(Truyện ngắn – nhớ về “Dạ Cổ Hoài Lang”)
“Bác Cao Văn Lầu ơi!
Cháu cũng muốn kể cho bác nghe…”.
1.
Chị Chín nhìn ra khung cửa. Ánh trăng tối hôm nay vằng vặc chiếu vào tấm phản mà chị đang nằm. Trằn trọc chờ cơn buồn ngủ đến nhưng chị không tày nào chợp mắt được. Chợt nhìn khuôn mặt của mình hiện lên trên tấm vách gỗ, hốc hác với cái cằm nhọn hoắc, chị giật thót mình ngồi dậy, úp mặt vô hai đầu gối khóc ròng.
-“Chưa ngủ hả con? Khuya rồi sao ngồi đó?”
Bà Hai vén tấm màn bước từ phòng ngủ ra tấm phản chỗ chị nằm. Thấy chị cúi gầm mặt khóc, bà nói:
-“Trời! Khóc gì khóc gì hoài. Thôi! Nín đi con!”
Chị buông tay ôm lấy cổ bà Hai rồi nghẹn ngào kể lể, tiếng kể lể trong đêm khuya như tiếng buồn của cung Dạ Cổ mà anh hay đờn cho chị ca.
“Từ là từ phu tướng, báu kiếm sắc phán lên đàng, vào ra luống trông tin bạn, năm canh mơ màng…”
2.
-“Thưa ba má! Hôm nay tui dắt em Mai về gửi lại ba má! Thú thiệt tui thương Mai hết lòng, nhưng em không sanh được cháu cho ba má tui ẵm bồng. Giờ ba má ruột bắt tui lấy vợ mới để nối dõi tông đường. Xin ba má thương hiểu và bỏ qua cho tui. Trước lệnh bề trên, cãi lời là bất hiếu…”
Chị Chín đứng cạnh anh Chín, khoanh hai tay cúi mặt, im thin thít với những giọt nước mắt lã chã. Thi thoảng chị lại giật nhẹ người vì cơn khóc mà chị cố nén.
Anh Chín quay sang nhìn chị rồi đưa bàn tay vuốt gò má gầy nhom của chị.
-“Mai à! Em hiểu cho tui! Giờ tui không làm gì được trước lệnh ba má phán xuống. Phận làm con phải biết vâng lời. Tui thương em mà rứt lòng không đặng. Dù tui có lấy mấy người vợ đi nữa, cũng không ai tui thương bằng em. Tui xin em, nếu thương tui thì…”
Chị Chín mím môi không nói gì, nấc lên trong tức tưởi. Anh đứng lên ôm chị thật chặt.
Anh ra về, chị ôm cột nhà dòm ra hồi lâu, nước mắt giàn giụa, cho đến khi dáng anh xa dần. Ba má đứng phía sau dỗ dành con gái, thương đứt ruột mà biết làm sao.
3.
–“Mai! Đi chợ với má!”
Chị đang ngồi thẩn thơ trước hàng ba, buồn ngẩn ngơ, nghe má gọi chị đứng vội chạy xuống bếp lấy cái làn rồi chạy theo bà Hai.
Con đường quê hôm nay cũng khác nhiều quá! Hôm anh dẫn chị về, chị buồn đến độ không đủ tỉnh táo để quan sát mọi thứ xung quanh mình. Mãi tới hôm nay, khi mọi chuyện đã đỡ hơn, chị Chín mới nhận ra sự đổi khác nhiều đến như vậy.
Góc cau gần vườn chú Bảy giờ đã bị đốn, má biểu hôm trước có đám cưới con gái chú Bảy, thằng Cò – con trai út của chú Bảy – leo lên cây cau bẻ xuống để đưa lên bàn thờ cúng ông bà. Xui sao nó té xuống từ đọt cau, nhưng cũng may mắn vì nó chỉ bị gãy chân. Ông Bảy quyết định đốn luôn cây cau.
Chị Chín không để ý tới chuyện của thằng Cò, chỉ để ý tới chuyện con gái ông Bảy có chồng. Chị tặc lưỡi:
-“Lại làm dâu! Lại sanh con! …”
Có lẽ không có tiếng tặc lưỡi nào tê tái cho bằng tiếng tặc lưỡi của người trong cuộc. Mấy gốc dừa gần bờ kinh đã dần chết vì già nua, trơ trọi thân cây lù lù nằm giữa nắng chang chang, còn vài tàu dừa đã héo queo nằm xuôi theo thân, sao mà xơ xác quá thể. Con rạch hôm nay cũng cạn hẳn, nước gần xấp xấp đáy, nên những con cá sặt, cá bống và cá lòng tong quẩy đuôi tới đâu, chị nhìn rõ mồn một tới đó.
– “Đép tới nước cạn rồi… bây ở đâu?” Chị muốn hỏi lũ cá tội nghiệp dưới kinh.
-“Ê! Bà nhìn con nhỏ đó kìa! Con Mai con bà Hai đó! Ăn ở làm sao thất đức mà bị chồng bỏ, giờ về với ổng bả rồi.” Thấp thoáng xa xa, chị nghe những phụ nữ bán cá, bán thịt ngoài chợ nói về mình.
-“Nghe đâu không sanh con được. Bởi tui nói cha mẹ sống chắc thất đức lắm mới tới nông nỗi!”
Chị sợ bà Hai nghe sẽ buồn lòng, chị bắt chuyện để nói với bà Hai nhằm át đi những tiếng xì xào không hay. Chợt đâu mấy đứa nhỏ đang chơi giữa chợ thấy chị thì la làng:
-“Lêu lêu! Đồ chồng bỏ! Đồ chồng bỏ! Đồ gái hư!”
Mọi ánh mắt trong chợ dòm về phía hai mẹ con, bà Hai cúi gầm mặt, chị cũng cúi gầm mặt. Mẹ con quay trở về nhà với cái làn không.
4.
Ông Hai ngồi trên ghế giữa nhà, miệng hớp miếng trà nóng, gọi chị Chín ra rồi nói:
-“Mai nè! Ba tính vầy con coi đặng không? Giờ con ở nhà cũng khó lòng hết mặc cảm, mà ba má cũng mang tiếng tăm. Thân ba má thì không có gì đáng lo, nhưng danh tiếng cha ông không thể bị làm nhơ ố. Nhà chú Ba, em trai của má con, có xưởng may ở Sài Gòn. Thôi thì con chịu khó lên Sài Gòn làm việc cho khuất mặt khuất mày một thời gian. Dần dà con nguôi ngoai, bà con quên chuyện rồi hẳn về quê, con coi đặng không?”
Chị khoanh tay đứng trước ông Hai, đôi mắt giờ đây vô hồn như hai hòn đất nằm trên khoang má gầy hõm, cúi đầu vâng dạ, rồi trở vào phòng xếp đồ chuẩn bị ngày mai lên đường sớm.
Tối hôm ấy, cả nhà ngồi với nhau trước bàn thờ tổ tiên. Ông Hai đại diện gia đình xá nhang lên tổ tiên, bà Hai và chị khoanh tay đứng hai bên, mắt nhìn bàn thờ tổ đăm đăm.
Chị Chín quỳ xuống trước ba má, vừa khóc vừa nói:
-“Thưa ba má! Con xin lỗi ba má. Vì con không nên bột nên đường mà ba má phải mang tai tiếng. Con biết những ngày qua má khóc rất nhiều, còn ba thì bận lòng không kể xiết. Vậy con xin dập đầu tạ lỗi cùng ba má.”
Chị vừa cúi xuống thì ông Hai đỡ chị dậy:
-“Thôi Mai! Ba má cũng có lỗi chứ đâu chỉ con. Ba má không lo lắng cho con được tới nơi tới chốn cũng là thiếu sót, con đừng buồn ba má nghen!”
Cuộc nói chuyện đêm ấy kéo dài tận khuya. Cả nhà không ai chợp mắt được dù chỉ là một chút. Quá khuya, chị Chín nằm trên tấm phản, ánh trăng lại dọi qua khung cửa sổ, chị ngó vô tấm vách, lần này chị không sợ hãi như lần trước nữa, mà cất lên câu hát thì thầm: “Em luống trông tin chàng, ôi gan vàng quặn đau í a…!”. Có tiếng thút thít nhưng không phải của chị, mà của bà Hai từ phòng trong phát ra. Rồi tiếng ông Hai dỗ: “Thôi! Nín đi bà! Để nó đi!”.
5.
–“Thưa ba, thưa má con đi!” chị khoanh tay cúi đầu giã từ ông bà Hai. Rồi quay lưng che vội vành nón lá, có lẽ chị đã khóc mà sợ ông bà Hai thấy. Bà Hai muốn bật khóc, nhưng cố mím lại để con gái đi cho nhẹ nhàng. Ông Hai quay mặt về bàn thờ tổ tiên, hướng nhìn thành khẩn như cầu mong tổ tiên chúc lành cho chị.
Xe đò chạy gần cả ngày trời, chị đã tới đất Sài Gòn. Bước xuống xe với mỗi chiếc giỏ nhỏ xíu là vài bộ đồ và ít tiền vận lưng. Chị dò theo địa chỉ má ghi trong tờ giấy nhỏ mà tìm tới nhà chú Ba.
-“Ai gọi đó! Đợi chút!”
Một người đàn ông đứng tuổi, khuôn mặt gần như y hệt má, chạy ra mở cửa.
-“Cô… Cô là…”
–“Dạ cho con hỏi, có phải đây là nhà chú Ba Hiển, em trai bà Hai Vang không?” chị hỏi người đàn ông.
-“Đúng rồi! Tui đây! Cô là ai mà sao biết tui?” người đàn ông hỏi lại chị có chút nghi ngờ.
-“Dạ, con là Mai, con gái bà Hai Vang. Má con biểu lên gặp chú Ba rồi gửi cho chú bức thơ này”.
Người đàn ông nhận thư từ tay chị, mở ra và đọc. Rồi ông nhanh nhảu nói:
-“À Mai! Vô đi con. Chú Ba – em trai của má con – đây!”
6.
Cuộc sống của chị bắt đầu những ngày đầy sóng gió. Vợ của chú Ba là một người phụ nữ khó tính và ghen tuông khét tiếng. Chị chẳng thể nói chuyện hay hỏi chú Ba hay bất cứ người nào trong nhà chuyện gì, vì cứ mỗi lần mở miệng là thím Ba lại:
-“Mày lại dụ dỗ chồng tao chớ gì! Tao biết mà!”
Chị âm thầm cúi đầu vì biết thân ở nhờ ở đậu, quê cũng không ở được, lên Sài Gòn phải lo chịu nhọc nhằn xíu mới mong qua khỏi khó khăn này. Lúc đầu chị còn tự trấn an và bỏ qua, nhưng dần dà những bực bội, khó chịu tăng lên lúc nào không biết, có lần chị đã cãi lại thím Ba, và kết quả bị đuổi ra khỏi nhà ngay lập tức. Chú Ba năn nỉ mấy cũng không được, đành chạy theo dúi ít tiền vào tay chị, xin lỗi vài câu rồi trở vào nhà.
Chị nhìn lên bầu trời nắng dọi chói chang, tự hỏi về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Nhiều lúc chị cũng không hiểu mình được sinh ra trong cuộc đời để làm gì? Có phải để lớn lên chút chút, lấy chồng, không sanh được con thì bị trả về nhà ba mẹ ruột, bị người ngoài thóa mạ, rong ruổi tới xứ lạ, rồi bị vu oan và lại cù bất cù bơ như thuyền không bến.
Chợt những lúc như thế này, chị nhớ anh Chín da diết. Nhớ những cái ôm ấm áp mà anh dành cho chị, những cử chỉ, lời nói nhẹ nhàng mà có lẽ đi khắp nơi cũng không tìm được người chồng thứ hai như thế. Nghĩ tới điều đó làm chị khóc, và mỗi lần khóc là chị nhẹ đi phần nào nỗi buồn đang dâng lên dầy đặc trong lòng.
7.
Sau nhiều ngày lang thang, chị được một người phụ nữ trạc tuổi má đưa về. Bà biểu là thương cho hoàn cảnh của chị rồi hứa tìm cách giúp đỡ cho chị về quê. Giọng nói của bà ngọt ngào, khuyên lơn rất có tình, nhưng chị đâu biết đã rơi vào cạm bẫy của những kẻ mua bán thân xác phụ nữ. Chị đã bị lừa và không thể thoát ra.
-“Má mày! Đồ con đĩ! Đã làm đĩ mà không biết chiều khách!”
Chị lại ôm mặt úp vào hai đầu gối mà khóc. Trên mình không một tấm vải che thân. Gã đàn ông vừa thỏa mãn thú tính trên thân xác chị, nhưng khi thấy khuôn mặt và đôi mắt vô hồn của chị, gã không chịu nổi nên phát ra tiếng chửi đay nghiến.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên chị bị những gã đàn ông vũ phu mắng nhiếc, thậm chí bị đánh đập sau khi họ đã thỏa mãn thú tính trên thân thể mình. Mỗi lần như thế, chị đau đớn cho thân phận là con gái của mình. Chị nhớ ông bà Hai, xin bà chủ viết đôi dòng về thăm hỏi mà bà không cho. Có lần chị lén viết thì bị bọn tay chân của bà bắt gặp. Chúng dần cho chị một trận nhừ thân.
Từ ngày bị bắt tiếp khách kiếm tiền, chưa có đêm nào chị chợp mắt ngon giấc. Những cơn mơ về gia đình, quê hương và anh Chín cứ xoay vần trong tâm trí khiến chị mệt mỏi và sầu não. Có hôm chị mơ thấy ông bà Hai lên Sài Gòn kiếm mình, bị người ta lừa gạt hết tiền nên hai ông bà phải lang thang. Có hôm lại thấy ông bà Hai gặp được chị, được ông bà dẫn về quê nhà, nhưng tỉnh lại chỉ còn nước đọng lại trên khóe mắt. Có hôm lại thấy anh Chín…
8.
Đêm nay, sau ca tiếp khách như mọi khi, chị thấy mệt mỏi bần thần vô kể. Có lẽ liều cần sa mà gã đàn ông vũ phu vừa nãy bắt chị dùng quá nặng. Một mình lầm lũi trở về căn gác nhỏ xíu, tắm rửa sạch sẽ rồi lăn lên tấm chiếu rách trên gác xép. Chị thiếp đi thật mau.
-“Anh! Sao anh tới đây?” Trong mơ chị thấy anh Chín tới gặp mình.
-“Anh rước em về, Mai à!” câu trả lời của anh Chín khiến chị vui nức lòng.
Nhưng vừa dứt tiếng, anh lại lùi dần vào khoảng không vô tận, chị gọi mãi anh không trả lời. Chị khóc lóc thảm thiết, trong đau đớn chị cất lên bài Dạ Cổ quen thuộc, như khúc ca bi đát về cuộc đời của chị:
-“Từ là từ phu tướng
Báu kiếm sắc phán lên đàng
Vào ra luống trông tin nhạn
Năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi gan vàng quặn đau í a…”
Tiểu Tuyền
Nghĩ lại mà thấy thương mảnh đời: “Chị nhìn lên bầu trời nắng dọi chói chang, tự hỏi về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống”