Vài nét về Dòng Tên toàn cầu

I-NHÃ LOYOLA VÀ ĐOÀN GIÊSU

 Năm 1521, trong lúc bảo vệ thành Pamplona chống lại sự tấn công của quân Pháp, chàng hiệp sĩ người xứ Basco, Iñigo Lopéz de Loyola (1491-1556), đã bị bắn trọng thương.  Trong thời gian dưỡng thương, chàng được ơn hoán cải và quyết tâm thay đổi cuộc sống.  Sau khi đi lại được, chàng quyết tâm lên đường đi hành hương Đất Thánh và dự định sẽ ở lại đó luôn. Trên đường hành hương, Inigo đã lưu lại ở Manresa gần Barcelona một thời gian. Tại đây, chàng có được nhiều kinh nghiệm thiêng liêng phi thường mà sau này được đúc kết thành tập sách Linh Thao. Năm 1523, Iñigo sang Đất Thánh, nhưng vì không được phép ở lại, nên chàng quyết định trở về châu Âu đi học làm linh mục để phục vụ các linh hồn.

Trong thời gian 1524-1527, khi học ở Barcelona và Acalá, Iñigo thường giúp người khác về đường thiêng liêng bằng chính kinh nghiệm của mình. Vì giảng đạo mà chưa học đầy đủ, Iñigo bị bắt giam mấy lần và bị cấm giảng đạo. Cuối cùng, năm 1528 chàng lên Paris để tiếp tục việc học. Tại Paris, Iñigo đổi tên thành Ignatius (được Việt hoá thành I-nhã), và trọ cùng nhà với hai bạn trẻ Phêrô Favre (1506-1546) và Phanxicô Xavier (1506-1553).  Dần dần, I-nhã đã quy tụ được một nhóm bạn sinh viên qua những buổi sinh hoạt thiêng liêng. I-nhã cũng lần lượt hướng dẫn Linh Thao cho từng người họ, và giúp họ nhận định tương lai. Chính Linh Thao là mối dây thiêng liêng ràng buộc họ với nhau.

Ngày 15.8.1534, bảy bạn sinh viên đại học Paris tuổi từ 19 đến 43 quây quần trong một nhà nguyện nhỏ trên đồi Montmatre để lập một giao ước với nhau, trong một thánh lễ chủ sự bởi tân linh mục Phêrô Favre. Ngoài I-nhã, Phanxicô Xavier, và Phêrô Favre, nhóm có thêm Diego Laynez (1512-1565), Alfonso Salmerón (1515- 1585), Nicholás Bobadilla (1509-1590), và Simão Rodrigues (1513-1579). Tất cả cam kết với nhau sống cộng thể, khấn khó nghèo, làm việc tông đồ, và đi hành hương Đất Thánh. Lúc đầu nhóm không có tên, không có luật, không ai có quyền trên ai, chỉ liên kết với nhau vì cùng lý tưởng tông đồ và tình bạn thiêng liêng.

Trong khi chờ đợi đi Đất Thánh ở Venezia, những người đã học xong được chịu chức linh mục. I-nhã và năm bạn khác lãnh tác vụ thánh vào ngày 24.6.1537. Lúc này, nhóm có thêm Paschase Broët (1500-1562), Claude Jay (1500-1552) và Jean Codure (1508-1541). Ba tháng sau họ bắt đầu chia ra từng nhóm nhỏ để đi phục vụ trong thời gian chờ tầu đi Giêrusalem. Họ ra đi dưới danh nghĩa là nhóm bạn đồng hành của Chúa Giêsu, gọi tắt là Đoàn Giêsu (Compañia de Jésus), mà họ đã chọn với nhau vào tháng 9 năm 1537 để diễn tả căn tính của họ.

Vì thời cuộc chiến tranh, họ đã không thể thực hiện ước mơ đi Đất Thánh. Sau mấy năm đợi chờ, nhóm quyết định đi Roma vào năm 1537-1538 để đặt mình dưới sự điều khiển của vị thủ lãnh Giáo Hội hầu được gởi đi bất cứ nơi đâu để phục vụ các linh hồn. Lúc đó nhóm có thêm bốn thành viên khác, tổng cộng được mười người. Vì nhu cầu mục vụ khẩn thiết, ĐGH Phaolô III bắt đầu sai họ đi phục vụ ở nhiều nơi trong châu Âu. Sợ rằng “nhóm bạn trong Chúa” sẽ bị tan rã, tình bạn sẽ mai một, trong mùa Chay năm 1539 họ gặp nhau nhiều lần để cùng nhận định hướng đi cho tương lai: hoặc rã đám và mỗi người đi theo con đường của mình như đã được chỉ định, hoặc tự ràng buộc nhau vào một nhóm vĩnh viễn. Cuối cùng họ quyết định trở thành một dòng tu để hỗ trợ nhau trong việc phụng sự Tin Mừng.

Ngày 27.9.1540, ĐGH Phaolô III chính thức công bố trọng sắc Regimini Militantis Ecclesiae phê chuẩn Đoàn Giêsu thành một dòng tu giáo sĩ trong Hội Thánh. Từ đó Đoàn Giêsu trở thành Dòng Chúa Giêsu (Societas Jesu – ở Việt Nam quen gọi là Dòng Tên, vì muốn cữ Tên cực trọng Giêsu). Mười thành viên trong dòng tu mới lập đều nhất trí bầu cha I-nhã làm Bề trên Tổng Quyền tiên khởi (1540-1556). Đặc sủng của Dòng là phục vụ các linh hồn và hỗ trợ Hội Thánh trong việc “bảo vệ và truyền bá đức tin”.

THỜI KỲ PHÁT TRIỂN

Ngay từ đầu, Dòng Tên đã là một cộng đoàn lưu động với một quy chế rất khác thường. Các thành viên không có tu phục riêng, cũng không đọc kinh thần vụ chung. Họ nhanh chóng tham dự vào công tác mục vụ, giáo dục, thuyết giảng, xã hội, huấn giáo, và đi truyền giáo. Nhóm anh em tiên khởi rất hăng say trong việc tông đồ. Favre đi giảng Linh Thao khắp nơi, Xavier hoạt động truyền giáo ở Châu Á, Salmerón và Laynez giảng dạy thần học ở Ý, Bobadilla công tác ở Tây Ban Nha, Rodrigues ở Bồ Đào Nha, còn I-nhã thì ở Roma lo việc điều hành Dòng. Chỉ vỏn vẹn trong vòng 16 năm từ khi được phê chuẩn, con số tu sĩ Dòng đã tăng từ 10 lên 1000 người. Họ hiện diện và phát triển khắp các thành phố lớn ở châu Âu, cũng như tại các vùng truyền giáo từ Nhật Bản đến Brazil. Sau khi I-nhã qua đời, Diego Laynez được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền (1556-1565).

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân sự cho công việc mục vụ và truyền giáo, Dòng đã thiết lập một hệ thống trường học huấn luyện các tu sĩ về nhân văn, âm nhạc, nghệ thuật, toán học, khoa học, triết học và thần học. Vì phẩm chất đào tạo cao, các trường trung học cũng như đại học của Dòng Tên đều nhanh chóng được giới trung lưu và quý tộc của Châu Âu chú ý đến và xin gửi con em theo học. Ngoài ra các tu sĩ Dòng còn làm cố vấn cho vua chúa và giới quý tộc. Dòng phát triển đến đỉnh cao nhất là có hơn 23.000 tu sĩ vào năm 1770.

Trong việc bảo vệ và tuyền bá đức tin, chính các anh em tiên khởi như Laynez và Salmerón đã tham dự công đồng Trêntô (1545) với tư cách là thần học gia của giáo hoàng. Tại Đức, Cha Phêrô Canisius soạn thảo cuốn Tổng Luận Giáo Lý Kitô giáo (Summa doctrinae christianae, 1555) và Giáo Lý Yếu Lược (Catechismus minimus, 1556) đặt nền tảng cho các sách giáo lý sau này. Không chỉ viết sách và giảng thuyết, Cha còn đưa ra một kế hoạch góp phần canh tân Hội Thánh mà chìa khóa là đào tạo giới lãnh đạo cho Hội Thánh. Tại Roma, Gioan Leunis đã lập ra Hiệp Hội Thánh Mẫu (1563), tiền thân của Cộng đoàn sống đời kitô (Christian Life Community-CLC hay CVX) ngày nay.

Dòng cũng đi tiên phong trong việc truyền giáo. Dòng đã có mặt ở châu Phi năm 1548, Nam Mỹ trước năm 1552, Bắc Mỹ năm 1639. Tại châu Á, Phanxicô Xavier (1506-1553) đến Ấn Độ (1542) rồi Nhật Bản (1549), nhưng ngài đã qua đời ngay trước khi vào được Trung Hoa lục địa. Các thừa sai Dòng Tên đến Đàng Trong năm 1615 và Đàng Ngoài năm 1626. Điểm son trong chính sách truyền giáo của các thừa sai Dòng Tên ở châu Á là hội nhập văn hóa. Các thừa sai như Roberto de Nobili tại Ấn Độ, Mateo Ricci tại Trung Hoa, Alexandre de Rhodes tại Việt Nam đã học ngôn ngữ, thích nghi với trang phục và phong tục tập quán địa phương. Bằng ngôn và văn hóa bản điạ, các thừa sai Dòng Tên đã truyền đạt Tin Mừng cho các dân tộc Á châu. Ngoài ra, họ còn có những đóng góp quan trọng trong việc giao lưu văn hóa Âu-Á qua việc chuyển tải tư tưởng Á châu cho giới trí thức Âu Châu qua việc dịch thuật các kinh điển Trung Hoa và Ấn Độ sang tiếng La tinh, và ngược lại.

THỜI KỲ KHÓ KHĂN, GIẢI THỂ, VÀ PHỤC HỒI

Sau thời gian thành công nhanh chóng, bắt đầu từ giữa thế kỷ XVII, Dòng Tên gặp nhiều phản ứng và chống đối. Tại Nam Mỹ, các thừa sai Dòng Tên thiết lập những khu tự trị cho người da đỏ và và hậu quả là đưa đến sự xung đột giữa các thừa sai và quyền lợi của đế chế Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tại châu Á, sự tranh giành ảnh hưởng cũng như bất đồng ý kiến về đường lối mục vụ giữa các thừa sai thuộc Dòng Tên và các dòng tu khác đã gây nhiều chia rẽ giữa các nhóm thừa sai. Ở Nhật Bản, các thừa sai vu cáo lẫn nhau, cộng với những cáo buộc của nhóm thương buôn Tin Lành Hà Lan đã làm cho các sứ quân (Shogun) nghi ngờ người Công giáo làm tay sai cho đế quốc Tây Ban Nha, hoặc Bồ Đào Nha và ra sức cấm đạo. Ở Trung Hoa, các phán quyết của Tòa Thánh về vụ tranh luận về Lễ Nghi Trung Hoa (1645-1742) đã làm Khang Hi hoàng đế nổi giận và hạn chế việc truyền giáo từ năm 1706; Ung Chánh hoàng đế nối ngôi và ra sắc chỉ cấm đạo năm 1724. Ở Việt Nam, việc bất phục tùng của các thừa sai Dòng Tên với hàng giám mục thuộc Hội Thừa Sai Ba-lê đã gây nhiều bất lợi cho việc truyền giáo của Dòng.

Những khó khăn và chống đối không chỉ ở châu Mỹ và châu Á, nhưng khó khăn nhất là ngay tại châu Âu, từ trong nội bộ Hội Thánh đến những trào lưu tư tưởng mới. Ở các quốc gia theo Tin Lành, các tu sĩ Dòng Tên bị cấm hoạt động. Trong các quốc gia theo Công giáo, phe quý tộc, giới trí thức, và ngay cả hàng giáo sĩ địa phương đều e dè ảnh hưởng và thế lực của Dòng Tên.  Ngay từ thời I-nhã, những người ghét Dòng đã dùng chữ “jesuit” theo nghĩa xấu (“kẻ giả dạng Giêsu”) để gọi các thành viên của Dòng. Sang thế kỷ XVIII, các cuộc tranh luận gay gắt với Dòng Đa-minh và phái Jansen đã tạo thêm bất lợi cho Dòng. Những người phái Jansen mà đại diện là Pascal đã tạo ra một bức biếm hoạ về hình ảnh một Giêsu hữu theo nghĩa giả hình, mưu mô, phi đạo đức, v.v.

Từ những mâu thuẫn nhỏ sang mâu thuẫn lớn, bắt đầu từ năm 1759 tu sĩ Dòng lần lượt bị trục xuất khỏi lãnh thổ của đế quốc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và Pháp. Các tài sản cũng như cơ sở giáo dục của Dòng bị quốc hữu hóa.  Nhưng chưa đủ, các nước này áp lực với Đức Giáo Hoàng Clêmentê XIV để ký sắc lệnh Dominus ac Redemptor giải tán Dòng vào ngày 16.8.1773. Tuy vậy, hoàng đế nước Phổ Frederick II và nữ hoàng Nga Catherina I đã cho phép Dòng Tên tiếp tục hoạt động ở Phổ và Nga. Dần dần vì nhu cầu bảo vệ đức tin đã có những cuộc vận động ngầm để phục hồi lại hoạt động của Dòng Tên. Hơn 40 năm sau khi bị giải thể, Đức Giáo Hoàng Piô VII đã cho phép phục hồi Dòng Tên trên toàn thế giới vào ngày 7.8.1814. Bắt đầu lại từ con số không, Dòng đẩy mạnh hoạt động giáo dục, truyền giáo và linh đạo.

DÒNG TÊN NGÀY NAY

Hiện nay (theo số liệu 2005) có 19.850 tu sĩ Dòng Tên phục vụ tại 133 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới: Châu Âu (30), Bắc-Nam Mỹ (30), Á-Úc (38), Phi (35). Dòng hoạt động trong 91 tỉnh dòng và miền độc lập, cùng với 13 miền phụ thuộc, tập trung trong 11 vùng dưới sự điều động của Bề Trên Tổng Quyền Peter Hans Kolvenbach (từ 1993). Trụ sở chính của Dòng (Curia Societatis Jesu) hiện nay ở số 4 đường Borgo Santo Spirito, Roma bên cạnh Toà Thánh (www.sjweb.info). Hiện nay Dòng đang chuẩn bị cho Tổng Hội lần thứ 35 (2008) để bàn về hướng đi của Dòng trong thế kỷ XXI.

Cha Peter-Hans Kolvenbach, SJ và Cha Adolfo Nicolás SJ
Tại Tổng Hội 35

Được hun đúc bởi tinh thần Linh Thao nhằm “tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự”, các tu sĩ Dòng có mặt trong hầu hết các sinh hoạt của giáo hội cũng như xã hội, nhằm phục vụ và thăng tiến con người. Họ là các thần học gia, nhà báo, văn sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ, giáo sư, khoa học gia, bác sĩ, luật sư, kỹ sư, tâm lý gia, cán sự xã hội, nhà báo, và chuyên viên các ngành nghề khác.

Ở Hoa Kỳ, Dòng đã thiết lập 28 trường đại học và gần 50 trường trung học, trong đó có nhiều trường danh tiếng thế giới như ĐH Georgetown, ĐH Boston, ĐH Fordham, v.v.  Tại châu Á, có một số trường đại học danh tiếng do Dòng thiết lập như ĐH Sophia (Nhật Bản), ĐH Sogang (Hàn Quốc), ĐH Phụ Nhân (Đài Loan), ĐH Ateneo de Manila và Viện Mục Vụ Đông Á (EAPI) ở Phi Luật Tân, chưa kể đến 26 trường đại học và cao đẳng ở Ấn Độ. Tại Roma, ngoài Đại Học Giáo Hoàng Gregorian và Viện Kinh Thánh Biblicum, Dòng còn phụ trách đài phát thanh Vatican và đài thiên văn Vatican.  Ngoài ra Dòng còn điều hành và xuất bản nhiều sách báo, tạp chí và khảo luận có giá trị trong nhiều lãnh vực.

Ngoài các cơ sở giáo dục khắp nơi trên thế giới, các tu sĩ Dòng Tên còn đảm nhiệm các tác vụ khác nhau từ mục vụ giáo xứ, tu đức, tông đồ trí thức, nghệ thuật, xuất bản sách báo, truyền thông, huấn nghệ, đến chăm sóc sức khoẻ và mục vụ cho người tị nạn, di dân, cho người khuyết tật, bệnh phong, hay lây nhiễm AIDS. Tất cả nhằm việc rao giảng Tin Mừng. Có thể nói Dòng vẫn tiếp tục tinh thần thừa sai và đặc sủng truyền giáo của thuở ban đầu, tuy hình thức hoạt động có thay đổi để thích nghi với thời đại.

Từ sau Tổng Hội thứ 32 (1975), Dòng đặc biệt hướng về các công tác phục vụ đức tin và thăng tiến công bình xã hội. Để đáp ứng nhu cầu của thời đạị Dòng cũng thiết lập các văn phòng chuyên biệt để lo cho người tị nạn (JRS: Jesuit Refugee Service), mục vụ công bình xã hội (SJS: Social Justice Secretariat), truyền thông (JesCom: Jesuits in Communication), và đối thoại tôn giáo (SID: Secretariat for Interreligious Dialogue).

Trong việc làm chứng tá cho Tin Mừng, Dòng đã được 50 vị hiển thánh, 146 chân phước được tôn kính trên toàn Giáo Hội (tính đến 2006); ngoài ra có 36 bậc đáng kính và 115 đầy tớ của Thiên Chúa được ghi nhận trong Dòng. Chỉ trong thế kỷ XX, không kể những người bị tù đầy đã có trên 300 tu sĩ Dòng trên khắp thế giới đã hy sinh mạng sống vì đức tin và tranh đấu cho nhân phẩm con người. Thí dụ như Ignacio Ellacuría và các đồng nghiệp thuộc đại học Trung Mỹ (CAU) bị ám sát ở El Salvador năm 1989.

Trải qua gần năm thế kỷ, Dòng Tên đóng góp nhân sự, tài lực, và cả mạng sống vào tất cả những công việc phục vụ đức tin và làm thăng tiến con người, tất cả như khẩu hiệu của Dòng – Ad Majorem Dei Gloriam – Cho Vinh Danh Chúa Hơn.

Kiểm tra tương tự

Phỏng vấn linh mục Đỗ Quang Chính về cuốn sách Lịch sử chữ Quốc ngữ

Tính đến nay, chữ Quốc ngữ đã có một lịch sử hình thành và phát …

Hồi sinh

  Cụ Tổ của chúng tôi đã tắt thở cách đây trên 300 năm rồi, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *