Trong cuộc sống, hầu chắc không ai phủ nhận rằng tâm hồn mỗi người giữ một vai trò tối quan trọng: những ai luôn hướng lòng về Chân, Thiện, Mỹ thường cảm thấy bình an và thanh thản, trong khi những kẻ lòng đầy tham vọng, mưu mô gian trá thường chỉ cảm thấy thất vọng, chán chường và mệt mỏi rã rời sau những giây phút thỏa mãn nhất thời. Đó là cách nói bình dân, còn triết lý cao-thâm của Phật Giáo dùng hai thuật ngữ Vọng-tâm và Chân-tâm để mô tả hai kiểu tâm hồn vừa nêu.
- Vọng-tâm
Vọng-tâm là Tâm sai lầm, càn bậy, ô trọc. Đó chính là cái tâm làm cho con người điên đảo trong Vô-minh và Ái-dục. Vọng-tâm bao gồm tứ-uẩn: Thọ (cảm giác), Tưởng (tri giác), Hành (ý chí muốn làm), Thức (khả năng phân biệt) hợp với Sắc (thân xác) thành ngũ-uẩn (hay là thân-tâm). Duy-thức-luận thì cho rằng Vọng-tâm bao gồm Lục-căn và Thất-thức. Cả Tiểu Thừa lẫn Đại Thừa đều khẳng định rằng Vọng-tâm thì không thật, bởi lẽ nó vô thường (nay còn mai mất). Việc cho rằng thân-tâm có thật là ngã-chấp (nắm bắt vào cái ta). Đó chính là vọng-kiến.
Vọng-tâm là cái tâm dính bén với thế gian, với vật chất. Do Vọng-tâm, con người vươn ra hiện-tượng-giới như con bạch tuộc vươn vòi ra bám víu sự vật và bị sự vật chi phối. Do Vọng-tâm nên Lục-trần từ hiện tượng giới có thể xâm nhập vào con người và trở thành Lục-nhập. Vọng-tâm làm cho người ta rơi vào tình trạng nhị-nguyên (chấp-nhị): phân biệt sự vật ra tốt hoặc xấu, hay hoặc dở, dài hoặc ngắn… theo chủ quan của mình.
- Chân-tâm
Một khi Ái-dục và Vô-minh được diệt trừ, Vọng-tâm tức khắc biến thành Chân-tâm, như mây tan trăng tỏ. Khi đó, cái tâm sai lầm, càn bậy, ô trọc của ta được trở về tình trạng tinh tuyền ban sơ của nó. Nói rõ hơn, Phật Giáo Đại Thừa cho rằng khi đã hiển hiện, Chân-tâm con người sáng láng, đồng thể với Chân-như. Nó có thực tướng Chân-không, hay nói cách khác, Chân-tâm chính là Chân-không (Sunyata), chính là Phật-tâm theo Chân-đế nghĩa của từ “Phật”. Như thế, Chân-tâm cũng chính là Bản thể tuyệt đối của toàn thể vũ trụ. Do đó, cái Tâm này không nằm trong không-thời gian, và vì thế ta không thể dùng những khái niệm về hiện tượng mà nói về nó được.
Với Tâm Bát Nhã, con người ngộ ra rằng chẳng có hai (Bất-nhị): mình là Chân Không (Ngũ-uẩn giai Không), vạn vật là Chân Không (vạn pháp giai Không), tất cả là một với Chân-không. Nơi Chân-tâm, chẳng có sự phân biệt ra Ngũ-uẩn, do đó không có Lục-căn, Lục-trần, Lục-giới. Với Tâm Bát Nhã, chẳng còn gì là trở ngại, là cản trở nữa: “Lý sự vô ngại, Sự sự vô ngại”.
Việc hiểu như thế giúp ta thấy được sự đồng quy của Phật Giáo và Upanishad: có sự tương đồng giữa cặp Chân-tâm, Chân-như với cặp Brahman, Atman. Cũng như Chân-như chính là Chân-tâm, Brahman cũng chính là Atman: “Cái Ấy là ngươi (Tat Tvam asi)”. Tại điểm này, Phật Giáo cũng đồng quy với Kitô Giáo: Chân-tâm chính là linh hồn bất tử, là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi mỗi người.
Những giải thích kể trên phần nào giúp ta hiểu về Vọng-tâm và Chân-tâm trong Phật Giáo. Đến đây, một câu hỏi tất yếu phải được trồi lên: “Vậy thì phải chăng con người có hai Tâm?” Thực ra con người chỉ có một Tâm. Nếu Tâm ấy dính bén với thế gian thì gọi là Vọng-tâm, còn nếu Tâm ấy hướng về sự khoan nhân, độ lượng, vị tha… thì gọi là Chân-tâm hay Phật-tâm. Bởi thế, Thánh Phanxicô Át-xi-di thật có lý khi nói: “Chính lúc quên mình (Vọng-tâm và thân xác, tức là tấm thân ngũ-uẩn) là lúc gặp lại bản thân (Chân-tâm).”
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Lý Minh Tuấn. Đông Phương Triết Học Cương Yếu. Hà Nội: Nhà xuất bản Hồng Đức, 2010.
Trần Quang Huy, SJ
Học viên Triết I