tôi có khả năng yêu Ngài thực sự không?

Đức Giê-su trên thập giá có yêu tôi không? Ngài có thể biết gì về cuộc đời chỉ sống một lần và cụ thể của tôi không? Trong tình trạng u tối, bị Thiên Chúa bỏ rơi và bất lực hoàn toàn ở cõi chết, Đức Giê-su có biết đến tôi không? Trong khi đang chết mòn trên thập giá, tôi có chỗ trong lòng Ngài không? Và tình yêu ấy làm sao có thể xuyên không gian và thời gian để đến nơi và lúc tôi đang sống và sẽ chết đây? Đối với câu hỏi này chúng ta phải dùng đức tin mà trả lời „Có!“ cho dù câu trả lời ấy vẫn còn tăm tối đối với chúng ta, vì làm thế nào có được một tình yêu như thế trong trái tim một con người giới hạn và đang đi vào cõi chết. Kinh nghiệm sống động của Tin Mừng về Thần Khí của Đức Giê-su đã làm chứng về tình yêu ấy: Người đã yêu tôi và muốn hiến mình vì tôi. Nền thần học uyên bác tìm cách lý giải tình yêu được nói đến trong Kinh Thánh này trong mức có thể, như sau: tình yêu ấy chỉ ra sự thống nhất căn để giữa Ngôi Lời Thiên Chúa với thực tế đời nhân loại của Đức Giê-su, chỉ ra sự gắn kết giữa ý thức của bản tính thần linh với bản tính nhân loại. Sự thống nhất vừa nói nơi Đức Giê-su làm cho Ngài biết được từng cá thể con người, ngay cả trong ý thức nhân loại của Người.

Chúng ta có thể bàn thêm một chút về khả thể của một tình yêu như thế dưới một góc độ khác. Các phương diện và mức độ mà theo đó con người bước vào một tương quan và biến nó thành tình yêu thì rất đa dạng và vì thế cũng có nhiều kiểu tình yêu: tình yêu nông cạn, tình yêu „thường thường bậc trung“, hay tình yêu tận căn nằm trong cõi sâu nhất của hiện hữu. Vì thế, sự gần gũi về thể lý với nhau hay tạo cho nhau cảm giác hạnh phúc lúc này lúc kia suy cho cùng không là tình yêu tuyệt đối; tình yêu tuyệt đối là một tình yêu, trong khi thực sự đi vào cõi sâu nhất thì trở nên một và tồn tại mãi. Tuy nhiên dù trong ánh sáng chan hòa ân phúc hay trong tình trạng đêm tối chết người mà ai đó thực sự dám phó thác mình vào mầu nhiệm vô đáy một cách vô điều kiện, một mầu nhiệm giải thoát người ấy khỏi đêm tối của chính mình, và nhờ thế nảy sinh một tình yêu tối hậu, cũng là một tình yêu hy tế, và đồng thời mầu nhiệm ấy là nguyên lý và mục đích của mọi thực tại và mọi con người, thì lúc đó từ trong bóng tối tử thần, kẻ yêu mến đến liều mình ấy đã đạt đến cảnh vực sâu nhất của mọi thực tại và cận kề tất cả sinh linh. Đức Giê-su yêu tất cả, yêu tôi, vì Ngài hoàn toàn quên chính mình và vì thế từ phương thế bất khả thấu của mọi thực tại, mà chúng ta gọi là Thiên Chúa, từ tất cả những điều ấy và thậm chí trong cả cái chết của tôi nữa, Ngài hoàn toàn cận kề.

Tôi có thể yêu mến Chúa Giê-su không? Hay đó chỉ là một tình yêu lập dị, một ý thức hệ thiếu thực tế, một thứ nội quan thuần túy mang lòng đạo bình dân, hay là một thứ tình yêu bù trừ; thái độ ấy hình thành trong ta vì ta thấy mình có lỗi, nặng nợ với một con người cụ thể rõ ràng nào đó, những người mà ta phải gặp gỡ bằng xương bằng thịt mỗi ngày? Ta có thể tìm thấy câu trả lời này trong chương 25 Tin mừng Mat-thêu và thư thứ nhất của thánh Gioan: Theo các sách ấy, người ta chỉ có thể yêu mến Chúa Giê-su và Thiên Chúa thật, khi người ta thực sự yêu mến anh chị em mình. Khi ta yêu người thân cận mà không tính toán thiệt hơn và chấp nhận mọi nguy cơ, thì một tình yêu như thế, dù trong lòng hay diễn tả ra ngoài, đã là một đột phá đi vào thực tại bên kia, nơi Thiên Chúa và con người kết hợp mật thiết, nơi mà Thiên Chúa sẽ bảo đảm cho khả năng yêu, khả năng chịu đựng và là bảo đảm đầy ân phúc cho mọi nỗi nhọc nhằn, nguy nan của tình yêu con người. Thiên Chúa sẽ không để xảy ra cái nguy cơ thất bại cuối cùng nào trong tình yêu của con người, và con người, trong sự thống nhất ấy, sẽ có khả năng yêu mến Thiên Chúa nơi một anh em đồng loại. Sự thống nhất giữa hai mặt của tình yêu ấy có tên là vị Chúa-Người Giê-su Ki-tô. Một tình yêu tha nhân mà không hề để ý đến khả năng tự vệ trước nguy cơ vô lý của người khác dành cho mình thì hệ tại ở chỗ: nó sẽ đi vào cái nguy cơ tận căn nhất ấy của nó, giống như bước đột phá đi vào tình yêu của vị Chúa-Người, cho dù người đó đó có thật sự ý thức nó hay không. Tuy nhiên, ai là Ki-tô hữu thì đã biết điều đó. Khi anh ta ra sức yêu mến anh chị em mình thực sự thì anh ta có quyền hy vọng, rằng Giê-su sẽ yêu anh ta và tình yêu này, trong khi mang dáng dấp của cầu nguyện và hy vọng, và bằng những phương tiện rất cụ thể, sẽ tự trình bày chính mình.

Khi chiêm ngắm Đấng chịu đóng đinh bằng thái độ yêu thương, người tín hữu sẽ biết rằng: ở giữa sự vô nghĩa của những thất vọng, những điều khốn khổ, cảm giác tội lỗi và ám ảnh bởi cái chết của tôi, thì tôi được bao bọc bởi một tình yêu từ thuở đời đời. Nhờ tình yêu bao bọc tôi ấy, tôi được giải thoát trở nên tự do, để biết yêu mến Thiên Chúa và con người.

Chuyển dịch: Giuse Bùi Quang Minh, S.J.

Kiểm tra tương tự

Các Thiên thần Hộ Thủ – Người Bảo vệ và Đồng hành

Ý nghĩa của việc mừng lễ   + Tin rằng Chúa Quan Phòng đã giao …

Sự ra đi của Mẹ Maria: Niềm tin thời Giáo phụ và Trung cổ

Tháng Tám được đánh dấu bằng lễ trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *