(Truyện ngắn)
__________________________________________
“Phải chăng có những thứ kiến thức đâu chỉ truyền đạt bằng môi miệng, những giải thích dông dài, hoặc những lý chứng cao siêu vì đó không chỉ là kiến thức trên đầu óc mà là tâm thức nơi chính con tim.”
__________________________________________
Nó được học nhiều lĩnh vực lắm. Ngoài mớ kiến thức triết đông lẫn triết tây, nó được hướng dẫn đọc và nghiên cứu từ cổ chí kim những chuyện mà bao đời người ta vẫn đặt vấn đề, được tham dự những cuộc tranh luận với thầy cô và bạn bè qua những giờ lớp vì đặt vấn đề hợp lý và đúng đắn là tiến trình sản sinh ra triết học, được tiếp cận bao nhiêu tác giả nổi tiếng trên thế giới và ghi chép biết bao nhiêu giấy tập để ghi nhớ, hệ thống. Nó muốn thành một người nổi tiếng, rạng danh cho tía má và chính nó.
Có những lúc về thăm nhà, nó ngồi kể đủ thứ chuyện, rồi vận dụng mớ kiến thức mà học được cho má nghe. “Ờ! Ông… ở bên Mỹ ổng nói như vậy. Ý ổng có nghĩa như vậy…”, “Còn bà… ở bên Pháp cũng bàn về vấn đề đó mà bả nói ngược lại với ông kia”. Còn coi trên truyền hình thấy sự kiện này kia thì nó phân tích đủ mọi khía cạnh cho má nghe: Chính trị, nhân văn, con người, những người lãnh đạo và chính sách của họ… Má nghe và ngó chăm chú như là ngưỡng mộ thằng con. Trời! Thằng nhỏ hồi đó khờ căm mà đi học có một thời gian nó thông minh quá trời. Nói chuyện toàn lôi mấy ông nước ngoài ra, nhiều khi có mấy người hàng xóm ngồi cạnh bên cũng khen lấy khen để. “Bà có thằng nhỏ bảnh quá trời! Nói chuyện nghe giỏi quá trời quá đất!” Má cũng vui lây bởi cái giỏi giang của nó.
Đi tới ngóc ngách nào trong xóm má cũng khoe thành tích của nó. Nào là bằng cử nhân hạng nhứt. Nào là bằng công nhận biết dùng hai ba thứ ngôn ngữ. Nào là bao nhiêu bằng cấp chứng nhận này nọ mà nó đạt được suốt bao nhiêu năm trời học hành tốt trên Sài Gòn. Rồi dạo này nó được học ba cái triết học gì đó… cao lắm! Nói chuyện toàn mấy ông bà tây. Còn nó… mỗi khi nghe được khen thì sướng rơn người, cái mặt kênh lên cho thiên hạ dòm, đi cái tướng xà bang gây chú ý. Nó nghĩ nó là kẻ mang lại niềm tự hào của má. Mà nói đúng hơn nó nghĩ mớ kiến thức của nó là món quà đầy đủ và ý nghĩa nhất dành cho má rồi.
Đang nằm trên võng đọc sách, nó hít mấy hơi thoảng mùi củi cháy, nó chạy vô buồng mở cái va-li đựng quần áo lấy khẩu trang bịch vô vội vã. Ngẩn ngơ suy nghĩ gì đó một chút rồi nó cầm cuốn sách ra gốc cây ổi gần ao để đọc sách, mặt vẫn giữ khư khư cái khẩu trang y tế ba lớp. Thở hơi “khì! Khì”.
-“Má ơi!”
Má vừa gắp miếng cá kho cho vô chén cơm của nó, vừa trả lời:
-“Gì con?”
-“Mai mốt má nấu cơm bếp ga nhen! Đừng nấu bếp củi nữa. Vừa gây khói ô nhiễm môi trường, vừa ảnh hưởng sức khỏe của má, rồi dơ bẩn nhà cửa nữa. Đã vậy, người ngoài ngửi mùi cũng khó chịu.”
Má và miếng cơm trắng có lẽ định không trả lời, nhưng nhìn khuôn mặt nó đang chờ sự đồng ý của má, má biểu:
-“Nhưng mình ở nhà quê mà con! Nhà nào mà hổng nấu cơm củi. Củi đầy đường mà hổng nấu hổng lẽ bỏ phí. Trong khi ga mắc quá trời!”
Nó nói lại:
-“Nhưng khí thải mà củi cháy tỏa ra nhiều chất độc lắm!”
Má biểu:
-“Cái thằng! Độc gì hổng biết! Má nấu cơm củi gần hết tuổi đời còn gì! Từ nhỏ tới lớn má nuôi con bằng cơm củi, nước cơm, đồ ăn cũng nấu bếp củi, mà con cũng lớn khù khù, có bệnh tật gì đâu!”
Nó cãi lại:
-“Nhưng khoa học chứng minh cái chất độc nó ghê lắm! Nó ảnh hưởng sức khỏe lâu dài chứ đâu có ảnh hưởng liền đâu mà má thấy!”
Má như giận lẫy, biểu:
-“Thôi! Tui biết rồi! Mà tui cũng sắp chết tới nơi rồi, lo gì bệnh tật nữa! Có chú còn trẻ, coi đặng hổng đặng quầy dzià Sài Gòn chớ hông ở đây hít khói củi bệnh chết!”
Nghe má đổi cách xưng hô, nó biết má giận nó, nên nó giả lả làm hòa thay vì bàn cãi tiếp. Bữa cơm trưa hôm ấy vẫn tiếp tục nhưng đượm chút buồn. Chuyện ấy làm nó suy nghĩ cả buổi chiều và tối hôm ấy, cho tới khi lên giường ngủ vẫn còn trằn trọc. Nó không e dè khi làm má buồn, cho bằng không biết làm sao để bẻ những lý luận vô chứng cớ của má. Nghe mà tức cành hông. Nhớ lại câu lẫy của má trưa nay, nó in hoài hình ảnh người mẹ cổ hũ và chẳng chịu thay đổi cho hợp thời.
Mấy hôm nay thời tiết lạnh ùa về bất chợt. Má hay bị ho từ độ chiều cho tới sáng hôm sau, tới khi mặt trời mọc lên thì hết ho. Nó nhắc má mặc áo lạnh và ngủ sớm, nhưng tối nào má cũng thức thật khuya nhồi bột làm bánh cho nó ăn, vì sợ bột dính vào áo lạnh nên má chẳng bao giờ mặc áo khi trời trở gió. Cũng vì thời gian nó về thăm nhà chỉ được một tuần, nên má tranh thủ làm mấy thứ bánh nó thích cho thằng “quý tử” ăn. Có những món bánh phải tranh thủ ban đêm nhồi bột rồi cho men vô để hôm sau có bánh cho nó ăn. Có khi ngồi cặm cụi nặn hình con này con kia trước khi cho bột vô lò nướng. Cũng vì làm việc quá sức mà má càng ho nhiều hơn. Nó tìm cách nói để má không thức khuya dậy sớm nữa:
-“Má ơi! Ba cái thứ bánh này người ta bán ngoài siêu thị nhiều lắm! Nhãn mác đẹp và sạch sẽ luôn! Má khỏi thức khuya làm cho con ăn nữa!”
Má biểu:
-“Cái thằng! Bánh má làm mới ngon! Bánh người ta bán toàn đường hóa học với phẩm màu chớ bổ béo gì!”
Nó phản biện lại:
-“Đâu có! Giờ người ta có bột tinh luyện, đóng gói và bảo quản kỹ lưỡng. Còn phẩm màu với đường hóa học đố ai dám dùng, mấy ông quản lý thị trường mà phát hiện thì có mà sập tiệm. Còn an toàn thì khỏi phải nói!”
Má không chịu liền nói:
-“Nhưng bánh người ta làm dơ lắm! Ở nhà mình làm sạch hơn!”
Nó cũng cãi lại:
-“Sao sạch hơn được má! Người ta làm bằng dây chuyền máy móc chớ có ai rớ ngón tay nhào bột như má đâu mà biểu dơ!”
Chợt nó lại thấy má đượm buồn. Mớ bánh thục linh má mới làm xong còn nguyên trên đĩa chưa mất cái nào. Mấy cái hình mặt cười, mặt méo, ngôi sao, mặt trời… trên mặt bánh thiệt tươi, nhưng má lại buồn rười rượi.
Lần này hình như má không giận lẫy mà là giận… thiệt. Má hổng nói tiếng nào, nước mắt rớt lã chã, kéo tay áo dụi liên hồi mà nước mắt vẫn rơi. Nó cũng tự ái một trời ngồi im khe, mà lòng sục sôi ý tưởng: “Công nhận má ngộ thiệt luôn! Lý luận gì mà chẳng có chứng cớ gì. Người ta nói hợp lý quá trời mà cứ cãi!” Hồi sau, nó biết nó phải xin lỗi má vì… những câu cãi của nó, dù lý trí vẫn tin nó đúng còn má thì sai. Ngồi sát gần chỗ má, nó lấy tay vuốt vuốt tấm lưng má, má vẫn khóc, nó khẽ nói:
-“Má! Con xin lỗi má! Con chỉ muốn tốt cho má thôi!”
Má bớt rơi nước mắt khẽ nhìn thằng con mà chính mình rứt ruột đẻ ra. Nó lớn lắm rồi, khuôn mặt nhiều góc cạnh và thâm trầm nét người lớn. Như thể giật mình vì quên nó đã lớn, má ngồi né xa nó ra tỏ vẻ ngần ngại. Nhưng càng tránh xa nó càng ôm má siết hơn. Má òa khóc :
-“Thôi! Chịu khó đi con! Chắc ở đây không quen! Con dzìa Sài Gòn quen hơn!”
Câu nói khiến nó thắt lòng cứng ngắt, như thể vặn thêm một vòng nữa thì mọi thứ có trong lòng nó sẽ vỡ ra. Nó quỳ mọp xuống cạnh má. Nó khóc òa chứ không nói gì được nữa. Má lại nói tiếp nhưng lần này nghẹn ngào:
-“Đép tới! Con có muốn dzìa thì cứ dzìa. Hổng dzìa cũng hổng sao. Nếu mớ khói củi với mớ bánh mất vệ sinh khiến con khó chịu thì con cũng không cần miễn cưỡng!”
Má nằm quay mặt vô vách mà bờ vai vẫn giật nhè nhẹ cả đêm. Còn nó thì nguyên đêm mở mắt nghĩ về những lời của má. Tới lúc này nó dần hiểu ra không phải má nói chuyện vô lý, mà rất hợp lý, nhưng cái lý ấy lại được đặt trong tình thương mà má dành riêng cho nó. Má chẳng giải thích gì cả, chỉ khóc thôi cũng đủ khiến nó ngẫm lại bao điều. Phải chăng có những thứ kiến thức đâu chỉ truyền đạt bằng môi miệng, những giải thích dông dài, hoặc những lý chứng cao siêu vì đó không chỉ là kiến thức trên đầu óc mà là tâm thức nơi chính con tim. Cũng có những thứ kiến thức chẳng cần bác bỏ hay biện luận vì cái kết cuối cùng của nó là chinh phục mọi bề tư tưởng, cảm xúc và hành động của người khác.
Đặt chiếc va-li sát giường, nó ngồi sát bên má, nắm đôi bàn tay gầy guộc trơ xương của má, nó thủ thỉ trong nước mắt:
-“Má à! Con… con xin lỗi má! Con học đủ thứ chuyện, học bao nhiêu mớ kiến thức cao rộng, học bao nhiêu ông bà nổi tiếng, mà con chưa học được cái định nghĩa về tình thương má dành cho con. Con biết nhờ cái khói củi độc hại đó mà má nuôi con ròng rã mười tám năm trời cho tới ngày lên Sài Gòn ăn học. Con nhận ra má nuôi con bằng cái nghề làm bánh suốt bao nhiêu năm trời. Con biết tiền con ăn học một phần vay mượn và một phần từ những cái bánh mà con cho là “mất vệ sinh” này mà ra.
Má à! Con xin lỗi vì con quên điều hồi nhỏ tía má dạy cho con là học để làm người. Lâu nay con chỉ học vì công danh, lương bổng. Để giờ quay về đòi lên mặt dạy đời vì ta đây học rộng biết nhiều. Con sai rồi! Má! Con xin lỗi má! Má bỏ qua cho con nghen má!”
Nó nghĩ má vẫn chưa nguôi ngoai nỗi buồn, nó quỳ xuống bên má khóc ròng. Má chẳng trả lời điều gì về lời xin lỗi của nó, như thể đã quên mọi chuyện, môi mỉm cười rồi lấy bàn tay rờ cái mặt đẹp trai và mái tóc bồng bềnh của nó. “Ừ! Đi mạnh giỏi nghen con! Chừng nào quởn dzìa thăm má!”
Little Stream