Một chàng thanh niên nọ gặp một người thất thểu đến xin giúp đỡ, vì mẹ người đó bị bệnh mà không có tiền mua thuốc. Chàng thanh niên hào phóng liền giúp đỡ người đó. Mấy ngày sau, khi nói chuyện với bạn bè, chàng phát hiện ra mình bị lừa, vì người đó xin tiền để trục lợi chứ không phải vì mẹ bị bệnh. Chàng thấy mình đã mắc sai lầm khi giúp người kia; còn bạn bè thì chê cười rằng chàng khờ dại khi để lòng tốt bị lợi dụng. Sau lần đó, chàng còn gặp những trường hợp khác xin giúp đỡ nữa. Mặc dù có khi chàng cũng động lòng, nhưng cái cảm giác từng bị lừa khiến chàng chùn tay, không giúp đỡ ai nữa.
Đó là câu chuyện không hiếm trong xã hội chúng ta ngày nay. Sự dối trá tràn lan khiến người ta cảnh giác, sợ mình bị lừa, bị xem là khờ dại. Có hai hệ luỵ nguy hiểm ở đây. Thứ nhất, sẽ có rất nhiều người thật sự cần được giúp đỡ, nhưng lại không được giúp; và thứ hai, xã hội nói chung và con người nói riêng sẽ ngày càng trở nên vô cảm hơn, trái tim sẽ ngày càng đóng kín hơn, bởi chưng tình yêu chỉ có thể được lớn lên, được rộng mở bằng hành động cụ thể chứ không phải chỉ bằng suy nghĩ hay lời nói. Hẳn không ai muốn chứng kiến một xã hội như thế. Nhưng cũng đâu ai muốn gặp sai lầm, đâu ai muốn bị coi là khờ dại! Vậy, liệu có lý do nào khiến chúng ta sẵn sàng chấp nhận có những sai lầm và tiếp tục dấn thân vì tình yêu? Để trả lời câu hỏi này, ta phải quay lại tìm hiểu câu hỏi về tình yêu.
Trước hết, cần nói rõ rằng tình yêu thật sự sẽ không bao giờ mù quáng, mà ngược lại, khôn ngoan của tình yêu thì lớn hơn khôn ngoan thuần tuý của suy lý. Hiểu biết do tình yêu bao gồm cả hiểu biết do lý trí, nhưng sâu rộng hơn. Những gì là sáng kiến, sáng tạo thì đều khởi xuất từ tình yêu. Ví dụ, một bà mẹ tất nhiên biết dùng khôn ngoan lý trí của mình để chăm sóc con cái. Nhưng tình yêu khiến bà vận dụng tất cả mọi hiểu biết, và đồng thời, tìm kiếm, khám phá thêm những gì thích hợp nhất cho con mình trong hoàn cảnh nhất định. Hơn nữa, tình yêu giúp bà có thêm ‘cảm quan – trực giác’ về tình trạng của con mình. Nó là thứ hiểu biết sâu hơn và tự nhiên hơn so với ý thức thuần lý; nó có được nhờ ‘kinh nghiệm’ sống mối tương quan chặt chẽ với ai đó. Vì thế, không ai chăm sóc em bé tốt hơn bà mẹ của đứa trẻ, vì tình yêu khiến bà biết rõ con mình thật sự cần những gì. Thư thế, hành động vì tình yêu không có nghĩa là hành động một cách mù quáng, không suy xét. Thậm chí, ta phải nói ngược lại rằng hành động vì tình yêu là những hành động vốn được suy xét rất kỹ từ nhiều góc độ khác nhau. Do đó, dù có thể có những sai lầm nhất định khi chúng ta dấn thân vì tình yêu (vì con người vốn dĩ hữu hạn), nhưng nó không phải là lỗi của tình yêu!
Người có tình yêu lớn rõ ràng ý thức được khả thể những sai lầm có thể xảy ra từ việc dấn thân của họ. Tuy nhiên, vấn đề là khả thể sai lầm không khiến họ chùn bước. Chúng không trở thành rào cản hay tường thành đóng kín trái tim họ. Tình yêu họ lớn lao đến mức họ chẳng cảm thấy xấu hổ nếu bị chê là dại khờ. Đối với họ, nếu có xảy ra sai lầm thì nó cũng không quá lớn nếu so với những thành quả mà hành động tình yêu mang lại. Nói cách khác, khi hành động vì tình yêu, họ đã đồng thời chấp nhận và đón nhận trước những sai lầm; và đã sẵn sàng tinh thần sửa sai. Do đó, người yêu nhiều sẽ ít sợ những sai lầm trong việc dấn thân cho tha nhân.
Ngược lại, người yêu ít thì luôn sợ khả thể sai lầm khi dấn thân. Trái tim họ không đủ lớn để vượt qua rào cản của khả thể sai lầm hay sự khinh chê của người đời. Vì thế, nếu một khi đã suy xét kỹ điều gì đó, và lương tâm ta mách bảo cần dấn thân cho điều gì đó, nhưng ta vẫn không làm vì sợ sai lầm, thì chẳng qua là vì tình yêu của ta chưa đủ lớn mà thôi!
Điều này không chỉ diễn ra ở phạm vi đời sống xã hội, mà còn cả trong phạm vi đức tin nữa. Ví dụ, một số người chỉ trích Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, sợ rằng cách thức dấn thân của ngài sẽ gây nên những sai lầm, nhất là những gì liên hệ đến tín lý. Ta có quyền đặt câu hỏi: thật sự họ đang muốn bảo vệ điều gì? Họ có thật sự muốn bảo vệ giáo huấn của Đấng tự xưng mình là Tình Yêu, hay rốt cuộc họ bị ‘dính chặt’ vào những con chữ của lề luật, của giáo điều. Tất nhiên việc cố gắng bảo vệ Giáo lý là một việc làm rất chính đáng, thậm chí là cần thiết cho Giáo hội, vì họ sẽ đóng vai trò là những người cảnh tỉnh. Tuy nhiên, nếu nhân danh sự bảo vệ để chống lại năng động dấn thân của Giáo hội, vốn bao hàm khả thể có những sai lầm nhất định, thì rõ ràng họ chưa đi ra khỏi chính mình để thấy những nhu cầu thật sự của anh chị em mình, nhất là của những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, những người bé mọn– những người vốn được chính Đức Ki-tô đồng hóa với thân phận của Ngài. Hơn nữa, nó chứng tỏ đức tin của họ cũng không đủ lớn để trông cậy vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hoạt động trong Giáo hội, và hẳn là luôn soi dẫn cho những ai hiến thân hết mình vì tha nhân. Thiết tưởng, căn tính của Giáo hội hệ ở việc phục vụ và dẫn đưa con người vào Vương Quốc Tình Yêu của Thiên Chúa. Giáo lý và lề luật sẽ thực sự mang lấy nội dung của nó khi Giáo hội thực thi căn tính này, còn các con chữ chỉ là phần ‘vỏ’ mà thôi! Có lẽ điều đó giải thích tại sao Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình.”[1]
Với tính chất của tình yêu như thế, câu hỏi lúc đầu của ta đã không còn quan trọng nữa. Nó được thay thế bằng câu tự vấn khác: liệu tình yêu của tôi đã đủ lớn để dấn thân cho tha nhân trong tinh thần sẵn sàng chấp nhận khả thể sai lầm? Và nếu nhận thấy tình yêu của mình chưa đủ lớn, thì chí ít là chúng ta cần có khát khao phát triển tình yêu của mình, khát khao mở rộng lòng mình. Khát khao đó giúp chúng ta ý thức việc mình cần thực hành dấn thân để từng bước vượt qua khỏi rào cản đến từ nỗi sợ khả thể sai lầm. Sau hết, tất cả tình yêu đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì thế, dù ở trong trạng thái hay hoàn cảnh nào, ta cũng cần cầu nguyện, xin Thiên Chúa thánh hoá và mở rộng trái tim mình. Ước gì sự thiện tâm được toả sáng trong cuộc đời mỗi người chúng ta!
An-tôn Trần Khắc Bá, SJ