Viết cho chị – người phụ nữ “sống thử”

Dưới đây là bài viết của một bạn nữ Công giáo, sau khi đọc bài viết “Sao tôi lại ủng hộ sống thử?” của tác giả HOÀNG OANH, được đăng trên Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 14.08.2017. Bạn có thể đọc bài viết của Hoàng Oanh theo đường link sau: https://tuoitre.vn/sao-toi-lai-ung-ho-song-thu-1366633.htm

 

Chị thân mến!

Ngồi trong căn phòng riêng với cuốn sách mới mua, vẳng nghe bên tai câu hát: “Khi hai ta về một nhà, khép đôi mi cùng một giường, đôi khi mơ cùng một giấc mơ…”, em nhớ tới chị. Em nhớ tới những lời chia sẻ mới đây của chị về việc sống thử trước hôn nhân hay chính xác hơn là việc quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Những suy tư, cảm nghĩ của em giờ đây không phải để bác bỏ hay tán thành chia sẻ của chị. Chuyện đó báo đài mấy ngày nay đã tốn không ít giấy mực rồi. Em chỉ là cùng với chị nhìn vấn đề ở nhiều góc nhìn hơn để làm phong phú hơn quan điểm và lập trường của mình.

Đầu tiên cùng nhìn đến số liệu và ý kiến của các bạn trẻ trước việc sống thử: có 61% đồng ý, 31% không đồng ý, 5% không ý kiến gì.[1] Đây là một con số mà có lẽ sẽ làm cho các cụ nhà ta (cha mẹ, ông bà) phải đỏ mặt tía tai khi con cháu mình… như chị đã nói.  Nhưng đó lại là sự thật. Người trẻ luôn tràn đầy sức sống, nhiệt huyết và khao khát chinh phục khám phá. Hơn thế nữa, khi lựa chọn và ủng hộ việc “góp gạo thổi cơm chung” các bạn trẻ của chúng ta ít nhiều đều nghĩ đến việc được – mất khi tự do sống chung và nhất là qua chia sẻ về kinh nghiệm yêu tiến tới sống thử của chị trên báo. Khi yêu thì cả ngày chỉ có nhớ có thương một người nên “Khi hai ta về một nhà, khép đôi mi cùng một gường…” thì còn gì bằng. Lúc này mọi cảm xúc đều được thăng hoa, tất cả dường như chẳng là gì vì đôi ta đang được tự do bên nhau trao hiến, tự do với chính con người thật của mình. Đây là khúc dạo đầu để quyết định cho cả hai sau này có hợp để tiến tới gắn kết với nhau trong hôn nhân, hay dừng lại ở đây để không là gánh nặng cho nhau, không ai bị rắc rối, mệt mỏi. Kết thúc sớm để cho nhau sự nhẹ nhàng không đau đớn, hay thua thiệt mất mát điều gì, mà dẫu có thua thiệt mất mát thì cũng chỉ là chuyện không an toàn khi “khép đôi mi cùng một giường”. Sự mất mát là do việc thiếu hiểu biết, thiếu trưởng thành về các kiến thức khi quan hệ tình dục, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc như nạn phá thai, những căn bệnh lây qua đường tình dục mà thôi.

Vô tư mà nói, với những suy nghĩ trên thì coi việc “sống thử” là chuyện bình thường của thời đại cũng chẳng có gì là khó. Nó đâu to như chuyện thái tử Áo-Hung bị ám sát (1914) làm ngòi nổ cho cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất kinh hoàng. Với những người “trưởng thành” thì sống thử là cuộc trải nghiệm tốt cho cuộc sống, với những kinh nghiệm quý báu làm tiền đề cho chọn lựa sống mai sau của bản thân.

Nhưng có thật chăng một người đã từng trải nghiệm có thể nhìn nhận vấn đề một cách chi tiết hay chỉ là một góc nhỏ nào đó của vấn đề? Vậy để phong phú hơn thì em và chị cùng nhìn ở góc độ khác không phải để đả kích chị hay ủng hộ em, nhưng biết đâu khi ở một lăng kính khác ta sẽ có được nhiều hơn những gì ta cần. Biết đâu khi nhìn ở một góc khác ta thấy cần giữ vững quan điểm của mình hơn, hay là thay đổi đôi chút. Chuyện đó ta sẽ bàn sau.

Giờ đây khi nhìn lại những quan điểm của các bạn trẻ, vấn đề đặt ra liệu Giáo Hội có quá cổ hủ khi giữ mãi quan điểm tự do sống chung (sống thử) là một xúc phạm đến nhân phẩm hôn nhân. Có cổ hủ không khi các nước từ Đông sang Tây đều bỏ không hề ít tiền của công sức chỉ để giữ lại những di tích, kỷ vật đã có hàng trăm năm tuổi? Âu cũng là do nhìn đến được giá trị của những “vật thể cũ kỹ”. Những giá trị về thời gian, sự phát triển nét đẹp, truyền thống và những dấu ấn của con người… Nên chuyện giữ gìn, bảo tồn luôn là chuyện cấp bách, thường trực của tất cả mọi dân tộc.

Giáo Hội Công Giáo phải chăng cũng đã nhìn đến giá trị cao quý của đời sống hôn nhân, của phẩm giá con người, của hành vi giao hợp, nên trải qua dòng thời gian với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, những phát minh vĩ đại, những thăng trầm lịch sử… thì quan điểm của Giáo Hội vẫn là một: Tất cả những quan hệ tình dục trước hôn nhân đều không được chấp nhận. (GLCG 2390)

Quan hệ phối ngẫu chỉ dành riêng cho việc diễn tả tình yêu ở mức độ cao nhất giữa vợ và chồng. Lúc này hành vi giao hợp bày tỏ sự ân ái thầm kín và đi vào chỗ sâu thẳm nhất, riêng tư nhất của mỗi người (GLCG 2361). Cả vợ và chồng đều là người trao hiến chính con người “trần trụi” cùng sự thật của mình, đồng thời cũng chính là người được đón nhận và khám ra con người mình với sự toàn vẹn trong phẩm giá mà Đấng tạo hóa đã tặng ban.

Sẽ không bao giờ là trọn vẹn nếu hành vi này không đến từ hai người là vợ chồng của nhau. Chỉ trong hôn nhân trách nhiệm về hành vi tinh dục tốt đẹp này mới được đảm bảo. Cả hai không những “nên một” mà còn hỗn trợ, bù đắp cho nhau để xây dựng một gia đình trên nền tảng vững chắc với người bạn đời. Nền tảng của sự tự nhiên đón nhận nhau. Vợ chồng khác với người ngoài ở chỗ họ “biết” nhau cách thân mật và họ luôn cần nhau không để thỏa mãn khoái lạc xác thịt mà là để diễn tả tình yêu qua thân xác, vì như lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Tính dục là ngôn ngữ của thân xác”.

Ban đầu khi chỉ nhìn đế sống thử qua bài chia sẻ của chị thì không ít bạn trẻ nghĩ ngay tới giải pháp giúp an toàn cho mỗi lần quan hệ tình dục là chiếc bao cao su. Nhưng khi nhìn qua một góc nhìn từ Giáo Hội thì đại đa số đều lắc đầu vì chưa bao giờ để ý tới vẻ đẹp thầm kín, cao quý của hành vi giao hợp trong hôn nhân. Có lẽ vì chưa biết đến ý nghĩa việc cao quý của việc trao hiến bản thân nên đại đa số đều đồng ý sống thử vì suy nghĩ nó chỉ là gắn bó về thể lý. Cũng có thể, dù biết đến những giá trị cao quý của hành vi giao hợp, nhưng việc sống thử vẫn được chấp nhận với nhiều lý do bao bọc cũng là chuyện không mấy khó hiểu. Em chỉ thấy khó hiểu một điều là dường như giới trẻ ngày nay họ đang sống không thật với khao khát của chính họ. Ví dụ, khi anh chàng “Lê Thiện Hiếu” xuất hiện với bài “Ông bà anh” đáng ra theo quan điểm của 64% đống ý sống chung tự do thì đây sẽ là tư tưởng lỗi thời, vì thời này đâu còn có kiểu “chạm tay nhau một giây thôi là nhớ nhau cả đời”. Bài hát với nội dung nói về tình yêu trong sáng đơn sơ của các cụ và tình yêu ồn ào, nhanh chóng thời công nghệ của con cháu hôm nay. Phải chăng cái được gọi là tự do cá nhân với chính khao khát của con người thực sự mâu thuẫn? Tự do sống chung cách ồn ào, vội vã nhưng tự sâu trong lòng lại luôn khao khát “một tình yêu tươi xanh như ông bà anh”. Chính số lượt yêu thích và lượt bình chọn cho “Ông bà anh” đã nói lên điều đó từ chính các bạn trẻ, những người vừa đưa ra ý kiến đồng ý sống thử.

Người ta có thể ăn thử, mặc thử chứ chẳng có ai sống thử, chết thử. Dùng từ sống thử với các cặp “góp gạo thổi cơm chung” có lẽ xuất phát từ sự nghèo nàn về ngôn ngữ hoặc từ suy nghĩ tạm thời của không ít người. Sống là trọn vẹn, thử thì không bao giờ là thật, không phải thử để lấy kinh nghiệm như thử áo, không vừa thì chọn cái khác, thử sẽ không bao giờ cố gắng để đón nhận, để hòa hợp vì luôn mang trong đầu tư tưởng: hợp thì chung mà không hợp thì tan. Vậy nên chỉ một chuyện nhỏ cũng đủ làm cho kết thúc “khúc dạo đầu”.

Đời sống gia đình là một hàng trình đòi hỏi sự tương hỗ của cả hai vợ chồng, vậy mà chỉ đưa ra vài cái “thử” để trắc nghiệm xem có hợp với nhau để gắn bó trong hôn nhân thì quả là một điều đáng tiếc. Em còn nhớ câu nói của người yêu của em khi cả hai cùng nhìn đến tương lai, anh nói: “Nếu thử trước rồi thì đến ngày cưới chúng ta sẽ có gì cho nhau ngoài việc người ta tự tổ chức tiệc linh đình và bắt đôi ta đứng chụp hình với họ?”

Cuộc sống là vô vàn chọn lựa để đi đến hạnh phúc. Chắc chắn, ai cũng đang cũng đang khao khát tìm hạnh phúc, chỉ có điều là chọn đường đi như thế nào. Giáo Hội Công Giáo mời gọi bạn trẻ nhìn về đời sống hôn nhân bằng vẻ đẹp tuyệt vời của nó hơn là nhìn đến “chuyện đó” bằng những lệnh cấm của Giáo Hội, để rồi từ hai góc nhìn khác nhau vô tình đã tạo ra những ranh giới hoàn toàn khác nhau nếu không muốn nói là đối nghịch nhau.

Em viết đến đây thôi, chị em mình cùng suy nghĩ, cùng nhìn lại và cùng mời gọi các bạn trẻ khám phá và gìn giữ những gì là cao qúy là đẹp nhất.

Thân mến!

 

Maria Nguyễn Hòa

[1] https://thanhnien.vn/gioi-tre/song-thu-thiet-than-436793.html

Kiểm tra tương tự

Ai tín: Ông cố Phê-rô Nguyễn Duệ, thân phụ linh mục Phê-rô Nguyễn Xuân Anh, SJ

Anh em Dòng Tên Việt Nam Tỉnh Dòng Phanxicô Xaviê xin kính báo:      …

Dám dìm sâu với Chúa | Suy tư TM CN lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa năm C

  Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa DÁM DÌM SÂU …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *