Phương Pháp Dàn Dựng :
Để giúp khán thính giả dễ tiếp thu nội dung chương trình, chúng tôi không “lên bục giảng bài” trên màn ảnh, mà truyền đạt bài học bằng những hoạt cảnh, những vở kịch, những câu chuyện dễ gây hứng thú, để mọi người sau khi nghe – nhìn các sinh hoạt trên màn ảnh, dễ dàng kể lại cho ngườl khác những gì mình đã chứng kiến. Vì khán thính giả bình dân không thể ngồi nghe giảng dạy như học sinh trong trường lớp, chúng tôi thành lập một nhóm diễn viên cùng chúng tôi dựng kịch, kể cả hài kịch, có khi đệm cải lương , vọng cổ… để gây hứng thú giúp khán giả dễ nhập tâm hơn.
Phương Pháp Làm Việc Tại Phim Trường
Nhờ có một phim trường – studio – rộng thoáng 50m vuông, trang thiết bị tương đối đầy đủ, sau khi kịch bản được thảo luận và thông qua, chúng tôi xông vào “chiến trường” để mỗi người cùng “ tác chiến”, thi hành nhiệm vụ của mình : từ dựng cảnh, chuẩn bị âm thanh, ánh sáng, máy thu hình, trang trí, thiết kế, trang phục, diễn xuất… dưới sự điều khiển của đạo diễn và của phụ tá đạo diễn. Bao giờ có lệnh “Stand by” ( Hãy sẵn sàng ) là các bộ phận chuẩn bị phát động theo lệnh của đạo diễn, từ tập dượt đến thu hình…
Cứ sáng thứ hai mỗi tuần, các tác phẩm đã hoàn thành được chiếu lên màn ảnh để đội sản xuất cùng ban Giám đốc kiểm duyệt, lượng giá (có người nói chỗ này rất tốt, nhưng thiếu chỗ này, thêm chỗ kia, bỏ cái này… ), nếu cần sửa chữa trước khi đưa đi phát sóng.
Trong studio thì cha Desautels lo về máy móc.
Tôi là người phụ trách tất cả các kịch bản: viết + kiểm duyệt các kịch bản do người khác viết. Lúc đó ít người viết lắm.
Vấn đề sức khỏe trong các chương trình thì chúng tôi nhờ ông nha sĩ.
Tại trung tâm truyền hình Đắc Lộ, cha Quercetti chỉ là giám đốc thôi chứ không xuống làm cái này cái nọ trong các công đoạn làm phim. Cách làm phim như sau: thứ nhất trung tâm có một đội ngũ diễn viên, chúng tôi chọn một vài người có tinh thần (vì những người có lý tưởng mới làm cái nghề này được), biết đóng kịch, biết hát vì nhiều khi trong cái băng đó nhân vật phải biết hát vọng cổ, cải lương (vì như vậy dân mới thích), phải biết đóng vai này vai kia. Thực tế dàn viễn viên chỉ có bốn, năm người thôi nhưng họ có tài diễn xuất, là những diên viên chính. Còn diễn viên phụ thì tận dụng nhiều người khác nhau, ví dụ nhiều khi đem thằng con nít vào cho nó đóng vai bị mẹ đánh. Biên tập viên thì ít lắm, chỉ có tôi và thêm một hai người nữa là nhiều rồi.
Tôi phải đọc hết các kịch bản, rồi đưa cho cha Quercetti đọc, sau đó xuống phân công các vai và phân chia trách vụ (người lo ánh sáng, âm nhạc, thu thanh…). Thường thì đóng phim trong phim trường (studio), nhưng nhiều khi cần thì đi quay ở ngoài, ví dụ như ngoài chợ, trên bờ sông, trên đồng ruộng nơi những người nông dân đang làm việc cực nhọc. Để trình bày cho người dân biết cách trồng lúa, chăn nuôi, trồng cây v.v… thì chúng tôi phải đi quay thực địa. Thành ra các chương trình truyền hình rất gần với đời sống chứ không chỉ trên sân khấu mà thôi. Sân khấu là nơi diễn tả lại những thực tại nơi cuộc sống của con người, đưa ra những giải đáp cho những khó khăn mà con người gặp. Cho nên khi các cán bộ nhà nước qua xem các chương trình chúng tôi đã làm, đến chỗ em yêu khoa học, họ phục lắm: “trình độ khá quá, có kiến thức, có tâm hồn”. Vì mình làm vì ích lợi người dân chứ không vì lợi cho ai hết.
Câu Lạc Bộ Truyền Hình Giáo Dục
Phim tốt rồi thì đem đi đâu chiếu? Trước hết là nhắm đài truyền hình thời đó (do Mỹ quản lý). Nhưng điều này thì không dễ vì đài Truyền hình Sàigòn thời đó quan tâm đến tình hình chính trị nhiều hơn là giáo dục, chương trình Đắc Lộ chỉ được phát sóng rất ít và rời rạc. Chúng tôi phải lập những “Câu lạc bộ truyền hình” (téléclub) với những nhóm đi chiếu dạo ở một số điểm thuận lợi, mang theo đủ thứ dụng cụ cần thiết như màn ảnh, ống loa, máy phát điện, bàn đạo diễn… Vì tình hình chiến sự, “câu lạc bộ truyền hình không thể ra miền Trung, Nam Trung Bộ nhưng chủ yếu là về các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long như: Tiền Giang, Mỹ Tho.
Quan trọng nhất là chương trình “nhà giáo truyền hình”, người hướng dẫn khán thính giả nắm bắt và khai thác mọi khía cạnh hữu ích của bài học xuyên qua màn chiếu. Đồng thời người phát hình cũng trao đổi để tiếp thu phản ứng của người xem. Điều nầy là cần thiết vì giáo dục không phải là nhồi nhét, mà là một cuộc đối thoại giữa người nói và người nghe. Nhờ vậy mà Câu lạc bộ học được nhiều ở quần chúng qua những phản ứng bất ngờ của họ, có khi được khán giả “sửa sai”, hai bên đều là đối tác có khi giúp chúng tôi dàn dựng lại đầy đủ và phù hợp hơn đối với bối cảnh, tâm lý người địa phương. Khi có những trường hợp thuận lợi, chúng tôi mời một vài khán giả đóng vai và phát biểu trực tiếp trong chương trình được tái bản. Phương pháp đối thoại này tuyệt vời vì nó không độc thoại mà là đối thoại. Nhiều khi mình phê phán mê tín dị đoan thì họ cãi lại. Mình thu điều họ cãi lại đó (vì họ cũng có cái lý của họ) để lần sau mình bổ túc cho chương trình của mình, và mình tôn trọng cảm nghĩ của họ. Mình nhận những cảm nghĩ của họ, nếu tốt thì mình lưu trong chương trình. Các chương trình của mình hoàn toàn không đả động gì tới tôn giáo cả.
Trước cố gắng năng động và kiên nhẫn của Truyền hình Đắc Lộ, đài truyền hình Sàigòn thỉnh thoảng lại đề nghị cho vài chủ đề của Đắc lộ được phát sóng. Sau đây là nhận xét của tác giả cuốn “ Tiến trình du nhập TRUYỀN HÌNH vào Sàigòn và sự phát triển kỹ thuật truyền hình tại TP Hồ Chí Minh” (trang 27) của kỹ sư Đặng Tấn Mầu, năm 2007: “Đài Truyền hình Đắc Lộ đã làm cho số lượng các chương trình Sàigòn phong phú hơn, đa dạng hơn. Một số các chương trình văn hoá, khoa học, giáo dục, y tế, phổ biến kiến thức, có những yếu tố tích cực nhất định.”