ĐỨC THÁNH CHA GẶP GỠ CÁC DOANH NHÂN CÔNG GIÁO
VATICAN. Hôm 10.5 vừa qua, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến với 400 tham dự viên tham dự khóa hội thảo của Tổ chức “Centesimus Annus”, Thông điệp năm thứ 100 của Đức Gioan Phaolô 2.
Đức Thánh Cha mời gọi các doanh nhân công giáo hãy đối chiếu Tin Mừng với thực tại mình hoạt động trong đó. Tin mừng đòi chúng ta phải đặt con người và công ích lên hàng đầu, thi hành phận sự của mình làm sao để có những cơ hội công ăn việc làm, lao công xứng đáng. “Dĩ nhiên, các doanh nhân không thể thực thi công tác này một cách đơn độc nhưng cộng tác với những người khác, cùng chia sẻ căn bản luân lý đạo đức và tìm cách mở rộng mạng lưới của mình bao nhiêu có thể.” – ngài nói.
ĐỨC THÁNH CHA GẶP GỠ CÁC THÀNH VIÊN TU HỘI ĐỜI ITALIA
VATICAN. Hôm 10.5 vừa qua, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 200 thành viên thuộc Hội đồng các tu hội đời ở Italia. Ngài buổi gặp gỡ, ĐTC đã đề cao ơn gọi và sứ mạng của các thành viên các tu hội đời, cứu vớt thế giới từ bên trong. Ngài khuyến khích họ hãy quan tâm tới con người và những khát vọng sâu xa nhất của họ, gần gũi với con người, những vết thương, những khắc khoải và nhu cầu của họ.
Ngài cũng chia sẻ thêm: “Việc sống giữa đời của anh chị em không phải chỉ là một hoàn cảnh xã hội học, nhưng còn là một thực tại hướng thần, kêu gọi anh chị em trở thành người ý thức, quan tâm, nhận thấy và động chạm đến thân mình của người anh em… Nếu điều ấy không xảy ra thì anh chị em cần phải thay đổi cho phù hợp.”
ĐỨC THÁNH CHA GẶP GỠ 150 NGÀN HỌC SINH CÔNG GIÁO
VATICAN. Chiều ngày 10.5, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ 150 ngàn người gồm các vị lãnh đạo, giáo chức và các học sinh các trường tại Italia, đặc biệt là các trường Công Giáo. Hiện diện trong buổi gặp gỡ này có ĐHY Angle Bagnasco, TGM Benova, chủ tịch HĐGM Italia và bà bộ trưởng Bộ Giáo Dục Stefania Giannini, cùng với các thành viên Phong trào Công Giáo Tiến Hành Italia, các nhân viên mục vụ học đường, gia đình và giới trẻ.
Chương trình gặp gỡ bắt đầu lúc 15h30 với phần sinh hoạt của các học sinh. Lúc 16h15, ĐTC tiến vào quảng trường, đi xe zip để chào thăm mọi người trước khi chính thức bắt đầu cuộc gặp gỡ từ 17h đến 18h30.
ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN CÁC VIỆN TRƯỞNG VÀ SINH VIÊN HỌC VIỆN GIÁO HOÀNG
VATICAN. Sáng 12.5 vừa qua, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các vị Viện trưởng, giám đốc và sinh viên các Học Viện Giáo Hoàng ở Roma. Trong dịp này, ngài đã chia sẻ với các linh mục và chủng sinh sinh viên đến từ Trung Đông và Ucraina. Ngài bày tỏ sự gần gũi với họ trong thời điểm thử thách này.
Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng: “Có 4 trụ cột trong việc đào tạo linh mục: thiêng liêng, trí thức, tông đồ và cộng đoàn. Anh em được gửi đến Rôma này chủ yếu là để được huấn luyện về trí thức, nhưng anh em cũng phải đồng thời vun trồng 3 cột trụ khác. Tôi không thể hiểu được một linh mục đến đây để học lấy bằng mà lại không có đời sống cộng đoàn, không tu luyện thiêng liêng, thánh lễ và kinh nguyện, cầu nguyện hay đời sống tông đồ”.
ĐỨC PHAOLÔ 6 SẼ ĐƯỢC PHONG CHÂN PHƯỚC VÀO THÁNG 10 SẮP TỚI
VATICAN. Thông tin của Bộ Phong Thánh cho hay, Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 sẽ được phong chân phước vào Chúa Nhật ngày 19.10 năm nay tại Vatican. Hôm 10.5 vừa qua, ĐHY Tổng Trưởng Angelo Amato đã gặp Đức Thánh Cha và được ĐTC cho phép công bố sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Đức Phaolô 6. Đức Phaolô 6 tên thật là Giovanni Battista Montini. Sinh ngày 16.9.1897, qua đời ngày 6.8.1978, thọ 81 tuổi, sau 15 năm làm Giáo Hoàng.
Cùng ngày, Bộ phong thánh cũng công bố 4 sắc lệnh khác liên quan đến án phong chân phước của 4 vị tôi tớ Chúa gồm 2 linh mục Italia, 1 linh mục dòng Tên người Tây Ban Nha, và Nữ tu carla Barbara Colchen Carré de Malberg, sáng lập dòng nữ tử thánh Phanxicô de Sale.
PHẢN ỨNG TỪ VIỆC CÁC NỮ SINH BỊ BẮT CÓC Ở NIGERIA
LAGOS. Về vụ việc 250 nữ sinh tại trường trung học công lập ở thành phố Chibok bang Borno bị nhóm Boko Haram bắt cóc hồi trung tuần tháng tư vừa qua, dư luận ở khắp nơi trên thế giới, kể cả Tòa Thánh và Nhà Trắng của Hoa Kỳ đã bày tỏ rất nhiều sự quan tâm. Hôm 7.5 vừa qua, Nhà Trắng tuyên bố giúp đỡ chính phủ Nigeria về quân sự, an ninh và tình báo để sớm tìm ra và giải thoát các nữ sinh. Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cha Lombardi, cũng mạnh mẽ lên án hành động này của nhóm Boko Haram.
Nhiều nhóm tôn giáo tại bang Borno ở miền Đông Bắc Nigeria tổ chức các buổi cầu nguyện và các hoạt động khác để kêu gọi trả tự do cho các nữ sinh này.
ĐỨC THÁNH CHA CÓ THỂ VIẾNG THĂM SRI LANKA
MANNAR. Đức cha Rayappu Joseph tiết lộ thông tin cho biết, có thể Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Sri Lanka từ ngày 13.1 đến ngày 15.1 năm tới. Đức Cha cho biết: “Ngày 13.1, gài đến Sri Lanka, vào buổi chiều, ngài sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo trong nước. Ngài 14.1, ngài sẽ cử hành thánh lễ trọng thể với các tín hữu tại nước này. Ban nhiều ngài đi viếng Đền Thánh Đức Mẹ Madhu ở giáo phận Mannar, bắc Sri Lanka.”
Đức Cha nói thên: “Chúng tôi chưa chắc chắn về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại đền thánh, nhưng nếu đến đó, chắc chắn ngài sẽ thấy hàng trăm ngàn người tiếp đón ngài. Ngày 15.1, có thể ngài sẽ đi Philippines.” Hiện tại, phòng báo chí Tòa Thánh chưa xác định gì về việc viếng thăm này của Đức Thánh Cha.
CÁC QUÂN NHÂN QUỐC TẾ THAM DỰ HÀNH HƯƠNG LỘ ĐỨC
LỘ ĐỨC. Từ ngày 14.5, khoảng 10 ngàn quân nhân quốc tế, từ 30 quốc gia, đang tham dự cuộc hành hương thường niêm lần thứ 56 tại Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức. Cuộc hành hương của các quân nhân Công Giáo kéo dài một tuần, năm nay có chủ đề là “Phục vụ Chúa Kitô, phục vụ hòa bình. Đức Cha Luc Ravel, Giám Mục giáo hạt quân đội Pháp đứng ra mời các quân nhân Công Giáo từ các nước khác đến tham dự.
Các quân nhân Công Giáo bắt đầu tổ chức hành hương chung tại Lộ Đức từ năm 1958. Tòa Giám Mục Quân Đội Đức cho biết cho đến nay, tổng cộng có hơn 100 ngàn quân nhân Công Giáo Đức tham dự các cuộc hành hương này.
CÁC GIÁM MỤC THÁI LAN TẶNG THÁNH TÍCH HAI VỊ GIÁO HOÀNG CHO NHÀ VUA
BANGKOK. Chiều ngày 11.5 vừa qua, Quốc Vương Thái Lan, ông Bhumibol đã dành cho các Giám Mục Thái Lan một buổi tiếp kiến. Nhân dịp này, các Giám Mục đã tặng cho Quốc Vương thánh tích của hai vị giáo hoàng mới được tôn phong hiển thánh. Đó là một mặt nhật đựng da của Đức Gioan 23 và một bình đựng máu của Đức Gioan Phaolô 2. Sau đó, các Giám Mục đã cùng cầu nguyện cho Quốc Vương và Hoàng Hậu.
Quốc Vương năm nay đã 87 tuổi, tại vị từ 64 năm nay. Ngài đã được Đức Giáo Hoàng Gioan 23 tiếp kiến vào năm 1960 tại Vatican và ngài cũng đã gặp ĐGH Gioan Phaolô 2 vào năm 1984 tại Thái Lan. Thái Lan hiện có khoảng 65 triệu dân cư, trong đó có 400 ngàn người là tín hữu Công Giáo.
CHUẨN BỊ TÀI LIỆU LÀM VIỆC CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VỀ GIA ĐÌNH
VATICAN. Trong hai ngày 13 và 14.5 vừa qua, Hội đồng Thượng HĐGM đã nhóm họp để chuẩn bị tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt về gia đình sẽ tiến hành tại Vatican từ ngày 5 đến ngày 19.10 năm nay về gia đình. Phiên họp ngày 13.5 do chính Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự. Dự thảo tài liệu làm việc đã được bổ túc bằng các đề nghị được đưa ra trong cuộc thảo luận. Các Hồng Y và Giám Mục thành viên của Hội đồng cũng đã thảo luận về phương pháp mới của Thượng Hội Đồng Giám Mục.
Tham dự khóa họp hai ngày này, ngoài 15 thành viên thường lệ còn có sự hiện diện của một số vị Hồng y và chức sắc của Công nghị Giám Mục thế giới năm nay như ĐHY Peter Erdoe, người Hungari, Tổng tường trình viên, Đức TGM Brino Forte, Tổng thư ký đặc biệt, ĐHY Luis Antonio Tagle, TGM Manila, Chủ tịch thừa ủy.
MỘT NỮ BÁC SĨ KITÔ SUDAN BỊ KẾT ÁN TỬ HÌNH
KHARTUM. Một nữ bác sĩ 27 tuổi người Sudan, bà Meriam Yeilah Ibrahim, có thai tháng thứ 8, đã bị phạt đánh đòn 100 roi và sau đó bị phạt tử hình treo cổ vì bị cho là bỏ Hồi Giáo theo Kitô giáo. Quan tòa cho rằng thân phụ bà là một tín hữu Hồi Giáo nên bà cũng đương nhiên là người Hồi Giáo, và việc bà kết hôn với một người Kitô giáo là phạm tội ngoại tình.
Tuy nhiên, bà Ibrahim cho rằng: “Tôi là một Kitô hữu và tôi không hề phạm tội bỏ đạo Hồi”. Thân phụ bà là một người Hồi Giáo Sudan, nhưng mẹ bà là một tín hữu Chính Thống Etiopia. Mẹ bà đã bị chồng bỏ rơi khi Ibrahim mới được 6 tuổi và cô bé lớn lên trong Kitô giáo. Tổ chức ân xá thế giới tuyên bố rằng đây thật là một điều kinh tởm khi lên án tử hình cho một người vì tín ngưỡng hoặc đánh đòn họ vì họ kết hôn với một người khác đạo. Các đại sữ quán Mỹ, Anh, Canada, Hà Lan ở thủ đô Khartum đã yêu cầu chính phủ Sudan tôn trọng quyền tự do tôn giáo, kể cả quyền của mỗi người được tự do thay đổi tín ngưỡng, một quyền được công pháp quốc tế và cả hiến pháp Sudan công nhận hồi năm 2005.
Tổng hợp và biên tập: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ